Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn góp phần giải phóng Trung Quốc (1949)

Thứ Tư, 09/10/2019, 22:00
Đánh thắng quân Tưởng Giới Thạch trong Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, góp phần vào việc thành lập nước CHND Trung Hoa (1-10-1949), Quân tình nguyện Việt Nam đã nêu tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế vô sản cao cả, được nhân dân Trung Quốc quý mến.

Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn

Thập Vạn Đại Sơn là một dãy núi non trùng điệp hùng vĩ ngăn đôi hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông của Trung Quốc. Đầu năm 1948, đồng chí Trang Điền được chỉ thị của đồng chí Chu Ân Lai sang Việt Bắc gặp các đồng chí lãnh đạo nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng đã tiếp phái viên Trang Điền ở Lục Giã (Thái Nguyên).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký "Chiến đấu trong vòng vây" về sự kiện này như sau: "Đồng chí Trang Điền thông báo tình hình chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc. Quân Tưởng tăng cường càn quét những lực lượng vũ trang cách mạng ở Hoa Nam để củng cố hậu phương. Những đơn vị du kích của bạn đang gặp khó khăn và thiếu lương thực. Bác và chúng tôi bàn với phái viên của bạn về sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai quân đội cách mạng".

Sau đó, Bộ chỉ huy chiến dịch chung được thành lập như sau: Đồng chí Lê Quảng Ba (sau này là Trung tướng), làm Tư lệnh chiến dịch; đồng chí Trần Minh Giang, cán bộ của Quân giải phóng Trung Quốc, làm Chính trị ủy viên. Bộ chỉ huy chiến dịch lấy phiên hiệu là Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Tư lệnh Lê Quảng Ba: "Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi".

Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn chia làm hai mặt trận. Mặt trận thứ nhất là Điền Quế do đồng chí Nam Long (sau này là Trung tướng) làm chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Bình, cán bộ Quân giải phóng Trung Quốc làm chỉ huy phó; đồng chí Đỗ Trình (sau này là Trung tướng) làm chính trị viên.

Mặt trận thứ hai là Long Châu, do đồng chí Thanh Phong, Phó tư lệnh Liên khu 1, làm Tư lệnh; đồng chí Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 và đồng chí Long Xuyên (sau này là Đại tá), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 làm Phó tư lệnh.

Đầu tháng 6/1949, bộ đội ta xuất phát theo hai hướng: Một hướng từ Cao Bằng, Lạng Sơn vượt biên giới sang khu vực Long Châu; một hướng từ Lạng Sơn, Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh) sang khu vực Khâm Châu, Phòng Thành.

Trước khi đoàn lên đường sang Thập Vạn Đại Sơn giúp bạn, tháng 5/1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng chí Tư lệnh chiến dịch Lê Quảng Ba với dòng chữ tự tay Người viết: "Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi".

Mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn

Khu Long Châu là một trong 14 khu quân sự của Quốc dân đảng Trung Quốc tại tỉnh Quảng Tây do hai trung đoàn bảo an, một số đội cảnh vệ, tuần sát, dân đoàn ở các huyện đóng giữ. Ngoài ra còn có lực lượng của địa chủ có vũ trang ở các hương (xã) bổ sung.

"Trong cuộc chiến đấu này, cánh quân của chúng tôi đã có 18 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh và mấy chục anh em bị thương vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Những người hy sinh được bạn và ta tổ chức an táng theo nghi lễ quân đội Trung Quốc, linh cữu được phủ lá cờ đỏ búa liềm có tiêu binh. Nơi an nghỉ của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam nằm bên bờ sông Tả Giang" - Đại tướng Chu Huy Mân.

Mặt hướng tây Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn tiến đánh Long Châu do Đại tá Thanh Phong làm Chỉ huy trưởng, Hoàng Long Xuyên làm Phó Tư lệnh, Chu Huy Mân làm Chính ủy.

Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam tham gia phối hợp chiến đấu gồm có: Tiểu đoàn 73 thuộc Trung đoàn 74 (Liên khu 1), Tiểu đoàn 35 thuộc Bộ Tổng tư lệnh, Đại đội 506 sơn pháo 75 ly, một đại đội trợ chiến và bộ đội thông tin, quân y. Các lực lượng trên được tổ chức thành Chi đội 28.

Ngoài ra còn hai đại đội địa phương của huyện Thoát Lãng và Văn Uyên. Quân tình nguyện Việt Nam lấy danh nghĩa là Giải phóng quân khu Tả Giang, Tiểu đoàn 73 được gọi là Đoàn 25, Tiểu đoàn 35 được gọi là Đoàn 35. Lực lượng Giải phóng quân Trung Quốc có hai đại đội và một số đội vũ trang công tác.

Sau này, Đại tướng Chu Huy Mân kể lại trong Hồi ký: "Trước khi xuất kích vượt biên giới theo thỏa thuận với Quân khu Tả Giang - Long Châu, chúng tôi cấp cho mỗi cán bộ chiến sĩ một tấm quân hiệu bằng vải màu vàng in chữ Trung Quốc màu đỏ: "Trung Quốc nhân dân giải phóng quân - 35Đ" gài trên ngực áo. Tôi nói với anh em:

- Từ giờ phút này trở đi, chúng ta chiến đấu trên chiến trường Trung Quốc với danh nghĩa Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, các đồng chí phải làm đúng 10 lời thề và 12 điều răn của Bác Hồ.

Gặp Phó Tư lệnh Hoàng Long Xuyên

Thật may mắn cho chúng tôi khi được gặp Đại tá Hoàng Long Xuyên, Phó Tư lệnh mặt trận phía tây của Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.

Đại tá Hoàng Long Xuyên (2019).

