Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G8 tại L'Aquila (Italia):

Chống khủng hoảng trong dư chấn động đất

Thứ Ba, 21/07/2009, 15:33
Không biết đó có phải là những điềm mang tính biểu tượng không nhưng ngay trước khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G8 tại L'Aquila (Italia) vài ngày, tại đây đã xảy ra động đất. Những dư chấn động đất vẫn còn rơi rớt cả trong thời gian Hội nghị G8-2009 diễn ra.

Các nhà lãnh đạo các nước thành viên G8 cũng như các nước khách mời đã phải quên đi sức ép của thiên tai để cùng nhau thảo luận những vấn đề quan trọng bậc nhất đối với một thế giới đang phải chịu nhiều thách thức vì khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa khủng bố và những biến đổi khí hậu trái đất hôm nay.

Giản dị bất đắc dĩ

Hội nghị Thượng đỉnh G8 năm nay ở L'Aquila, với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống LB Nga Dmitri Medvedev, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Gordon Brown, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi và Thủ tướng Canada Stephen Harper, có thể được gọi là cuộc gặp chống khủng hoảng - một cuộc gặp quốc tế cấp cao diễn ra trong những điều kiện tùng tiệm nhất trên khu vực lãnh thổ vừa trải qua một trận động đất đáng kể mấy ngày trước đó.

Các nhà lãnh đạo G8, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico, Nam Phi và Ai Cập tại L'Aquila.

Các nhà lãnh đạo quốc gia đã phải cùng nhau ở chung trong những doanh trại của Trường Cận vệ Tài chính. Tổng thống Nga Dmitri Medvedev chẳng hạn, đã phải ở chung một doanh trại với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ông Sarkozy cùng đoàn tuỳ tùng ở trên tầng một và tầng hai, còn ông Medvedev cùng đoàn tuỳ tùng ở trên tầng ba và tầng bốn.

Căn hộ dành cho Tổng thống Nga, cũng như dành cho các nhà lãnh đạo khác của G8 chỉ có hai phòng với những tiện nghi tối thiểu và vật dụng sang trọng duy nhất ở đó là cái máy lạnh, rất cần thiết khi nhiệt độ tại L'Aquila những ngày đầu tháng 7/2009 luôn trên dưới 30 độ C.

Trong mỗi một ngôi nhà đều đặt một máy đo độ rung của động đất. Lực lượng cứu hộ của Italia trong những ngày diễn ra các cuộc họp G8 đã thường xuyên được đặt trong tình trạng báo động. Chính phủ Italia còn cẩn thận soạn thảo cả một kế hoạch sơ tán các nhà lãnh đạo G8 về Rome trong trường hợp xảy ra những trận động đất mới ở L'Aquila. May thay, những ngày qua ở đó chỉ có những cơn dư chấn nhẹ mà chỉ có máy móc mới cảm nhận được...

Các nhà báo tới L'Aquila làm nhiệm vụ chuyên môn còn phải sống trong những điều kiện kham khổ hơn nhiều. Mỗi ngày họ phải mất thời gian đi và về vào khoảng 3-4h dưới ánh nắng chói chang của miền Địa Trung Hải mùa hè. Các nhà báo được xếp ở trong khách sạn Chieti press village ở làng Chieti. Những điều kiện sinh hoạt ở đó buộc các nhà báo phải nhớ rằng, hiện nay thế giới đang bị chìm trong khủng hoảng và  khu vực L'Aquila của Ialia vẫn chưa được hồi phục sau những thiệt hại vì động đất.

Một số nhà báo Nga tới Chieti vào lúc nửa đêm đã phải nhận những cái chìa khóa không làm sao mở được cửa phòng. Trong phòng chỉ có một cái giường con, một tủ đầu giường và một tủ đựng y phục. Không có tủ lạnh, không có máy thu hình, không có máy lạnh, thậm chí không có cả mắc treo quần áo.

Theo ý tưởng của ban tổ chức, không nên để bất cứ vật dụng gì thừa làm xao lãng sự chú ý của các phóng viên khỏi những nội dung chính của Hội nghị Thượng đỉnh G8 (!?). Từ Chieti tới nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G8, các nhà báo được chở bằng xe buýt, cứ nửa tiếng có một chuyến...

Riêng chung khó xử

Nói một cách thẳng thắn, thế giới không trông đợi gì nhiều vào Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G8) ở L'Aquila (Italia) năm nay. Đang tồn tại quá nhiều vấn đề mà cách nhìn của các nước rất khác nhau. Hơn nữa, theo cách tổ chức, Hội nghị Thượng đỉnh G8 là nơi chủ yếu để mọi người cùng phát biểu ý kiến nên rất khó đạt được những quyết định thực sự có hiệu quả chung...

Theo chứng nhận của các nhà báo có mặt ở L'Aquila, phần lớn các nguyên thủ quốc gia đi tới nơi họp trên những cỗ xe điện thường được sử dụng trong các trận chơi golf. Một số người, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev... thì lại cuốc bộ từ nơi ở sang nơi diễn ra cuộc họp.

