Chúa chổm châu Âu

Thứ Sáu, 09/12/2011, 14:06
Cuộc khủng hoảng nợ công, bắt đầu từ hai năm trước, đang lan ngày một rộng trong khu vực đồng euro (Eurozone). Quá mù ra mưa, mọi sự đã trở nên nghiêm trọng đến mức đe dọa sự tồn tại của dự án lớn nhất trong khu vực là đồng tiền chung euro. Không những thế, tình trạng nợ như chúa Chổm còn gây nên những cơn sóng thần dữ tợn trên chính trường nhiều quốc gia thuộc Eurozone, làm đảo điên nhiều nội các.

Bần hàn sinh đảo lộn

Chính vì thế nên trong hơn hai năm qua đã có hàng loạt nội các bị sụp đổ do những dư chấn từ phản ứng động đất nợ công dây chuyền. Nạn nhân đầu tiên trong cơn bĩ cực này là nguyên Thủ tướng Ireland, ông Brian Cowen. Lên lãnh đạo nội các Ireland từ ngày 7/5/2008, ông Cowen đã không thể làm gì để ngăn cản đà suy giảm của GDP và tốc độ gia tăng chóng mặt của nợ công.

Do vậy, năm 2010, Ireland đã phải “tay bị tay gậy” trước Liên minh châu Âu (EU) và  Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ở thế yếu, ông Cowen đã không có cách gì để thương lượng về những điều khoản thanh toán tốt hơn liên quan tới những gói cứu trợ quốc tế dành cho Dublin. Việc này đã làm ông mất uy tín nghiêm trọng nên đã phải từ chức Thủ tướng vào tháng 3/2011…

Cũng trong tháng 3/2011 (ngày 23), ông Jose Socrates, lúc đó là Thủ tướng Bồ Đào Nha, cũng  đã phải đệ đơn từ chức lên Tổng thống  sau khi quốc hội nước này bác bỏ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” lần thứ tư của ông trong vòng một năm. Cho tới nay, tình hình Bồ Đào Nha vẫn còn rất nhiều căng thẳng.

Mới đây nhất, ngày 24/11/2011 đã bùng ổ cuộc bãi công 24 giờ toàn quốc do hai công đoàn lớn nhất nước, tập hợp hơn một triệu người lao động, phối hợp tổ chức để phản đối các biện pháp khắc khổ kinh tế. Trong hạ tuần tháng 11 này ở Lisbon, quốc hội sẽ phải bỏ phiếu về kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách như EU và IMF đòi hỏi để đổi lấy sự giúp đỡ trị giá 78 tỉ euro. Chính phủ Bồ Đào Nha đang muốn tiến hành những cắt giảm đáng kể trong toàn bộ khu vực hành chính công, kể cả ngành y tế và thậm chí cả trong các lực lượng vũ trang…

Người rơi vào thế kẹt tiếp theo là nguyên Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero. Ngày 26/9/2011, ông Zapatero đã phải tuyên bố giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn vì uy tín của  nội các do ông lãnh đạo đã bị suy giảm mạnh trong xã hội sau khi bị phê phán là không có phản ứng nhanh chóng trước các tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế tài chính.

Và trong cuộc bầu cử ngày 20/11, đảng Xã hội của ông Zapatero đã bị thất bại thê thảm và bị coi là nặng nề nhất trong lịch sử trước phe đối lập là đảng Nhân dân (PP) theo đường lối trung hữu. Nền kinh tế trong thế chuẩn bị phá sản và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 21,5% là những gì mà đảng Xã hội để lại sau 7 năm cầm quyền liên tục.

Trong tình thế đó, vị Thủ tướng mới là thủ lĩnh PP Mariano Rajoy có lẽ cũng khó có thể vui mừng dù đã giành được chính quyền về tay. Sự thực là trong những ngày qua, trên thị trường tài chính Tây Ban Nha hầu như chưa xuất hiện những dấu hiệu khởi sắc mặc dù chính phủ mới đã cam kết sẽ thực hiện các biện pháp kinh tế khắc khổ để vực dậy nền kinh tế…

Nhìn chung, hầu hết các nước bị đánh giá là những nền kinh tế ngoại vi ở châu Âu (PIIGS, bao gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha) hiện đều trong tình trạng nguy ngập. Đang trong tình trạng bi kịch trầm trọng nhất có lẽ là Hy Lạp. Tới cuối tháng 9/2011, nợ công của Hy Lạp đã tăng tới 360,38 tỉ euro, tức là bằng 165,3% GDP.

Khoảng gần 276 tỉ euro từ tổng số nợ công là các trái phiếu nhà nước, số còn lại là các khoản tín dụng mà EU và IMF đã cấp cho Athens và từ các nguồn khác. Tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức 18,4%. Theo thỏa thuận đạt được với EU tháng 10/2011, Hy Lạp được nhận 100 tỷ euro tiền cho vay từ Eurozone, được xóa nợ tổng cộng 100 tỷ euro và được nhận các cam kết cho vay trị giá 30 tỷ euro từ các chính phủ thành viên khu vực.

Đổi lại, Athens phải siết chặt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” không hề được dân chúng ủng hộ chút nào. Và cả châu Âu đã bị điên đảo cách đây vài tuần khi ông George Papandreou, khi đó là Thủ tướng Hy Lạp, tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về gói cứu trợ  của khu vực đồng euro với kết quả hoàn toàn có thể tiên liệu được.

