Chỉ một lần bắt tay

Thứ Hai, 28/07/2014, 16:11

Sau giao thừa, rất nhiều tin nhắn và cú gọi chúc tết rôm rả. Bạn thân có, quan hệ công tác có… Bạn mới trong chuyến công tác Trường Sa cũng alô nhiệt tình. Anh em ở Trường Sa là những người đã từng gắn bó như bạn thân nửa năm nay. Sáng mùng 2 tết Giáp Ngọ, một cú điện thoại gọi đến cũng từ Trường Sa, nhưng từ một người có lần giao lưu ít nhất. Người chỉ một lần nói chuyện và một lần điện thoại từ hơn nửa năm rồi. Đó là một cậu công binh phục vụ cầu cảng Trường Sa Lớn tên là Quân.

Da như bánh mật, nhìn rõ Quân mỗi hàm răng khi cười. Suốt quá trình công tác trên đảo, hai anh em chỉ gặp nhau đúng 2 lần. Một là đón tàu, hai là tiễn tàu. Cũng là tình cờ mà mình chụp chung với Quân một tấm ảnh. Trên cầu cảng, vừa chụp ảnh vừa hỏi thăm nhau vội vã vài câu và nhớ được cái tên là Quân. Ở Trường Sa không có dịch vụ in ảnh nên khi vào đất liền, mình mới gửi ra đảo. Tấm ảnh hai anh em, một già một trẻ đều đen sạm. Quân mặc bộ đồ rằn ri rất hiền lành.

Chuyến tàu đưa mình, Hoàng Minh Trí, Long Hưng và các phóng viên ra Trường Sa không phải là tàu khách lớn mà là tàu vận tải loại nhỏ. Nó ra đảo kết hợp nhiệm vụ chở nhóm mình kết hợp vật liệu xây dựng, thực phẩm rau, lợn, gà, vịt. Nó chỉ bé bằng nửa lưỡi sóng, nên đi giữa lòng chảo sóng thì nó chả khác gì hạt lạc trôi trong chảo. Biển động chưa tới mức bão, nhưng chỉ cấp 5, cấp 6 thì con tàu đã chúi đầu múc sóng. Mỗi bước sóng như triền đồi nước chuyển động đặc quánh làm chân trời nhô lên thụp xuống, ẩn hiện như trò chơi ú òa.

Sau hai ngày đêm vật vã thì tàu cập cảng Trường Sa Lớn. Cũng may, trời thương cho yên ả được gần một ngày để có thể chuyển hàng vào đảo bằng xe công nông. Chuyến hàng đầu tiên lên đảo là lợn, gà, vịt và một con chó. Số nguyên vật liệu còn lại không kịp chuyển do biển động dữ. Muốn đưa lên thì cần cập sát cầu tàu mới dùng cần cẩu được. Nhưng sóng có thể dập móp tàu nên nó phải tạm lánh ra ngoài cách đảo chừng vài hải lý cho an toàn. Chờ bao giờ sóng yên đây?

Khi có hiệu lệnh lên bờ, các chiến sĩ công binh quân phục rằn ri trên cảng đứng dang tay đón khách rồi kéo lên cạn. Kinh nghiệm là chờ nhịp sóng đẩy mạn tàu lên thì nhảy là vừa. Với phụ nữ liễu yếu đào tơ như phóng viên hay ca sĩ thì anh em công binh gần như là xách mà ném lên bờ.

Bộ đội công binh trên Trường Sa Lớn đang neo tàu vào cầu cảng.

Những người mà mình đập vai chào đầu tiên là anh em công binh rằn ri đang gò lưng kéo hàng. Trong số đó có Quân.

Ngày đầu tiên làm việc, nhóm làm phim tài liệu phỏng vấn Đại đức Thích Giác Nghĩa, trụ trì chùa Trường Sa Lớn. Trong lúc ấy thì đội công binh chuyển hàng bằng chiếc công nông đầu ngang chạy qua chạy lại từ cầu cảng tới bên kia đảo. Tiếng nổ phạch phạch cành cành phá vỡ sự tĩnh lặng hàng ngày. Thầy Nghĩa nói về tu hành gắn liền sự nghiệp giữ nước rất cuốn hút. Phóng viên Minh Trí đặt camera cố định rồi mở máy ghi âm để thu tiếng của thầy. Mỗi lần công nông chạy qua, cuộc phỏng vấn phải tạm dừng chờ chút khi tiếng nổ nhỏ dần mới nói tiếp được. Hoàng Minh Trí ngửa cổ chờ đợi.

Công việc chỉ phỏng vấn quay phim hai ngày là đạt yêu cầu, có thể rút quân, nhưng biển động dai dẳng, gần như bão, thành ra tàu không thể cập cảng mà trút nốt hàng rồi đón đoàn công tác được, đành ở ngoài khơi đợi biển yên. Đoàn công tác xác định chuyến đi sẽ muộn so với dự kiến có thể nửa tháng hoặc lâu hơn.

