Chim chuột phen này… vồ lấy cống
Do cụ Đồ có cô con gái sắc nước hương trời, văn hay chữ tốt, sau này làm thơ, làm báo lấy bút danh Sương Nguyệt Anh nên dù vợ con đùm đề nhưng y vẫn thường lui tới “nói dơi nói chuột”, thả dê tán tỉnh đặng giở trò chim chuột. Ghét quá, để đuổi khéo, cô con gái liền nhanh trí nói:
- Ba ơi! Đoạn văn ngày hôm qua ba dạy cho con, con đã thuộc rồi. Nay con đọc lại cho ba nghen!
Cụ Đồ Chiểu lúc này đã bị mù, nghe con gái nói, cụ gật đầu. Cô liền thong thả đọc:
- Giận là giận trộm đồ bàn Phật, trốn án mà xưng vương; căm là căm cắn sách kẻ nho, đành lòng mà phá đạo.
Ngao ngán bấy cái thân chuột thối, biết ngày nào ô thước phanh thây; nực cười thay cái bụng chuột tham, uống bao thuở sông Hoàng Hà cạn ráo.
Những câu sắc bén trong bài “Hịch đánh chuột” của cụ Đồ Chiểu như làn roi quất vào mặt tên háo sắc dù cúi đầu làm mọi cho Tây, nhưng lúc nào y cũng hợm hĩnh, vênh váo, ức hiếp dân đen. Nghe chửi xéo như thế, y nhăn nhó “mặt như chuột kẹp” lẳng lặng cút nhanh một mạch. Có thể nói “Hịch đánh chuột” là một trong những áng văn nổi tiếng đã… lôi con chuột ra nện nhừ tử:
Gọi danh hiệu: chuột xạ, chuột lắt, chuột xù, chuột cống, anh em dòng họ nhiều tên;
Tra quán chỉ: ở nhà, ở ruộng, ở rạch, ở ngòi, bậu bạn non sông lắm lối.
Thật ra nói chuột là ám chỉ người đó thôi. Mà con chuột nó ra làm sao? “Vè săn chuột” ở Quảng Nam miêu tả:
Chuột cống, chuột hôi
Lục trách, lục nồi
Lại thêm chuột nhắt
Moi hang, khoét đất
Cắn nát ống tre
Ai ai cũng ghê
Xưng rằng ông tí…
Thành ngữ có câu Cháy nhà ra mặt chuột - nhằm chỉ là do có sự cố nào đó mà những gì che giấu dưới hình thức tốt đẹp, nay mới phô bày ra sự thật trơ trẽn, xấu xa. Nhà thơ Nguyễn Đôn Dư (1908-?) bèn vịnh sự tẽn tò này, có câu:
Rường cột rã rời phơi mặt địa,
Cống, chù quay quắt chổng hàm râu.
Tai bay vạ gió đà ra rứa,
Chĩnh nếp nhìn vô đã sạch làu.
Thế đấy, câu thơ cuối mới chua chát làm sao. Ngoài chuyện căm ghét loài chuột, dân gian còn mượn lấy hình ảnh của nó để bàn chuyện đời. Ta có thể liệt kê, chẳng hạn chê trách những kẻ làm việc dại dột, ngốc nghếch, ai đời lại đi giúp kẻ từng hại mình: Chuột cắn dây buộc mèo; chọc kẻ thù, dễ mang họa vào thân: Chuột gặm chân mèo; giả nhân giả nghĩa, che giấu bản chất xấu xa bằng hào nhoáng bề ngoài: Chuột đội vỏ trứng; mỉa mai kẻ khố rách làm rể nhà giàu nứt đố đổ vách: Chuột sa hũ nếp/ Chuột sa chĩnh gạo/ Chuột sa lọ mỡ; lâm vào thế cùng ngặt, khó lòng xoay xở: Chuột chạy cùng sào/ Chuột chạy đầu sào; đã xấu xa lại còn lên mặt dạy đời: Chuột chù đeo đạc, lại làm bộ tài cán, tốt đẹp: Chuột chù lại có xạ hương; ở đời, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, kẻ tinh quái cỡ nào cũng có người trị: Chuột khôn có mèo hay v.v …
Lại có kẻ đã không ra gì nhưng khoái đua đòi, bắt chước không phải lối, trở nên lố bịch, kệch cỡm: Voi đú, chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng; đã ấm ớ, hiểu biết chỉ ù ù cạc cạc nhưng lại tỏ ra thành thạo: Chuột chù nếm dấm; có kẻ tuyên bố to tát, hoành tráng nọ kia nhưng cuối cùng chẳng có gì đáng kể: Đầu voi đuôi chuột; làm gì thì làm, quậy đâu thì quậy cũng phải nên kiêng nể láng giềng, nơi mình ở: Chuột phải kiêng cửa lỗ; đã từng dọc ngang, ngang dọc hiên ngang nhưng cuối cùng lại rơi vào tình huống éo le lãng xẹt:
Đi cùng bốn bể chỉn chu
Trở về xó bếp chuột chù gặm chân.
