Chung lòng đất mẹ

Thứ Ba, 26/04/2016, 11:27
Tháng 4 năm ngoái, trên kênh CNN của Mỹ phát sóng bộ phim "Last days in Vietnam" (Những ngày cuối cùng ở Việt Nam). Bộ phim phản ánh lại những hình ảnh của quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4-1975. 


Năm nay, bộ phim này được một số đài chiếu lại và tiếp tục thu hút người xem. Cuộc chiến đã lùi xa hơn 4 thập kỷ, những người lính ở hai bên chiến tuyến đã có cách nhìn khác trước và mang tính thiện chí, hướng theo dòng chảy thời đại. Với những người Việt ra đi sau năm 1975, tinh thần hướng quốc, chung lòng đất mẹ là cội nguồn giúp từng bước xóa bỏ những định kiến, hận thù…

Tác giả Hà An, một người Việt di cư sang Mỹ sau năm 1975, viết từ Washington DC: “Tôi có may mắn được đi nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều kiều bào khi có dịp đến. Ở đâu tôi cũng thấy cộng đồng Việt kiều cần mẫn, say mê kinh doanh, học tập và phấn đấu vươn lên, đã có nhiều người thành đạt trên những nẻo đường xa xứ. 

Mặc dù xa cách về thời gian, không gian nhưng trong lòng họ luôn hướng về quê hương xứ sở. Đó là những kiều bào, chủ tiệm ăn ở thành phố Frankfurt (Đức), quán cà phê ở Paris (Pháp), cửa hàng tạp hoá hay tiệm hớt tóc ở Copenhaghen (Đan Mạch)...

Từ phòng làm việc đến cửa hàng ăn, họ thường treo vài bức tranh trên tường, khi là hình ảnh tháp Rùa - Hà Nội, lúc là chợ Bến Thành hay vịnh Hạ Long... Còn nhiều lắm những nẻo đường xa xứ tôi đã qua và những kiều bào ta ở nước ngoài tôi đã gặp.

Hôm nay, trên mảnh đất Washington DC, khi hoa anh đào đang khoác lên tả ngạn dòng sông Potomac, quanh hồ Tidal basin, khu tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln và công viên bên ngoài toà nhà Quốc hội Hoa Kỳ một màu sắc rực rỡ, là lúc tôi đang ngồi đây viết và nhớ lại những con người, những ký ức của họ hơn 40 năm trước”.

Theo ông, cuộc chiến lùi xa nhưng di chứng và vết thương của cuộc chiến tranh chưa lành hẳn trong lòng nước Mỹ, kể cả một số cựu binh Mỹ hay một số kiều bào ta trước kia ở bên kia chiến tuyến. Thỉnh thoảng người ta vẫn gặp những người cựu binh Mỹ mang tấm biển "homeless" (vô gia cư) trên tấm thân gầy yếu, đứng ở các góc đường để xin tiền khách qua lại. 

Có một số cựu binh Mỹ ông gặp và trò chuyện như Philip, vẫn hóm hỉnh chìa vết thương ở chân cho xem. Philip bị thương ở Phan Thiết năm 1967, nay đã ngoài 70 tuổi, mỗi lần gặp nhau đều cười đôn hậu và chào "Hello, VC!" (tức là xin chào Việt cộng).

Cựu binh Mỹ này nói ông rất khâm phục người Việt Nam, những năm ấy ông biết miền Nam Việt Nam rất nghèo nhưng người dân cần cù lao động, rất dũng cảm. Chính Philip tham gia vào cuộc chiến nhưng cũng không hiểu tại sao mình lại sang mảnh đất này để cầm súng chống lại những người dân mộc mạc, hiền lành nơi đây.

“Qua nhiều lần gặp và những câu chuyện, tôi và ông đã trở nên thân tình. Ông giới thiệu một số bạn bè ông trước đây đã từng tham chiến ở Việt Nam đến nói chuyện với tôi về ký ức ngày ấy” – tác giả Hà An kể.

Nhắc đến Việt Nam, ông Christopher - từng tham gia trận Phú Bài ở Huế năm 1968 kể rằng, đó là một kỷ niệm buồn. Khi trở về Mỹ, ông đã nói rằng, họ - nước Mỹ - không thể thắng được trong cuộc chiến này bởi vì đất nước ấy, con người ấy (Việt Nam) quá yêu đất nước và kiên cường để giữ gìn quê hương và người Mỹ không có quyền gì để bắn giết họ. 

“Còn nhiều câu chuyện về những cựu binh Mỹ sau chiến tranh Việt Nam như vậy. Chiến tranh đã lùi xa, quá khứ dần khép lại với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong lòng, nhưng tôi nhận thấy ở bao con người nơi đây không hận thù hay mặc cảm vì quá khứ. Cũng như nhân dân Việt Nam chúng ta, bao hy sinh mất mát của chiến tranh nhưng gác lại nỗi đau đó để vẫn niềm nở chào đón những người Mỹ đến đầu tư, kinh doanh hay du lịch... tất cả đều bao dung và luôn rộng mở tấm lòng vì tương lai phía trước”  - Việt kiều Hà An nhận xét.

