Châu Âu đối mặt với “thách thức kép”

Thứ Sáu, 27/11/2015, 02:35
Nhiều ngày sau vụ xả súng và đánh bom kinh hoàng xảy ra tại Paris (Pháp) đêm 13-11, dư luận vẫn tiếp tục nóng với câu chuyện liên quan tới vấn đề đảm bảo an ninh và chiến lược chống khủng bố. Đây được đánh giá là vụ tấn công quy mô và có thiệt hại về người lớn nhất trong 40 năm qua ở châu Âu.


Một cuộc điều tra ngay lập tức được tiến hành nhằm xác định thủ phạm, và những thông tin ban đầu cho thấy đó là các chiến binh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhiều khả năng đã trà trộn vào dòng người nhập cư.

Nhiều ý kiến cho rằng, vụ tấn công đẫm máu tại Pháp có thể chỉ là sự mở màn cho những gì mà châu Âu sẽ phải đối mặt như hệ quả của làn sóng di cư. “Đêm ác mộng” ấy đã bẻ hướng cuộc tranh luận về chính sách người nhập cư sang vấn đề an ninh quốc gia tại châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới. Nó chắc chắn sẽ châm ngòi cho nhiều tranh cãi lớn hơn, và đồng nghĩa với việc cánh cửa hướng tới hy vọng của hàng ngàn người chạy trốn bạo lực từ Trung Đông và châu Phi có nguy cơ khép lại.

Hành động chiến tranh

Truyền thông đưa tin, cuộc tấn công khủng bố tại Paris là một thảm kịch khủng khiếp, nhưng có thể được báo trước, đặc biệt vào thời điểm Paris bắt đầu tham gia chiến dịch không kích khủng bố ở Syria. Trên thực tế, Pháp có vai trò rất quan trọng tại Syria và lợi ích ở cả khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, mặc dù tham chiến muộn, nhưng Pháp lại đang có nguy cơ trở thành mục tiêu chính của những phần tử IS ở châu Âu. 

Theo nhiều nhà phân tích, Pháp đang ở trạng thái dễ bị tổn thương nhất. Bối cảnh hiện nay có phần hỗn loạn khi cộng đồng người Hồi giáo khá đông nhưng nhiều người vẫn không thể hòa nhập vào xã hội Pháp. Những thanh niên Hồi giáo tại Pháp không xác định được lợi ích quốc gia rõ ràng. Điều này thúc đẩy họ gia nhập IS, ra nước ngoài chiến đấu cho IS và rồi quay về, tham gia vào các hoạt động khủng bố của IS tại Pháp.

Không giống như vụ tấn công tại tòa soạn Charlie Hebdo hồi tháng 1-2015 nhằm vào những người được coi là “kẻ thù của Hồi giáo”, lần này vụ khủng bố lại hướng tới dân thường. Điều đó cho thấy lực lượng khủng bố muốn gieo rắc sự sợ hãi, khiếp đảm cho người dân. IS đang dần chuyển từ hình thức tấn công đơn lẻ sang tấn công tập trung, có sự phối hợp và lên kế hoạch kỹ lưỡng.

Với hình thức này, các nhóm khủng bố phải tìm được những chiến binh nằm vùng trung thành và có khả năng qua mắt các nhà chức trách. Lên kế hoạch và trao đổi thông tin trong đám đông mà không bị phát hiện là việc thực sự khó đối với những kẻ khủng bố, đặc biệt là ở một đất nước có kỹ thuật an ninh tối tân như Pháp. Việc nhận ra sự thay đổi trong cách thức tiến hành khủng bố của Nhà nước Hồi giáo đang khiến châu Âu cũng như toàn thế giới lo ngại. Giờ đây, bất cứ đâu cũng có thể trở thành một Paris thứ hai.

Đã xuất hiện lo ngại rằng, đối diện sức ép ở quê nhà, phiến quân IS buộc phải mở rộng tác chiến. Tổ chức này nung nấu ý định giết hại nhiều người ở xa ngoài biên giới nhằm bù đắp cho các thiệt hại trong chiến trường của chúng. Sau khi nhiều thủ lĩnh quan trọng bị tiêu diệt, IS đang cảm thấy phải lấy lại đà, thu hút sự chú ý dư luận, rồi sử dụng chủ nghĩa khủng bố để làm những việc kinh hoàng hơn nữa. Mặc dù thời gian qua, IS dường như đang chủ yếu tập trung phòng ngự, nhưng từ lâu chúng đã có ý đồ tấn công ra ngoài biên giới.

Từ năm ngoái đã xuất hiện nhiều cảnh báo về các cuộc tấn công của IS nhằm vào các quốc gia phương Tây. Trong đó, thủ lĩnh IS đã hô hào những người ủng hộ giết người ở bất cứ đâu. Và rồi, chủ trương này đã biến thành thảm kịch tại Paris với quy mô và mức độ vô cùng tinh vi.

Vụ khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris chính là công cụ tuyên truyền, khiến IS trông có vẻ mạnh hơn các nhóm khủng bố khác. Đây chắc chắn sẽ tạo nên bước ngoặt trong đường lối đối ngoại của Pháp, buộc chính phủ phải hành động mạnh tay hơn nữa. Pháp coi đây là “hành động chiến tranh” và Tổng thống Francois Hollande tuyên bố sẽ tấn công IS trên mọi mặt trận. Tuy nhiên, với tiềm lực có hạn, Pháp không thể hành động một mình mà buộc phải tìm kiếm trợ giúp và hợp tác với các nước khác.