Cả đoàn ở lại với anh em lính. Không còn lễ lạt bắt tay trao quà khách khí nữa mà là ăn cùng cơm thịt hộp tiêu chuẩn, rau lá tra với lính đảo. Ngày đêm đằng đẵng gió quất ào ào quay cánh quạt của hệ thống phong điện như hàng chục máy bay trực thăng quần đảo. Xe công nông thất nghiệp nghỉ ngơi nên chỉ nghe tiếng gió rít suốt đêm ngày. Biết bao giờ trời mới yên để lên tàu đây? Tiếng công nông là biểu tượng của giải phóng tàu. Biết bao giờ trời mới đẹp để nghe tiếng công nông chuyển hàng đây? Thèm tiếng công nông quá.

Chỉ huy cụm chiến đấu Nguyễn Việt Tiến nói nửa tếu nửa thật: Em chỉ mong biển nó cứ động thế này lâu lâu càng hay, các anh cứ ở với bọn em cho sướng.

Câu nói của Tiến làm cho anh em đoàn công tác dở cười dở mếu. Cầu trời cho trời yên bể lặng để còn về với bao nhiêu việc dở dang đang chờ đợi. Phóng viên Hoàng Minh Trí gọi điện phân trần với vợ việc ở lại đảo ngoài kế hoạch. Điều đó có thể đảo lộn một việc lớn đã vào lịch trong gia đình anh sau chuyến đi này. Vợ anh hào phóng: Anh về ngày nào cũng được nhưng chỉ cần cho em biết chính xác là ngày nào thôi.

Trí kêu than: Nắng mưa là bệnh của giời bu nó ơi. Chồng em đâu phải là giời.

Ngày nào cũng như ngày nào. Mở mắt ra là xem thời tiết, ăn sáng xong là ngó ra xem sóng tới đâu và ngắm con tàu khốn khổ của mình đang vật lộn ngoài khơi thế nào. May mà trời cũng không thử thách quá lâu. Được mấy ngày thì sóng yên. Tiếng công nông lại phành phạch liên hồi.

Tiếng phành phạch rối rít là hàng đang vào kho.

Tiếng phành phạch rối rít là tàu sắp rời bến đưa đoàn công tác về với bu nó.

Tiếng phành phạch rối rít cho lính đảo biết họ sắp xa những người anh em.

Chiến sĩ trên đảo Trường Sa Lớn.

Đoàn công tác nhận kế hoạch rời đảo trong thoáng vui và nao buồn. Lễ tiễn trang trọng có đầy đủ tầng lớp quân, dân, nhà chùa và các cháu thiếu nhi. Sắp hàng ngang trên cầu cảng là hàng sĩ quan trắng toát. Đảo trưởng, các đảo phó, chỉ huy cụm, các chiến sĩ tề tựu.

Một anh lính rằn ri bắt tay mình. Hai anh em hỏi thăm nhau vài câu tên tuổi, công việc, quê quán. Lời hỏi thăm giống như sự động viên chứ không hẳn là trò chuyện. Vì thế, mình biết tên cậu này là Quân.

Suốt mấy ngày đoàn ở đảo, Quân phải lo cho tròn việc đón và giải phóng tàu cho đoàn đi. Mặc dù rất thèm giao lưu và xem văn nghệ cùng các ca sĩ nổi tiếng, Quân cũng không thể có mặt. Quân còn bận với công việc bốc xếp cùng cái xe phành phạch kia.

Chỉ đến khi đoàn công tác sắp lên tàu thì Quân mới có dịp trò chuyện. Một hồi còi tàu hú dài vang vọng, giật mình như thông báo: Bây giờ là chính thức xa thật rồi anh em nhé.

Phóng viên ảnh Vũ Long giục: Anh Tâm bắt nhịp bài gì đi!

Mình cũng bối rối chưa biết chọn bài gì, nhưng âm thanh Nối vòng tay lớn đã hiện ra. Mình bắt nhịp thật to: Rừng núi dang tay... hai... một!

Tất cả người trên tàu và người trên cảng, anh em công binh rằn ri, trong đó có Quân vỗ tay đồng loạt hát:

“... Mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau

Mừng như bão cát quay cuồng trời rộng

Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam...”

Hết bài, tất cả chuyển sang Tiến Quân ca hùng tráng.

Nhóm công binh thu gọn các dây cáp, tháo rời sự liên kết giữa tàu và cầu cảng. Tàu khẽ cựa rời cầu cảng. Cả đoàn mắt đỏ hoe. Hoàng Minh Trí cùng vài phóng viên khác cố kìm mà mắt vẫn giàn giụa.

