Cha và con và truyền thống văn bút

Thứ Năm, 15/07/2010, 14:22
Trải suốt mấy trăm năm phát triển theo một định hướng về cơ bản là Nho giáo hóa - có thể tạm tính từ thế kỷ XV đến hết thế kỷ XIX - trong lòng xã hội Việt Nam xưa đã dần hình thành một truyền thống tốt đẹp, đó là truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ đạt, thành danh và lưu danh hậu thế nhờ lao động với chữ nghĩa.

Truyền thống này có thể được nhận diện một cách rõ rệt nhất qua cái gọi là học phong của những gia đình, rộng hơn là học phong của những dòng họ. Ví như một câu ca cũ nói về họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh: "Bao giờ Ngàn Hống hết cây/ Rào Rum hết nước, họ này hết quan".

Bỏ qua cái sắc thái ca ngợi có phần hơi quá, câu ca này cho thấy sự kiêu hãnh của người dân địa phương hồi ấy - và cũng có thể của chính người họ Nguyễn Tiên Điền - về một gia đình hiển đạt từ cha tới con (cha: Xuân quận công Nguyễn Nghiễm - Tể tướng, nhà thơ, nhà sử học; con: có lẽ chỉ cần lấy một cái tên Nguyễn Du là đủ.

Khỏi cần phải nhấn mạnh rằng sự hiển đạt ở đây quả thực là sự hiển đạt nhờ học hành giỏi giang, văn chương học thuật trùm thiên hạ). Nhiều gia đình như thế, nhiều cặp cha - con như thế đã xuất hiện và in dấu đậm trong ký ức lịch sử của chúng ta.

Trước hết, phải nói tới cặp cha con Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi. Nguyễn Phi Khanh (1355 - 1428) là một Nho sĩ thời cuối Trần đầu Hồ. Thuở chưa đỗ đạt, ông dạy học trong nhà quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, rồi có tư tình với con gái yêu của gia chủ là tiểu thư Trần Thị Thái.

Khi cô Thái có mang, Nguyễn Phi Khanh sợ tội, bỏ trốn. Tư đồ Trần Nguyên Đán biết chuyện mới sai người gọi về và gả con gái cho. (Có thể bảo rằng Nguyễn Phi Khanh là người đã "có công" đặt tiền lệ cho hôn nhân giữa thầy và trò được chăng? Dù sao, đây là chi tiết khá đắt để thấy sự cởi mở trong quan niệm đạo đức của người thời Trần, cũng như thấy cả cái tư thế của nhà Nho khi Nho giáo chưa chiếm được vị trí ý thức hệ độc tôn trong xã hội).

Năm 1374, ông thi đỗ Thái học sinh - có thuyết nói ông thi đỗ năm 1381- nhưng không được vua Trần Nghệ Tông bổ dụng xứng đáng. Phải đến năm 1402, khi nhà Hồ lên thay nhà Trần, ông mới được cử làm Học sĩ Hàn lâm viện, rồi lần lượt được thăng Thái tử tả tán thiện đại phu, Tư nghiệp Quốc tử giám.

Về tác phẩm, Nguyễn Phi Khanh có sáng tác "Nhị Khê thi tập", nhưng nay đã mất, chỉ còn lại 77 bài lẻ tẻ được Lê Quý Đôn đưa vào "Toàn Việt thi lục". Ngoài ra, ông còn viết bài phú "Diệp mã nhi" (Con ngựa lá) có ý tán dương nhà Hồ, và hai bài văn khác. Nói chung, với những nhà bình luận ở thời trung đại cũng như với giới nghiên cứu văn học cổ về sau này, tác phẩm của Nguyễn Phi Khanh được đánh giá theo một cách khá dè dặt.

Minh họa của Lê Phương.

