Chính trị khu vực và “yếu tố Duterte”

Thứ Hai, 26/09/2016, 10:17
Ngày 10-9-2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói: “Tôi không phải là người hâm mộ Mỹ… Trong các mối quan hệ với thế giới, Philippines sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập”.

Ông Duterte cũng yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Mindanao và ra lệnh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Delfin Lorenzana mua vũ khí Nga và Trung Quốc. “Chúng ta không cần chiến đấu cơ F-16. Chẳng ích lợi gì cả” – Duterte nói. Liệu ông Duterte có thật sự “bỏ Mỹ, theo Trung” hay không?

Tại sao Duterte ghét Mỹ?

Cây bút Andrew Browne đã miêu tả chính xác bản tính Rodrigo Duterte khi viết rằng Duterte đã “ném một quả lựu đạn vào chiến lược Trung Quốc của Washington” (Wall Street Journal, 7-9-2016). 

Tại sao Duterte ghét Mỹ? Theo New York Times (13-5-2016), khi được phỏng vấn vào năm 2015 (trước khi tuyên bố tranh cử tổng thống), Duterte thừa nhận rằng ông thù ghét Mỹ từ một sự kiện xảy ra nhiều năm trước, liên quan đến một người Mỹ tên là Michael Terrence Meiring.

Trú tại một khách sạn, Meiring luôn dặn nhân viên dọn phòng không được sờ vào chiếc hộp kim loại của mình. Ngày 16-5-2002, chiếc hộp phát nổ, khiến Meiring bị thương nặng. Ba ngày sau, Meiring biến mất. Viên chức Philippines kể rằng nhiều nhân chứng thấy nhân viên FBI đưa Meiring đi trong đêm và phóng ra phi trường bay trốn mất dạng.

Duterte nói rằng Chính phủ Mỹ đã giúp nghi phạm đào thoát bất chấp luật pháp sở tại. Ông cũng nghi Meiring thật ra là điệp viên Mỹ. Năm 2013, Duterte, với tư cách thị trưởng Davao, đã bác bỏ đề nghị Mỹ đưa máy bay không người lái đến phi trường Davao cũng vì vụ Meiring.

Theo các báo cáo chính thức, Tòa đại sứ Mỹ tại Philippines cho biết, đúng là nhân viên FBI đã đến khách sạn Evergreen để điều tra vụ nổ nhưng FBI “không có bất kỳ vai trò nào trong việc giúp Meiring rời khỏi Philippines”.

Như báo chí Philippines tường thuật, Meiring đến thành phố Davao trên đảo Mindanao và thường thuê căn phòng quen thuộc ở khách sạn Evergreen. Tự xưng là người chuyên săn lùng kho báu mà lính Nhật cất giấu thời Thế chiến thứ hai, Meiring thủ trong túi một căn cước đặc biệt có thể đi lại dễ dàng vào khu vực thuộc kiểm soát của lực lượng Hồi giáo ly khai.

Đó là thời điểm Chính phủ Philippines dính vào cuộc chiến vũ trang đẫm máu với thành phần ly khai. Trong một sự kiện, một quả bom đã giết chết 15 người tại thành phố General Santos, cách Nam Davao khoảng 144 km…

Khi được cảnh sát sở tại thẩm vấn lần đầu tiên về vụ nổ, Meiring khai rằng kẻ nào đó đã ném lựu đạn vào phòng mình. Tuy nhiên, cảnh sát Philippines tìm được bằng chứng cho thấy nguyên nhân của vụ nổ chính là thuốc nổ trong chiếc hộp kim loại của đương sự. Meiring bị thương nặng, được đưa đến bệnh viện và bị cưa một chân.

Dù vết thương nặng, Meiring vẫn được đưa khỏi bệnh viện để lên máy bay rời Davao đến Manila rồi đi khỏi Philippines. Ông chủ bệnh viện thuật thêm rằng, sở dĩ ông đồng ý cho Meiring xuất viện dù vết thương nặng vì các viên chức Mỹ hứa cấp visa lao động cho con gái ông.

Ông Duterte không thể vừa tát vào mặt Mỹ vừa yêu cầu Mỹ giúp mình đấm vào mặt Trung Quốc!

Trở về Mỹ, Meiring không bao giờ nói về cuộc săn lùng kho báu bất thành. Năm 2012, Meiring chết, 76 tuổi. Trong khi đó, không ít đồn đãi tin rằng Meiring là CIA và chính là nhân vật bí mật liên quan đến loạt đánh bom tại Mindanao. Để làm gì? Đó là cách mà Mỹ dùng để thuyết phục Chính phủ Philippines thấy được sự cần thiết hiện diện quân sự của Mỹ.

