Chàng sinh viên kéo cờ trên kỳ đài Huế

Thứ Bảy, 05/09/2015, 11:46
Một lần nữa, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Đặng Văn Việt lại vào Huế “đóng phim”! Sự kiện Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương (sau này trở thành tướng Cao Pha)  kéo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài Huế ngày 21/8/1945 đã đi vào lịch sử, đã được báo chí đưa lên nhiều lần.

Nhưng lần này, kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, thì hình ảnh ngọn cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên kinh thành Huế, thay thế cờ quẻ ly của nhà vua, báo hiệu sự kết thúc triều đại phong kiến và mở đầu thời đại mới của dân tộc không thể thiếu trong chương trình lớn ngày đại lễ, nên Đài Truyền hình Việt Nam lại mời Đặng Văn Việt vào Huế. Cũng thật là đặc biệt, Đặng Văn Việt - nhân chứng hiếm hoi của sự kiện lịch sử ấy nay đã 96 tuổi, mà cuộc đời ông có thể gọi là một pho sử sống của dân tộc ta suốt gần một thế kỷ qua!

Sự kiện chỉ có một, diễn ra lúc 9h ngày 21/8/1945 trong 70 năm trước, khi lên phim có lẽ chỉ hiện diện vài phút, nhưng bao quanh nó là vô số những điều đáng suy ngẫm, Cũng có thể nói đó là kết quả của cả một quá trình và mặt khác, đó lại là điểm xuất phát, là nơi khởi đầu của một chuỗi thành tựu về sau.

Bản thân Đặng Văn Việt - một trong hai người làm nên sự kiện ấy, 70 năm sau, sau không biết bao nhiêu lần kể câu chuyện “hạ cờ quẻ ly, kéo cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Huế tháng 8/1945”, bỗng “tự phát hiện” ra một cách nhìn mới, hàm chứa nhiều ý nghĩa. Gặp lại Đặng Văn Việt, khi ông vừa từ Hà Nội vào Huế cùng các phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, ông liền “khoe” với tôi bài viết tham dự cuộc thi “Hồi ức cuộc đời” do báo Người cao tuổi tổ chức. Ông trao cho tôi bài báo, nhưng níu vai tôi, vừa đọc, vừa giảng giải thêm: “Bài dự thi này, nếu được giải nhất là 10 triệu đó! Phê nghe đây, lần này mình coi như là một trận đánh…”.

Cũng là câu chuyện 70 năm trước, nhưng Đặng Văn Việt mở đầu một cách khá đặc biệt, với những đề mục chữ đậm và “gạch đầu dòng” như là một “đề cương” báo cáo:

“Tương quan lực lượng

- Binh hỏa lực của ta: Hai ngự lâm quân: Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương. Một barillet và 6 viên đạn xịt.

- Binh hỏa lực của đối phương: (Vua Bảo Đại – Nam Phương Hoàng hậu có mặt).

+ 01 thầy đội, 01 lãnh binh, 12 lính dõng, 12 súng mútcơtông;

+ Một đại đội khố vàng, 120 súng mútcơtông;

+ 10 khẩu pháo đùng, 10 khẩu thần công (200 ly).

Kết quả:

+ Hạ được cờ nhà vua, treo cờ cách mạng mở trang sử mới, ngai vàng sụp đổ.

+ Thương vong: 0/0….

Sau những dòng chữ “khô khan” này, Đặng Văn Việt mới bắt đầu kể câu chuyện diễn ra trên đôi bờ sông Hương 70 năm trước. Bài viết của Đặng Văn Việt dài hơn 3 trang giấy A4, nhưng vẫn không thể “diễn giải” hết chiều sâu và những ngọn nguồn dẫn tới kết quả ngoạn mục đó. Chỉ một chi tiết: Vì sao đồng chí Trần Hữu Dực, lúc đó là Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên (về sau là Phó Thủ tướng) lại chọn Đặng Văn Việt, chàng thanh niên 25 tuổi, quê xứ Nghệ, lại là con quan, để giao nhiệm vụ quan trọng đó?

Từ phải qua: Tác giả, ông Vĩnh Mẫn (chắt nội vua Hiệp Hòa, liên lạc viên thời đầu CMT8 và là Chính ủy một thời ở “Đoàn tàu không số”, và ông Đặng Văn Việt...

Trước hết, Đặng Văn Việt được chọn, vì chàng từng là học sinh Trường Quốc học Huế. Sau khi đỗ tú tài toàn phần, ra Hà Nội học “trường thuốc”, nhưng chưa thành bác sĩ thì Nhật đảo chính Pháp, “trường thuốc” phải đóng cửa, chàng lại trở vào Huế dự lớp học Thanh niên tiền tuyến của Phan Anh, tham gia tổ Việt Minh bí mật trong lớp học.

