Căng thẳng quan hệ Mỹ - Venezuela: Ăn miếng, trả miếng

Thứ Ba, 24/03/2015, 08:07
Mỹ vừa châm ngòi một cuộc chiến ngoại giao mới khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố Venezuela là mối đe dọa an ninh quốc gia. Với động thái trên, Mỹ đã xác nhận ở khu vực Mỹ Latinh, Venezuela là “đối thủ chính”, cụm từ vốn được áp dụng với Cuba nhiều thập niên qua trước khi có bước đột phá nối lại quan hệ ngoại giao hồi cuối năm 2014.

Bước đi của Washington đẩy mối quan hệ xuống mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lên nắm quyền năm 2013. Không chỉ cáo buộc là hành động can thiệp và tìm cách “hạ bệ” chính phủ một quốc gia, Venezuela cho biết sẽ đáp trả thích đáng. Ông Maduro coi đây là hành động tuyên chiến và khẳng định sẽ cùng người dân bảo vệ tổ quốc. Trong khi đó, nhiều chính phủ và tổ chức quần chúng ở Mỹ Latinh đồng loạt phản đối sắc lệnh của Tổng thống Obama, coi đây là bước leo thang căng thẳng tạo tiền đề cho Mỹ can thiệp sâu hơn vào Venezuela.

Căng thẳng chưa có hồi kết

Hơn 15 năm qua, kể từ khi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez lên nắm quyền (năm 1999), mối quan hệ giữa hai nước chưa hề có dấu hiệu được cải thiện. Những va chạm chính trị Mỹ - Venezuela diễn ra liên tục, thậm chí hai bên đã nhiều lần trục xuất các nhà ngoại giao của nhau.

Sau khi ông Barack Obama lên nắm quyền vào tháng 1/2009, quan hệ Mỹ - Venezuela đã có thời kỳ lắng dịu. Tháng 4-2009, trong khuôn khổ một hội nghị cấp cao của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), Tổng thống hai nước đã có cuộc gặp đầu tiên. Tháng 6/2009, Mỹ - Venezuela đã khôi phục quan hệ ngoại giao cấp đại sứ, đặt dấu chấm hết cho tình trạng căng thẳng xảy ra trong quan hệ song phương.

Tuy nhiên, những tia hy vọng về mối quan hệ được cải thiện đã nhanh chóng bị dập tắt sau khi Venezuela cáo buộc Mỹ bí mật tham gia cuộc đảo chính tại Honduras (cuối tháng 6-2009), nhằm cản trở sự phát triển của các lực lượng tiến bộ tại Mỹ Latinh.Tháng 8-2009, sự kiện Mỹ và Colombia kí thỏa thuận sử dụng 7 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Colombia tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Venezuela cho rằng, mục đích của Mỹ chính là muốn khôi phục sự hiện diện quân sự tại Mỹ Latinh, từ đó tăng cường kiểm soát khu vực bằng cách can thiệp sâu hơn vào nội bộ các quốc gia.

Sự căng thẳng trong quan hệ song phương tiếp tục gia tăng khi các cơ quan điều tra của Venezuela đã đưa ra cáo buộc Mỹ dành các khoản tài chính để hỗ trợ cho hoạt động biểu tình ở Venezuela. Venezuela đã liên tục tố cáo âm mưu của lực lượng đối lập tại quốc gia Nam Mỹ này với sự ủng hộ của Mỹ, cũng như của các nhóm bán quân sự Colombia nhằm chống phá chính quyền và sự ổn định của Venezuela. Thậm chí, Tổng thống Nicolas Maduro còn thẳng thừng tuyên bố, chính phủ nước này vẫn đang phải chiến đấu với một cuộc đảo chính. Theo đó, phe đối lập với sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ đã âm mưu đánh bom các văn phòng chính quyền trên khắp thủ đô Caracas.

