Cán bộ “đường ray”

Thứ Hai, 14/09/2015, 14:16
Nhiệm vụ rường cột khi tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là chuẩn bị nhân sự để đại hội quyết định. Nhiều người quan tâm, những cán bộ được các cấp đưa vào diện cán bộ “đường ray” hay “hạt giống đỏ” vốn đã được quy hoạch, luân chuyển để đào tạo, rèn giũa từ đầu, giữa nhiệm kỳ sẽ thế nào?

Qua theo dõi và tổng hợp chung đến thời điểm này, Ban Tổ chức Trung ương nhận định, đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thành công, thể hiện qua một số kết quả nổi bật như: Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 36 - CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện đại hội đảng các cấp, ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ quan, đơn vị mình và phân công chỉ đạo, theo dõi quá trình đại hội Đảng các cấp, trong đó có đại hội cấp cơ sở. 

Đáng chú ý, công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, các chức danh chủ chốt, ủy ban kiểm tra cấp ủy và bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên được thực hiện dân chủ, khách quan, đảm bảo nguyên tắc, đúng quy trình hướng dẫn…

Thực tế, vấn đề nhân sự đã nóng từ trước khi diễn ra đại hội nhiều tháng, thậm chí hàng năm liền. Nhân sự đại hội đã được “lên khung” nên Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc ứng cử, đề cử tại đại hội còn ít, trong khi nhiều nơi việc đổi mới cấp ủy chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số thấp hơn nhiệm kỳ trước. 

Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá: Quá trình chuẩn bị nhân sự ở một số nơi chưa mở rộng dân chủ, không nắm chắc tình hình cán bộ, còn gò ép, giới thiệu cả những đồng chí hạn chế về năng lực hoặc tín nhiệm thấp nhưng cấp ủy cấp trên chưa sát sao, chỉ đạo quyết liệt. Có nơi có biểu hiện cục bộ, khép kín, vận động không bầu cho cán bộ được cấp trên điều động, luân chuyển về cơ sở. Vì vậy, nhiều đồng chí giữ các vị trí chủ chốt ở cơ sở sau đại hội bị “rụng”.

Vấn đề “vận động không bầu cho cán bộ được cấp trên điều động, luân chuyển” dù không phải phổ biến nhưng biểu hiện này cho thấy rõ tư tưởng cục bộ, địa phương, phân chia lợi ích nhóm đã  và đang âm ỉ tồn tại ở không ít nơi. Việc “vận động hàng lang” là trái quy chế bầu cử, biểu hiện mất dân chủ nhưng nguy hại hơn là gây tâm lý không tốt trong cán bộ, đảng viên và làm ảnh hưởng đến công tác nhân sự đại hội, tác động tiêu cực đến cán bộ trong diện được điều động, luân chuyển.

Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là sự kiện chính trị quan trọng, đang được tiến hành chặt chẽ. 

Thực tế, tư tưởng cục bộ địa phương, phân chia lợi ích nhóm dẫn tới kéo bè, kết cánh gây khó dễ cho cán bộ luân chuyển đang là trở ngại không nhỏ trong công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước ta. Khi thực hiện luân chuyển, điều động, mục đích được đặt ra rất rõ ràng là nhằm tôi luyện, thử thách cán bộ thông qua công tác thực tiễn tại địa phương, từ đó bồi dưỡng, rèn giũa để trưởng thành trước khi cất nhắc vào các vị trí cao hơn. Đây cũng là cách làm khoa học thể hiện quan điểm cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, từ cuộc sống đa dạng và muôn màu để sau này khi đảm nhiệm vị trí quan trọng ở Trung ương, cán bộ đó đủ kinh nghiệm để điều hành, quản lý, tránh hiện trạng cán bộ vươn lên từ “điều hòa, máy lạnh”, xa  rời cuộc sống của nhân dân.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận tư tưởng cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm và các hiện trạng tiêu cực này thành hai sắc màu khác nhau nhưng có quan hệ biện chứng. Bên cạnh việc cản trở, gây khó khăn trong công tác tổ chức cán bộ nói chung, đối với cán bộ được luân chuyển nói riêng thì những “hàng rào gai” vô hình này lại chính là thử thách của cuộc sống để những “hạt giống đỏ” biết chấp nhận và tìm cách vượt qua. Nó cho thấy hoạt động quản lý, lãnh đạo từ thực tiễn cuộc sống không bao  giờ là sự sắp đặt thẳng lối để ai đó theo cơ cấu là dễ dàng thẳng tiến.

Ngược lại, mọi góc cạnh, va chạm, các biểu hiện tối sáng lại chính là “chướng ngại vật” đòi hỏi bản lĩnh, trình độ và cả thái độ biết kiềm chế, biết điều tiết để vượt qua. Vượt lên được ranh giới đó, cán bộ sẽ trưởng thành, là kinh nghiệm quý cho đường trường sau này, khi ở vị trí cao hơn. Còn nếu thấy “đau đầu, không chịu nổi” thì điều đó cũng cho thấy phải xem xét lại bản lĩnh của mình. 

