Càng bận càng đọc nhiều sách

Thứ Năm, 10/06/2010, 15:34
Tuyệt đại bộ phận các nhà lãnh đạo cách mạng Nga, dù có học qua đại học hay không, đều là những người rất ham đọc sách và trưởng thành lên chính nhờ quá trình tự học qua sách.

Trước khi cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công, ít ai trong số họ có điều kiện để tự xây dựng nên thư viện riêng cho mình. Sau khi cách mạng thành công, các nhà lãnh đạo này tại các căn hộ của mình ở Moskva đã sưu tập không phải các vật dụng đắt tiền mà là các cuốn sách họ thấy cần đọc hoặc họ thích đọc. Theo nhà nghiên cứu lịch sử Nga Roy Medvedev, cho tới năm 1922, Lênin cũng như các nhân vật hàng đầu của chính quyền Xôviết thời đấy đã có những tủ sách cá nhân cực kỳ phong phú trong Điện Kremli.

Có lần Lênin đã thốt lên rằng "làm cách mạng thú vị hơn là nghiên cứu nó" nhưng càng trong những thời điểm gay cấn nhất của cuộc đời hoạt động cách mạng, Người lại càng đọc sách và viết sách nhiều hơn. Là một nhà chiến lược đích thực, Lênin không chỉ đọc những tác phẩm của các tác giả mà mình kính trọng mà còn rất chăm chú nghiên cứu cả sách của các đối thủ tư tưởng. Không biết địch, không biết mình thì làm sao chiến đấu và giành chiến thắng được. Khi đọc, Người hay đánh dấu vào những câu, những đoạn cần chú ý và suy ngẫm. Chính Lênin đích thân lập danh mục các cuốn sách mà Người muốn có trong thư viện riêng: những bộ từ điển bách khoa các lần in khác nhau, trước tác của K. Marx và F. Engels in bằng tiếng Nga và tiếng Đức, các tác phẩm của các nhà cách mạng Dân chủ Nga... 

Lênin rất hay đọc đi đọc lại các bộ từ điển tiếng Nga - trau dồi ngôn ngữ là một nhu cầu thường xuyên của Người. Khác với định kiến sai lầm cho rằng, Lênin chỉ thích đọc những sách chính luận, chứ không bao giờ đọc thơ hay tiểu thuyết, trong tủ sách đặt tại phòng làm việc của Lênin trong Điện Kremli luôn có các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ lớn của nước Nga như Dostoyevsky, Gogol, Goncharov, Lermontov, Necrasov, Liev Tolstoi, Turgueniev, Puskin... Và Người thường xuyên sử dụng chúng. Lênin đặc biệt thích thơ Puskin, và không chỉ thích tính nghệ thuật trong thơ mà cả những cảm xúc nhân văn tràn trề ở đó…

Lãnh tụ Xôviết Stalin nhận căn hộ trong Điện Kremli từ năm 1918 nhưng trong giai đoạn nội chiến ở Nga, ông thường xuyên phải nay đây mai đó trên các chiến trường. Chính vì thế, mặc dù Stalin lúc nào cũng chăm đọc sách và cũng đọc theo kiểu thiếu tính hệ thống nên ở thư viện tại nhà ông, số lượng sách được thu thập lại không nhiều. Chỉ tới năm 1925, Stalin mới quyết định xây dựng một thư viện cá nhân tại nhà mình một cách chính quy và mang tính khoa học để tiện lợi cho công việc của mình. Tháng 5-1925, Stalin đã chỉ thị cho trợ lý kiêm thư ký riêng I. Tovstukhov nhận trách nhiệm lo liệu việc này và đặt ra một chức thủ thư riêng trong văn phòng của Tổng Bí thư. Đích thân Stalin đã viết trả lời câu hỏi "cần có những cuốn sách này trong thư viện", trong đó nêu rất cụ thể:

Phân loại sách không phải theo tác giả mà theo vấn đề:

- Triết học;
- Tâm lý học;
- Xã hội học;
- Kinh tế chính trị học;
- Tài chính;
- Công nghiệp;
- Nông nghiệp;
- Hợp tác xã;
- Lịch sử Nga;
- Lịch sử các nước khác;
- Ngoại giao;
- Ngoại thương và Nội thương;
- Quân sự;
- Vấn đề dân tộc;
- Các đại hội và hội nghị;
- Tình hình công nhân;
- Tình hình nông dân;
- Đoàn Thanh niên Cộng sản;
- Về Lênin và chủ nghĩa Lênin…