Khen, thì cũng chỉ khen rằng "lời thơ nhẹ nhàng, thanh thoát, tinh tế", "cảm xúc chừng mực, không đẩy tới những biểu hiện cực đoan", chứ chưa phải là thành tựu nghệ thuật mang tính đột xuất, chói sáng. Thế nhưng, nếu truyền thuyết phản ánh đúng những gì đã diễn ra trong thực tế, thì chính Nguyễn Phi Khanh là người phải được ghi công lớn với việc làm nên một Nguyễn Trãi (1380- 1442) vĩ đại trong lịch sử dân tộc.

Năm 1406- 1407, cuộc kháng Minh của vua tôi nhà Hồ thất bại, Nguyễn Phi Khanh bị giặc bắt đem về Kim Lăng. Nguyễn Trãi xin đi theo phụng dưỡng cha, nhưng ông khuyên Nguyễn Trãi trở về, báo hiếu cha bằng con đường cứu nước. Học giả Phan Ngọc đã hơn một lần nhấn mạnh chi tiết này, cho rằng đó là sự khúc xạ của khái niệm Hiếu - có nguồn gốc từ Nho giáo Trung Quốc - khi nó vào Việt Nam: Hiếu ở đây là đại Hiếu, Hiếu với Tổ quốc, chứ không chỉ là Hiếu với cha mẹ.

Hoàn toàn có thể vẽ ra một viễn cảnh: nếu Nguyễn Phi Khanh chấp nhận cho Nguyễn Trãi theo mình, may lắm thì nước Việt Nam ngày nay chỉ có được một ông Nguyễn Trãi là tác giả của vài tập thơ văn trĩu nặng nỗi sầu hận của kẻ vong quốc và niềm hoài nhớ cố hương. Nhưng, như ta đã biết, lịch sử không đi theo hướng đó.

Và chúng ta đã có Nguyễn Trãi với tư cách một người anh hùng kháng Minh cứu quốc, và hơn thế, một nhân vật văn hóa kiệt xuất của thời trung đại, Thái Sơn Bắc Đẩu của Nho lâm nước Việt, người đã phác lên những nét lớn cho sự phát triển theo mô hình Nho giáo của một quốc gia Đại Việt độc lập!

Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội) nổi lên như một dòng họ có truyền thống khoa bảng, văn chương. (Cụm từ "Ngô gia văn phái" vẫn thường được hiểu với nghĩa "Văn phái nhà họ Ngô". Không sai, nhưng chính xác thì đó là cụm từ để chỉ một bộ sách tập hợp tất cả các sáng tác của 15 tác giả họ Ngô Thì ở Tả Thanh Oai).

Đáng kể hơn cả trong số các văn nhân thuộc họ Ngô Thì là cặp cha con Ngô Thì Sĩ - Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Sĩ (1726- 1780) đỗ Cử nhân năm 1743, đỗ Hoàng giáp năm 1767, làm quan tới chức Thiêm đô ngự sử, rồi sau được bổ làm Đốc trấn Lạng Sơn. Ông sáng tác và trước tác khá nhiều. Về sáng tác, ông có các tập thơ "Anh ngôn thi tập", "Quan lan thi tập", "Nhị Thanh động tập" và "Khuê ai lục".

Đáng chú ý hơn cả chính là tập "Khuê ai lục"- tập thơ mỏng, nhưng là cái mỏng đủ khiến cho tác giả trở thành một thi nhân đặc sắc. Ngô Thì Sĩ viết "Khuê ai lục" sau khi người vợ thứ trẻ tuổi tài sắc của ông qua đời. Tập thơ trùng trùng những nhớ tiếc xót thương, những vật vã đau đớn, những tiếng khóc đứt ruột của một tình nhân khi mất một tình nhân - điều này đi rất xa khỏi thứ mĩ học về sự chừng mực của nhà Nho.