Nhiều khả năng, điều này sẽ dẫn tới sự đáp trả mạnh mẽ của phương Tây đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Pháp đã nhận được tín hiệu ủng hộ mọi thứ cần thiết từ Mỹ, Anh và Đức để có thể tiến hành. Các chính trị gia đối lập ở Pháp (như cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy) cũng đang gây sức ép buộc chính phủ xích lại gần hơn với Nga để cùng hợp tác trong các chiến dịch quân sự tại Syria.

Lúng túng và bế tắc

Cuộc điều tra đã mở rộng ra ngoài biên giới Pháp với những manh mối và nghi phạm ở nước láng giềng Bỉ. Tổng thống Francois Hollande cho rằng các cuộc tấn công được lên kế hoạch ở Syria, tổ chức và chuẩn bị ở Bỉ và được sự giúp sức của một số người trong lòng nước Pháp. Quá trình thu thập chứng cứ cũng làm dấy lên lo ngại về việc các phần tử khủng bố lợi dụng khủng hoảng di cư để tới châu Âu và thực hiện âm mưu tấn công.

Người tị nạn là tội đồ hay nạn nhân của khủng bố?

Cần phải biết rằng, nhập cư là một chủ đề vô cùng nhạy cảm, mang đến gánh nặng về an sinh xã hội, công ăn việc làm và an ninh nhưng cũng là vấn đề nhân đạo mà các nước phương Tây (trong đó có Pháp) rất coi trọng. Không phải mọi người nhập cư đều có nguy cơ là khủng bố, nhưng khả năng khủng bố trà trộn vào dòng người nhập cư là rất lớn.

Không chỉ nhận trách nhiệm cho vụ khủng bố đẫm máu ở Paris, Nhà nước Hồi giáo tuyên bố sẽ thực hiện nhiều cuộc tấn công khác trên khắp thế giới mà điểm đến tiếp theo được dự đoán là London (Anh). Với việc mở cửa đón nhận làn sóng người nhập cư ồ ạt, phần đông trong số này đến từ Syria, “lục địa già” nhiều khả năng đang nằm trong tình trạng nguy hiểm. Vì vậy, làn sóng phản đối, quay lưng lại với người tị nạn bắt đầu dâng cao. Nhiều chính trị gia Pháp đã lên tiếng đòi đóng cửa biên giới, “chấm dứt khẩn cấp” việc tiếp nhận dòng người tị nạn.

Trong khi đó, phong trào phản đối tiếp nhận người nhập cư cũng bùng lên tại Đức, quốc gia giữ “lá cờ đầu” ủng hộ tiếp nhận người nhập cư. Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas đưa ra cảnh báo IS đang tìm cách cực đoan hóa vấn đề người nhập cư tại châu Âu, đồng thời chỉ trích chính sách nhập cư mà Thủ tướng Angela Merkel đang tiến hành. Trong bối cảnh này, một số chính trị gia tuyên bố phủ quyết kế hoạch tái phân bổ người nhập cư trên toàn châu Âu của Liên minh châu Âu (EU) vì cho rằng nó không “khả thi về mặt chính trị”.

Khi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, các nước châu Âu đã tìm mọi cách tăng cường kiểm soát biên giới, thiết lập nhiều “điểm nóng” để phân loại người nhập cư ngay từ đầu nguồn, cũng như thiết lập hồ sơ số của từng người. Châu Âu cũng vận động và tài trợ rất lớn cho các nước như Thổ Nhĩ Kỳ hay các nước châu Phi để ngăn chặn từ xa dòng người tị nạn. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến lâu dài mà phải mất rất nhiều công sức mới có thể mang lại hiệu quả, bởi căn nguyên của việc dân tị nạn Syria hay Iraq đổ sang châu Âu là vì chiến tranh và nghèo đói.

Trước tình hình này, việc các quốc gia cảm thấy cần phải hành động để bảo vệ người dân trong nước trước mọi hình thức khủng bố là có thể hiểu được. Tuy nhiên, lựa chọn phương án “quay lưng” lại với những người tị nạn đang chạy trốn khỏi bạo lực và trong tình trạng dễ bị thương tổn không phải là cách làm đúng đắn.

Có thể nói, sức ép từ cuộc khủng hoảng di cư đã làm châu Âu đứng ngồi không yên trong thời gian qua. Và sau vụ khủng bố tại Paris, vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thực tế rằng khủng bố đến từ bên ngoài lẫn bên trong. 

Các phần tử IS không chỉ trà trộn vào dòng người nhập cư mà còn nảy sinh từ chính các công dân Pháp hay châu Âu. Những công dân này bị cực đoan hóa và được IS tuyển mộ, trở thành những kẻ khủng bố ngay trong lòng “lục địa già”. Đây mới là mối đe dọa lớn nhất vì không ai có thể ngăn cản được những kẻ mang quốc tịch Pháp, sinh ra, lớn lên và hưởng trọn nền giáo dục Pháp nhưng lại có thể gây nên những vụ tấn công đẫm máu. 

Giải pháp tối ưu hiện nay là, các nước châu Âu cần đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố và phải cương quyết từ bỏ một số chính sách can thiệp của mình, chung tay bình ổn tình hình ở Trung Đông và châu Phi để những người tị nạn có thể trở về quê hương an toàn…

Việt Dũng
.
.