Cách giải thích này, dù không đủ chứng cứ với lập luận theo kiểu thuyết âm mưu, vẫn được không ít người Philippines tin. Trong đó có Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, một cựu viên chức Mỹ, người không biết các chi tiết trong vụ Meiring, nói rằng điệp viên nhà nghề Mỹ chẳng bao giờ giấu thuốc nổ trong phòng thuê khách sạn vì điều đó vi phạm nguyên tắc bảo mật căn bản của CIA.

Duterte chơi trò đu dây?

Thái độ “hòa hoãn” của ông Duterte với Trung Quốc không phải mới. Tháng 4-2016, với tư cách thị trưởng Davao, Duterte nói rằng ông sẵn sàng “im miệng” về vấn đề tranh chấp biển đảo với Trung Quốc nếu đắc cử tổng thống, với điều kiện Trung Quốc giúp xây các cơ sở hạ tầng.

“Nếu Trung Quốc xây cho tôi một tuyến hỏa xa quanh Mindanao, làm cho tôi xe lửa từ Manila đến Bicol, xây cho tôi tuyến đường sắt đến Batangas, trong 6 năm tôi làm tổng thống, tôi sẽ im miệng (về vụ biển đảo”) – Duterte phát biểu.

Ngày 16-5-2016, một tháng rưỡi trước khi nhậm chức tổng thống, trong cuộc gặp đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua) tại Davao, Duterte cũng làm Bắc Kinh nhẹ nhõm: “Nếu con tàu đàm phán vẫn còn ở ngoài khơi và không có gió để đẩy cánh buồm, tôi sẽ có thể quyết định đàm phán song phương với Trung Quốc”.

Thượng tuần tháng 9-2016, Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos G. Dominguez III cùng đại sứ Triệu Giám Hoa cũng có cuộc gặp. Hai bên đồng ý thúc đẩy hợp tác mậu dịch nông nghiệp, hải quan, tài chính và du lịch - Manila Bulletin (5-9-2016) cho biết. Đại sứ Triệu nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư nhiều dự án hạ tầng trong kế hoạch phát triển của Chính phủ Duterte.

Bên lề cuộc họp ASEAN tại Lào, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) cũng nhấn mạnh, cả hai nước đã chia sẻ “hàng ngàn năm quan hệ tốt đẹp”. Có vẻ như Manila đã thật sự muốn “tách toa” khỏi Mỹ để móc vào đầu tàu Trung Quốc?

Không hẳn. Cuối tháng 8-2016, trong buổi nói chuyện tại một trại lính, ông Duterte lại nói: “Họ (Trung Quốc) tốt hơn nên nhận biết rõ họ muốn gì. Vì muốn hay không, phán quyết PCA sẽ được nhấn mạnh không chỉ bởi người Philippines mà còn tất cả các nước Đông Nam Á… Tôi cam đoan với họ (Trung Quốc) rằng, nếu các anh bước vào đây (vùng biển tranh chấp), sẽ có đổ máu và chúng ta sẽ không để họ giành lấy dễ dàng. Sẽ có xương của những người lính chúng ta và thậm chí xương của tôi” (South China Morning Post, 24-8-2016).

Quan sát các động thái đối ngoại cũng như những phát biểu “hỗn loạn” về Mỹ và Trung Quốc của Duterte có thể khiến hoang mang. Một số chuyên gia cho rằng, Duterte thật ra chỉ đánh “đòn gió”, rằng Duterte đang chọc tức Mỹ để Washington buộc phải “cưng chiều” Philippines nhiều hơn trong khi những lời hoa mỹ dành cho Trung Quốc chỉ là kỹ thuật của trò chơi xảo ngữ chính trị. 

Nói cách khác, Duterte lợi dụng vị trí đồng minh trong chính sách tái cân bằng của Mỹ tại sân khấu Thái Bình Dương, mà Mỹ không thể bỏ được, cốt để “vòi” Mỹ được nhiều “quà” hơn.

Mỹ đã cung cấp 441 triệu USD cho quỹ an ninh của Philippines từ năm 2002 đến 2013, theo tổ chức nghiên cứu chính trị Rand Corp. Chỉ trong năm nay, 2016, khoản viện trợ quân sự Mỹ dành cho Philippines đã là 120 triệu USD. Mỹ là nước giúp Philippines nhiều nhất sau thảm họa bão Haiyan năm 2013.

