Chính quy hóa Công an xã

Thứ Ba, 25/09/2018, 13:00
Theo Bộ Công an, khi bố trí công an xã chính quy, công an xã sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Công an nhân dân và các quy định của pháp luật chuyên ngành về an ninh, trật tự. 


Lâu nay, khi nói đến công an xã, người ta thường hình dung những anh nông dân, công nhân đổi nghề sang thử sức ở lĩnh vực mới có chút gọi là người của xã, họ cũng có thể là cán bộ nghỉ hưu nhưng vẫn còn sức khỏe hay bộ đội xuất ngũ, tận dụng những gì đã rèn giũa được trong thời quân ngũ... 

Với bộ quần áo đồng phục nhưng cũng na ná như dân phòng, dân phố, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, công việc như trông con mọn mà hiểm nguy cũng khó ai sánh bằng. Ba đồng phụ cấp gọi là, có nơi còn trả bằng thóc gạo thay tiền, cái nghề cắm chốt ở trụ sở UBND xã còn thiếu đi quá nhiều thứ để thay đổi vị trí, ý nghĩ người đời. 

Nhưng, than phiền thì đã tự xưa, nay là lúc phải thay đổi... Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định vấn đề này trong dự án Luật Công an nhân dân.

Đây là câu chuyện đầy trăn trở ở Đồng Tháp: 13 năm trước, ngày 31-1-2005, trong lúc tuần tra kiểm soát giao thông, Công an xã Thường Phước 2 phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Minh vi phạm Luật Giao thông đường bộ trong khi điều khiển xe máy nên mời về trụ sở làm việc, tạm giữ phương tiện. 

Đến cuối giờ chiều ngày hôm sau, khi đã uống rượu ngà ngà, Minh đến công an xã kiếm cớ gây sự, lớn tiếng lăng mạ, xúc phạm công an. Nhận được thông tin, đồng chí Nguyễn Chí Cường, Trưởng Công an xã ra khuyên can nhưng Minh bất chấp, xông vào tấn công. Không để cho đối tượng tiếp tục làm mất ANTT nơi cơ quan làm việc, đồng chí Cường cùng 2 công an viên tiến hành khống chế đối tượng. 

Tuy nhiên, trong khi công an viên ngăn cản bằng tay không thì Minh đã bất ngờ rút dao đâm vào mạng sườn anh Cường. Được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, anh đã tử vong sau đó... Hoàn cảnh của gia đình anh Cường rất  khó khăn, sự ra đi đột ngột khiến vợ con anh khốn đốn.

Thượng tá Nguyễn Văn Mong, Phó Trưởng Phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị công nhận liệt sỹ đối với đồng chí Cường nhưng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) trả lời “hành động của đồng chí Cường chưa phải là dũng cảm, đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội...”. 

Vấn đề công an xã đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5.  Ảnh: Quochoi.vn.

Quan niệm “chưa dũng cảm” khiến 13 năm qua, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ của anh vẫn bỏ ngỏ.

Trường hợp của anh Nguyễn Chí Cường chỉ là một trong nhiều hồ sơ công an xã còn bị gác lại vì giữa Bộ LĐ-TB&XH chưa thống nhất với Bộ Công an trong việc đề nghị công nhận liệt sĩ mà lý do chủ yếu vẫn là “chưa dũng cảm”.

Vấn đề này cũng đặt ra cách hiểu đúng, đầy đủ hơn của khái niệm “dũng cảm” đối với các lực lượng tham gia đấu tranh giữ gìn trật tự trị an. Công an xã khi giải quyết các vụ việc an ninh, trật tự, họ có thứ gì phòng thân ngoài cái mũ cối, bàn tay? Nếu tóm được dao nhọn, đao kiếm của đối tượng, khống chế kẻ ác, họ được gì ngoài lời khen “dũng cảm” của người dân? 

Ngược lại, chẳng may bị kẻ ác đâm chết, người dân nhỏ nước mắt xót thương, vợ con lận đận gõ cửa bao cơ quan chức năng nhưng chế độ cho người đã mất vì giữ gìn an ninh, trật tự cho bà con vẫn tắc bao cửa ải. Chả thế mà lâu nay, cái nghề công an xã khiến nhiều người hỏi: “thế thực sự, anh là ai”?

Theo Pháp lệnh Công an xã năm 2008, công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của CAND, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. 

Công an xã có chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, UBND cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật. Công an xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của UBND cùng cấp và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của công an cấp trên.

Hiện công an xã được bố trí tại các xã, gọi là ban công an xã do một trưởng công an xã đứng đầu, ngoài ra còn có phó trưởng công an xã và các công an viên được bố trí theo thôn, bản, buôn, ấp...