Chính là “thương hiệu” Trường Thanh niên tiền tuyến, tuy bề ngoài là tổ chức thuộc Bộ Thanh niên của Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng với hai người lãnh đạo là trí thức yêu nước cùng quê xứ Nghệ (Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu - về sau, cả hai, đều trở thành Bộ trưởng trong Chính phủ Cụ Hồ) đã sớm “Việt Minh hóa”, trở thành cái nôi đào tạo những sĩ quan đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (sau này có 8 người trở thành tướng) đã khiến Đặng Văn Việt lọt vào “mắt xanh” của tổ chức cách mạng.

Nhưng không chỉ có thế, trong 43 sinh viên Thanh niên tiền tuyến đều là những người trẻ xuất sắc, riêng Đặng Văn Việt được chọn, chính vì cái “lí lịch” rất đặc biệt của ông. Nói cho thật đầy đủ thì thật may là những người cách mạng thời lập quốc, theo đường lối “Đại đoàn kết” của Hồ Chí Minh, chưa bị “chủ nghĩa thành phần” chi phối, đã biết chọn người có “lí lịch” đặc biệt như Đặng Văn Việt. 

Thân phụ của Đặng Văn Việt là cụ Đặng Văn Hướng, đỗ Phó bảng năm 1919, từng giữ chức Thị lang Bộ Công, Tham tri Bộ Hình ở Huế... Sau Cách mạng tháng 8/1945, Hồ Chủ tịch đã mời cụ làm Bộ trưởng không bộ, phụ trách 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ông nội Đặng Văn Việt là cụ Đặng Văn Thụy, đỗ Hoàng Giáp năm 1904, từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám Huế (tương tự như Đại học Quốc gia ngày nay).

Cụ Thụy xuất thân từ một gia đình thợ rèn, đỗ đại khoa, làm quan to, khi cáo quan về quê lại sống cuộc đời dân dã như một người lao động bình thường nên dân chúng trong vùng truyền tụng rất nhiều giai thoại tôn vinh cụ. 

Nhắc đến gia thế và để hiểu nguồn gốc một con người, có lẽ xin nói thêm bên ngoại. Bà nội của Đặng Văn Việt là ái nữ của cụ Cao Xuân Dục, một vị đại thần có nhiều công lao trong sự nghiệp văn hoá - giáo dục thời nhà Nguyễn. Thân mẫu của Đặng Văn Việt xuất thân từ một đại gia họ Hoàng nổi tiếng ở phố Hàng Đào (Hà Nội). Đó là gia đình cụ Hoàng Đạo Phương, anh ruột cụ Hoàng Đạo Thuý - người anh cả của phong trào Hướng đạo Việt Nam. Ngoài cô con gái đầu lòng về làm dâu họ Đặng, những cô gái khác con cụ Hoàng Đạo Phương trở thành những “nội tướng” của các gia đình danh giá.

Trong đó, đặc biệt có bà Hoàng Thị Hảo là phu nhân của ông Trịnh Văn Bính, một nhân sĩ nổi tiếng, từng là Thứ trưởng Bộ Tài chính, người đã có công xây dựng ngành tài chính nước ta thời kỳ cách mạng mới thành công. Một người nữa là bà Hoàng Thị Minh Hồ, phu nhân của ông Trịnh Văn Bô, một nhà công thương yêu nước từng đóng góp lớn về tài chính cho Chính phủ cụ Hồ trong những ngày đầu về thủ đô.

Căn nhà số 48 Hàng Ngang của gia đình bà Hồ chính là nơi Hồ Chủ tịch đã ở lúc viết bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; cũng chính gia đình bà đã hiến 117 lạng vàng trong Tuần lễ Vàng ở Hà Nội... Có thể nói, đó là lớp người tinh hoa của dân tộc mà Đặng Văn Việt là thế hệ tiếp nối. Và chính nhờ thế, chàng sinh viên Trường Thuốc quê Nho Lâm (Diễn Châu) đã có vinh dự được treo lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên lên cột cờ trước Ngọ Môn Huế.

Cũng chính nhờ chính sách đại đoàn kết có sức tập hợp mọi tầng lớp trong xã hội vì nghĩa lớn của dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà “trận đánh nhỏ” bên Kỳ đài Huế tháng 8/1945, mặc dù không cân sức, “thương vong cả hai bên là 0/0!”.

Đặng Văn Việt rất thú vị khi nhấn mạnh “kết quả” này với tôi, vì viên lãnh binh chỉ huy 120 tay súng, trong dịp gặp Đặng Văn Việt sau đó, đã nói: Nếu không có Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương can ngăn thì ông ta đã ra lệnh nổ súng! Loạt súng ấy, nếu nổ ra, không chỉ “tiêu diệt” ngay lập tức hai sinh viên Thanh niên tiền tuyến treo cờ mà chắc chắn sẽ khơi mào cho cuộc chiến đẫm máu giữa hai bên, khi hàng vạn nhân dân Huế nổi dậy giành chính quyền giữa lúc lực lượng vũ trang cách mạng chưa kịp tổ chức. 