Cất lời ai oán về nỗi "má hồng mệnh bạc", có thể nói, với "Khuê ai lục", Ngô Thì Sĩ là một trong số ít những nhà thơ đã có công khởi động trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học giai đoạn thế kỷ XVIII - đầu XIX. Về trước tác, ông viết một bộ sách đáng chú ý có tên là "Việt sử tiêu án"- sách này về sau được Phan Huy Chú nhắc đến ở phần "Văn tịch chí" của "Lịch triều hiến chương loại chí" và được xếp vào loại "kinh sử". "Việt sử tiêu án", như tên gọi của nó - Những nghi án nêu lên trong sử Việt - thể hiện rất rõ tinh thần phản biện của nhà Nho Ngô Thì Sĩ.

Ông soạn sách này nhằm vạch ra và sửa chữa những điểm sai lầm được chép trong sử cũ, nhiều ý kiến của ông tỏ ra khá xác đáng. Đó sẽ là gì, nếu không phải là biểu hiện của một thái độ khoa học trước lịch sử, điều xét cho cùng luôn là của hiếm đối với nhà Nho Việt Nam nói chung? Cái năng lực tư duy bằng lý trí này của Ngô Thì Sĩ sẽ được con trai cả của ông là Ngô Thì Nhậm kế thừa và đẩy lên ở mức cao hơn.

Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) đỗ Giải nguyên năm 1770, đỗ Tiến sĩ năm 1776, làm quan cả với chính quyền Lê - Trịnh và sau đó là chính quyền Tây Sơn, nổi tiếng là danh sĩ Bắc Hà. Ông viết văn chính luận, làm thơ, nhưng đáng chú ý nhất là hai tác phẩm khảo cứu: "Xuân Thu quản kiến" và "Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh".

Trong "Việt Nam Phật giáo sử luận", nhà nghiên cứu Nguyễn Lang đánh giá rất cao bộ "Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh" của Hải Lượng thiền sư (pháp danh của Ngô Thì Nhậm) và coi nó như một sự tổng hợp Nho Phật độc đáo. "Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh" được chia thành hai phần.

Phần đầu nói về hành trạng của ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm, không có gì thật đặc biệt. Phần sau có tên "Đại chân viên giác thanh", gồm 24 chương, trình bày 24 đề tài thiền quán, mỗi đề tài tương ứng với một thứ âm thanh. Xuất thân là một nhà Nho nên những sở đắc về Nho học của Ngô Thì Nhậåm, một cách tự nhiên, cũng được ông đưa vào trong các đề tài thiền quán ấy.

Ông nêu vấn đề và bàn sâu về giải thoát, về nhận thức, về hành tàng v.v... với những khái niệm triết học nằm ở khoảng cách rất xa mối quan tâm của các nhà Nho Việt Nam, kiểu người về cơ bản là không thực sự mặn mà với mọi câu chuyện "hình nhi thượng".

Nói chung, với "Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh", ít nhất thì Ngô Thì Nhậm đã đánh dấu một bước tiến đáng kể về khả năng tư duy trừu tượng của trí thức Việt Nam trong thời kỳ trung đại. Tiếc là trận đòn thù của Đặng Trần Thường quá nặng tay, đã cướp mất sinh mạng của Ngô Thì Nhậm đúng khi ông đang ở vào độ chín của tư tưởng.

Có quan hệ khá gần với cha con Ngô Thì Sĩ - Ngô Thì Nhậm là cặp cha con Phan Huy Ích - Phan Huy Chú. Phan Huy Ích (1750- 1822) là học trò và con rể của Ngô Thì Sĩ. Ông đỗ đầu kỳ thi Hương ở Trường Nghệ An năm 1772, đỗ Đồng tiến sĩ năm 1776. Ông từng được chúa Trịnh Sâm ủy nhiệm vào Quảng Nam trao ấn kiếm và phong tước cho Nguyễn Nhạc - lúc này vẫn đang quy thuận chúa Trịnh- để dồn sức đánh chúa Nguyễn ở trong Nam.