Cuộc gặp đầu tiên ngày 8/7 đã khai mạc muộn 10 phút vì Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tới muộn mặc dù đã bắt xe điện phóng rất nhanh. Khi ông Sarkozy bước vào phòng họp thì các nhà lãnh đạo khác đã có mặt ở đó và đang "giết" thời gian bằng cách xem các tập album về cảnh vật ở L'Aquila trước và sau khi xảy ra động đất. Ông Berlusconi ra đón ông Sarkozy, sau khi ôm chào thân mật đã chỉ tay vào đồng hồ rồi sau đó, cứ giữ Tổng thống Pháp ở gần mình cho đến khi phiên họp bắt đầu...

Ngày thứ hai là ngày họp mở rộng thành phần. Thoạt tiên, Hội nghị Thượng đỉnh G14, bao gồm các nước G8, "Nhóm 5 nước" (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Nam Phi) và Ai Cập, thảo luận các vấn đề về những nguồn lực tăng trưởng kinh tế mới. Tiếp theo là cái gọi là "Diễn đàn của các nền kinh tế chủ đạo", bao gồm G8, "Nhóm 5 nước", Australia, Indonesia và Hàn Quốc. Diễn đàn xem xét những vấn đề liên quan tới thương mại (với sự tham gia của lãnh đạo Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO) và các vấn đề khí hậu (với sự tham gia của LHQ và Đan Mạch).

Ngày 10/7 họp lãnh đạo G-8, lãnh đạo các nước chủ đạo trên "lục địa Đen và đại diện LHQ, IMF, WB... Chủ đề chính là châu Phi. Kết thúc là cuộc họp chung các nhà lãnh đạo đã được mời tới L'Aquila...

Lãnh đạo nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G-8), Thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi, tỏ ra hài lòng với kết quả đã đạt được tại L'Aquila. Ông đã thông báo trong cuộc họp báo ngày 9/7/2009 về những chủ đề đã ít nhiều đạt được những thỏa thuận trong Hội nghị Thượng đỉnh G-8 năm nay: kiểm soát khí thải cácbon, thúc đẩy để kết thúc các vòng đàm phán Doha vào năm 2010 và mở rộng khuôn khổ G8 thành G14...

Ông Berlusconi cũng thông báo về quyết định xây dựng "một hệ thống toàn cầu mới kiểm soát sử dụng khí cácbon". Cũng theo ông Berlusconi, lãnh đạo các quốc gia công nghiệp phát triển có mặt tại L'Aquila lần này cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng hoàn toàn góp phần vào cuộc đấu tranh chống những thay đổi khí hậu.

"Sau những cuộc gặp gỡ hôm nay, chúng ta có thể lạc quan hơn nhiều khi nhìn vào cuộc gặp sẽ được tổ chức vào cuối năm nay tại Copenhaghen, vì đã có những tín hiệu từ Trung Quốc và Ấn Độ tích cực  đến mức chúng tôi cũng đã phải ngạc nhiên", - ông Berlusconi nhấn mạnh.

Về cuộc khủng hoảng kinh tế đang tiếp diễn, ông Berlusconi nhận xét rằng, tất cả đều đang cố gắng làm việc để thoát ra khỏi nó một cách nhanh nhất. Tại Hội nghị G8 ở L'Aquila đã thông qua quyết định để nâng mức viện trợ cho các nước đang phát triển lên tới 20 tỉ USD và chuyển số tiền đó cho những tổ chức cụ thể...

Các nhà lãnh đạo G8 đã thỏa thuận tới năm 2050 giảm lượng khí thải khoảng 80% so với trước đó để làm giảm hiệu ứng nhà kính. Thủ tướng Anh Brown gọi đó là "thành tựu lịch sử". "Lần đầu tiên G8 đã đưa ra được những quyết định quan trọng sẽ làm thay đổi cách tiếp cận của chúng ta đối với chính sách năng lượng trong tương lai, ông Gordon  Brown nhấn mạnh - Lần đầu tiên chúng ta đã thống nhất được với nhau những biện pháp để không xảy ra việc nhiệt độ trên trái đất tăng thêm 2 độ nữa".

Các nước G8 cũng đạt được thỏa thuận sẽ tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh về an ninh hạt nhân vào năm 2010 tại Mỹ...

Theo một nhà ngoại giao Italia, trong Hội nghị Thượng đỉnh G8 đã không có những điều kiện cần thiết để các thành viên cùng đưa ra một quan điểm chung về Iran. Moskva chống lại bất cứ một hành động nào can thiệp vào công việc nội bộ của Tehran.

Nới rộng sân chơi

Theo Thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi, khuôn khổ G8 hiện nay không còn thích hợp với hoàn cảnh thế giới nữa và khuôn khổ G14, bao gồm các nước G8 cộng với "Nhóm 5 nước" cùng Ai Cập, với phiên họp đã diễn ra ngày 9/7 cũng tại L'Aquila, đang ngày càng phát huy tác dụng vì đại diện cho khoảng 80% nền kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng, trong thời gian tới khuôn khổ các cuộc gặp quốc tế ở tầm cỡ thượng đỉnh cũng nên có những thay đổi vì hiện nay đang tổ chức quá nhiều các hội nghị chính trị và "lãnh đạo các nước phát triển không thể cứ ba tháng gặp nhau một lần cho tới khi khủng hoảng kinh tế kết thúc". Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã phát biểu ý kiến tương tự

Phan Long
.
.