Chiến tranh và hòa bình

Thứ Tư, 24/09/2014, 14:30

Trong hai ngày 4 và 5/9 tại Wales (Vương quốc Anh) đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) với sự tham gia của lãnh đạo 28 quốc gia thành viên và đại diện của 27 quốc gia đối tác cũng như các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới... Chủ đề chính trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này là các cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Iraq cùng cái gọi là mối đe dọa an ninh đối với châu Âu từ phía Moskva... Đây là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên của NATO kể từ năm 1990 trên “hòn đảo sương mù”.

Đã 65 năm trôi qua kể từ khi NATO xuất hiện và đã gần 23 năm trôi qua kể từ khi tan rã Liên bang Xôviết - lý do chính yếu đã dẫn tới việc thành lập NATO. Những tưởng rằng mọi sự ở “lục địa cũ” đã êm ả hơn xưa. Tuy nhiên, trớ trêu thay, châu Âu nói riêng và cả thế giới nói chung hiện đang phải vật vã với những đụng độ vũ trang ở chính khu vực này, cụ thể là tại Ukraine, vùng đất từng là miền quê yên ả của Liên bang Xôviết... Thực tế cho thấy, Ukraine đang là nơi tập trung những mâu thuẫn Đông - Tây gay gắt nhất ở châu Âu. Không thể phủ nhận được rằng, phương Tây đã lợi dụng những rối ren nội tại ở nước cộng hòa tươi đẹp này để rắp tâm xây dựng thêm một bàn đạp cho chuỗi vòng vây tiến sát gần tới biên giới nước Nga.

Đã có một giai đoạn khá dài Moskva tưởng như đã chấp nhận một Kiev dù không mấy thân thiện với mình nhưng cũng không phải là “bồ ruột” của NATO. Thế nhưng, trong cơn say mê mở rộng lĩnh vực ảnh hưởng, một số nhà lãnh đạo ở phương Tây đã phạm sai lầm ở chỗ muốn tạo nên những làn hơi nóng thổi sát gáy Điện Kremli từ phía quảng trường Maidan ở Kiev và dần dà, mọi sự quá mù ra mưa. Những biến động chính trị ở Kiev trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong những tháng qua, đã khiến Moskva cảm thấy mình như bị dồn vào chân tường trong quan hệ chính trị Đông - Tây, không thể nhượng bộ hơn được nữa. Rốt cuộc là các biến động chính trị nội bộ theo xu hướng li khai ở Ukraine đã bị tháo khoán và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Những chiến dịch thanh trừng lực lượng li khai ở miền Đông Ukraine do quân đội Kiev tiến hành đã ở mức gần như nội chiến, nếu không muốn đánh giá theo mức độ trầm trọng hơn. Và trong hoàn cảnh đó, cả phương Tây, cụ thể là NATO, lẫn Moskva, đều không thể duy trì thái độ “tọa sơn quan hổ đấu” như trước mà ít nhiều đều phải dần dà can dự sâu hơn, dính líu sâu hơn.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở xứ Wales, các nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO đã bác bỏ những sáng kiến hòa bình mới nhất về Ukraine từ phía Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Lực lượng quân sự NATO nói chung và các đơn vị quân đội Mỹ nói riêng đang gia tăng các hoạt động trên lãnh thổ Ukraine, đặc biệt là trong các cuộc tập trận quân sự chung. Ngay cả giọng điệu trong các phát biểu liên quan tới Moskva của các nhà lãnh đạo NATO cũng đang ngày một trở nên cứng rắn và quyết liệt hơn.

Không có dấu hiệu hòa dịu đáng kể nào từ “hòn đảo sương mù” trong quan hệ NATO - Nga, mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel mới đây nhất đã khẳng định rằng, sẽ không thể có một sự đối đầu quân sự trực tiếp giữa Washington với Moskva. Cả hai bên hiện nay đang ngày một gia tăng những lý do để nghi kị, đề phòng và trả đũa nhau... Bản thân Chính phủ Ukraine với Tổng thống Petro Poroshenko đứng đầu có lẽ sẽ không đủ cộng lực nội sinh để tự giải quyết những mâu thuẫn mang tính nồi da nấu thịt với các lực lượng li khai ở miền Đông. Thậm chí ngay cả khi ông Poroshenko muốn áp đặt lệnh ngừng bắn thì cũng không thể xóa đi được những hận thù nội tộc đã kịp hằn vào trong tâm thức các tầng lớp khác nhau ở Ukraine... Những nhóm dân quân Ukraine theo tư tưởng li khai ở khu vực miền Đông đang tỏ ra là họ không hề yếu ớt, thậm chí đang ngày một lớn mạnh hơn...