Trong thực tế, dư luận Philippines luôn ủng hộ Mỹ. Cuộc thăm dò tháng 6-2016 của dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng Social Weather Stations (Philippines) cho biết có đến 72% người Philippines có cảm tình với Mỹ trong khi “niềm tin” dành cho Trung Quốc là -24%.

Oh Ei-sun thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nhận định: “Những gì ông Duterte đang làm là “đánh Mỹ” bằng lá bài Trung Quốc và ngược lại, với hy vọng giành được phần lợi lớn nhất cho Philippines”.

Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), Chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia về biển Nam Trung Hoa (theo cách gọi Trung Quốc), cũng cho rằng Duterte đang “nắn gân” Mỹ cốt đạt lợi ích lớn hơn, chủ yếu là vấn đề vũ khí. Ngô Sĩ Tồn chỉ ra: Hiệp ước quốc phòng hỗ tương giữa Mỹ và Philippines là tài liệu pháp lý được chuẩn y bởi Tối cao pháp viện Philippines, cho nên, một vài câu nói linh tinh của Duterte không thể cản trở hợp tác quốc phòng hai nước.

Hơn nữa, chẳng lẽ Philippines mua vũ khí Trung Quốc để đánh Trung Quốc? Lẽ nào Trung Quốc bán vũ khí cho quốc gia sẽ “bắn” lại họ?

Có phải Duterte chứng tỏ ông thật sự lọc lõi về đòn phép chính trị và biết cách “đánh Mỹ” để buộc Washington nhân nhượng nhằm mang lại lợi ích lẫn sức mạnh để Manila cuối cùng có thể đánh vào kẻ thù thật sự là Trung Quốc?

Bằng động thái và lời nói, Duterte thật ra chỉ cho thấy ông không phải là chính khách sắc bén về đối ngoại, nếu không nói là ấu trĩ về ngoại giao. Duterte không thể vừa tát vào mặt Mỹ vừa yêu cầu Mỹ giúp mình đấm vào mặt Trung Quốc. Ông không đủ bản lĩnh để làm điều đó. Những gì Duterte đang làm chỉ dẫn đến mức độ rủi ro ngày càng cao trong việc phá hỏng quan hệ với Mỹ vốn được thiết kế trên nền tảng an ninh quốc gia.

Angelica Mangahas (Phó Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Albert del Rosario tại Manila) nói: Các mối quan hệ bạn bè quốc tế trên tinh thần xây dựng ở cấp độ chính trị sẽ bôi trơn cho bánh xe liên minh. Những gì Duterte đang làm không phải là “bôi trơn”. Ông đang thọc gậy vào chính bánh xe đối ngoại của Philippines.

“Đây là một chiến lược đầy rủi ro và nguy hiểm”, dẫn đến việc Mỹ phải tìm kiếm đồng minh khác và làm cho quan hệ quân đội hai nước gặp trở ngại – nhận xét của chuyên gia biển Đông Ian Storey thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore).

Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes IV, người mà Duterte cáo buộc đã “bán” Scarborough cho Trung Quốc, nói rằng Duterte có thể bị truy tố và truất phế tổng thống bởi Quốc hội nếu ông nhân nhượng Trung Quốc về vấn đề chủ quyền.

Và bất luận Duterte nói nhăng cuội gì về việc “đuổi Mỹ”, Thiếu tướng Restituto Padilla, phát ngôn viên quân đội Philippines, vẫn khẳng định: “Chúng tôi cam kết với người dân và các đồng minh rằng quan hệ quốc phòng Mỹ - Philippines vẫn vững như bàn thạch. Các hoạt động được lên lịch cho năm nay sẽ không bị gián đoạn. Các kế hoạch tư vấn tác chiến cho năm 2017 và sau đó vẫn theo đúng lộ trình”.

Trung Quốc liệu có tin Duterte không? “Với tính cách bốc đồng, dù ông ấy xổ vào ai, cũng thật khó cho ông ấy được sử dụng bởi bất kỳ bên thứ ba nào. Về lâu dài, khó có thể dễ dàng cho Trung Quốc quan hệ với ông ấy” - tờ Hoàn Cầu thời báo viết.

Khó có thể biết Bắc Kinh đang “tính” gì với lá bài Duterte nhưng chính sách đu dây của Duterte, dù có hay không, cũng đang khiến các đồng minh khác của Mỹ phải dè dặt hơn trong quan hệ với Manila. Quan hệ không thể được xây dựng nếu không có niềm tin. Niềm tin không được xây dựng trong quan hệ chỉ có thể dẫn đến cô lập và cô độc. Hơn nữa, không xác định được kẻ thù thật sự sẽ luôn là bi kịch đối với bất kỳ quốc gia nào.

Mạnh Kim
.
.