Cái chết của nhà soạn nhạc Ba Lan Frederic Chopin vẫn là một bí ẩn

Thứ Năm, 29/01/2015, 17:50
Khi nhà soạn nhạc Ba Lan Frederic Chopin qua đời năm 1849, nhiều người vẫn cho rằng ông mắc căn bệnh lao. Tuy nhiên, sau đó người ta đã sớm nghi ngờ về các chẩn đoán bệnh gây nên cái chết của ông và cuộc thẩm định khoa học trái tim ông được tiến hành mới đây vẫn chưa giải mã được nguyên nhân cái chết của nhà soạn nhạc.

Hồi tháng 4/2014, cuộc khai quật trái tim của Chopin đã được xúc tiến một cách bí mật tại nhà thờ chính ở thủ đô Warsaw (Ba Lan). Nhóm khai quật đã đào một trụ cột trong nhà thờ và lấy lên một lọ thủy tinh, trong đó trái tim nhà soạn nhạc đã được bảo quản trong rượu, dường như là cognac, trong hơn 160 năm. Sau đó, các nhà khoa học di truyền và pháp y đã tiến hành “soi” trái tim.

Mắc căn bệnh chưa hề xuất hiện trước đó

Các nhà khoa học muốn kiểm tra xem trái tim của Chopin có còn được bảo quản trong điều kiện tốt hay không và để trả lời câu hỏi, nguyên nhân nào đã cướp đi sinh mạng của nhà soạn nhạc, tác giả của những nhạc phẩm mà người Ba Lan coi là hiện thân âm nhạc của đất nước họ.

Chopin qua đời trong một căn hộ tại Place Vendome, Paris (Pháp) vào ngày 17/10/1849, ở tuổi 39. Nhiều tháng trước đó, Jean Cruveilhier, chuyên gia lớn nhất của Pháp về bệnh lao, đã chẩn đoán ông mắc căn bệnh này và trong giấy chứng tử của Chopin cũng ghi rõ nguyên nhân cái chết là bệnh lao. Tuy nhiên, mọi chuyện trở nên không rõ ràng khi bác sĩ Cruveilhier thao tác việc cắt trái tim ra khỏi thi hài nhà soạn nhạc và tiến hành một cuộc khám nghiệm.

Người ta không biết chính xác những gì ông đã ghi lại bởi chúng đã bị mất. Tuy nhiên, tư liệu cho thấy vị bác sĩ này khẳng định, căn bệnh gây nên cái chết của Chopin không phải là bệnh lao, mà là một “căn bệnh chưa hề gặp trước đó”.

Nhà soạn nhạc Ba Lan Frederic Chopin.

Cuối cùng, các giả thuyết mới bắt đầu được đưa ra. Một báo cáo y tế cho thấy, bệnh xơ nang (chưa được phát hiện vào năm 1849) chính là thủ phạm cướp đi mạng sống của Chopin. Trong khi có giả thuyết khác lại cho rằng Chopin bị mắc căn bệnh khí thũng. Hồi tháng 9 đã xảy ra một cuộc tranh cãi khi các nhà khoa học di truyền, từng tham gia cuộc khai quật trái tim Chopin, đã công bố các kết luận của mình tại một cuộc họp báo.

Họ nói rằng, trái tim của Chopin vẫn được bảo quản trong điều kiện tốt và có u hạch lao. Song thực tế là cuộc thẩm định đó cũng chỉ được tiến hành bằng mắt, chứ các nhà khoa học không lấy mẫu mô để xét nghiệm, bình đựng trái tim của Chopin không hề được mở ra và nó chưa hề rời khỏi nhà thờ.

Liệu một cuộc thẩm định bằng mắt đó có đưa ra được chứng cứ thuyết phục về bệnh lao? Sebastian Lucas, Giáo sư danh dự về Bệnh học tại Bệnh viện Guy’s & St Thomas’ ở London, khẳng định là không thể. “Nếu một trái tim liên quan đến căn bệnh lao thì trong nhiều trường hợp nó sẽ bị viêm màng ngoài tim và viêm quanh tim. Nếu bị viêm màng ngoài tim thì có thể nổi lên những cục u nhỏ và triệu chứng như vậy có thể chẩn đoán là bệnh lao. Tuy nhiên, một số căn bệnh khác cũng có thể có triệu chứng này, như ung thư hoặc u nấm phổi. Bạn không thể xác định các căn bệnh này bằng mắt thường” - Lucas nói.

