Châu Âu: Một năm chung sống

Thứ Hai, 02/02/2015, 12:35
Nhiều người tin rằng bình yên đang trở lại đối với các thị trường tài chính châu Âu trong bối cảnh có một sự bảo đảm chắc chắn từ các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU). Nhưng thực tế cho thấy các nền kinh tế châu Âu vẫn còn trong tình trạng trì trệ, khu vực đồng euro phục hồi một cách chậm chạp, áp lực giảm phát và tình trạng thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Rõ ràng, với sự “bất lực” của chính phủ các nước EU trong việc chấm dứt tình trạng bất ổn, nhiều quốc gia thành viên đang mất dần sự kiên nhẫn đối với chính sách thắt lưng buộc bụng, và phải đối mặt với những biến động về chính trị cùng nguy cơ tái diễn chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt các vụ bắt giữ các nghi phạm có liên hệ với mạng lưới phiến quân Hồi giáo cực đoan ở châu Âu thời gian qua phần nào cho thấy sự nguy hiểm của làn sóng khủng bố. Cả châu Âu đang sục sôi và cẩn trọng hơn bao giờ hết. Sau những cuộc truy lùng tạm thời ở mọi ngõ ngách của các nước thành viên, giờ đây giới lãnh đạo khối Liên minh EU đang họp bàn nhằm tìm cách tiêu diệt và ngăn ngừa khủng bố, cùng những biện pháp thặt chặt an ninh hơn nữa để bảo vệ sự sống còn của chính châu Âu trong năm 2015.

Ám ảnh bóng đen khủng hoảng

Nền kinh tế của EU đã và đang trải qua một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống từ năm 2008 với việc các nước như Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Tây Ban Nha bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đó là các khoản nợ quốc gia khổng lồ, xu hướng giảm công nghiệp hóa, ngân sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm các chương trình xã hội, tỉ lệ thất nghiệp.

Mặc dù nền kinh tế vẫn tiếp tục “nổi” nhưng rõ ràng các chính sách của khối EU chưa đạt được hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng và cấp bách. Thực ra, không có một công cụ hữu hiệu nào có thể được đưa ra bây giờ nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế mang tính hệ thống mà không thể không gây bất mãn xã hội.

Đối với châu Âu, năm 2015 được dự đoán là thời điểm sẽ chứng kiến nhiều nỗ lực nữa để tìm được sự an toàn. Trang BBC cho rằng sự hồi phục kinh tế của châu Âu sẽ không đồng đều trong 12 tháng sắp tới. Đức vẫn sẽ là động cơ chính của kinh tế châu Âu, nhưng sẽ không còn mạnh như hai năm trước. Trong khi đó, tăng trưởng ở Pháp sẽ khoảng 0,7%; còn Italia sẽ nhích dần lên từ suy thoái. Nhưng khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng trên 1% và sẽ không đủ bứt phá để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức 11,7%.

Tuy nhiên, Eurozone có thể thoát khỏi nguy cơ giảm phát và gia tăng nợ quốc gia nhờ xu hướng giảm giá của đồng euro được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay. Ước tính, tỷ giá đồng giữa đồng USD và đồng euro sẽ ở mức 1,2 USD/euro trong quý 2 năm 2015. Đà giảm giá liên tục của đồng tiền chung sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho các nền kinh tế khu vực châu  Âu, trong đó Tây Ban Nha và Pháp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đây là yếu tố khuyến khích xuất khẩu sang các nước ngoài khu vực châu Âu, khả năng cạnh tranh của sản xuất trong khu vực cũng sẽ được tăng lên, dẫn đến giảm nhập khẩu và các doanh nghiệp sản xuất trong nước được hưởng lợi.

Mặc dù các quan chức và lãnh đạo lục địa này tuyên bố cuộc khủng hoảng kinh tế đã qua nhưng cảm giác bấp bênh chưa bao giờ biến mất. Sự trì trệ trong nền kinh tế vẫn còn đó, và sẽ tiếp tục, thậm chí được thúc đẩy bằng việc thu hẹp thị trường nhập khẩu của Nga sau những rào cản cấm vận. Châu Âu dường như vẫn đặt cược vào việc giữ cho giá trị đồng euro ở mức thấp và dựa vào xuất khẩu rẻ hơn để thúc đẩy nhu cầu nội tại. Sự bất bình của người dân với các biện pháp thắt lưng buộc bụng sẽ tăng lên. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng giảm phát không tạo ra tăng trưởng và việc làm mới không chỉ có nguy cơ gây căng thẳng xã hội mà còn ảnh hưởng đến các dự án của châu Âu.

