Trước những sự vụ quốc tế, hai “ông lớn” Mỹ - Nga:

Chưa chịu nhường nhau

Thứ Bảy, 26/12/2015, 10:58
Nhiều quan điểm gần đây cho rằng, hai nhà lãnh đạo Barack Obama và Vladimir Putin nên bắt tay hợp tác với nhau, thành lập “Ủy ban Mỹ - Nga” mới mong giải quyết được những sự vụ quốc tế. 

Theo giới phân tích, nếu như Nga và Mỹ “chịu nhường nhau” để có chung quan điểm về vấn đề xung đột Syria thì đây sẽ là hướng đi vô cùng quan trọng để chấm dứt cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay đối với các nước châu Âu. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn bởi từ trước đến nay dường như chưa bao giờ Mỹ và Nga “thật lòng” với nhau. Moscow luôn cho rằng, tất cả mọi điều Washington làm đều nhằm chống Nga. Ngược lại, Mỹ luôn coi Nga là đối thủ lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Khả năng Nga và Mỹ sẽ thành lập được một liên minh để cùng nhau bắt tay giải quyết các xung đột dường như là điều không tưởng. Những động thái gần đây trên chiến trường Syria đã khiến Nga - Mỹ, vốn đã bất đồng, nay lại càng thêm nhiều cáo buộc lẫn nhau. 

Về quan điểm, Tổng thống Putin dường như ủng hộ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, coi đây là nhân tố quan trọng trong tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, Tổng thống Obama lại cần sự ra đi của ông Assad và thay thế bởi một chính quyền mới.

Khó “đồng tâm” vì một chính khách

Có vẻ như, mọi chuyện đang theo diễn biến xấu đi sau khi Nga chính thức tiến hành chiến dịch không kích trên lãnh thổ Syria. Tổng thống Obama cho rằng Nga đã sai lầm, khiến tình hình thêm căng thẳng. Trong khi đó, ông Putin vẫn im lặng và tiếp tục hành động mạnh tay, thậm chí còn nhận được những sự tin tưởng của một số nước Trung Đông. 

Trong vấn đề Syria, Nga và Mỹ luôn bất đồng về vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Obama không tin sự cầm quyền của Assad có thể giúp ổn định tình hình ở Syria, luôn chủ trương đòi Tổng thống Assad phải ra đi. Trong khi đó, ông Putin nói rằng thế giới cần phải ủng hộ Bashar al-Assad bởi quân đội của nhà lãnh đạo này là cơ hội tốt nhất để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tổng thống Obama gọi Tổng thống Assad là “bạo chúa”, và lên án việc một số nước ủng hộ chính quyền Syria, trong đó có Nga. Ông thậm chí chỉ trích ông Putin và ông Assad, nói rằng hành động của họ đã “coi thường các quy tắc quốc tế và khiến đất nước họ đi thụt lùi”.

Tổng thống Putin coi Tổng thống Syria Bashar al-Assad là nhân tố quan trọng trong tiến trình hòa bình, còn Tổng thống Obama muốn thay thế ông Assad bằng một chính quyền mới.

Ở bên kia chiến tuyến, ông Putin lại nói rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông, lên án các hành động của Mỹ ở Trung Đông là vi phạm hiến chương Liên Hiệp Quốc và chỉ trích các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Moscow. Nhà lãnh đạo Nga bảo vệ ông Assad, và nói rằng đây là lựa chọn duy nhất để đánh bại IS. Ông thậm chí còn khơi lửa giả thuyết âm mưu, cho rằng IS “được lập ra như một công cụ chống lại các chế độ thế tục không như ai đó mong muốn”.

Là hai người đứng đầu của hai cường quốc, Obama - Putin đang cạnh tranh vị thế trên trường quốc tế, khi cả hai đều không chịu để đối phương giữ vai trò lãnh đạo và vẫn ra sức thúc đẩy tầm ảnh hưởng của mình, thông qua các chính sách đối ngoại cũng như các hành động trên thực tế. Mối quan hệ Obama - Putin đang bị thử thách bởi những rắc rối quân sự và chính trị tại Trung Đông. Một viễn cảnh bắt tay giải quyết vấn đề xung đột Syria rất khó thành hiện thực khi mà cả Nga và Mỹ luôn quan tâm đến việc bảo vệ các lợi ích chiến lược tại đây, thay vì ưu tiên giải quyết nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu.

Nhiều nhà phân tích nhận định, ông chủ Điện Kremlin đang từng bước đưa Nga quay lại bàn cờ lớn của thế giới, vươn ảnh hưởng của mình ra phạm vi toàn cầu. Ông Putin muốn tận dụng sự thành công trong chiến dịch không kích vào các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria để dư luận không chú ý đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay của Nga. 

Trong chính sách đối ngoại của mình tại Trung Đông, nhà lãnh đạo Nga đang đặt cược vào chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, và sẽ bảo vệ chế độ này tới cùng. Ngoài ra, Nga hầu như đã kết nối được với trục Hồi giáo dòng Shiite ở Trung Đông (gồm Iran, Iraq, Syria và lực lượng Hezbollah) để chống lại lực lượng Hồi giáo dòng Sunni (gồm các nước ở khu vực vịnh Persic và phần lãnh thổ Iraq, Syria do IS kiểm soát).

