Chân cứng đá mềm: Bốn lần ngược Bắc xuôi Nam

Thứ Hai, 16/02/2015, 11:51
Cuộc đời dì Năm chứa đựng trong quyển sách, có quá nhiều kỳ tích, cả uẩn khúc, nỗi đau. Gấp sách lại, tôi thấm thía để có ngày hòa bình, thống nhất, bao thế hệ đã dấn thân, hy sinh mạng sống, cả hạnh phúc riêng tư.

Món nợ một quyển sách

Vào một ngày tháng 3/2007, Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Thị Bi - người mà những cán bộ Bảo tàng phụ nữ chúng tôi quen gọi một cách thân tình là dì Năm gọi tôi đến nhà riêng.

Ôm vào lòng một cặp tư liệu, dì nói: “Đây là tất cả cuộc đời dì”. Rồi dì Năm giở từng thứ ra… Tôi sửng sốt, ngỡ ngàng khi nhìn vào những tờ giấy đã ố vàng, cũ kỹ. Đó là quyết định thành lập Ban địch vận năm 1949, quyết định cử Đại đội trưởng Hồ Thị Bi đi xây dựng căn cứ Dương Minh Châu năm 1950, thư khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Lặng đi một lúc, lòng tôi chợt trào lên niềm khâm phục mãnh liệt. Tôi không thể ngăn được câu hỏi: “Làm sao mà dì Năm giữ được những tư liệu quý này. Đã rất lâu?!”.

“Phải, đã rất lâu…”. Dì Năm ngậm ngùi nói: “Dì Năm biết con thế nào cũng hỏi như vậy. Nhiều người ngạc nhiên vì sao một bà già trầu chẳng được học hành bao nhiêu mà làm được cái chuyện giữ gìn tư liệu được như vầy?! Tất cả là vì lòng yêu mến kháng chiến, yêu kính Bác Hồ.

Mỗi một tờ giấy trong đây dù thật bé nhỏ, nhăn nheo, cũ kỹ nhưng đã đánh dấu những chặng đường đổi bằng máu và nước mắt của bản thân dì. Dì xem đó là tài sản vô giá. Đi đâu, dì cũng mang theo bên mình. Những ngày ở rừng miền Đông, nó là vật bất ly thân với dì. Những năm ra Bắc vào Nam, sợ hy sinh, tài liệu sẽ bị thất lạc, dì gởi nó cho cơ quan. Nay thì nó ở với dì…”.

Cũng bắt đầu từ cặp tư liệu ấy, dì ngậm ngùi nói: “Dì  rất mong con làm sao chuyển một phần tư liệu vào một tập sách cho dì. Dì mong muốn được nhìn thấy nó. Con biết không, năm nay dì đã 91 tuổi…”. Tôi lại lặng người. Trào lên lòng tôi là cảm giác có lỗi. Ở Bảo tàng Phụ nữ, tôi đã đi, gặp gỡ hàng ngàn nhân chứng phụ nữ, đã rung cảm và viết nên những thiên truyện về thân phận, kỳ tích của  phụ nữ trong chiến tranh.

Vậy mà một trong những người sáng lập nên Bảo tàng này, người thường ngày chúng tôi được gặp, được nghe những lời dạy bảo, khuyên nhủ - người mà tên tuổi gắn liền với hai cuộc kháng chiến gian khổ, lập nên bao kỳ tích lại là con người mà chúng tôi ít được biết nhất. Tôi biết hơn 10 năm trước, cố nhà văn Võ Trần Nhã đã viết quyển hồi ký Bà Đại tá. Tôi đọc.

Từ những trang sách thô mộc, rã mục thời bao cấp; kỳ lạ thay, chân dung Bà Đại tá hiện lên, kiêu hùng, rực rỡ, lẫm liệt, uy nghi mà cũng hết sức gần gũi, chân tình. Hơn 15 năm được sống và làm việc bên dì Năm, tôi có biết bao kỷ niệm sâu sắc với người nữ anh hùng, biết thêm những trăn trở trước “nạn dân ách nước” của thời hiện đại, biết thêm tính cách bộc trực, hào sảng, chân tình, trọng tình nghĩa của “nữ kiệt miền Đông”. Tôi nói với dì Năm: “Xin dì Năm yên tâm. Đây là trách nhiệm, bổn phận của chúng con”. Suốt buổi, hai dì cháu cùng suy nghĩ để đặt tên cho quyển sách. Dì nói dì chỉ là một con én nhỏ bay từ quê hương đến rừng miền Đông, rồi  bay ra Việt Bắc, bay về Hà Nội rồi quay lại quê hương. Dì khiêm nhường ví mình như con én nhỏ miền Đông…

Bà Hồ Thị Bi cùng đoàn anh hùng, dũng sĩ miền Nam trong một lần được gặp Bác Hồ.