Nếu dư luận quốc tế lạc quan bao nhiêu về quan hệ giữa Mỹ và Cuba đang được cải thiện thì lại lo ngại bấy nhiêu về quan hệ đang ngày càng “xuống dốc” giữa Mỹ và Venezuela. Hai quốc gia này đã ngừng trao đổi đại sứ do những bất đồng liên quan đến tình hình chính trị của Venezuela từ năm 2010.

Trong bối cảnh này, căng thẳng tiếp tục được đẩy lên một nấc thang mới khi Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh hành chính áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào giới quan chức Venezuela (trong đó, có người đứng đầu cơ quan tình báo và giám đốc cảnh sát quốc gia). Sắc lệnh này tuyên bố: 7 quan chức Venezuela sẽ bị phong tỏa tài sản, không được nhập cảnh vào Mỹ và cũng không thể tiến hành bất kỳ giao dịch làm ăn hay quan hệ tài chính nào với các công dân và tổ chức của Mỹ. Nhà Trắng cũng yêu cầu Caracas trả tự do ngay lập tức cho những nhân vật được Washington coi là “tù chính trị”, trong đó có hàng chục sinh viên.

Đây được coi là một động thái nhằm “trả đũa” việc Chính phủ Venezuela yêu cầu cắt giảm nhân viên ngoại giao Mỹ ở thủ đô Caracas (từ 100 người xuống còn 17 người, tương ứng với số nhân viên ngoại giao Venezuela đang làm việc tại Washington), không cấp thị thực cho một loạt quan chức Mỹ và áp đặt hệ thống thị thực bắt buộc đối với tất cả các công dân Mỹ tới nước này nhằm kiểm soát sự can thiệp của Washington.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng tỏ ra “mất bình tĩnh” khi Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt ngoại giao mới hồi cuối tháng 2/2015, đồng thời, thông báo bắt giữ một số công dân Mỹ với cáo buộc hoạt động gián điệp.

Giới phân tích nhận định: Nhà Trắng đang cố tỏ ra cứng rắn nhưng chẳng thể ngồi im khi Tổng thống Venezuela tiếp tục áp đặt trừng phạt nhằm vào một số chính khách Mỹ mà chính quyền Caracas coi là khủng bố. Một nhóm quan chức Mỹ, theo quan điểm của lãnh đạo Venezuela, do vi phạm nhân quyền khi ném bom các quốc gia như Syria, Iraq và Afghanistan, sẽ không được phép nhập cảnh vào Venezuela. Và ông Nicolas Maduro cũng đe dọa rằng phái bộ ngoại giao Mỹ cần thông báo trước và nhận được sự cho phép của chính quyền địa phương đối với bất cứ cuộc họp nào do các nhà ngoại giao Mỹ tiến hành ở Venezuela.

Đợi chờ những biến chuyển

Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố Nhà Trắng đang can thiệp vô lý vào công việc nội bộ của Chính phủ Venezuela trong hai năm gần đây. Theo ông, chính sách thù địch này của Mỹ là hành động tuyên chiến nhằm lật đổ Chính phủ Venezuela, và người dân nước này sẽ bảo vệ tổ quốc đến cùng.

Trong một phát biểu nhằm chế giễu việc Mỹ gán Venezuela là một mối đe dọa an ninh, Tổng thống Nicolas Maduro cho biết có thể sẽ đến tận thủ đô Washington để thách đấu với người đồng cấp Barack Obama, yêu cầu Tổng thống Mỹ sửa đổi và bãi bỏ sắc lệnh đã ký. Ngoài ra, Tổng thống còn yêu cầu Quốc hội Venezuela xem xét dự thảo nhằm đảm bảo hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ trước bất cứ hành động xâm lược nào của “đế quốc”. Động thái này cho thấy Caracas đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, kể cả việc phải đương đầu với một chiến dịch quân sự từ Mỹ.

Nhiều chính phủ và tổ chức quần chúng Mỹ Latinh đã lên tiếng phản đối tuyên bố của Tổng thống Obama chống Venezuela.