Hoặc kén chọn vô lối, cực kỳ rởm đời:
Chuột chê xó bếp chẳng ăn
Chó chê nhà dột ra nằm bụi tre.
Một trong những bức tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam, nhiều người vẫn còn nhớ đến, vẫn thích ngắm nhìn là bức “Đám cưới chuột”, còn có tên gọi “Trạng chuột vinh quy”. Có lẽ đây bức vẽ họ hàng nhà chuột sinh động nhất mà cũng ẩn ý tinh quái nhất nhằm châm biếm về tệ nạn đút lót, nhận hối lộ ngày xưa. Dù đỗ trạng nhưng rồi chuột cũng phải cống cho mèo.
Cống là từ Hán Việt, ta hiểu là dâng nộp, thường dùng để chỉ nước nhỏ đem sản vật dâng nộp cho nước lớn mà mình thần phục. Chỉ sản vật thôi ư? Không, có khi còn cả người nữa, chẳng hạn, câu thơ Lục Vân Tiên cho biết:
Nguyệt Nga nàng ấy nên người
Lựa ngày tháng chín, hai mươi cống Hồ.
Ảnh: L.G |
Thế nhưng, cống còn đồng âm với cống là công trình đặt ngầm dưới nền đường là dùng ống bằng sắt hoặc đúc bằng xi măng để thoát nước. Vậy, lâu nay, có loại chuột do sinh sống, kiếm ăn dưới cống/ cống rãnh nên ta gọi chuột cống? Đúng thế. Có nhiều loại chuột to chà bá, bự bành ky sống ở ngoài rộng đồng, chuyên phá hoại mùa màng cũng gọi “cống” như cống lang có sắc lông mốc mốc, cống nhum lông đen mướt… Cũng là cống, chẳng hạn, thơ “Vịnh con mèo” của Hồ Xuân Hương có câu:
Chí quyết phen này vồ lấy cống,
Rồi lên đài các sẽ nghêu ngao.
Với từ “vồ” trong câu thơ này, lập tức ta liên tưởng tới hành động chộp lấy rất nhanh, do sự việc diễn ra bất ngờ, không đề phòng, cảnh giác nên con mồi thường “dính chấu” là cái chắc. “Vồ”, rõ ràng chỉ động từ chỉ hành động, thú thật, đôi lúc tôi phân vân ở trên đời này có… “con vồ” hay không? Bằng chứng là trong chèo “Một trận cười” (1925) của trùm chèo Nguyễn Đình Nghị, có câu hát ví: “Này, tôi trách cái thân tôi như thời vận cái con vồ, người vợ hư, phá tan hết cơ đồ như không, tôi khác gì như cái thằng ở không công, (ấy) sểnh đàn bà quạnh bếp, sểnh đàn ông quạnh nhà”. Con vồ là con gì? Đã thế, lại còn có con bú dù, con tườu nữa kia đấy.
Trở lại câu thơ “Chí quyết phen này vồ lấy cống” rồi “sẽ nghêu ngao”. Với từ “nghêu ngao” ai cũng biết ám chỉ… con mèo, vì rằng:
Mèo rình bồ lúa vênh râu
Thấy con chuột chạy, ngóc đầu…kêu ngao.
Vậy, con mèo này “vồ lấy cống” là cống nào vừa nêu trên, hiểu theo nghĩa là vật cống nạp, hay… cống rãnh? Xin thưa, cống này là cống đã từng xuất hiện trong thơ Tú Xương:
Nào có nghĩa gì cái chữ nho
Ông nghè, ông cống cũng nằm co.