Ngoài các chủ đề trên, Stalin còn nêu ra nhiều chủ đề khác nữa. Ông cũng chỉ thị là từ các chủ đề trên cần xếp ra chỗ riêng sách của các tác giả như Lênin, Marx, Engels và nhiều nhà lý luận cách mạng Nga đương thời… Các cuốn sách nằm ngoài các chủ đề trên được xếp ra một phía…

Việc xây dựng thư viện của Tổng Bí thư theo chỉ thị của Stalin được bắt đầu tiến hành từ mùa hè năm 1925. Và từ những năm 30 của thế kỷ trước, mỗi một năm thư viện của Stalin được bổ sung thêm hàng trăm tác phẩm mới. Tại đây có đủ các bộ từ điển bách khoa Nga và Xôviết, một số lượng rất lớn các từ điển, đặc biệt là từ điển tiếng Nga và nhiều ngoại ngữ khác, các tập sách tra cứu khác nhau…

Trong thư viện của Stalin đã có gần như đầy đủ các tác phẩm văn học cổ điển Nga: cả những tập riêng lẻ lẫn những tuyển tập và toàn tập. Đặc biệt ở đây có nhiều nhất là các tác phẩm của Puskin và sách viết về Puskin. Stalin thường xuyên nhận được các cuốn sách mới về những chủ đề mà ông quan tâm, được in ra ở Liên Xô thời đó. Ông cũng nhận được nhiều sách do chính các tác giả gửi tới. Cho đến cuối đời Stalin, tại thư viện của Tổng Bí thư đã có tới hơn 20 nghìn cuốn sách, trong đó. 5,5 nghìn cuốn có đóng dấu "Thư viện Stalin" và có ghi số thứ tự. Chỉ một phần nhỏ những cuốn sách trên được để trong phòng làm việc của Stalin trong Điện Kremli, còn đại bộ phận chúng được xếp trong các cái tủ lớn ở căn hộ của Stalin, cũng ở trong khu vực Điện Kremli. Nhiều cuốn sách cũng được xếp trong các phòng ở và phòng làm việc của Stalin tại trang trại ngoại ô ở Zubalovo.

Năm 1935, khi người ta xây trang trại ngoại ô mới cho Stalin ở khu vực Kuntsevo, các cuốn sách từ trang trại cũ đã được chuyển về đây. Sau chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, khi trang trại ngoại ô ở Kuntsevo được mở rộng, ở đó đã xây thêm một chái nhà dành riêng cho thư viện, có cả tầng hầm. Sách được xếp theo một hệ thống nhất định trên những giá gỗ không bào. Có không chỉ một người từng làm thủ thư riêng cho Stalin và hiện không có thông tin gì về số phận của họ.

Một lượng sách không lớn cũng được để ở những trang trại ngoại ô phía Nam Moskva của Stalin. Đó chủ yếu là những cuốn sách tra cứu, sách văn học cũng như những cuốn sách in mẫu của một số nhà xuất bản. Stalin cũng có một thư viên riêng không lớn lắm ở trang trại Dalniaya, nằm cách Moskva 100 km theo hướng đại lộ Kaluga. Tại trang trại này còn có một phòng họp có thể chứa được 250-300 người, được lát gỗ quý từ sàn lên đến trần. Nhưng Stalin chưa từng tổ chức tại đó một cuộc họp nào và gần như rất ít khi tới khu trang trại nằm cách xa Moskva này. Tuy nhiên, ông đã cho phép cô con gái Svetlana và người chồng đầu tiên Grigory Morozov ở tuần trăng mật tại đó. Stalin cũng cho phép Morozov đọc sách trong thư viện của ông ở căn hộ trong Điện Kremli cả khi ông đi vắng. Chàng thanh niên Morozov thuở ấy đã rất kinh ngạc trước số lượng sách khổng lồ ở đấy và sự phong phú của những cuốn sách mà Stalin đã đọc và đã ghi chằng chịt những lời nhận xét bên lề…

Quả thực, với Stalin, sách hoàn toàn không phải là vật trang trí mà là công cụ làm việc. Ông đã xem qua đại bộ phận các cuốn sách trong thư viện cá nhân và nhiều cuốn đã được ông đọc một cách rất kỹ lưỡng. Một số cuốn sách còn được ông đọc đi đọc lại vài ba lần. Stalin thường đọc sách với cây bút chì cầm trong tay, và thường là ông đọc với vài ba cây bút chì màu cầm trong tay và để trên bàn. Ông đánh dấu nhiều câu văn và nhiều đoạn văn, viết các ghi chú và ký bên lề nhiều cuốn sách. Trước đây, Marx đã nói: "Sách của tôi là nô lệ của tôi" và đã ghi chú rất nhiều vào lề từng cuốn sách đã đọc cũng như đã gập các trang sách mà Người quan tâm. Stalin cũng có cách đọc sách y như thế và dấu tích của quá trình đọc sách của ông đã được in lại trên các trang của hàng nghìn cuốn sách.