Trên thực tế, dư luận khu vực Mỹ Latinh và quốc tế không hề xa lạ với sự can thiệp của Mỹ. Vì thế, nhiều chính phủ và tổ chức quần chúng Mỹ Latinh đã lên tiếng phản đối tuyên bố của Tổng thống Obama chống Venezuela, coi đây là bước leo thang căng thẳng vượt qua phạm vi ranh giới và can thiệp vào các vấn đề khu vực mà Mỹ chẳng có liên quan gì.

Venezuela không thể là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ vì quốc gia Nam Mỹ này vừa ở cách xa về mặt địa lý, vừa không sở hữu các vũ khí chiến lược hay nguồn lực đủ mạnh để có thể uy hiếp Washington. Tuy nhiên, là một trong nhiều quốc gia với trữ lượng dầu mỏ lớn hoàn toàn không phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Mỹ, Venezuela luôn nằm trong danh sách “các nước ma quỷ” của chính phủ và báo chí xứ cờ hoa.

Những mâu thuẫn liên tiếp đã tạo ra một gam màu tối trong bức tranh quan hệ hai nước vốn đã ảm đạm, trong khi cả Mỹ và Venezuela liên tục phát đi những tín hiệu khó dự đoán về cách tiếp cận trong mối quan hệ này. Rõ ràng, sẽ chẳng có biến chuyển tích cực nào nếu hai bên vẫn tiếp tục “ăn miếng, trả miếng”.

Trong vòng xoáy bất ổn, Caracas tất nhiên sẽ bị hứng chịu nhiều thiệt thòi với nguy cơ kinh tế kiệt quệ, bất ổn xã hội gia tăng và nghiêm trọng nhất là sự lung lay của chế độ hiện thời. Vì vậy, sự ủng hộ công tâm của các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước ở Mỹ Latinh, có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm này.

Còn với Mỹ, có thể những thiệt hại ngoại giao và kinh tế mà nước này phải gánh chịu sẽ không nghiêm trọng như Venezuela, song về lợi ích địa chiến lược thì cái giá phải trả không hề rẻ. Các quốc gia Mỹ Latinh sẽ lại một lần nữa đặt nghi vấn về việc liệu Mỹ có còn coi khu vực này là “sân sau” hay không.

Sự nghi kị đối với Mỹ trong khu vực cũng sẽ ngày càng tăng lên khi Washington đang vô tình tạo cơ hội cho Tổng thống Maduro đoàn kết những phe phái khác nhau và tập hợp những người ủng hộ cùng đứng lên chống lại cuộc chiến mới từ “kẻ thù phương Bắc”. Đây là lợi thế sẽ giúp ông nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ dư luận khu vực và quốc tế, đồng thời ghi thêm “điểm cộng” vào cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Không thể phủ nhận rằng những động thái đáp trả lẫn nhau trong quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và Venezuela đang đẩy khu vực Mỹ Latinh vào vòng xoáy bất ổn mới chỉ vài tháng sau khi Mỹ và Cuba quyết định bình thường hóa quan hệ. Nếu không có sự kiềm chế của cả hai bên trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lẫn nhau, thì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực sẽ bị đe dọa. Hơn thế nữa, sự đối đầu căng thẳng gây ảnh hưởng không nhỏ đến không khí hòa giải vốn đang được hy vọng là “dòng chảy xuyên suốt” trong đời sống chính trị thế giới.

Dựa trên đề xuất của Tổng thống Nicolas Maduro, Liên minh các nước Nam Mỹ đã nhất trí đứng ra làm trung gian thúc đẩy các kênh đối thoại giữa Mỹ và Venezuela. Liệu nỗ lực này có đủ sức tạo ra “chất kết dính” cho mối quan hệ song phương vốn đã rạn nứt trong thời gian dài vừa qua, lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn âm ỉ và nghi kị về ý thức hệ hay không? Cả Mỹ, Venezuela và thế giới đều phải nín thở chờ đợi…

Việt Dũng – Anh Doãn
.
.