Tàu xa dần, đảo đã nhỏ càng nhỏ hơn. Đoàn tiễn vẫn không rời cầu cảng. Vẫn một hàng áo trắng toát hải quân, khối dân sự, nhà chùa, nhóm công binh rằn ri thẳng tắp nhỏ dần, mờ dần.

Tấm ảnh chụp kỷ niệm với Quân được gửi ra sau đó khoảng hai tháng. Quân thích lắm, hỏi số điện thoại gọi về cảm ơn. Bẵng đến nửa năm. Đúng mùng 2 têtë, Quân gọi điện.

Mình nhìn số biết ngay là ai, đáp: Quân à. Khỏe chứ?

Quân: Anh nhận ra em ngay ạ. Vâng, em khỏe lắm. Nhân dịp tết, em xin gửi tới anh và gia đình ta an khang thịnh vượng. Anh thì có những bài báo hay…

Mình: Cảm ơn Quân, anh cũng chúc Quân và gia đình năm mới an lành, vạn sự như ý!…

Quân: Anh ạ. Tết đến lại buồn anh ạ. Hai năm nay em chưa được về tết. Ngày thường thì quen rồi. Nhưng đến tết này tự nhiên lại buồn quá.

Mình động viên: Anh từng là bộ đội đóng giữa thung lũng núi đá vôi mấy năm liền anh không được về tết nên rất hiểu… Tuy vậy, anh ngày ấy vẫn thuận lợi hơn Quân ở chỗ nếu có việc khẩn của gia đình, anh vẫn có thể về Hà Nội vì khoảng cách không lớn và cách biệt như

Quân ở giữa một biển nước, nếu có tàu thì cũng mất mấy ngày trời…

Quân: Vâng anh ạ. Đôi khi cũng buồn, muốn nói chuyện với ai đó ở đất liền. Em tự nhiên nhớ tới anh. Một tấm ảnh anh gửi cho em là anh ạ… rất nhiều tình cảm. Anh với đất liền cứ yên tâm là bọn em cũng có lúc anh ạ… vui buồn, nhưng vẫn đảm bảo vững tay súng, bảo vệ biển đảo quê hương.

Những gói quà do nhóm phóng viên quyên góp gửi ra đợt ấy được đảo đánh giá cao vì rất trúng với nhu cầu thực của cán bộ chiến sĩ. Cũng từ việc của nhóm phóng viên ăn ở cùng lính tráng suốt những ngày biển động rồi mới biết lính cần gì. Hai đợt gửi quà do nhóm Hoàng Minh Trí  quyên góp thì gửi rất cụ thể tên tuổi cấp bậc từng người và gửi chung cho mọi chiến sĩ. Có những món quà riêng tư, có những thứ thiết thực như thẻ điện thoại… Quà của Quân chắc chỉ có thẻ điện thoại và một tấm ảnh. Cái thẻ điện thoại Quân nhận được chắc đã gọi hết từ lâu. Muốn Quân ngừng gọi để mình gọi lại cho Quân đỡ tốn, nhưng cậu cứ gạt đi để giãi bày tiếp. Thật không tiện cắt lời.

Thế là câu chuyện ngày mùng 2 tết được lặp đi lặp lại thông tin có 3 ý:

Thứ nhất, lời chúc đầu năm.

Thứ hai, đất liền cứ yên tâm về biển đảo.

Thứ ba là tình cảm dành cho nhau dù chỉ một lần gặp cũng không thể quên được.

Xuân về tới hiên nhà, niềm vui chút ít, nỗi buồn mênh mông. Cuối năm là dịp nhớ lại mọi người, nhiều gương mặt hiện ra không theo thứ tự. Người thì nét, người thì nhòe.

Công việc quanh năm như cái cối xay khiến phần công năng lấn át tình cảm. Cuối năm là lúc nỗi nhớ có chỗ trở về với chính nó.

Ở một nơi xa giữa biển nước cực Đông của đất nước, có một cậu em lính đảo vẫn nhớ đến mình dù chỉ một lần bắt tay.

Quân chắc chắn không dư dật thẻ điện thoại. Chắc cậu cũng phải chắt chiu chia phần bao nhiêu cho người thân, bao nhiêu cho mình. Mình biết, việc trò chuyện với mình làm Quân nguôi đi rất nhiều tâm sự, nhưng mình cũng thấy, nếu mình chiếm 1 phần 10 điện thoại phí của cậu em này cũng đã là quá nhiều rồi. Với những tay lính đảo khác có nhiều kỷ niệm với mình như hàn huyên, đánh cờ, đánh bóng chuyền, bóng bàn với nhau thì đã đành. Mình và Quân mới chỉ có một lần bắt tay, đúng một lần nói chuyện, một lần vẫy tay về đất liền

Nguyễn Lê Tâm
.
.