Hình ảnh “con én nhỏ” của dì Năm khiến tôi bật thốt lên: “Hồ Thị Bi - Con người và nghĩa khí” - dì Năm thấy sao?! Dì Năm vui mừng nói: “Được đó”. Nhưng rồi sau đó, dì Năm băn khoăn: “In một quyển sách cho đẹp, theo ý mình, tốn rất nhiều tiền con à”. Tôi xúc động, nhắc lại: “Nhưng đó là bài học vô giá cho con cháu. Dì Năm hãy yên tâm. Đó là trách nhiệm của chúng con!”.

Cho đến hôm nay, khi dì Năm mất đã 4 năm, do nhiều nguyên nhân, tôi vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của mình. Với tôi, công trình ấy vẫn là món nợ đau đáu phải trả. Cuộc đời dì Năm chứa đựng trong quyển sách, có quá nhiều kỳ tích, cả uẩn khúc, nỗi đau. Gấp sách lại, tôi thấm thía để có ngày hòa bình, thống nhất, bao thế hệ đã dấn thân, hy sinh mạng sống, cả hạnh phúc riêng tư.

Bài viết này, tôi không muốn nói nhiều đến con người chiến đấu, anh hùng của dì mà muốn độc giả chia sẻ cùng dì khát vọng thống nhất đất nước; nỗi đau của một người vợ, người mẹ mà dì phải nuốt nước mắt trong thầm lặng, cố vượt qua để đánh giặc và chiến thắng...

Bốn lần ra Bắc vào Nam

Dì Hồ Thị Bi tâm sự trong hồi ký: “Tôi đã vào Nam ra Bắc bốn lần. Nhưng không lần nào giống lần nào. Đời tôi đã trải qua biết bao gian nan, nguy hiểm. Từ một cô bé nghèo côi cút lại được có mặt, tham gia vào cuộc Cách mạng Tháng Tám cướp chính quyền ở Sài Gòn, rồi đánh Pháp.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại trên nửa nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về tiếp quản thủ đô Hà Nội, tôi được vào ngay Cửa Đông và nhận nhiệm vụ của Tổng cục Chính trị, cùng với các đồng chí trong Ban đón tiếp miền Nam vô Sầm Sơn - Thanh Hóa đón tiếp cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết. Tưởng chỉ là hai năm, nào ngờ đến 21 năm!

Bây giờ, tôi lại trên đường tiến về Sài Gòn - nơi mà ngày 25/8/1945, tôi cùng đi với đội ngũ cách mạng Hóc Môn kéo xuống cướp chính quyền... Đúng là một vòng tròn gần khép kín rồi. “Gần tới rồi!”. Ngồi trên xe, “bụng luôn bảo dạ” như vậy! Xe chúng tôi tiếp tục lăn bánh rời Huế để đi Đà Nẵng. Xuống dốc đèo Hải Vân phải lấy thêm xăng. Gặp những anh em gác barie, họ nói với chúng tôi rằng, tối hôm qua ở đây khủng khiếp lắm. Đến 9, 10 giờ đêm mà đám lính Việt Nam Cộng hòa và vợ con họ còn ùn ùn chen lấn lên tàu để rút chạy. Bọn lính xông vào nhà dân bẻ khóa, cướp của, giật đồ trắng trợn. Tiếng kêu la inh ỏi, cứ như là loạn...

Trong ảnh, bà Hồ Thị Bi (hàng sau, bìa trái) cùng mẹ chồng (hàng sau, bìa phải), con trai Trương Văn Đa và con gái  Trương Thị Oi.

Sáng nay thì dân trong thành phố Đà Nẵng ùa ra rước bộ đội vào. Nào xe lam, xe hơi, cả xe honda... rồi cờ đỏ, đón đại quân vào thành phố. Trông nét mặt người dân nào cũng biểu lộ sự phấn khởi lạ thường. Đà Nẵng vừa qua một đêm hãi hùng trước khi tên lính cuối cùng của bọn ngụy bỏ chạy.

Chúng tôi dừng lại Đà Nẵng, tìm đến chỗ Bộ tư lệnh Quân khu 5. Đồng chí Chính ủy đưa chúng tôi đến căn cứ không quân. Ôi, bao nhiêu là máy bay chúng còn để lại! Rồi những máy bay bị trúng đạn, méo mó, banh rã... Cả đến bữa ăn vội vã chúng chưa kịp nuốt. Mọi thứ còn ngổn ngang bừa bãi đầy bàn... Sau đó, chúng tôi đi luôn qua bán đảo Sơn Trà. Máy móc còn nguyên vẹn. Những dàn rađa điện tử y nguyên....

Được tin Nha Trang giải phóng, chúng tôi lại tiếp tục lên đường tiến về Sài Gòn theo con đường số 1, đến Quy Nhơn. Cảng Quy Nhơn khá lớn. Nơi nào chúng cũng không kịp làm gì, đành để lại y nguyên.

Lại được tin Đà Lạt giải phóng! Chúng tôi tách đường số 1 đi theo lộ 19 thẳng lên Kontum, ngủ lại một đêm, hôm sau đi tuốt về Miền.