Và điều đó có nghĩa là tình trạng xung đột vũ trang hỗn loạn ở Ukraine sẽ còn tiếp diễn, ở mức độ này hay mức độ khác, dưới hình thái này hay hình thái khác... Thực tế là giao tranh ở khu vực miền Đông Ukraine đang ngày một lan rộng và ác liệt hơn... Trong bất luận trường hợp nào, Ukraine sẽ không bao giờ có thể khôi phục lại được tâm thế thống nhất như trước nữa trong cộng đồng các sắc tộc của mình. Cộng thêm vào đó là vai trò gắp lửa bỏ tay người của phương Tây trong mọi vấn đề liên quan tới không gian Xôviết cũ. Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm chính thức Estonia mới đây nhất cũng đã công khai đề cập tới nhu cầu trang bị thêm tiềm năng quân sự cho các đồng minh mới trong khu vực thuộc không gian Liên bang Xôviết cũ. Ông Obama cũng tuyên bố sẽ gia tăng sự hiện diện của lực lượng không quân và đổ bộ của Mỹ ở các nước thuộc vùng Baltik. Washington đang chuẩn bị chuyển hàng loạt những xe tăng và xe bọc thép sang Estonia... Tại Estonia cũng sẽ thiết lập một thao trường tác chiến mạng của NATO... Một số nước Đông Âu khác, như Ba Lan chẳng hạn, cũng yêu cầu NATO thêm sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ của mình...

Trong tình huống đó, Moskva không thể nào yên dạ, đặc biệt là về những gì đang diễn ra ở Ukraine... Điện Kremli cũng không thể yên tâm khi xu hướng liên đới với phương Tây đang xuất hiện và gia tăng tại một số nước cộng hòa khác từng nằm trong Liên bang Xôviết. Và Moskva đã và đang tiếp tục thiết kế những biện pháp phòng ngừa theo kiểu chưa mất bò đã phải lo làm chuồng... Muốn nói gì thì nói, Tổng thống Nga Putin không bao giờ là người yếu bóng vía để phương Tây có thể hù dọa được…

Điều đáng lo ngại hơn là cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ khiến cho những quốc gia châu Âu khác, hiện thời chưa phải thành viên NATO, có thể sẽ tìm tới những phương án tự vệ chưa chắc đã tối ưu nhất và góp phần khiến Moskva thêm cảnh giác hơn với phương Tây. Một khi ngay cả những nước cộng hòa từng là thành viên của Liên Xô cũ ở vùng Baltik, thí dụ như Estonia, cũng cố gắng gia tăng sự hiện diện của các tiềm năng quân sự của NATO trên lãnh thổ của mình, sẽ càng khiến cho Điện Kremli phải đưa thêm nhiều biện pháp “quân tử phòng thân”... Và mọi sự sẽ dần dà quá mù ra mưa...

Có vẻ như NATO đang trở lại với chính sách cận kề chiến sự như trong những năm nóng bỏng nhất của thời Chiến tranh lạnh ở thế kỷ XX. Hoàn toàn không nhận thấy những nỗ lực đối thoại để Moskva có thể yên tâm trong vòng vây ngày một xiết chặt từ phương Tây. Không ít nhà quan sát cho rằng, sở dĩ cuộc khủng hoảng ở Ukraine trở nên trầm trọng như hiện nay là do lỗi của phương Tây, của NATO... Chính ham muốn “Đông tiến” vô độ của NATO đã khiến Moskva phải tỏ thái độ “cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng”...

Mọi sự còn trở nên tồi tệ hơn khi không chỉ Moskva mới là cái gọi là nguy cơ an ninh đối với NATO. Phương Tây hiện đang phải đối phó với những hoạt động ngày càng trở nên quyết liệt và tuyệt vọng từ các lực lượng khủng bố quốc tế, đặc biệt  là từ các phần tử Hồi giáo cực đoan IS. Những chia rẽ trầm kha giữa Washington với Moskva càng làm cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế bị suy giảm hiệu lực, trong khi các phần tử cực đoan Hồi giáo ngày càng mọc thêm nanh vuốt. Như thực tế cho thấy, IS đang tỏ ra chúng là một thế lực có thể đe dọa cả thế giới, từ Đông sang Tây. Ước tính chúng có thể lên tới hàng nghìn thành viên, được trang bị bằng những vũ khí hiện đại và có những nguồn tài chính dồi dào và đa dạng...

Trong câu chuyện này, Nga hay Mỹ cũng có thể trở thành những đối tượng bị đe dọa như nhau... Tồn tại hay không tồn tại? Đó không phải là câu hỏi dành cho NATO trong thời điểm hiện nay. Thế nhưng, tồn tại theo cách gì để có thể góp phần củng cố được hòa bình ổn định ở châu Âu nói riêng và thế giới nói chung, đó mới là nỗi đau đầu dành cho các nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên NATO. Trớ trêu nhất là đối với một số quốc gia thành viên, NATO không còn là cái ô an ninh nữa mà lại là nghiệp chướng để dù không muốn vẫn phải liên đới tới những đụng độ vũ trang ngoại lai

Phạm Huy Dũng
.
.