Thế nào là ông cống? Lược khảo và tra cứu về học chế, quan chế ở Việt Nam từ 1945 trở về trước (NXB Văn Hóa - 1991) của Lê Trọng Ngoạn, Ngô Văn Ban, Nguyễn Công Lý cho biết, “Cống cử: Chọn người tài năng cho triều đình để ra làm quan; người được tiến cử như cống sinh; một phép thi. Cống sĩ: Người dự thi kỳ thi Hương. Cống sinh: Người học trò giỏi các tỉnh xét hạch lấy đậu, cấp lương ăn học để chuẩn bị thi;” (tr.94). Tuy nhiên, về “cống sĩ”, theo “Từ điển Bách khoa Việt Nam” (1995), “Việt Nam tự điển” (1931) lại giải thích, “Cống sĩ là người đã thi đỗ Hương cống đi thi Hội”, chứ không phải thi Hương như tài liệu trên. Về sau, triều Nguyễn không gọi Hương cống như triều Lê trở về trước, dùng danh xưng Cử nhân.
Câu thơ của Hồ Xuân Hương, ta có thể hiểu, nếu là mèo thì vồ lấy chuột mà phải chuột cống mới đã nư, chứ loại chuột lắt/ chuột nhắt chả bõ dính răng; nếu là người thì vồ lấy cỡ ông cống, chứ loại “i tờ ít” chữ nghĩa không đầy lá mít không xứng với tài năng/ khả năng của mình. Nghĩ cho cùng, thơ “Vịnh con mèo” nhưng thật ra dùng ám chỉ về người đấy thôi. Mà, ông cống thời đó thiệt oách xà lách:
Nhà này toi chó toi gà
Năm ba ông cống ghé nhà ngày mưa.
Ối dào, “Khách đến nhà không gà thì vịt” nhưng gặp phải ngày mưa tháng gió, họ trú lại tù tì dăm ba ngày nửa tháng thì dễ thôi, cứ tìm cách đuổi khéo à? Không dễ đâu, khách là ông cống có danh có phận thì khó nói lắm cơ… Ăn thế này, người ta gọi là ăn báo cô, ý bảo như người ta có bổn phận phải nuôi mình, dù họ chỉ muốn đuổi quách cho khuất mắt.
Đã nói đến chuột, người ta lại nhớ đến chim, đó là “chim chuột”, ý muốn nói trai gái ve vãn, tán tỉnh, lén lút quan hệ vụng trộm, không chính đáng. Tại sao lại có chuyện tréo ngoe, nếu xét về mặt sinh học? Theo nhà nghiên cứu An Chi nguyên cớ bắt đầu từ một địa danh trên đất Trung Hoa là Điểu Thử Đồng Huyệt (Chim chuột cùng hang), gọi tắt Điểu Thử (chim chuột) - tên một ngọn núi thuộc dãy Tây Lĩnh (Cam Túc). Sở dĩ có tên này là do người dân địa phương quan sát có giống chim, giống chuột y chang loài chim và loài chuột cùng chung sống.
Rắc rối là lúc Khổng An Quốc - cháu 12 đời của Khổng Tử giải thích Điểu Thử Đồng Huyệt như sau: “Chim (và) chuột cùng nhau làm (con) trống, (con) mái cùng chung hang sống ở núi này, (vì vậy) mới gọi tên núi là Chim Chuột…”. Học giả An Chi kết luận: “Bậc quyền uy này đã giảng rằng “điểu thử đồng huyệt” là chuyện trống mái giữa chim và chuột thì việc nhà nho Việt Nam dịch hai tiếng “điểu thử” thành “chim chuột” để chỉ chuyện tán tỉnh, ve vãn giữa trai gái cũng là điều rất tự nhiên” (“Chuyện Đông chuyện Tây”, T.1, NXB Trẻ - 2005, tr.79).
Giải thích này liệu có hợp lý? Bởi vì rằng, “chim chuột” hiểu theo nghĩa này, chỉ xuất hiện về sau, chứ trước đó ít ra vào đầu thế kỷ XX vẫn hàm ý: “Tiếng nói cho đứa hay láo xược hay kiếm chuyện làm cho sinh sự bất hòa” (“Đại Nam quấc âm tự vị”, 1895). Hơn nữa, không chỉ “chim chuột” mà người ta còn dùng “mèo chuột” để chỉ “Quan hệ trai gái bất chính: Giở trò mèo chuột giữa ban ngày” (“Đại từ điển tiếng Việt”, 1999); “mèo chuột/ mèo chó” là: “Mèo chuột và mèo mỡ, việc trai gái, nhân tình: Còn nhỏ mà mèo chó lộn xộn” (“Việt Nam tự điển”, 1971). Ngoài ra, còn có cả “làm dơi làm chuột” cũng hàm nghĩa tương tự.
Rõ ràng, chuyện này, hoàn toàn không là “độc quyền” của “chim chuột” theo tích trên.