Thực tế hiện nay, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn chủ yếu do lực lượng công an xã đảm nhiệm. Đây là địa bàn rộng lớn và tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các vụ việc khiếu kiện, xung đột xã hội liên quan đến đất đai, quản lý, thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội. 

Quá trình đô thị hóa tăng nhanh, thu hồi đất, dẫn đến một bộ phận nhân dân không có việc làm, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ, cho vay nặng lãi, bảo kê... là nguyên nhân gián tiếp làm phát sinh các loại tội phạm hình sự. 

Theo số liệu thống kê, trong các năm từ 2011 - 2015, toàn quốc đã xảy ra 247.359 vụ phạm pháp hình sự; trong đó, ở địa bàn nông thôn xảy ra 131.734 vụ phạm pháp hình sự, chiếm 53,25%. Nổi lên là các tội giết người, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ, mua bán người, tội phạm về ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... 

Những con số đó cho thấy, tội phạm chủ yếu nảy sinh từ cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở thì huyện, thành phố, tỉnh, Trung ương sẽ được giảm tải, cũng như hạn chế được tỷ lệ phạm pháp hình sự chung trong toàn quốc.

Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã xác định nội dung bố trí lực lượng công an xã chính quy và đây cũng là nội dung trong dự thảo Luật Công an nhân dân sửa đổi.

Thực tiễn đặt trách nhiệm nặng nề hơn đối với lực lượng công an xã, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ cũng như bảo đảm các điều kiện hoạt động. 

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chế độ, chính sách và bảo đảm các điều kiện hoạt động đối với công an xã bán chuyên trách còn chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ mà lực lượng này đang thực hiện, đã có hàng ngàn phó trưởng công an xã và công an viên xin nghỉ việc vì chế độ phụ cấp hằng tháng quá thấp, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt của bản thân và gia đình. 

Tăng cường công an chính quy về xã giúp củng cố sức mạnh giữ gìn an ninh, trật tự tại cơ sở.

Theo hồ sơ dự án luật cho thấy, trong nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Công an đã có nhiều mô hình bố trí lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn xã. Tuy nhiên, các mô hình này đều chưa đáp ứng được tốt nhất yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn xã. 

Kinh nghiệm qua sơ kết triển khai thực hiện bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã tại 828 xã ở 38 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy, tuy có một số hạn chế nhưng có thể khắc phục được và đây là mô hình có hiệu quả nhất; công tác tham mưu, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn xã được nâng cao, góp phần ổn định tình hình và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Theo Bộ Công an, khi bố trí công an xã chính quy, công an xã sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Công an nhân dân và các quy định của pháp luật chuyên ngành về an ninh, trật tự. 

Vì vậy, phải điều chỉnh Luật Công an nhân dân, Luật Cán bộ, Công chức quy định về công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, có phương án bố trí công tác khác cho 9.339 trưởng công an xã hiện nay (là công chức cấp xã) phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn, sở trường của từng người. 

Việc bố trí công an chính quy về xã không làm tăng biên chế vì số này được điều động trong số cán bộ, chiến sĩ CAND hiện hành.

Hiện nay, ở địa bàn cơ sở (xã, phường, thị trấn) ngoài lực lượng công an phường, công an thị trấn, công an xã, còn có nhiều mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, như: đội dân phòng, tổ hòa giải, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp... Khi bố trí công an xã là công an chính quy, sẽ tiếp tục huy động lực lượng công an viên hiện nay và các tổ chức này tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, ấp, bản, làng... 

Theo đó, lực lượng công an viên hiện nay ở xã và lực lượng bảo vệ dân phố ở phường sẽ là lực lượng chủ yếu hỗ trợ công an phường, công an xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở đang được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng chưa có một quy định thống nhất. 

Vì vậy, để huy động bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách hiện nay và các tổ chức quần chúng khác tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự, cần thiết phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chung về tổ chức và hoạt động của các lực lượng này (có thể đề xuất Quốc hội cho xây dựng dự án Luật Lực lượng trị an cơ sở).

Bố trí công an xã chính quy thì khi đó trưởng công an xã (có tiêu chuẩn cán bộ tương đương trưởng công an phường) nếu được cơ cấu tham gia ban thường vụ đảng ủy xã (tương tự như đồng chí trưởng công an phường cơ cấu vào ban thường vụ đảng ủy phường) sẽ bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công an xã, đồng thời, vị trí, vai trò của công an xã được nâng lên (hiện trưởng công an xã là công chức cấp xã chỉ được cơ cấu tham gia ban chấp hành).

An Nhi
.
.