Thật may là điều đó đã không xảy ra, không chỉ ở Huế. Và cũng thật tiếc, là do những “éo le” của lịch sử, do sự ngoan cố của thực dân Pháp, về sau, cuộc trường kỳ kháng chiến mà nhân dân ta không hề muốn, đã nổ ra, gây ra biết bao tổn thất cho cả hai phía.

Trong cuộc chiến ấy, Đặng Văn Việt cũng như hầu hết sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến đã thành sĩ quan, thành tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Riêng Đặng Văn Việt, lại đứng ở tuyến đầu, sau chiến công đánh bại hai binh đoàn Pháp, được mệnh danh là “Hùm xám đường số 4” - “Đệ tứ Đại vương”, đã chỉ huy đánh thắng cả trăm trận trong nhiều chiến dịch tiếp theo…

*

*        *

Với quá trình chiến đấu và thành tích ít người sánh được trong kháng chiến chống Pháp, đến mức đối thủ cũng phải gọi ông là “Un Général, un Maréchal sans étoile” (một đại tướng, một nguyên soái không sao) với sự “xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng” của Bộ Nội vụ ngày 3/1/2012, rằng cụ Hướng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ trưởng năm 1947, nhiều cơ quan (như Ban liên lạc Trường Thanh niên tiền tuyến Huế, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam…) đã đề nghị Chủ tịch nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Đặng Văn Việt. 

Đặc biệt, thư của Đại tá - Anh hùng La Văn Cầu có đoạn viết: “Nếu tôi được phong anh hùng một lần, thì tôi nghĩ thủ trưởng Việt phải được phong nhiều lần (5-10 lần)!... Thượng tướng - Giáo sư Hoàng Minh Thảo, Giám đốc Học viện Bộ Quốc phòng, năm 2001, cũng đã phát biểu: “Đặng Văn Việt là nhà chỉ huy có tầm quốc gia, mặc dầu anh chỉ là trung tá… Anh Việt còn là nhà lý luận cừ khôi của quân đội cách mạng. Tôi xin ngả mũ trước cuộc đời yêu nước, oan khiên của cụ Đặng Văn Hướng (bố anh) và cuộc đời anh”.

Phải! Đến nay, Đặng Văn Việt vẫn chỉ là trung tá, vẫn chỉ là “anh hùng dân phong”. Điều đáng quý là trước những trớ trêu của số phận, trước những biến động của thời cuộc, Đặng Văn Việt vẫn luôn giữ tấm lòng son và tinh thần tiên phong của người đội viên Thanh niên tiền tuyến ngày kéo cờ đỏ sao vàng lên Kỳ đài Huế tròn 70 năm trước.

Đặng Văn Việt nói với tôi một cách vui vẻ: “Chú biết rồi đó, vì lí lịch con quan, 60 năm tôi vẫn chỉ đeo lon trung tá, ở căn phòng 15 mét vuông. Nhưng thấy đất nước thay đổi nhiều - thì như Huế bây giờ khác hẳn hồi tôi còn học ở đây - nghĩ rằng mình đã góp phần vào đó, thế là vui. Không bi quan, không tiêu cực, luôn trung thành với dân với nước, nhưng thấy điều gì không còn thích hợp là tôi nói thẳng… Chú xem, trong cuốn sách tôi vừa tặng chú sẽ rõ…”.

Đó là tác phẩm mà Đặng Văn Việt vừa hoàn thành - Những nốt nhạc thăng trầm một cuộc đời - bìa cứng, dày trên 500 trang, chỉ xem qua “cấu trúc”, đề mục, đã thầm kính phục “lão tướng”. Một tác phẩm không chỉ giàu tư liệu quý hiếm - chỉ riêng hơn trăm tấm ảnh in kèm, đã cho chúng ta hình dung một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc với những nhân vật tên tuổi, những tướng lĩnh ở cả hai bên chiến tuyến trong cuộc kháng chiến trường kỳ vừa qua - mà cuốn sách còn có sức nặng tư tưởng...

96 tuổi rồi mà vẫn tràn đầy sức sống chiến đấu như Đặng Văn Việt cũng là một “chiến tích” ít người có. Cầu mong ông sống thọ trăm tuổi, để được chứng kiến Huế và đất nước ngày càng vươn cao như lá cờ sao vàng mà ông đã kéo lên Kỳ đài Huế một sáng tháng tám tròn 70 năm trước…

Huế 11/8

Nguyễn Khắc Phê
.
.