Do sức ép quốc tế nên ông Papandreou đã phải hủy bỏ dự định này nhưng rồi cũng không thể trụ lại được trên ghế lãnh đạo nội các. Và ông đã phải chính thức từ chức tối 9/11, mở đường cho việc đàm phán thành lập một chính phủ mới trên cơ sở liên minh của nhiều chính đảng do ông Lucas Papademos làm Thủ tướng. Chính phủ mới sẽ phải giải quyết những nhiệm vụ nặng nề là chạy đua với thời gian để cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ vỡ nợ và khả năng phải rút khỏi Eurozone.

Để có thể đạt được mục tiêu đó, trước hết chính phủ phải thuyết phục được sự ủng hộ của người dân Hy Lạp đối với kế hoạch kinh tế khắc khổ nhằm đáp ứng những điều kiện của các nhà tài trợ là EU và IMF, vốn là nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ các cuộc biểu tình trên đường phố và bất ổn chính trị. Và cũng chính bất ổn chính trị đó đã khiến EU ngừng cấp các khoản vay cho Athens.

Thực sự Hy Lạp hiện nay đang đứng sát cạnh bờ vực vỡ nợ vì theo lời một quan chức cao cấp ở Athens tiết lộ ngày 23/11/2011, tiền trong ngân khố quốc gia chỉ còn đủ chi dùng trong khoảng 20 ngày tiếp theo và nếu trong tháng 12, Hy Lạp không nhận được những sự hà hơi tiếp sức mới từ phía EU thì chính phủ nước này sẽ phải tuyên bố không thanh toán được đúng hạn đối với các trái phiếu trị giá tới 2,8 tỉ euro và không thể trả lương cho các viên chức và lương hưu…

Trong khi đó tâm lý xã hội ở Hy Lạp rất phức tạp và căng thẳng vì không đồng tình với những đòi hỏi của EU. Tổ chức công đoàn lớn nhất nước dự định ngày 1/12/2011 sẽ tiến hành một cuộc bãi công toàn quốc kéo dài 24 giờ để phản đối những biện pháp tiết kiệm ngân sách. Đây sẽ là cuộc bãi công đầu tiên kể từ khi ông Papadimos lên nhậm chức Thủ tướng.

Trong khi đó, khó khăn sẽ ngày một gia tăng đối với chính phủ Hy Lạp. Năm 2012 sẽ là thời hạn thanh toán trái phiếu nhà nước của Hy Lạp trị giá 39,7 tỉ euro. Trong 5 năm từ 2012 tới 2016, Athens còn phải trả cho các nhà cung cấp tín dụng khoảng 182,8 tỉ euro…

Mặc dù khủng hoảng kinh tế không là nguyên nhân chính nhưng cũng đã đóng vai trò rất nghiêm trọng trong việc Italia phải chia tay với vị Thủ tướng mà nhiều người dân coi là một chú hề, ông Silvio Berlusconi. Ngày 13/11, ông Berlusconi đã phải đệ đơn từ chức, nhường chỗ cho nhà kỹ trị đồng hương Mario Monti.

Ngay trong những bài phát biểu đầu tiên khi nhậm chức, Thủ tướng Monti  đã buộc phải cảnh báo người dân Italia về những sự hy sinh nhiều hơn cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng nợ công. Đồng thời, ông Monti kêu gọi các nhà đầu tư kiên nhẫn…

Họa chẳng trừ ai

Không chỉ các nước PIIGS gặp nạn mà ngay cả khu vực vốn được coi là thịnh vượng và ưu việt là khu vực Bắc Âu hiện cũng đang gặp khó khăn và vì thế, cũng phải chấp nhận những đảo lộn trên chính trường. Tại Phần Lan chẳng hạn, Liên minh bảo thủ - dân chủ xã hội lên thay các đối thủ trung dung. Tại Đan Mạch, quốc gia không thuộc Eurozone nhưng cũng không tránh khỏi cảnh “cháy thành vạ lây” từ các nước láng giềng...

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế và tiền tệ Olli Rehn mới đây đã phải lên tiếng cảnh báo rằng, không nên ảo tưởng về triển vọng kinh tế châu Âu. Theo ông Rehn, không thể có cách gì khác để thoát hiểm ngoài việc áp đặt các chính tế kinh tế khắc khổ vì đây là phương hướng đúng duy nhất để có thể giúp vực dậy các nền kinh tế đang khó khăn trong khu vực. Ông Rehn khẳng định, cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay đang lan tới trung tâm Eurozone.

Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay ở Eurozone, đang có ít nhất bốn chính phủ nữa đang lung lay và được dự đoán sẽ bị thay thế trong thời gian tới, gồm Slovakia, Slovenia, Đức và Pháp. Không ngẫu nhiên mà ngày 21/11/2011, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đã đưa ra một cảnh báo rất không vui đối với nền kinh tế lớn thứ hai trong Eurozone là Pháp.

Paris hiện đang phải đối mặt với khoản nợ công ngày một tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế đang suy giảm. Cũng theo Moody’s, thị trường trái phiếu ở Pháp đang ngày càng bất ổn và vì thế, khiến mức xếp hạng tín dụng “AAA” hiện thời mà chính phủ nước này đang nỗ lực duy trì, có thể bị hạ xuống mức thấp hơn…Ngay trên “hòn đảo sương mù”, một nền kinh tế không thuộc Eurozone, tình hình cũng đang không khả quan.

Ngày 21/11/2011, phát biểu tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), Thủ tướng Anh David Cameron đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại về những khó khăn trong kiểm soát nợ công ở Anh. Các chuyên gia đều cho rằng, nền kinh tế Anh sẽ phục hồi chậm hơn so với những cuộc suy thoái trước, bởi vì lần này từ các hộ gia đình, chính phủ và các ngân hàng đều bị ảnh hưởng

Nguyễn Hữu Huy
.
.