Châu Âu thực sự đã già?

Chủ Nhật, 30/09/2018, 18:18
Trái ngược với sự trẻ trung, hồ hởi ở nhiều nơi khác, sự già nua của Châu Âu được thể hiện qua phong cách sống chậm và nhiều lúc là quá chậm của người dân nơi đây - có lẽ một phần cũng vì ở đây có nhiều người già quá. 


Kết quả khảo sát thường niên về các quốc gia tốt nhất thế giới do US News & World Report kết hợp cùng công ty tư vấn Y&R's BAV và nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Pensylvania tiến hành cho thấy có tới 6 nước thuộc Liên hiệp Châu Âu xuất hiện trong Top 10 của bảng xếp hạng các quốc gia đáng sống nhất trên thế giới năm 2017.

Tôi luôn thắc mắc về sự giàu có của Châu Âu mà đặc biệt là các nước thuộc Bắc Âu. Sẽ dễ giải thích khi chúng ta thấy Đức, Anh, Pháp và kể cả Tây Ban Nha có nhiều của cải bởi vì ngoài dân số đông, trình độ phát triển công nghiệp rất cao thì sự giàu có của họ có phần đóng góp đáng kể từ tài sản "cướp" được từ các nước thuộc địa trước kia.

Thật ngạc nhiên và rất đáng nể là chú lính chì Đan Mạch, một nước đã từng bị Đức chiếm đóng trong thế chiến thứ 2, dân số khoảng 5 triệu người với diện tích chỉ bằng 4 tỉnh lớn của Việt Nam lại có thể giàu có đến như vậy. Khi chúng ta mỗi năm tiếp nhận hàng trăm triệu USD viện trợ phát triển từ Chính phủ Đan Mạch, chắc ít ai chú ý đến chuyện nước này còn nợ ngập đầu sau Thế chiến thứ II. 

Thậm chí nợ công của họ đã từng lớn hơn cả tổng sản phẩm Quốc nội và người Đan Mạch đã phải làm việc cật lực để chắt chiu trả nợ trong vòng 20 năm. Ngày nay bốn nước vùng Scandinavia đang là nhà tài trợ quan trọng của các nước nghèo, trong đó có Việt Nam.

Ẩn sau sự "già nua" là một Châu Âu thanh bình và hiện đại. Ảnh: Trần Văn Tuấn.

Châu Âu thường được gọi là lục địa già, nhưng xem ra họ chỉ già về sự chín chắn, độ thâm trầm và khả năng dung hợp. Người Tây Âu có lẽ đã tiến đến một giai đoạn khác trong nấc thang phát triển của xã hội loài người. Đối với họ mọi chuyện đều đơn giản, ít câu nệ và thiên về hiệu quả.

Lần đầu đến Hà Lan, tôi và mấy người bạn đã bị một cú sốc văn hóa khi chúng tôi đang rón rén đi bộ qua đường chỗ một bùng binh thì bất ngờ cả một hàng xe ôtô dừng hết lại để ưu tiên cho chúng tôi qua đường. Sau này về nước, thỉnh thoảng lái xe qua những chỗ có hàng đinh tôi cũng dừng xe ưu tiên cho người đi bộ. Thay vì mỉm cười cảm ơn như những gì nên làm là những ánh mắt ngạc nhiên đến cực độ, cùng vô số tiếng còi xe giục giã và bức xúc phía sau.

Trái ngược với sự trẻ trung, hồ hởi ở nhiều nơi khác, sự già nua của Châu Âu được thể hiện qua phong cách sống chậm và nhiều lúc là quá chậm của người dân nơi đây - có lẽ một phần cũng vì ở đây có nhiều người già quá. Ngay cả mấy con ngỗng trời cũng ung dung kiếm ăn vô tư trong các nông trại mà không ai đuổi (vì phạm luật). Mấy con chim cu thì tiếng gáy cũng từ tốn và nhàn nhã hơn. Những đôi vịt giời bơi lội từ tốn và thoải mái thể hiện tình cảm cứ như là chúng hiểu được câu nói "dục tốc bất đạt" của người Trung Hoa vậy.

Đôi lần ngắm nhìn những con vịt giời đang thảnh thơi bơi lội mà chả thèm quan tâm đến nhiều người xung quang, tôi đã thốt lên: "Chao ôi, đến thân phận một con vịt giời ở nơi đây cũng khoan thai hơn hẳn".

Có nhiều người hay kêu gọi gìn giữ bản sắc của dân tộc mình, cộng đồng mình, cổ súy tinh thần Quốc gia, hay dân tộc chủ nghĩa để qua đó xây dựng một đất nước hùng cường. 

Vậy sau sự hùng cường đó là gì? Phải chăng chính là cuộc sống thái bình, hòa hợp và không còn xung đột. Vậy thì để có hòa bình chúng ta phải quay trở lại sự hòa hợp và sự hòa hợp chỉ có thể đạt được nếu mọi người hy sinh cái tôi và chấp nhận bản sắc của người khác. Tuy không đánh mất bản sắc, nhưng rõ rằng là người Châu Âu đã làm rất tốt trong việc tạo dựng và duy trì một cộng đồng có thể nói là duy nhất đạt được sự thịnh vượng trên thế giới ngày nay - tuy vẫn còn tiềm ẩn ít nhiều bất cập.

Sự già dặn trong cách nghĩ của người Châu Âu đã khiến họ sẵn sàng hy sinh cái tôi và chấp nhận bản sắc của người khác và có được hòa hợp. Sự thống nhất hầu như không đổ máu của châu lục này sau chiến tranh Lạnh có thể gợi ý cho chúng ta nhiều điều, trong đó sự văn minh của dân chúng, bao gồm cả các lãnh đạo đất nước ở thời kỳ đó đóng vai trò then chốt tạo nên sự thay đổi cần thiết vì quyền lợi chung của cộng đồng, đất nước.

