Chiến dịch Opera: Đòn sấm sét của Tel Aviv

Thứ Bảy, 20/04/2019, 15:26
Bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia láng giềng, phớt lờ mọi lời chỉ trích của dư luận…

Thế nhưng, không ai có thể phủ nhận, cuộc tập kích mang tên Chiến dịch Opera (ngày 7-6-1981) vào lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq là một trong những chiến dịch táo bạo và thành công nhất trong lịch sử quân sự thế giới cận đại.

Xuất kỳ bất ý

16h55 giờ địa phương (tức 12h55 giờ GMT) ngày Chủ Nhật ấy, 8 máy bay cường kích F-16As (4 chiếc thuộc phi đoàn 110, 4 chiếc còn lại thuộc phi đoàn 117) của Không quân Israel được lệnh xuất kích.

Mỗi máy bay này mang theo hai quả bom Mark 84 nặng 2000 pound (hơn 900 kg), cùng rất nhiều thùng dầu phụ. Từ căn cứ quân sự Etzion trên bán đảo Sinai, chúng hướng thẳng đến mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Iraq. Hộ tống phi đoàn ấy là biên đội gồm 6 tiêm kích F-15As.

Không thể tin nổi, qua 1600km, đội bay ấy không hề bị phát hiện bởi bất cứ radar phòng không nào, dù là của Jordan, Saudi Arabia hay Iraq. Đó là bởi chúng đều bay ở độ cao rất thấp, rất gần mặt đất. 

Và một câu chuyện khôi hài diễn ra, ở cuối chặng đường: Vua Hussein của Jordan nhìn thấy những chiếc máy bay ấy bay qua du thuyền của mình, khi đang nghỉ ngơi trên vịnh Aqaba. Ông nhận ngay ra phù hiệu của không quân Israel.

Chắp nối các dữ kiện, nhà vua nhanh chóng xác định: Mục tiêu của phi đội này là Iraq. Ông lập tức gọi điện cho chính phủ của mình, yêu cầu phát tín hiệu cảnh báo gấp đến nước láng giềng. Song, như một trò đùa của số mệnh, do trục trặc về đường truyền nên thông điệp ấy không bao giờ đến được địa chỉ.

Chi tiết vụ tấn công trên tạp chí TIME.

Tiến vào không phận Iraq, phi đội Israel chia làm đôi. Hai chiếc tiêm kích F-15As tiếp tục hộ tống những chiếc F-16As. Số còn lại tỏa ra áp sát các khu căn cứ không quân của Iraq, và sẵn sàng ứng cứu. Đội hình dội bom lúc đó chỉ còn bay ở khoảng cách 30m (100 feet) cách mặt cát sa mạc, luồn qua mọi mạng lưới radar phòng ngự.

18h35 giờ địa phương (14h35 giờ GMT), phi đội chỉ còn cách lò phản ứng hạt nhân Osirak 20 km, tức là khoảng 12 dặm. Những chiếc F-16As vọt lên độ cao 2100m và bổ nhào góc 35 độ với vận tốc 1100km/h, tới tấp dội bom xuống mục tiêu. 

Từng cặp bom Mark 84 được cắt xuống, 5 giây 1 lần. 8 trong số 16 trái bom giã trúng mái vòm Osirak. Lúc đó, lực lượng phòng không Iraq mới bắt đầu kịp phản ứng.

Pháo phòng không bắt đầu nhả đạn, nhưng đã quá muộn. Phi đội tấn công, cả tiêm kích lẫn cường kích, bốc lên độ cao an toàn (12.200m) rồi quay trở về hướng Israel. Họ hạ cánh xuống căn cứ an toàn, không một chút tổn thất nào.

Cuộc tập kích chỉ diễn ra trong vòng hai phút. Đổi lại, Osirak xem như đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa. 10 người lính Iraq và 1 chuyên gia Pháp thiệt mạng. Chiến dịch Opera đã thành công.

Ngày 19-6-1981, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết lên án vụ tập kích này của Israel vào lãnh thổ Iraq "rõ ràng là hành động bạo lực xâm phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc". Đáp lại, Tel Aviv ngang ngạnh tuyên bố: Họ chỉ hành động nhằm dập tắt một mối đe dọa về hạt nhân đối với mình, và vẫn sẽ bảo vệ lãnh thổ của mình bằng mọi giá. 

Thậm chí, họ còn chỉ trích ngược lại Pháp và Ý - những nước bán cho Iraq cả công nghệ, linh kiện lẫn nguyên liệu để tiến hành xây dựng lò phản ứng Osirak ấy. 

Cơ sở lập luận của họ là đây: Iraq đã vi phạm Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Hơn thế, việc Iraq sở hữu công nghệ hạt nhân được Israel xem là mối đe dọa trực tiếp đối với mình.

Giữa muôn trùng vây

Đặt câu chuyện vào bối cảnh đương thời, không khó để bất cứ ai lý giải động thái cứng rắn đến vô lý ấy của Tel Aviv. 

Quốc gia Do Thái non trẻ và gần như đơn độc ấy đã bị bao vây bởi cộng đồng các quốc gia Hồi giáo Arab ngay từ khi lập quốc (năm 1948), từ một quyết định gây rất nhiều tranh cãi của các đại cường Mỹ, Anh, Pháp. 

