Chiến dịch giải cứu “thủ đô IS” Mosul: Thành công hay thảm họa?

Thứ Bảy, 12/11/2016, 10:13
Chiến dịch giải cứu Mosul - thành trì cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq - đang bước vào giai đoạn quan trọng.


Dưới sự yểm trợ của các lực lượng không quân và quân đội do Mỹ đứng đầu, hàng chục nghìn binh sĩ quân đội Chính phủ Iraq, các tay súng Peshmerga người Kurd, các lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Sunni và dân quân Hồi giáo dòng Shiite đang tiến công vào Mosul.

Đợt tấn công này đã nhanh chóng đạt được thành công khi đội quân tinh nhuệ chống khủng bố của quân đội Iraq đã giành lại quyền kiểm soát quận chiến lược Gorcelil phía đông thành phố và tập trung đánh mạnh vào các ổ đề kháng của IS. Trong khi đó, các binh sĩ cũng tấn công dồn dập vào các khu vực tiền tuyến và nỗ lực phối hợp chặt chẽ để bảo toàn những bước tiến, đồng thời mở rộng tấn công tiêu diệt các tay súng IS tại các khu vực khác ở thành phố Mosul.

Liên minh giải cứu

Đến thời điểm hiện nay, nhiều mũi của quân đội Iraq đã tiến được vào nội thành Mosul và tiến hành các trận đánh đường phố. Hơn một nửa các quận đã do quân Chính phủ Iraq kiểm soát và hiện đang tiến hành những trận đánh hết sức khốc liệt với IS, tập trung vào các ổ đề kháng của IS. 

Để giải phóng thành phố này, các lực lượng vũ trang Iraq đã huy động tới hơn 30.000 quân, trong đó, quân đội Iraq và lực lượng vũ trang người Kurd Peshmerga đóng vai trò lực lượng nòng cốt.

Bên cạnh đó, cuộc chiến sẽ có sự yểm trợ không lực liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, toàn bộ các chi phí liên quan đến chiến dịch sẽ do liên minh này đảm nhận. Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, Mỹ đã tăng cường thêm đến Iraq hàng trăm nghìn binh sĩ, cùng với lính Đức, Pháp và Canada, dưới sự chỉ dẫn từ các cố vấn quân sự Mỹ. Hàng loạt vũ khí hạng nặng cũng được huy động, bao gồm máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa, pháo hạng nặng và xe tăng.

Chiến dịch giải cứu Mosul - thành trì cuối cùng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq - nhận được sự yểm trợ của các lực lượng không quân và quân đội do Mỹ đứng đầu.

Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã bị rơi vào tay IS từ năm 2014. Chỉ tính riêng trong tháng 10 vừa qua, gần 1.800 người Iraq đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương do xung đột vũ trang, hoạt động khủng bố và bạo lực khắp cả nước Iraq. Trong đó, khoảng 600 nghìn trẻ em đang bị mắc kẹt tại thành phố Mosul khi các lực lượng mở chiến dịch tấn công quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Chiến dịch giải cứu Mosul diễn ra trong bối cảnh IS đã sát hại 40 cựu sĩ quan cảnh sát và quân đội tại một khu vực gần thành phố Mosul, rồi ném thi thể các nạn nhân xuống sông Tigris. IS đã cố “vận chuyển” khoảng 25 nghìn dân thường từ thị trấn Hammam al-Alil ở phía nam Mosul để làm lá chắn sống nhằm bảo vệ các mục tiêu của chúng ở thành phố Mosul.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch giải phóng thành phố Mosul ở phía bắc Iraq, đã có gần 900 phiến quân bị lực lượng an ninh Iraq tiêu diệt. Đồng thời, chiến dịch đã giải phóng được 93 thành phố, thị trấn và làng mạc quanh Mosul. Theo giới quan sát, bên trong thành trì Mosul hiện có khoảng 3.500-5.000 chiến binh thánh chiến đang cố thủ, cùng khoảng 2 nghìn tay súng cực đoan khác ở khu vực lân cận. Vì vậy, việc tấn công nhằm giải phóng hoàn toàn thành phố này có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng.

Nhiều chuyên gia nhận định, quân đội Iraq có thể giải phóng Mosul trong thời gian ngắn nhờ sự áp đảo về lực lượng. Đối chọi với lực lượng rất mạnh của liên quân Iraq, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS chỉ có vài nghìn binh lính, thiếu thốn vũ khí hạng nặng.

Sự áp đảo toàn diện về lực lượng, vũ khí trang bị và hỏa lực yểm trợ khiến quân đội Iraq phấn chấn, đồng thời là yếu tố quan trọng làm lung lạc tinh thần của bọn khủng bố IS. Chưa hết, Mỹ đã rất cao tay tung tin đồn mở “hành lang an toàn” cho IS chạy sang Syria. Mỹ mở chiến dịch Mosul cũng rất đúng thời điểm, khi mà lực lượng IS đang rất yên ổn trên lãnh thổ Syria.

Khi đã không định dồn Nhà nước Hồi giáo vào “đất chết” thì đương nhiên là Mỹ đã mở cho giới chức lãnh đạo tổ chức khủng bố này một “hy vọng sống”, khiến chúng không giữ ý chí quyết tử ở thành phố này. Các tay súng khủng bố IS cũng không còn giữ được tư tưởng chống cự đến cùng.