Bong bóng chủ nghĩa cực đoan

Cuộc tranh cãi về chính sách khắc khổ đang tạo ra một “quả bom chính trị” bởi vì nó trở thành một cuộc xung đột giữa Đức (nơi tiếp tục yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% và nhiều cải tổ được thực hiện đối với luật lao động) với Pháp và Italia - hai quốc gia tin rằng châu Âu cần tăng trưởng và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Cuộc chiến giữa bên bảo vệ chính sách khắc khổ và bên phản đối thực sự đe dọa không chỉ đối với sự sụp đổ của Eurozone mà còn gây chia rẽ cả châu Âu.

Cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro và việc từ chối thực hiện bất kỳ một phương pháp tiếp cận thực tế nhằm khôi phục đà tăng trưởng đã góp phần đáng kể vào sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong EU. Sức mạnh của xu hướng chính trị này được thể hiện rõ ràng khi các đảng cực hữu và theo xu hướng hoài nghi đồng tiền chung châu Âu giành thắng lợi lớn tại một số nước EU trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần thứ 8.

Ngoài ra, chủ nghĩa dân tộc cực đoan chính là nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa phát xít tàn bạo, một khi xuất hiện trở lại châu Âu sẽ trở thành hiểm họa đối với hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

Sự suy giảm kinh tế kéo theo nạn thất nghiệp tràn lan, trong khi số người nhập cư vào lục địa già liên tục gia tăng khiến những người trẻ tuổi càng dễ gia nhập các nhóm dân tộc cực đoan và bài xích người nhập cư. Hàng loạt cuộc tuần hành của những phần tử cực đoan tại Đức trong thời gian qua đang khiến cả châu Âu lo ngại, đặc biệt phải kể tới phong trào PEGIDA - không chỉ quy tụ các đảng cực hữu mà còn lôi kéo nhiều người trước đây chưa từng có tư tưởng chống Hồi giáo và bài ngoại.

Nhiều nhà phân tích chính trị cảnh báo nhóm PEGIDA sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm nếu nó kích động được bản năng hung hăng và coi thường pháp luật của đám đông những đối tượng cực đoan có tư tưởng hẹp hòi. 

Không chỉ tại Đức mà ở nhiều quốc gia châu Âu khác, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng và xã hội rối ren, số người nhập cư ngày càng tăng thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan được một bộ phận không nhỏ người dân ủng hộ. Tại Ba Lan, những phần tử dân tộc cực đoan muốn học theo phong trào Jobbik, hiện là đảng lớn thứ 3 ở Hungary và có “chân” trong Quốc hội nước này sau các cuộc biểu tình tại Budapest. Cùng với Hungary, việc các đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia ở Pháp và Bình minh Vàng ở Hy Lạp lấy được ghế trong nghị viện các nước này, thậm chí là Nghị viện châu Âu, càng khiến dư luận thêm lo lắng.

Sẽ không quá khi nói rằng EU đang bị đe dọa cả từ bên trong lẫn bên ngoài bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan.Thông qua những diễn đàn trên mạng Internet và các trang mạng xã hội, các phần tử quá khích đang hàng ngày kết nối với nhau và tung ra những lời hiệu triệu sặc mùi hận thù và đầy kỳ thị. Vì thế, hơn bao giờ hết châu  Âu và thế giới cần cảnh giác trước mầm mống nguy hiểm này và sớm có giải pháp hữu hiệu.

Một châu Âu, muốn hồi phục và bình ổn hơn trong năm 2015 cũng như hạn chế nguy cơ khủng hoảng kinh tế - đồng euro tái diễn và hệ lụy kéo theo là khủng hoảng chính trị, cần phải đạt được hợp tác và đồng thuận từ phía các quốc gia thành viên EU thay vì những bất đồng ở hiện tại.