Năm 1788, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc lần thứ hai, ông và người anh vợ Ngô Thì Nhậm là hai danh thần nhà Lê đã sớm cộng tác với Tây Sơn. Dưới triều Tây Sơn, Phan Huy Ích làm quan cao nhất tới chức Thượng thư bộ Lễ. Tây Sơn đổ, ông về quê mở trường dạy học, không cộng tác với nhà Nguyễn. Phan Huy Ích sáng tác khá nhiều, cả chữ Hán và chữ Nôm: thơ có khoảng 600 bài, văn có khoảng 400 bài theo đủ các thể.

Nhưng đáng kể nhất phải là tập "Tinh sà kỉ hành", gồm 80 bài thơ chữ Hán được ông viết trong chuyến đi sứ Trung Quốc năm 1790 (cùng với Ngô Văn Sở). Đây không phải chuyến đi sứ bình thường, mà là chuyến sứ bộ Việt Nam hộ tống vua Quang Trung (giả) sang cầu hòa với nhà Thanh ngay sau khi đã đánh tan tác đạo quân Lưỡng Quảng của Tôn Sĩ Nghị (1789).

"Tinh sà kỉ hành" chính là một tập nhật ký bằng thơ, miêu thuật khá cụ thể về hành trình của sự kiện bang giao này: sứ bộ tới những đâu, gặp gỡ những ai, được đón tiếp như thế nào, thái độ của các yếu nhân Trung Hoa ra sao? v.v... tất cả đều có thể tìm thấy ở tập thơ mang rất đậm chất ký và rất có giá trị sử liệu của Phan Huy Ích.

Tuy thế, khát vọng sử học của Phan Huy Ích chỉ được tựu thành tốt đẹp bởi con trai của ông: Phan Huy Chú (1782 - 1840). Phan Huy Chú đỗ đạt không cao (thi hai lần chỉ đỗ đến... Tú tài) nhưng là người có vốn kiến văn vừa quảng bác vừa uyên thâm. Sở học ấy được ông dồn tối đa, trong suốt mười năm ròng (1809 - 1819), cho việc biên soạn công trình để đời "Lịch triều hiến chương loại chí".

Bộ sách này gồm 49 quyển, chia thành mười chí: Địa dư chí, Nhân vật chí, Quan chức chí, Lễ nghi chí, Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí, Binh chế chí, Văn tịch chí, Bang giao chí. Bao quát, tổng hợp mọi mặt đời sống xã hội của đất nước - trong quá khứ cho đến hết thời Lê - như vậy, "Lịch triều hiến chương loại chí" xứng đáng được xem như bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam, là nguồn tài liệu quan trọng đối với nhiều bộ môn khoa học khác nhau, chứ không đơn giản chỉ là sử học. Người đời sau khâm phục về sức đọc và sự hiểu biết của tác giả, đồng thời, cũng hết sức ngạc nhiên trước phương pháp nghiên cứu mang tính hệ thống chặt chẽ, bài bản, những thao tác rất gần với cách làm việc của khoa học hiện đại.

Một ví dụ nhỏ: ở mục "Phàm lệ", Phan Huy Chú liệt kê cụ thể những tên sách chủ yếu đã được ông tham khảo hay trích dẫn, điều này cũng gần giống với việc các nhà nghiên cứu ngày nay, để đảm bảo tính khoa học, phải soạn phần "Thư mục yếu lược" trong các công trình của mình.

Dĩ nhiên là truyền thống văn bút từ cha đến con trong xã hội Việt Nam xưa không chỉ dừng lại ở ba ví dụ như đã nêu trên. Xã hội Việt Nam hiện đại cũng vậy: có, và còn có những cặp cha con đã trao truyền được cho nhau ngọn lửa của niềm say mê văn chương học thuật. May thay, học phong tuy sút nhưng vẫn chưa bị tắt hẳn trong cơn cuồng phong của văn minh vật chất và đời sống tiêu thụ!

Hoài Nam
.
.