Nhưng xe vừa về tới Đồng Xoài, anh em mở radio nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Biết rằng điều đó sẽ đến. Nhưng khi nó đến thì thấy như bỗng dưng, như bất ngờ, như đột ngột, giống một gánh nặng vừa trút khỏi đôi vai. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Và cho đến cả những người dân bên đường, bất kể là ai, vừa bắt gặp nhau trong phút đó, đều nhảy dựng lên reo mừng: “Toàn thắng về ta!”...

Cuộc chiến tranh đi qua 30 năm, thế là kết thúc…

Nước mắt người mẹ

Người phụ nữ gang thép, anh hùng ấy đã bao lần rơi nước mắt. Dì Năm khóc cho sự mong manh của hạnh phúc người vợ, khóc trong một hoàng hôn hành quân, vội vã thăm mộ đứa con gái vì xa mẹ chết từ thuở bé thơ, khóc vì phải cắn răng chia xa một mối tình, như lời dì Năm tâm sự:

“Thời lập bộ đội chống Pháp, tôi là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 935, đồng thời là Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy Đại đội 2804. Do tình hình nội bộ Trung đoàn có ý kiến vài cá nhân giải thể đơn vị để giành quyền chỉ huy, tôi quyết liệt giữ. Giữa lúc đó thì trên tăng cường về cho Đại đội 2804 một chính trị viên, tên đồng chí là Đào Quang Xê. Anh đã chia sẻ cùng tôi những công việc nặng nề, cùng kề cận bên nhau giữa cái chết và sự sống, cùng nếm trải bao khó khăn, gian khổ, những nỗi lo toan. Có anh gánh vác bớt công việc, tôi tập trung lo kinh tế cho Trung đoàn và chiến đấu trong nội thành.

Sau quá trình chiến đấu, trải qua nhiều khó khăn gian khổ, dần dần tôi và anh đã yêu nhau. Tôi và anh đã đến thẳng cấp trên thú nhận hết sự tình... Song tổ chức không đồng ý, với lý do nhiệm vụ công tác còn rất nặng nề (Chồng tôi đã hy sinh trong một trận đánh ở Hóc Môn). Trong sâu xa, tôi hiểu muốn hay không, tôi đã trở thành “thần tượng” của bao chiến sĩ đại đội 2804; là linh hồn của căn cứ địa Rỗng ông Hồ, nên không thể lấy chồng như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác. Mà đánh giặc là quyết tâm lớn của tôi. Tôi và anh đành phải chấp hành. Nếu ví cuộc đời như một dòng sông thì dòng sông đời tôi và đời anh đến đây đã đi vào khúc quanh nghiệt ngã nhất...

Tôi chỉ còn có một tâm niệm với mình: “Hãy làm tròn trách nhiệm bảo vệ đơn vị, là đánh giặc và hãy sống vì con, hãy vì đứa con sắp ra đời mà hy sinh hạnh phúc có thể có của mình. Hãy coi hạnh phúc của các con lớn hơn hạnh phúc của mình!”. Điều tâm niệm đó, tôi đã giữ tròn nó”.

Để cắt đi mối tơ lòng, dì Năm không còn cách nào khác hơn là khuyên ông lấy vợ. Người đàn bà gang thép ấy giấu những giọt nước mắt vào trong khi chia tay người đàn ông mình yêu thương nhưng không thể ngăn những giọt nước mắt khi sinh Hồ Quang Ánh Đào mới được 5 ngày, đã phải gởi đứa con bé bỏng về gia đình ông Đào Quang Xê, để tiếp tục đánh giặc; để chân cứng đá mềm, xông pha vào những nơi khó khăn, hiểm nguy nhất, đi suốt hai cuộc kháng chiến. Nhưng nỗi đau sau cuộc chiến thật dai dẳng. Dì Năm trở về Hóc Môn sau những năm tháng chia xa. Dì gặp lại chị Oi, đứa con gái đã xa dì suốt trong những năm tuổi trẻ, chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi. Nhưng Oi vẫn trở thành một chiến sĩ nội thành, tiếp bước theo con đường của mẹ.

Dì gặp lại Hồ Quang Ánh Đào, đứa con gái bé bỏng năm nào, mới biết thêm hoàn cảnh con gái dì đã lấy một người chồng là lính của quân đội Sài Gòn. Hoàn cảnh tương phùng có biết bao giọt nước mắt mừng vui, pha lẫn đắng cay, tủi xót. Dì Năm biết để ôm được con trong vòng tay, mẹ con dì phải đi qua nhiều giằng xé, nước mắt. Chính hoàn cảnh riêng tư của mình có nhiều uẩn khúc, nỗi niềm khiến dì có thêm cái nhìn thấu lý đạt tình trong công tác giải quyết chính sách sau chiến tranh, ở vai trò Phó chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh thành.

Dì Năm đã đi xa nhưng tôi nhớ mãi lời tâm sự gan ruột của dì: “Tình nghĩa vợ chồng và hạnh phúc gia đình chiếm một vị trí hết sức to lớn trong cuộc đời người phụ nữ nhưng không phải ai cũng toại nguyện. Thế hệ dì đi chiến đấu chỉ mong con cháu được hạnh phúc!”. Tôi thật thấm thía lời dì nói...

Trầm Hương
.
.