Họ, trong thế tựa lưng vào tường, đã đương đầu và (đáng ngạc nhiên cũng như khâm phục) đánh bại mọi hành động quân sự của khối Arab. Họ là thiểu số, nhưng họ lại là kẻ mạnh. Họ chiếm được bán đảo Sinai, cao nguyên Golan, rồi dải Gaza…dựa trên sự yếu kém trong phối hợp của các kẻ địch, hết cuộc đọ sức này đến lần đối đầu khác.

Và sự hiện hữu của quốc gia ấy cũng chính là ý chí duy trì quyền lực, phân chia tầm ảnh hưởng nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi của các cường quốc. Đặc biệt, nước Mỹ, với khả năng tác động mạnh mẽ đến chính trường của các đại tài phiệt phố Wall gốc Do Thái, luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi hành động của chính quyền Tel Aviv.

Báo chí Mỹ có thể lên tiếng phản đối cuộc tập kích này, như Guardian nhấn mạnh: "Thế giới phẫn nộ với cuộc tập kích ngày 7/6/1981 của Israel", nhưng ở những góc khuất của chính trường, các chính khách Mỹ có lẽ lại có những lựa chọn khác.

Thực tế, ngoài nghị quyết lên án, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không đưa ra được thêm biện pháp trừng phạt nào mang tính răn đe đúng nghĩa. Và thực tế, giữa nước Mỹ - quyền lực mới - với Anh và Pháp - những quyền lực cố cựu trước hai cuộc Đại chiến Thế giới ở Trung Đông, không phải không có những xung đột về lợi ích.

Chuyện Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khi ấy gầm lên rằng: "Đây là tấm bia mộ của luật pháp quốc tế!", hay chuyện Pháp ra sức chứng minh với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rằng sự hợp tác Pháp - Iraq tại Osirak không đi kèm với những uy hiếp quân sự mà chỉ phục vụ các mục đích khoa học kỹ thuật cũng chỉ là phản ứng "cho có" trước một "sự đã rồi".

Từ cuối những năm 1960, Iraq đã hướng đến chương trình này. Nhưng, phải đến năm 1968, khi đảng Baath lên nắm quyền, nó mới được thúc đẩy mạnh mẽ. Đến cuối những năm 1970, thỏa thuận hợp tác Pháp - Iraq mới bắt đầu được xúc tiến. 

Năm 1981 ấy, mọi chuyện tưởng đã xuôi chèo mát mái, thì sau cuộc tấn công, tấn cả mọi tiến trình bị đẩy ngược lại. Chỉ 10 năm sau, đất nước cổ xưa này đã bị nhấn chìm trong binh lửa.   

Osirak sau vụ oanh kích.

Và câu chuyện này, khi đặt cạnh những diễn biến của dòng chảy các sự kiện quốc tế trong hiện tại, có thể cũng sẽ vẫn còn ít nhiều giá trị chiêm nghiệm.

Trong vòng nửa năm qua, không chỉ các lực lượng binh sĩ Israel tiếp tục hành động cứng rắn theo cách quen thuộc với những người láng giềng, mà người đồng minh hùng mạnh bên kia Đại Tây Dương của họ cũng không ngồi yên.

Nước Mỹ đã chính thức thừa nhận thủ đô mới của Israel là Jerusalem, đã chính thức chuyển Đại sứ quán của mình tại Israel về đó. Nước Mỹ đã, đang, và chắc chắn là sẽ làm mọi cách để chính thức thừa nhận rằng cao nguyên Golan - phần lãnh thổ Syria bị chiếm đóng - là lãnh thổ hợp pháp của Israel.

Tất cả những điều đó diễn ra, bất kể những lời khuyên can hay phản đối, của cả các đồng minh châu Âu EU lẫn những người bạn cũ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO (Thổ Nhĩ Kỳ), khối Arab (Saudi Arabia) hay ở Bắc Phi (Ai Cập).

Và đó là cách để tiến trình hòa bình Trung Đông, với giải pháp "hai nhà nước" nhằm hướng tới chuyện Palestine tồn tại hòa bình bên cạnh Israel, vẫn mãi chỉ là những tính toán rất thiếu tính khả thi… 

* Mất đến nửa giờ đồng hồ để phi đội Israel bay từ biên giới vào đến mục tiêu, nhưng theo cuốn "The Law of Armed Conflict: International Humanitarian Law in War" (D.Gary, Giáo sư Khoa báo chí trường Đại học Cambridge, năm 2010): một số binh sĩ phòng không của Iraq đã bỏ vị trí để đi ăn trưa, và đã tắt các radar.

* Theo Ze'ev Raz, người chỉ huy cuộc tấn công, các phi công Israel đã cùng nhau…đọc Kinh Thánh (của người Do Thái) qua radio, trong suốt quãng đường trở về Israel.

* Điều kỳ lạ là không quân Iraq, không hiểu vì lý do gì, cũng không cố gắng cất cánh để truy kích. Các tiêm kích F-15As phục sẵn của Israel không phải hành động, và cả quãng đường quay về của phi đội cũng khá yên bình.

* Đây cũng là vụ oanh tạc một lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trên thế giới mà không gây ra thảm họa phóng xạ, do lò phản ứng Osirak chưa vận hành đến giai đoạn nạp nhiên liệu hạt nhân, khi bị tấn công.

Đông Quân
.
.