Người lính già đã 103 tuổi, song ông vẫn rất minh mẫn nhớ đến chiến dịch và những đồng đội cũ, đặc biệt ông nhớ đến Ngọc Trình, người đại đội trưởng đã hy sinh và nằm lại bên đất Trung Quốc.

Mũi chỉ huy của Phó Tư lệnh Hoàng Long Xuyên có hai đại đội độc lập của Văn Uyên và đại đội độc lập Thoát Lãng. Nhiệm vụ của cánh quân này là đánh sang Bằng Tường, Ninh Minh giáp huyện Thoát Lãng, Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn. So với toàn bộ Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn thì hướng này gặp khó khăn, phức tạp hơn, vì ở đây ta vừa phải chống Pháp đang đóng ở một số đồn biên giới, vừa phải chặn đám tàn quân Tưởng chạy sang phía đồn Pháp, vừa phải dẹp bọn thổ phỉ còn đang ẩn núp và phá rối ở địa phương.

"Vào trung tuần tháng 5 năm 1949, đồng chí Thanh Phong gặp tôi giao nhiệm vụ: "Có chỉ thị đặc biệt của anh Văn, mở một chiến dịch đặc biệt giúp bạn. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu ta giúp bạn mở rộng một khu giải phóng và giao cho đồng chí Ké Lộc. Cơ sở ở đây ít lắm. Anh có trách nhiệm chỉ huy một mũi, lấy lực lượng của địa phương Lạng Sơn từ 2 đến 3 đại đội.

Trách nhiệm của anh đánh từ mục Nam Quan xuống Bằng Tường, Thượng Thạch, Hạ Thạch, rồi đến Ninh Minh. Anh là Phó chỉ huy Mặt trận phía Tây Thập Vạn Đại Sơn trực tiếp chỉ huy mũi này. Anh sẽ gặp cánh quân của anh Chu Huy Mân ở huyện lỵ Ninh Minh. Anh Mân sẽ đánh từ Thủy Khẩu, rồi thọc xuống Hạ Đống, rồi gặp anh ở Ninh Minh" (Đại tá Hoàng Long Xuyên).

Đêm 12-5-1949, bộ đội của Lạng Sơn vượt biên giới tiến sang. Ngày 13-6-1949 đánh đồn Hạ Đống trên đất Long Châu, Trung Quốc.

Theo kế hoạch "vây điểm diệt viện", một đại đội của ta vây đồn Nam Quan. Đại đội thứ hai và trung đội hỏa lực phục kích trên đường từ Nam Quan đến Bằng Tường cách nhau 15km.

Đồn Nam Quan bị vây chặt gần một tuần. Không còn gì ăn, quân Tưởng buộc phải rút lui, nhưng bị ta chặn đánh, lại phải co vào đồn. Khoảng 8 giờ sáng hôm sau, hai đại đội quân Tưởng ở Bằng Tường đi cứu viện lọt vào trận địa ta tổ chức tại đoạn Pha Luông ven một dãy núi đá.

Phó Tư lệnh Hoàng Long Xuyên kể: "Trinh sát ta báo cáo về có hai đại đội của Tưởng ở Bằng Tường lên cứu. Khoảng 8 giờ sáng, trinh sát báo cáo về cho tôi ở chỉ huy sở đặt ở Hải Khẩu "Đội hình đã lọt vào trận địa phục kích". Tôi truyền lệnh cho anh em: "Cứ theo kế hoạch mà thi hành".

Khoảng 9 giờ sáng, nghe tiếng súng nổ rộ độ nửa giờ, rồi im ắng hẳn. Đại đội báo cáo về đã bắn chết tại trận 5 tên, bắt sống một tiểu đội, thu được 12 khẩu thất cửu. Quân Tưởng rút chạy tán loạn về Bằng Tường. Tôi ra lệnh: "Tiếp tục truy kích!".

Nhận được tin cánh quân của Tư lệnh Thanh Phong và Chính ủy Chu Huy Mân đã tiến vào huyện lỵ Ninh Minh, Phó Tư lệnh Hoàng Long Xuyên cho bộ đội tiến đến Ninh Minh và hội quân.

Đang chuẩn bị qua sông tiếp tục đánh quân Tưởng còn lại ở nửa huyện lỵ bên kia sông thì nhận được lệnh của đồng chí Đào Văn Trường - Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 4 "đem quân về nước, có nhiệm vụ mới".

Đánh phi thường ác liệt

Cuối tháng 9-1949, khi cơ quan lãnh đạo khu Thập Vạn Đại Sơn đã liên lạc được với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trên đường Nam hạ, Quân tình nguyện Việt Nam được lệnh rút về nước.

Việt Nam chỉ để lại một đại đội tiếp tục phối hợp làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở và đánh địch ở vùng biên giới giữa hai tỉnh Quảng Đông và Hải Ninh (Việt Nam).

Để có được những chiến thắng vẻ vang ấy, hàng chục chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã nằm lại trên đất Trung Quốc. Hàng chục chiến sĩ khác bị thương. Dù hy sinh mất mát, bộ đội Việt Nam đã làm tròn nghĩa vụ quốc tế, được nhân dân Trung Quốc yêu mến, hết lòng giúp đỡ.

Chiến đấu dũng cảm, kỷ luật nghiêm, Quân tình nguyện Việt Nam đi đến đâu cũng được khen ngợi: "Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường ác liệt…". Mũ mõm trâu - một kiểu mũ đan được dùng phổ biến trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Trong niềm vui xây dựng vùng đất mới giải phóng, Đại tướng Chu Huy Mân kể lại trong hồi ký: "Nhân dân Hạ Đống, Long Châu đốt pháo chào mừng quân giải phóng. Việt kiều ta ở đây mang bánh, hoa, gửi tặng cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, họ vui mừng khôn xiết". N

Kiều Mai Sơn
.
.