Căng thẳng mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung: Sự bình thản trong quỹ đạo bất ổn

Thứ Bảy, 11/05/2019, 10:01
Một cuộc chiến long trời lở đất lại đứng trước nguy cơ bùng lên, ngay khi hầu hết những nhà quan sát đều đã nghĩ đến sự xuất hiện chính thức của “hiệp định đình chiến”. 


Tuy nhiên, cũng có những lý do quan trọng và xác đáng hơn một động thái bốc đồng thuần túy, trong cách hành xử cứng rắn đến nghiệt ngã mà Washington thể hiện với Bắc Kinh.

“Ép người thái quá”

Ngày 5-5, một “quả bom” lại nổ và bóng tối đổ ập xuống triển vọng đạt được một thỏa thuận chính thức giữa Trung Quốc với Mỹ nhằm chấm dứt “cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài từ cuối năm ngoái - yếu tố quan trọng khiến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị kìm hãm, trong sự ngưng trệ của rất nhiều vận động.

Tờ The Wall Street Journal hé lộ: Phía Trung Quốc đã cân nhắc khả năng hủy các cuộc đàm phán kế tiếp với Mỹ và đó là bởi trên trang Twitter của mình, ngày 5-5 ấy, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa gia tăng sức ép thêm một mức nữa.

Theo ông chủ Nhà Trắng, “tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nước vẫn đang tiếp diễn nhưng với vận tốc quá chậm”, khi Trung Quốc “tìm cách đàm phán lại”. Và bởi vậy, ông tuyên bố: Mức thuế đánh vào các loại hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25% vào ngày 10-5. Đồng thời, còn khoảng 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc khác cũng sẽ sớm bị áp mức thuế khủng khiếp đó.

Rất rõ ràng và rất khó có thể bị hiểu nhầm. Đây là một thứ “tối hậu thư” kèm theo một “deadline”, một “thời hạn chót”, một “lằn ranh cuối cùng” được chìa về phía phái đoàn đại diện cho nền kinh tế số 2 thế giới, những người theo dự kiến sẽ có mặt tại Washington vào ngày 8-5, để bắt đầu tiến hành vòng đàm phán thương mại mới.

Và lại như gần nửa năm trước, cả thế giới chú mục vào “sự va chạm giữa những người khổng lồ” này. Bởi, không có bất cứ nền kinh tế nào đủ mạnh để có thể từ chối việc bị cuốn vào guồng quay điên rồ đó, với những hệ lụy và tác động hiển nhiên. 

Vấn đề là, Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhất thiết phải thúc đẩy một tiến trình “hòa giải” bằng cách thức quyết liệt nhưng vẫn lạnh lùng đến tàn nhẫn như vậy không?

Cạm bẫy chính trường

Câu trả lời là: Có!

Nửa năm qua, hay nói chính xác hơn: 100 ngày qua, kể từ khi “hiệp định hoãn chiến” được “ký kết”, hình thái của các bàn cờ địa chính trị có sự tham gia của cá nhân Tổng thống Mỹ Donald Trump nói riêng cũng như lợi ích của nước Mỹ nói chung đã biến đổi không ít.

Những vấn đề quan trọng nhất định hình cục diện thế giới thường được quyết định tại chính trường Mỹ, như một đúc kết nửa đùa nửa thật của giới quan sát toàn cầu.

Có điều, hệ thống chính trị Mỹ lại chính là tiền đề để luôn có cơ hội hiện hữu một tình trạng: lực lượng chính trị này (đảng Dân chủ) sẽ luôn tìm mọi cách ngáng trở các quyết sách (cả ngoại giao lẫn nội trị) của lực lượng chính trị kia (đảng Cộng hòa) và ngược lại. Không phải là ngoại lệ, đương kim Tổng thống Mỹ cũng phải chịu tác động của cơ cấu vận hành đó.

So với khi bắt đầu phát động “cuộc chiến tranh thương mại” với Trung Quốc cuối năm ngoái, vị thế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những khác biệt đáng kể. 

Ông và đảng Cộng hòa hậu thuẫn cho mình đã vượt qua cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ một cách khá an toàn, với việc duy trì được quyền kiểm soát Thượng viện. Đó rõ ràng là kết quả của cả một quá trình kiên định hoàn tất các cam kết trong cương lĩnh tranh cử đối với các cử tri ủng hộ cho cá nhân ông, cũng như cho đảng Cộng hòa. 

Không có lý do gì để ông thay đổi quỹ đạo này mà một trong những điểm mấu chốt là lời hứa giành lại quyền lợi chính đáng từ tay mọi tác nhân bên ngoài về cho công dân Mỹ, gia tăng việc làm, nâng cao thu nhập và “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại (Make America Great Again)”. Cụ thể ở đây là một thái độ hà khắc đến “riết róng” với Trung Quốc, đối thủ kinh tế nguy hiểm nhất.

Song, cũng còn một thực tế không thể phủ nhận: Số cử tri Mỹ phản đối đường lối lãnh đạo đất nước của ngài Donald Trump cũng không hề thấp và đó là điểm tựa để phe Dân chủ luôn sẵn sàng tung ra những trận tập kích chính trị. Bất cứ sơ sẩy nào cũng có thể khiến Nhà Trắng phải hứng chịu những cơn bão chỉ trích, đặc biệt là khi phe Dân chủ đã giành được quyền kiểm soát Hạ viện. 

