Chạy đua vào Nhà Trắng: Mọi sự vẫn mông lung

Thứ Ba, 25/03/2008, 15:00
Chưa có nhà quan sát nào dám cả gan "thiên vị" đưa ra những nhận định đoan chắc về người sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ, thậm chí cả về người sẽ may mắn trở thành đại diện duy nhất của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Ngày 4/11, cử tri ở các bang của Mỹ mới chính thức tham gia cuộc bầu bỏ phiếu phổ thông để tìm ra người sẽ làm chủ Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 4 năm tới. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang náo nhiệt tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ để tìm ra ứng cử viên duy nhất của đảng mình.

Theo kết quả của những cuộc bầu cử sơ bộ gần đây, về phía đảng Dân chủ, hai ứng cử viên có vẻ như sáng giá nhất là cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và thượng nghị sĩ da đen Barack Obama. Còn về phía đảng Cộng hòa, người có vẻ như sẽ giành được thế thượng phong là ông John McCain, cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bầu cử mới, kinh nghiệm mới

Theo nhận định của nữ giáo sư Barbara Kellerman thuộc Đại học Harvard trên website Washprofile, trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, các cử tri Mỹ phải đứng trước một sự lựa chọn trước kinh nghiệm đã có với những biến đổi mới.

Có thể nói rằng, đó là một sự lựa chọn nhân tài. Nhìn chung, nếu nhìn lại lịch sử nước Mỹ hai ba thập niên gần đây, thì có thể kết luận rằng, người Mỹ dường như đã trở nên u ám hơn. Mặc dầu nước Mỹ vẫn đang giữ được vận may nhưng người Mỹ cũng cần phải tập làm quen với một hiện thực mới.

Đã xuất hiện những cường quốc mà trong tương lai sẽ trở nên mạnh mẽ không kém gì nước Mỹ hôm nay, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Trung Quốc chẳng hạn, sẽ phát triển không ngừng; đồng euro cũng sẽ ngày một mạnh hơn so với đồng USD…

Hiện thực này có thể sẽ không dễ "nhằn" đối với một hợp chúng quốc vốn quen coi mình là người thừa kế xứng đáng của đế chế Anh từ thời trung cổ…

Thực tế là, nếu nước Mỹ hôm nay chưa bị rơi vào suy thoái thì cũng đã ở khoảng cách rất gần với việc này. Thời gian gần đây, người dân Mỹ đã phải biết tới không ít những tin tức khó chịu. Chẳng còn sự lựa chọn khả dĩ nào hơn. Và họ muốn tìm những lý do để hy vọng vào những thay đổi tươi sáng hơn, đặc biệt trong cuộc chiến đang diễn ra đẫm máu và bi thảm ở Iraq. Không phải ngẫu nhiên mà ứng cử viên da đen Barack Obama của đảng Dân chủ đang rất được cử tri ưu ái. Đơn giản là vì ông Barack xuất hiện như một nhân cách chính trị hùng hậu. Nhiều người Mỹ muốn nhìn nhận trong sự có thể thăng tiến của ông Barak như một bước vượt qua lời nguyền của quá khứ.

Nhìn chung, các cử tri Mỹ thông thường không quá đi sâu vào các chi tiết trong quan điểm chính trị của các ứng cử viên Tổng thống. Tuy nhiên, các chương trình tranh cử của các cử tri này khiến họ quan tâm khá sâu sắc.

Thí dụ, nếu bạn muốn chứng kiến các thay đổi nghiêm túc trong hệ thống y tế thì tốt nhất là bạn nên bỏ phiếu cho các ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ, chứ không nên ủng hộ các ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa.

Nếu bạn cho rằng cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Iraq là bước đi đúng đắn thì tốt hơn cả bạn nên bỏ phiếu cho cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, cựu phi công từng bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch, Hà Nội, John McCain. Điều đó có nghĩa là quan điểm chính trị cũng có vai trò quan trọng trong các lá phiếu.

Tuy nhiên, ngay việc bỏ phiếu cho ai của các cử tri Mỹ, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu vẫn là hình ảnh mà các ứng cử viên có thể tạo nên trong quá trình vận động bầu cử.

Trong cuộc chạy đua hiện nay vào Nhà Trắng, hai nhân vật ở thê đội sau của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã gây nên sự ngạc nhiên không nhỏ đối với các chuyên gia.

Ông Huckabee của đảng Cộng hòa và ông Obama của đảng Dân chủ đã khiến không ít cử tri Mỹ ưa thích vì phong cách phóng túng, không quy chuẩn truyền thống, hứa hẹn sự tách rời quá khứ của họ, khác với bà Hilllary Clinton và ông John McCain. Không ít cử tri Mỹ ưa thích những ứng cử viên xuất hiện "từ không đến có" và nếu không thể bầu họ làm Tổng thống thì cũng muốn họ có được những ảnh hưởng nhất định đáng kể tới hệ thống chính trị Mỹ.

Bà Hillary Clinton đang có những đối thủ ở cả trong đảng Dân chủ của mình cũng như trong đảng Cộng hòa. Liệu điều này có đồng nghĩa với việc cử tri Mỹ thông thường  không thích các ứng cử viên nữ trong những cuộc chạy đua lớn như vào Nhà Trắng hay không?

Theo lý giải của nữ giáo sư Kellerman, từ trước tới nay, các công dân Mỹ cũng như ở nhiều quốc gia khác không quen nhìn thấy phụ nữ ở những vị trí chủ đạo trong bộ máy điều hành quốc gia hay doanh nghiệp lớn. Bởi vậy, nếu như bà Hillary đắc cử trong cuộc bỏ phiếu tháng 11 năm nay thì đó sẽ là một sự kiện hi hữu "vô tiền", lạ lẫm không chỉ riêng đối với người Mỹ.