Trong thực tế, nhiều cán bộ luân chuyển khi về địa phương đã nhanh chóng thích nghi tình hình, thực tiễn cuộc sống, phát huy được năng lực, trình độ của mình, tạo được tinh thần đoàn kết, thống nhất. Đặc biệt, họ biết điều tiết các mối quan hệ, không gây ra mâu thuẫn, căng thẳng, thu hẹp sự ngăn cách trong tư tưởng vùng miền, giữa cán bộ luân chuyển và cán bộ tại chỗ, thậm chí còn biết cách “cảm hóa” được cả những người vốn ban đầu mâu thuẫn, kèn cựa hay đối trọng với mình, sau đó trở thành người đồng hành, hợp tác. Đó cũng chính là thực tiễn quan trọng để “thử tài” cán bộ luân chuyển, hòa nhịp, thả vào mọi sự phức tạp để rèn giũa, trưởng thành.

Khi nói về vấn đề cán bộ, tại hội nghị toàn quốc công tác tổ chức xây dựng Đảng hồi đầu năm, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa nhận định: “Việc này dư luận đang quan tâm, nói rất nhiều. Điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương mới đây chỉ ra nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội là điều bức xúc thứ hai của người dân, chỉ sau tham nhũng”. Ông nói: “Từ ngày về làm công việc này, tôi cũng trăn trở suy nghĩ lắm, xem điều người ta vẫn hay nói về cái “chạy” này, những người liên quan trực tiếp là những người làm công tác tổ chức như thế nào. Cố gắng nghĩ cách để vừa nâng cao chất lượng công việc, đồng thời hạn chế những thiếu sót này”. 

Theo ông, việc luân chuyển cán bộ theo yêu cầu của hội nghị Trung ương 4 đã được làm bài bản, không phải theo cách cũ làm ào ạt khiến người ta nghĩ là “chạy” được. Về chủ trương có nên tiếp tục luân chuyển không vì qua tổng kết thấy việc này có nhiều ưu điểm mà cũng có nhiều nhược điểm cần nghiên cứu, Ban Bí thư thảo luận và thấy phải giữ việc luân chuyển vì gắn với quy hoạch, cái gì không đúng, không tốt phải sửa. Tiếp theo là xây dựng tiêu chí gồm cán bộ trẻ, từ vụ trưởng trở lên, có trong quy hoạch của ban ngành Trung ương lên chức vụ cao hơn. 

Luân chuyển về địa phương nào cũng có tiêu chí: trung tâm kinh tế văn hóa lớn, những nơi khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, những nơi cần tăng cường đội ngũ, để cán bộ về học hỏi, rèn luyện, rèn giũa… Trong 63 tỉnh, thành phải xét địa phương nào đủ điều kiện mới luân chuyển về, kể cả cán bộ của Trung ương cũng để địa phương cân đối, sắp xếp. Ban Tổ chức Trung ương xét từng tiêu chí, sau đó thảo luận với địa phương để thống nhất.

Việc luân chuyển ngay từ đầu cũng phải hết sức  khách quan. Ông Tô Huy Rứa cho hay, Ban Tổ chức Trung ương cũng đề xuất một quy chế, đó là trong thời kỳ đang làm quy trình xét đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển…, tức là từ khi Ban Tổ chức Trung ương bắt đầu nhận hồ sơ cho đến khi kết thúc, tất cả cán bộ Ban Tổ chức Trung ương không được tiếp xúc với người có tên trong danh sách xem xét, dưới bất kỳ hình thức nào dù ở nhà, cơ quan hay quán xá, để cán bộ được thanh thản, công tâm, khách quan… Những người liên quan đến đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển… không được đến Ban Tổ chức Trung ương, không được gặp các cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương từ trưởng ban trở xuống, liên quan đến công việc này. Cán bộ Ban Tổ chức Trung ương vi phạm sẽ bị xử lý, còn người thuộc diện xem xét, nói không nghe mà cứ lên gặp, nếu bị phát hiện sẽ hậu chỉnh…

Về vấn đề này, trả lời báo chí, ông Trần Lưu Hải, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết, việc chuẩn bị cán bộ cao cấp chiến lược không những cho nhiệm kỳ này mà cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Đánh giá về việc luân chuyển cán bộ về địa phương, ông khẳng định: “Chúng ta đưa cán bộ vào đường ray này để họ rèn luyện, phấn đấu. Nếu họ thiếu kiến thức thì cho đi đào tạo, thiếu thực tế thì cho đi luân chuyển để họ trưởng thành. Luân chuyển rất bài bản, chặt chẽ, công phu”.

Trước đó, trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) xác định rõ, tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện gắn với xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực sự có hiệu quả, ngăn chặn sự lạm quyền, độc đoán. Sơ kết, rút kinh nghiệm để có chủ trương về việc đại hội đảng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp ủy có số dư. Thực hiện bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ trì cấp trên nói chung phải qua chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ trì ở cấp dưới.

An Nhi
.
.