Mặc dù phải xử lý một khối lượng văn bản chính quyền khổng lồ nhưng mỗi ngày, Stalin vẫn dành ra được 2-3 giờ để đọc sách nằm ngoài giấy tờ công vụ. Mỗi ngày, ông xem qua hoặc đọc vài ba cuốn sách. Ông từng nói với một số khách tới phòng làm việc của ông rằng, 500 trang, đó là định mức đọc sách của ông mỗi ngày! Như vậy là mỗi năm Stalin có thể đọc tới cả nghìn cuốn sách.

Trong những năm 20 của thế kỷ XX, với tư cách độc giả, lãnh tụ Xôviết Stalin đọc rất nhiều sách về lịch sử các cuộc cách mạng và các cuộc chiến tranh cách mạng ở các nước khác, các cuốn sách viết về lịch sử và kinh tế Trung Hoa, nơi khi đó đang mở rộng một phong trào đấu tranh cách mạng nông dân rộng khắp và quyết liệt… Stalin đã đọc  tất cả những công trình mới về lịch sử Đảng Cộng sản Nga (Bolshevich). Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng các cuốn sách viết về lịch sử chiếm tới một nửa tổng số sách trong thư viện riêng của Stalin và ba phần tư số sách sử này liên quan tới lịch sử của Đảng Cộng sản Nga (Bolshevich).

Cũng trong giai đoạn đó, Stalin còn đọc không ít cuốn sách về lịch sử các cuộc chiến tranh và nghệ thuật quân sự. Theo chứng nhận của bà Yu. Sharapova, người giữa những năm 50 của thế kỷ trước đã phụ trách thư viện đặc biệt của Viện Marx - Lênin thuộc BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô và đã tiếp nhận thư viện Stalin năm 1957, những trang sách trong các cuốn viết về lịch sử các cuộc chiến tranh thời cổ đại, được xuất bản từ trước cách mạng Tháng Mười năm 1917, đã chứa đầy những ghi chú và nhận xét của Stalin. Phần thư viện này đã được thu thập từ những năm 20 của thế kỷ trước.

Thông qua các thư ký và thủ thư, Stalin cũng hay đặt những cuốn sách mà ông cần dùng nhất thời và những cuốn sách đó được mang tới cho ông từ các thư viện lớn nhất nước và từ thư viện của Đảng. Một số cuốn sách mà Stalin đặt, phải tìm khá lâu mới có.

Là một nhà lãnh đạo quốc gia, Stalin vẫn rất quan tâm tới đời sống văn học Xôviết đương thời và còn tìm những cơ hội để gặp gỡ các nhà văn. Những cuộc gặp này thường được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thường diễn ra tại nhà của Maxim Gorky trên phố Tiểu Nikita. Đó là một ngôi biệt thự lớn, trước cách mạng Tháng Mười năm 1917, thuộc về nhà buôn Ryabushinsky. Chính tại đây vào đầu năm 1832, Stalin và Gorky đã gặp Mikhail Sholokhov để quyết định về số phận tập ba bộ tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" và tiểu thuyết "Đất vỡ hoang". Stalin đã bật đèn xanh cho việc phát hành hai bộ sách này dẫu ông cũng có một số nhận xét riêng…

Stalin còn chỉ thị để cấp dưới tạo cho Sholokhov những điều kiện làm việc thuận lợi nhất. Stalin cũng rất ưu ái nhà văn Aleksey Tolstoi, tác giả của "Con đường đau khổ", người đã viết tiểu thuyết "Piotr Đại đế" rất được Stalin ưa chuộng… Nhà thơ Boris Pasternak cũng được Stalin biệt đãi. Chính Stalin đã ra lệnh giải phóng khỏi nơi lưu đầy nhà nghiên cứu lịch sử Tarle, tác giả của công trình nghiên cứu về Napoléon mà ông đã đọc rất kỹ và đã che chở để khỏi bị phê phán một cách bất công…

Nguyễn Trung Tín
.
.