Làn sóng khủng bố dâng cao

Sau cuộc thảm sát tại tạp chí Charlie Hebdo và vụ tấn công siêu thị ở Paris (Pháp), chính quyền các nước châu Âu tổ chức ồ ạt các chiến dịch an ninh để trấn áp cực đoan. BBC dẫn lời các quan chức tình báo ở châu Âu cho hay họ đang cố gắng kiểm soát các nhóm người mới trở về từ những vùng có chiến sự ở Syria.

Theo đó, chính tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chỉ đạo những người trở về từ Syria thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các nước phương Tây, hòng trả đũa các nước tham gia liên minh mà Mỹ cầm đầu thực hiện các cuộc không kích nhằm vào IS trên lãnh thổ Syria và Iraq.

Lãnh đạo châu Âu đang có một chương trình nghị sự bàn cách chống khủng bố dày đặc. Sau vụ thảm sát ở Pháp, bộ trưởng nội vụ 11 nước châu Âu đã lặng lẽ nhóm họp tại Paris để thảo luận các biện pháp chống cực đoan, chia sẻ về chiến dịch truy quét nạn buôn bán vũ khí, hỗ trợ cảnh sát ở Trung Đông và Bắc Phi, ngăn chặn các công dân EU tham chiến ở nước ngoài, cũng như các biện pháp kiểm soát tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Cuộc gặp mặt này được cho là sẽ tạo tiền đề cho những quyết định quan trọng có thể được đưa ra tại các cuộc họp tiếp theo cũng như Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU sẽ diễn ra vào ngày 12/2 tới.

Nhiều ý kiến cho rằng các biện pháp đối phó với khủng bố hiện thời chỉ là giải pháp phần ngọn và châu Âu chắc chắn sẽ phải có những điều chỉnh để giải quyết mâu thuẫn giữa thế giới phương Tây và thế giới Hồi giáo. Sẽ không thể có một chiến dịch an ninh hiệu quả, nếu không ngăn ngừa được những tế bào khủng bố đang ẩn náu trong lòng châu Âu. Tịch thu hộ chiếu và bỏ tù chỉ đẩy những con người này vào bước đường cùng và họ càng có nguy cơ trở thành “những quả bom nổ chậm” nếu bị phân biệt đối xử.

Chưa kể, các nước châu Âu thường chia rẽ mỗi khi nói đến một cách tiếp cận chung. Vì thế, việc đề ra được một chính sách chung thật sự cho EU trong lĩnh vực chống khủng bố sẽ không thể nhanh chóng và dễ dàng.

Trong khi giới chính trị EU họp bàn thì trên thực tế các cuộc bố ráp khủng bố vẫn tiếp tục diễn ra. Hiện nay, có khoảng 20 nhóm cực đoan với khoảng 200 thành viên đang ẩn mình ở châu Âu và sẵn sàng tấn công ở Pháp, Ðức, Bỉ và Hà Lan. Với vị trí địa lý ngay sát khu vực Trung Đông đầy bất ổn, cùng với việc tự do di chuyển giữa các nước trong liên minh châu Âu, những kẻ khủng bố có thể thực hiện những vụ tấn công với hệ quả tương tự như tại Paris vào bất cứ quốc gia châu Âu nào.

Các chuyên gia cảnh báo lực lượng cực đoan châu Âu ngày càng “trưởng thành và kinh nghiệm”, do đó nguy hiểm và đáng sợ hơn. Cuộc thảm sát ở Paris vừa qua vừa mang bản chất khó dự báo của những vụ tấn công “sói đơn độc”, vừa thể hiện khả năng tính toán và lên kế hoạch cẩn thận, vừa gây thương vong lớn và làm chấn động tương tự các đợt tấn công khủng bố quy mô lớn.

Lực lượng An ninh châu Âu sẽ phải rất vất vả trước hàng loạt vấn đề hóc búa này khi không có đủ nguồn lực tình báo và quân sự để ngăn chặn cực đoan. Do đó, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu tiếp tục xảy ra ở châu Âu. Vấn đề chỉ còn là thời gian…

Trần Quân – Nam Hồng
.
.