Hiện ở Mosul chỉ có những lực lượng nhỏ của IS làm nhiệm vụ cảm tử, ngăn chặn bước tiến của quân đội Iraq, để đại bộ phận khủng bố tìm cách chạy sang Syria. Sự thua thiệt về lực lượng, cộng với sự thiếu quyết tâm tử thủ của IS đã khiến chiến dịch giải phóng Mosul diễn ra có phần suôn sẻ.

Quân đội Iraq cùng các đồng minh đã siết chặt vòng vây tại Mosul.

Sẽ còn tiếp diễn

Liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu và các lực lượng tại Iraq đang “làm mưa làm gió” trong chiến dịch giải phóng Mosul. Dù liên quân đang có ưu thế rất lớn, các nhà quan sát dự đoán rằng cuộc chiến nhằm giành lại Mosul sẽ kéo dài và đẫm máu. Các lực lượng Iraq đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn.

Bản thân Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã có cuộc khẩu chiến với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết can dự vào chiến dịch giải phóng Mosul. Với việc IS tiến hành các vụ khủng bố ở các thành phố đã được giải phóng tại Iraq nhằm phản công lại chiến dịch giải phóng Mosul, ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi chiến dịch giải phóng Mosul mà Mỹ và đồng minh đang tiến hành “hoàn toàn là thảm họa”.

Theo giới quan sát, việc quân đội Iraq và các đồng minh giành chiến thắng trước IS tại Mosul sẽ không đồng nghĩa với việc hòa bình được thiết lập lại tại Iraq. Một cuộc xung đột mới về dân tộc và tôn giáo có khả năng bùng phát tại đây. Suốt hai năm qua, các lực lượng dân quân người Shiite giải phóng các ngôi làng người Sunni từ tay IS đã tàn sát người dân tại đó với lý do “hợp tác với kẻ thù”.

Trong khi đó, người Kurd cũng có những lợi ích riêng của họ. Bằng cách giải phóng các vùng lãnh thổ ở miền Bắc Iraq từ tay IS, họ có thể mở rộng lãnh thổ của mình, đuổi người Arab khỏi các ngôi làng và cho người Kurd định cư tại đó. Vậy nên, vấn đề tổ chức lại cuộc sống sau chiến tranh ở Mosul nhằm tránh việc thanh lọc sắc tộc và tôn giáo cũng không kém phần quan trọng so với cuộc chiến chống lại IS.

Tham gia giải phóng Mosul trên danh nghĩa có ba lực lượng là Mỹ, Iraq và người Kurd Peshmerga. Tuy nhiên, không phải vô cớ mà Thủ tướng Iraq cam kết chính thức chỉ có lực lượng chiến đấu mặt đất của Iraq sẽ tấn công xâm nhập Mosul, tức là không có người Mỹ, người Kurd hoặc lực lượng phi Iraq khác.

Báo chí phân tích rằng chiến dịch giải phóng Mosul thực chất mang đậm màu sắc chính trị, xóa mờ những thất bại của Mỹ tại Syria sau tám năm cầm quyền của Tổng thống Obama.

Đằng sau vấn đề này là có nhiều lực lượng tham gia khác vì lợi ích riêng. Thổ Nhĩ Kỳ một mặt đang tích cực gây khó khăn cho lực lượng Kurd Peshmerga tấn công Mosul, mặt khác chủ động ngăn chặn người Kurd Syria xâm nhập vào Iraq để liên kết với anh em của họ tại Iraq.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo, nếu bất kỳ lực lượng người Kurd xâm nhập vào Mosul thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm theo. Tất cả ý đồ chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ đã được Mỹ bật đèn xanh khiến Iran phản ứng “cực đoan”. Các lực lượng dân quân Shiite Iraq thân Iran hoạt động quanh Mosul đã ngay lập tức ở vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tấn công các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ “nguy hiểm không kém IS”.

Thế nên, Iran tác động vào Chính phủ Iraq của Thủ tướng người Shiite Haider al-Abadi vốn có khuynh hướng gần gũi, tin cậy với Chính phủ Iran, để chuyển hướng mục tiêu từ tấn công Mosul sang tham gia lực lượng Shiite chuẩn bị tấn công quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Rốt cuộc, tính ra có sáu nhóm lực lượng tham gia tấn công vào Mosul. Họ không có điểm gì chung ngoài quyết tâm giải phóng Mosul.

Hiển nhiên, khi IS bị đẩy ra khỏi Mosul thì mâu thuẫn lợi ích tại đây sẽ bùng nổ, không thể dung hòa. Về lý thuyết, với một lực lượng đa lợi ích, ý chí, và còn là kẻ thù của nhau thì thời kỳ hậu giải phóng Mosul liệu có được yên bình?

Sau cùng, báo chí phân tích rằng chiến dịch giải phóng Mosul thực chất mang đậm màu sắc chính trị. Mỹ đã tạo điều kiện tối đa cho hành động quân sự ở Mosul, quyết giành thắng lợi chiến lược trước Nga, gây tiếng vang trước cộng đồng quốc tế về sự chính nghĩa trong cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq, đồng thời xua đuổi một lượng lớn khủng bố sang lãnh thổ Syria.

Một chiến thắng trước IS có tính bước ngoặt, trở thành di sản tốt đẹp và xóa mờ những thất bại của Mỹ tại Syria sau tám năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama. Thế nên, nhiều người đặt ra câu hỏi: thực chất việc giải phóng Mosul đem lại bước ngoặt gì bên cạnh sự “chuyển nhà” của IS hay sự phô trương thanh thế của Mỹ?

Anh Lâm
.
.