Thực sự, họ đã làm rất tốt trong việc tạo dựng và duy trì một cộng đồng có thể nói là duy nhất đạt được sự thịnh vượng trên thế giới ngày nay - bất chấp các bất cập vẫn còn tiềm ẩn.

Bức tường Berlin luôn gây sự tò mò cho nhiều du khách khi đến nước Đức và tôi cũng không là ngoại lệ. Khi lần đầu đến Berlin, chúng tôi đi xe buýt và hỏi đường đến thăm di tích này. 

Một người đàn ông đứng tuổi, sau khi đã tận tình chỉ đường đi đến cái bảo tàng be bé đó đã rất bức xúc nói với tôi: "Tại sao các bạn lại cứ muốn đến thăm nơi đó, đó là nơi gợi lại sự chia cách, sự đau thương của nước Đức và Châu Âu. Tôi không thể hiểu tại sao nhiều người nước ngoài khi đến đây lại cứ muốn xem lại cái quá khứ đau thương đó, trong khi chúng tôi thì cứ muốn quên nó đi". 

Tôi chỉ biết nói cám ơn ông rồi xuống xe mà không thể hiểu tại sao ông lại bức xúc đến như vậy. Có thể vì sự đa dạng trong bản sắc của từng địa phương nơi tôi sinh ra và kể cả Châu lục của mình không cho phép tôi hiểu những gì ông nói vào thời điểm đó.

Một phần còn lại của Bức tường Berlin, nơi lưu giữ quá khứ mà nhiều người Đức rất muốn quên đi.

Chuyến thăm thành phố biển Cadiz (Tây Ban Nha) xinh đẹp nằm bên bờ Đại Tây Dương đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn. Trên đường đi chụp ảnh, tôi chứng kiến bên cạnh một tòa lâu đài cổ có rất nhiều người đang chăm chú câu cá. Tò mò nhìn xuống nước, tôi giật mình vì lần đầu trong đời được trực tiếp nhìn thấy có nhiều cá mà lại toàn là cá lớn đến như vậy. Tôi nán lại để được chiêm ngưỡng một vài con cá lớn được đưa lên khỏi mặt nước.

Chờ và chờ mãi mà chẳng thấy có con nào được câu lên, tôi tiến lại gần hơn những người đang bình thản ngồi câu kia xem liệu họ có phải không biết cách câu hay không. Khi để ý đến món mồi câu họ móc vào lưỡi câu tôi cảm thấy thất vọng, hơi bức xúc và thầm nghĩ: "đúng là ngố như Tây". Quả thực là ngố thật khi món mồi câu này được họ làm từ bột và rất dễ tan ra khi gặp nước, và nhất lại là gặp sóng.

Để giải tỏa cho sự bức xúc của tôi, một vài người đang ngồi câu chầm chậm cất đồ câu rồi ra về với vẻ mặt hả hê mà không câu được con cá nào cả. Tôi chợt nghĩ đến chuyện ông Lã Vọng buông cần câu mà không cần được cá vì chỉ cần giết thời gian để chờ thời. Những người Châu Âu đi câu này có vẻ họ cũng không cần cá, nhưng cũng không phải để đợi thời cơ nào cả.

Rồi tôi chợt nhận ra rằng, cái cơ bản là họ chỉ muốn được đắm mình với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống thông qua việc đùa giỡn và ngắm nhìn những con cá xinh đẹp kia vậy.

Nếu họ thực sự đi câu theo cái cách mà tôi đã từng làm ở quê hương mình, thì liệu giờ này đàn cá kia có còn tung tăng bơi lội với số lượng lớn như thế kia không? Thứ mồi mà tôi cho rằng rất dễ tan kia cũng chỉ là vì họ muốn tặng cho đàn cá.

Những người câu cá đó, họ thực sự văn minh hơn rất nhiều so với những gì tôi từng nghĩ. Vậy cái gì đã làm nên sự khác biệc cơ bản đó?

Châu Âu thực sự đã già và phải nói là "già dặn" trong nhiều thứ, bao gồm cách họ vận hành xã hội, ứng xử với con người và môi trường xung quanh. Song hành với sự già nua chính là gánh nặng về phúc lợi xã hội do ngày càng có nhiều người về hưu sống thọ hơn. 

Áp lực già hóa dân số đã khiến cho người dân phải chịu thuế thu nhập cá nhân quá cao, khiến không ít người cảm thấy thiếu sự khích lệ khi sống và làm việc ở nơi đây. Nhưng nếu ta thu gọn xã hội này lại thành quy mô của một gia đình thì chẳng phải đây chính là cái đích mà ai cũng mong muốn  đạt được đó sao!

Sự văn minh của người Châu Âu không phải tự đến hay có được trong một sớm, một chiều. Đó là sự kết tinh của ý chí, nghị lực và tinh  thần khai phóng của họ trong cả ngàn năm qua. Đó cũng là bài học họ đúc kết được từ những sai lầm trong quá khứ.

Liệu chúng ta có thể học hỏi được những gì từ họ để đỡ mắc thêm các sai lầm và hấp thu các giá trị nhân văn từ lục địa già này, nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển và hướng tới dựng xây một quốc gia đáng sống? Câu trả lời ở đây là có!

Nhưng trước hết chúng ta cần phải tự mình văn minh thêm lên đã!

Trần Văn Tuấn
.
.