Tổng thống Mỹ đã từng “xất bất xang bang” với các cáo buộc về mối quan hệ giữa ông với nước Nga, ông cũng có thể sẽ rất mệt mỏi nếu không giải quyết được dứt điểm câu chuyện với Trung Quốc (cũng như cách mà chính ông cùng đảng Cộng hòa đã đối xử với cựu Tổng thống Barack Obama, về sự thiếu cứng rắn cần thiết trong khá nhiều mối quan hệ, nhiều vấn đề đối ngoại).

“Vách đá tài chính” luôn luôn sẵn sàng dựng lên. Chính phủ Mỹ lúc nào cũng có nguy cơ tạm thời đóng cửa do Quốc hội không cấp kinh phí. 

Gần đây, quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ cũng đã phải sử dụng, nhằm bảo vệ việc cấp kinh phí xây bức tường ngăn biên giới phía Nam giáp Mexico (để ngăn người nhập cư bất hợp pháp Mỹ latin). Song, đến cả thứ quyền lực tối thượng ấy cũng bị thách thức, khi phe đối lập sẵn sàng kêu gọi thông qua dự luật để vô hiệu hóa nó.

Cuối năm 2020, nước Mỹ sẽ lại tiến vào một cuộc bầu cử tìm kiếm chủ nhân mới cho Nhà Trắng. Nói một cách ngắn gọn, đương kim Tổng thống Mỹ không còn nhiều thời gian và không còn cánh hồng nào trải trên chặng đường sắp tới. 

Muốn tại vị để tiếp tục những gì còn dang dở, hay đơn giản là để bảo đảm rằng đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới thêm 1 nhiệm kỳ, ông nhất thiết phải “lập uy”.

Một câu chuyện bên lề: Cũng ngày 5-5, cựu Đại sứ Mỹ tại Canada - Bruce Hayman - đăng đàn nhận xét: Sau 14 tháng đàm phán, Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) - được xây dựng nhằm thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũ - đã “chết yểu”. 

Những chuyến hàng khổng lồ của Trung Quốc chờ bốc dỡ để nhập khẩu vào Mỹ.

Bruce Hayman khẳng định: “Đại diện Thương mại Mỹ và Tổng thống Donald Trump đã sai lầm ngay từ ngày đầu. Ngài Donald Trump đã thông qua thỏa thuận, giành một chiến thắng và thế là xong. Sau đó họ không phối hợp hay trao đổi với các nghiệp đoàn, không làm việc với phe Dân chủ. Và giờ đây, họ ở trong một tình thế mà người Dân chủ và các nghiệp đoàn Mỹ đều có quan điểm khác họ”. 

Không cần phải giới thiệu, ai cũng có thể đoán được vị cựu đại sứ này thuộc phe Dân chủ - những người tuyên bố rằng họ sẽ phản đối USMCA, bởi dự thảo này chưa buộc Mexico tuân thủ đủ nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn lao động.

Không một bước lùi

Cũng phải khẳng định: Động thái nghiệt ngã của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay trước thềm vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Trung Quốc, chỉ thông qua một vài dòng tweet, đang đi đúng hướng.

Một ngày sau những dòng tweet đó, phía Trung Quốc thông báo rằng phái đoàn thương mại của họ vẫn sẽ tới Mỹ (nghĩa là phủ định viễn cảnh u tối mà The Wall Street Journal đề cập). Bắc Kinh chỉ để ngỏ khả năng tham dự của Phó Thủ tướng Lưu Hạc. 

Nhưng, bên cạnh đó, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, qua 10 vòng đàm phán cấp cao, hai bên đã “đạt tiến triển tích cực” và Trung Quốc vẫn sẽ nỗ lực cùng Mỹ đạt được nhất trí ở một số điểm, tiến tới một thỏa thuận cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Mặc dù cũng có mang chút ít màu sắc “lấy lui làm tiến”, động thái của Bắc Kinh hẳn cũng chính là điều Nhà Trắng dự liệu và mong muốn. Tuy nhiên vô tình hoặc hữu ý, những diễn biến căng thẳng trong mối quan hệ này cũng đang gián tiếp hạ nhiệt cho các vấn đề liên quan tới những mối quan hệ khác.    

Mỹ không chỉ gây sức ép với Trung Quốc. Áp lực của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ nhắm đến Iran cùng Venezuela hiện còn nặng nề gấp bội và điều đó khiến giá dầu thô thế giới vào hạ tuần tháng 4-2019 đã lên cao kỷ lục (74,3 USD/thùng dầu Brent). 

Song, bên cạnh việc chính Mỹ đẩy mạnh nguồn cung (12,3 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ năm 2017, khiến đến ngày 1/5 giá dầu Brent giảm xuống 71,56 USD/thùng), sau bản tweet của đương kim Tổng thống Mỹ, giá dầu cũng còn có xu hướng giảm tiếp trong dao động. 

Điều này có thể xem là một thông điệp kín đáo gửi tới Liên minh châu Âu (EU), những đồng minh gần gũi nhưng lại đang sẵn sàng kích hoạt các cơ chế “lách trừng phạt” để tiếp tục mua dầu thô từ Iran, những người không ngại ngần lên tiếng chỉ trích đường lối đối ngoại của Mỹ trong vấn đề này.

Kể từ khi đắc cử, Tổng thống Mỹ Donald Trump hầu như không nhượng bộ trên bất cứ “mặt trận” nào. Lần này cũng vậy, ông sẽ còn đẩy sự việc đến sát mọi giới hạn của sự điên rồ. Để sau đó, sẽ lạnh lùng “ngã giá” với bất cứ đối thủ nào không sẵn sàng chịu tổn thương.

Và sự xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn sẽ còn là một câu chuyện dài...

Thiên Phong
.
.