Đoàn kiều bào về thăm quần đảo Trường Sa.

30-4 đã là ngày đại lễ của cộng đồng người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu, ngày đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh vệ quốc, cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và các thế lực phản động, tay sai, đưa giang sơn thu về một mối. Bản chất cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam là sự thật lịch sử. Sau hơn 40 năm, Việt - Mỹ từ hai bên chiến tuyến, từ đối đầu, đối súng đã trở thành đối tác, bình thường hóa quan hệ từ 1995 và tới nay đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện.

Những người Việt di cư sau 1975 tới Hoa Kỳ hay trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, đến vùng miền nào trên thế giới, sự ra đi của họ có thể vì các lý do khác nhau song lòng ái quốc, tình cảm dân tộc, đất mẹ luôn là nền tảng, cội rễ sâu bền.

“Quê tôi là da, là thịt, là bàn tay, khối óc, tấm lòng, là tất cả đã sinh đẻ ra tôi, và dù có xa quê hương mấy chục năm trời, đầu óc có loáng thoáng cái văn hoá nước ngoài, da thịt có lẫn lộn với rượu vang, bánh mỳ, pho mát đi nữa, tôi vẫn là tôi. Về lại quê hương đất đai cây cối và con người, bầy chim, đàn cá đều nhìn nhận ra tôi và cao hãnh tìm lại được người thân. Có lẽ trên đời này chưa có gì là thực là hay như chim bay về tổ, cá lội về nguồn” - họa sĩ Lê Bá Đảng, một người Việt rời quê hương từ trước Cách mạng Tháng Tám, tới nay có hơn 70 năm cư nghiệp khắp năm châu bốn bể đã dành những lời tự đáy lòng như vậy khi nói về quê hương đất mẹ.

Sống trọn cuộc đời nơi xa xứ nhưng tự đáy lòng ông, đất mẹ luôn là nguồn cội không chỉ trong tình cảm đời thường mà còn là niềm cảm hứng vô tận trong đời sống sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ.

Và đây là tâm sự của một đại diện thế hệ 8x, những người sinh ra sau chiến tranh - chị Ngô Thị Minh Thùy - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Stanford, Hoa Kỳ, người ba lần đạt giải Best Poster và Best Talk trong những hội nghị chuyên ngành vào năm 2009 và 2014: “Tôi cũng biết đến một số anh chị đi trước và bạn bè cùng trang lứa người Việt đang thành đạt ở nước ngoài nhưng vẫn có nhiều đóng góp cho đất nước. Ví dụ như doanh nhân thì có thể mở chi nhánh công ty ở Việt Nam, những kỹ sư, giáo sư thì có thể làm cầu nối tri thức… Tôi nghĩ, sống ở đâu cũng có thể cống hiến cho quê hương và mỗi người đóng góp theo những cách khác nhau”.

Ngày hội thống nhất non sông, Nam Bắc một nhà.

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 26-3-2004 xác định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.

Do đó, một trong những chủ trương được Đảng ta khẳng định rõ trong Nghị quyết này là: “Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính toàn diện, cơ bản và lâu dài, thể hiện tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác kiều bào và là kim chỉ nam cho hành động của cả hệ thống chính trị. 

Đặc biệt, thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, chúng ta đã chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả với những người còn có định kiến, mặc cảm với Nhà nước và chế độ, tạo điều kiện để những người đã phục vụ trong chế độ cũ, những người hoạt động tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật, xã hội… có tinh thần dân tộc được trở về quê hương. Gần đây, chúng ta đã có bước đột phá trong tiếp xúc, đấu tranh trực diện với các đối tượng chống đối và tổ chức cho nhiều người trong số này về nước.

Đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, mỗi người chúng ta nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Với những ai vẫn còn nuôi hận thù, định kiến, đã đến lúc cần soi rọi chính dòng máu quê hương đất mẹ của mình và dòng chảy thời cuộc để có cách nghĩ và hành động đúng đắn.

Xin nhắc lại câu nói của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp gỡ với kiều bào tại quận Cam nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 6-2007): “Chúng ta nghĩ Tổ quốc là cái gì xa xôi, nhưng Quốc văn giáo khoa thư nói rằng, đó là những gì gần gũi nhất... Tôi mong bà con của mình, hãy vì quê hương đất nước, gác bỏ những khác biệt của mình, hãy đoàn kết lại, cùng nhau xây dựng Mẹ hiền Việt Nam, đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường”.

Chủ tịch nước đề nghị, nếu ai đó còn ngần ngại, còn có bất đồng, chúng ta hãy nói với các bạn ấy rằng mẹ hiền Việt Nam lúc nào cũng dang rộng cánh tay đón nhận tất cả những người con của mình về với Tổ quốc. Không có lý do gì, sự bất đồng gì ngăn cản sự đoàn kết, thống nhất quốc gia trong sự nghiệp phát triển, xây dựng đất nước của chúng ta.

An Nhi
.
.