Đối với Tổng thống Obama, chính sách đối ngoại mà Mỹ đang theo đuổi ở Trung Đông hiện nay đã được đúc rút từ những chiến dịch can thiệp quân sự vào Afghanistan, Iraq, Libya và từ sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận trong nước. Ông chủ Nhà Trắng hướng đến đảm bảo các lợi ích quốc gia quan trọng nhất của Mỹ, trước hết là đảm bảo an ninh cho Israel khi ngăn chặn các đòn tấn công hạt nhân từ phía Iran thông qua hiệp ước về chương trình hạt nhân Iran (mùa hè năm 2014). Mỹ đang tỏ ra thận trọng và kiềm chế hơn nhiều ở Trung Đông. 

Ông Obama khẳng định, sẽ cần tới một thỏa thuận để kết thúc cuộc xung đột tại Syria và tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, việc chuyển giao quyền lực chính trị và loại trừ Bashar al-Assad là không thể tránh khỏi.

Yêu cầu hợp tác song phương

Có ý kiến cho rằng, cần phải thành lập một ủy ban hợp tác Mỹ - Nga tầm cỡ nguyên thủ quốc gia, theo hình thức “Obama - Putin”, để họ có thể “trên cùng một chiến tuyến” thảo luận về các vấn đề an ninh quốc gia của hai nước và của cộng đồng quốc tế nói chung. Thế nhưng, điều này có vẻ chưa khả thi ở thời điểm hiện tại. Năm 2014, thế giới từng chứng kiến bầu không khí vô cùng căng thẳng giữa hai cường quốc Nga - Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Các vụ tấn công khủng bố vừa qua đang đặt ra yêu cầu bức thiết về sự hợp tác giữa các nước phương Tây (đặc biệt là Mỹ) và Nga để chống lại IS.

Sau khi Tổng thống Putin quyết định sáp nhập bán đảo Crimea, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích và áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Chưa dừng lại ở đó, Mỹ còn cáo buộc Nga hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, gây ra cuộc xung đột mà đến nay vẫn là một trong những điểm nóng trên chính trường quốc tế.

Các diễn biến quân sự gần đây cho thấy, Mỹ đang chuyển hướng sang đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Iraq nhằm tạo thêm đối trọng với Nga trong cuộc chiến chống IS. Tổng thống Obama nêu rõ, Mỹ mong muốn hỗ trợ quân đội Iraq với các năng lực bổ sung nhằm giúp họ hoàn thành “nhiệm vụ quan trọng”. 

Có thể thấy rằng, Washington muốn cải thiện mối quan hệ với Iraq thông qua việc tăng cường nhân lực và vũ khí cho nước này chống IS. Các chuyên gia cho rằng, động thái này của ông chủ Nhà Trắng là hoàn toàn dễ hiểu bởi lẽ những sa lầy trên chiến trường Syria và sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Moscow tại khu vực này khiến Washington muốn tìm kiếm thêm những đồng minh thân cận.

Tuy nhiên, nếu muốn đạt được lợi ích nào đó ở Iraq thì ông Obama phải đối mặt với chính Tổng thống Putin. Từ lâu, giữa Moscow và Bagdad đã duy trì và xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp. Bất chấp những lời hứa hẹn và đề nghị từ Nhà Trắng, Iraq vẫn quyết tâm đề nghị chính quyền Putin tham gia hoạt động không kích IS trên lãnh thổ nước này. 

Không những thế, ông Putin thời gian qua cũng ưu tiên dành những hỗ trợ đặc biệt cho chính quyền Bagdad, nhất là về vũ khí. Thực tế thì sau khi sát nhập bán đảo Crimea và bị các nước cấm vận, chính quyền Tổng thống Putin cũng tích cực tìm kiếm thêm những đồng minh ủng hộ các kế hoạch của mình. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với Iraq chính là mục tiêu mà Moscow hướng đến trong thời gian qua.

Hiện nay, sự gắn bó Nga - Mỹ đang ở mức tương đối thấp. Trong chiến lược quân sự quốc gia 2015, ông Obama không ngần ngại nêu tên Nga là mối đe dọa chính đối với an ninh của Mỹ. Trái lại, học thuyết quân sự mới của Nga chỉ rõ sự mở rộng phạm vi hoạt động của khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu về phía biên giới của Nga là mối đe dọa chính từ bên ngoài đối với an ninh Nga.

Nhìn chung, bên cạnh những vấn đề mang tính hợp tác, Nga - Mỹ hiện nay đang có những bất đồng khiến cho mối quan hệ này vẫn chưa thể thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, các vụ tấn công khủng bố vừa qua tại Paris đang đặt ra yêu cầu bức thiết về sự hợp tác giữa các nước phương Tây (đặc biệt là Mỹ) và Nga để chống lại IS.

Ông Obama và người đồng cấp Putin đều ý thức được rằng, IS là kẻ thù nguy hiểm phải bị ngăn chặn, đồng thời muốn chứng kiến Trung Đông bình ổn trở lại, cũng như Iraq giành lại được các vùng bị IS chiếm mất để tiến tới hòa bình và ổn định. Nhưng bất chấp một số mục tiêu có vẻ chung đó thì những bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo vẫn rất sâu sắc, gay gắt và nguy hiểm. Nếu sau cùng Obama và Putin hợp tác với nhau, thì chắc chắn một trong hai người phải nhượng bộ…

Việt Dũng
.
.