Cho tới hôm nay vẫn chưa có nhà quan sát nào dám cả gan "thiên vị" đưa ra những nhận định đoan chắc về người sẽ đắc cử Tổng thống Mỹ, thậm chí cả về người sẽ may mắn trở thành đại diện duy nhất của đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Mọi sự vẫn mông lung.

Tuy nhiên, không ít người cho rằng, thượng nghị sĩ John McCain có thể sẽ là nhân vật mà đảng Cộng hòa sẽ lựa chọn để làm ứng cử viên duy nhất của mình trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới.--PageBreak--

Nhìn đời theo kiểu McCain

Thượng nghị sĩ John McCain từ lâu được biết như một chính trị gia không mấy ưng ý đối với cách hành xử của Tổng thống Nga Vladimir Putin trên trường quốc tế. Thậm chí có lần ông này còn gọi ông Putin là "một nhân vật nguy hiểm".

Ông McCain cũng từng không chỉ một lần kêu gọi khai trừ Moskva ra khỏi nhóm các nước công nghiệp. Ông này cũng ủng hộ quá trình mở rộng NATO sang phía Đông châu Âu bằng cách kết nạp thêm những nước cộng hòa từng thuộc Xôviết trước đây.

Tháng 11/2007, ông McCain đã công bố trên tờ tạp chí đầy tuy tín Foreign Affairs bài báo trình bày các quan điểm chính trong chương trình đối ngoại của mình.

Trong đó, ông McCain kêu gọi Washington phải hành động cương quyết để Moskva hiểu rõ rằng, NATO rộng cửa với tất cả các chế độ mà phương Tây coi là dân chủ.

Ông ta kêu gọi NATO kết nạp mau chóng các nước như Ucraina hay Gruzia và lớn tiếng tuyên bố rằng, Mỹ cần phải ủng hộ việc phát triển "dân chủ" ở Nga. McCain cũng ủng hộ việc xây dựng các hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan và Czech, bất chấp sự phản đối từ Moskva.

McCain trên tổng thể ủng hộ cuộc đấu tranh trên quy mô toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố mà chính quyền đương nhiệm của Tổng thống George Bush đang tiến hành. Ông ta chỉ phê phán một số chi tiết trong chương trình hành động này.

McCain cũng tích cực ủng hộ quyết định tăng số lượng binh lính Mỹ ở Iraq và phản đối việc rút quân Mỹ ra khỏi quốc gia này trên quan điểm cho rằng, nếu vắng bóng quân phục Mỹ ở Iraq thì lực lượng khủng bố Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành chiến tranh ngay trên lãnh thổ Mỹ.

McCain cũng cho rằng, Washington cần có những căn cứ quân sự thường xuyên trên lãnh thổ Afghanistan. McCain ủng hộ việc giảm sự lệ thuộc của Washington vào lượng dầu mỏ nhập khẩu và gia tăng công nghiệp điện nguyên tử.

Ông McCain là một trong những chính trị gia chủ đạo theo truyền thống ủng hộ việc tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang Mỹ và  quân số Mỹ. Ông này cũng phản đối việc đối xử không nhân đạo với các tù binh và những người bị nghi ngờ là có dính líu tới khủng bố.

McCain là tác giả của điều luật sửa đổi cấm các lực lượng an ninh Mỹ sử dụng các biện pháp vô nhân đạo đối với các đối tượng này.

McCain cho rằng, cần phải tổ chức các cuộc họp của các cường quốc hạt nhân để tìm ra những biện pháp chống lại sự phát tán vũ khí hạt nhân và mở rộng quyền năng của Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế.

Ông McCain ủng hộ việc đưa quân đội Mỹ vào Iraq và cho rằng cuộc chiến tranh này là có lý và cần thiết cho việc bảo đảm an ninh của nước Mỹ cũng như thế giới. Theo ông McCain, việc phối hợp với SyriaIran trong việc xây dựng sự ổn định ở Iraq đã chứng minh sự thiếu hiệu quả của nó.

Ông McCain cũng cho rằng, chương trình hạt nhân của Iran đe dọa sự ổn định của khu vực Trung Đông và thế giới. Ông đã từng nói một câu khét tiếng: "Tồi tệ hơn chiến dịch quân sự chống lại Iran chỉ có thể là một nước Iran sở hữu vũ khí hạt nhân".

McCain từng không chỉ một lần tuyên bố rằng, một chiến dịch như thế có thể được tiến hành chỉ trong trường hợp các biện pháp răn đe khác trở nên không có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng không nên loại trừ phương án này.

Ông McCain từng nói về mình như một chính trị gia thân Israel. Theo ông ta, tiến trình hòa bình không thể khả thi một khi người Palestine không công nhận Israel, không đồng ý thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trước đây về việc từ bỏ bạo lực và cải cách hệ thống chính quyền của mình.

Ông McCain cho rằng, Washington cần tiếp tục hà hơi tiếp sức cho Israel về quân sự, cách ly các kẻ thù của Nhà nước Do Thái như Syria, các phong trào Hamas và Hezbollah…

Ông McCain cũng ủng hộ chiến dịch quân sự mà Israel đã tiến hành ở Lebanon năm 2006…

Ông McCain cho rằng, Washington cần phải kiềm chế sức mạnh đang ngày một gia tăng của Trung Quốc bằng cách củng cố thêm quan hệ với Nhật Bản và các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và duy trì sự có mặt về quân sự của mình ở khu vực này

Trấn Long
.
.