Thật mạo phạm khi có hành động can thiệp vào trái tim

Thực ra, các nhà khoa học tham gia cuộc khai quật muốn mở lọ thủy tinh và xét nghiệm trái tim của Chopin, nhưng họ vấp phải sự phản đối dữ dội từ chắt gái của một trong những người chị của nhà soạn nhạc, từ Viện trưởng Viện Chopin ở Ba Lan và Tổng giám mục Warsaw, Hồng y giáo chủ Kazimierz Nycz. Song để hiểu được sự phản ứng này, chúng ta hãy tìm hiểu xem Chopin có ý nghĩa như thế nào đối với Ba Lan.

Nơi chôn cất trái tim Chopin trong nhà thờ Holy Cross ở thủ đô Warsaw, Ba Lan.

Chopin rời Warsaw năm 20 tuổi và không bao giờ trở về. Tình yêu quê hương, tổ quốc của Chopin được ông thể hiện trong các nhạc phẩm của mình và đối với người Ba Lan, chúng tượng trưng cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa của Ba Lan. Lúc hấp hối, Chopin đã bày tỏ ước nguyện, trước khi chôn cất thi hài ông tại nghĩa trang Pere Lachaise ở Paris thì hãy cắt trái tim ông đem về chôn ở quê hương Ba Lan. Sau đó, chị gái Chopin đã thực hiện ý nguyện của ông và đã “qua mặt” được lính biên phòng Nga để lén đưa trái tim ông về Ba Lan.

Nhiều năm sau, nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpilman đã buộc phải bỏ giữa chừng màn diễn một khúc nhạc đêm của Chopin được phát trực tiếp trên làn sóng phát thanh bởi Đức ném bom xuống đài phát thanh. Năm 1945, khi xuất hiện trở lại trên Đài phát thanh Warsaw, Szpilman vẫn trình diễn khúc nhạc đêm đó và câu chuyện này đã trở nên bất tử trong phim The Pianist của đạo diễn Roman Polanski.

Vì vậy, đối với người Ba Lan, có bất cứ hành động can thiệp vào trái tim của người đã gắn bó với nhiều cuộc đấu tranh vì quê hương, sẽ bị xem là phạm thượng. “Hành động đó khiến người ta có cảm giác là mạo phạm. Trái tim của Chopin như một di vật linh thiêng. Người ta thấy khó chịu nếu như tiến hành phân tích ADN trái tim ông. Mà cũng chưa chắc chắn đây là trái tim của nhà soạn nhạc” - Rose Cholmondeley, Chủ tịch Hiệp hội Chopin có trụ sở ở London, giải thích.

Cholmondeley nói vậy là bởi có tương truyền rằng, trong chiến tranh, một lính Đức đã chuyển lọ đựng trái tim Chopin ra khỏi nhà thờ trước khi cả nhà thờ bị san phẳng. Sau đó, trái tim nhà soạn nhạc đã được chuyển qua tay nhiều người trước khi được đưa trở lại cho một Hồng y giáo chủ Ba Lan. Tuy nhiên, theo Cholmondeley, thật khó biết được câu chuyện này có bao nhiêu phần trăm sự thực và nhiều khả năng trái tim được đào lên từ cột nhà thờ hồi tháng 10/1945 không phải của Chopin.

Song Giáo sư Dobosz lại không đồng tình với quan điểm này. Theo ông, cuộc kiểm tra diễn ra hồi tháng 4 đã xua tan mọi nghi ngờ đó. “Điều kiện, tình trạng của chất bảo quản, loại chỉ được dùng để khâu trái tim sau cuộc mổ xẻ ở Paris, loại bình đựng, theo quan điểm của tôi, đều thuộc kỷ nguyên đó” - Dobosz nói tại một cuộc họp báo của các nhà khoa học.

Chiếc bình đựng trái tim Chopin đã được chôn trở lại trong cột nhà thờ và có đề nghị nó không bị “quấy rầy” cho đến năm 2064.

Đến giờ, vẫn chưa ai có thể đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân cái chết của Chopin, song nhà thờ chính ở Warsaw vẫn tiếp tục là nơi hành hương của những người hâm mộ nhà soạn nhạc với niềm tin, trái tim được chôn cất ở đây chính là của người con vĩ đại của Ba Lan, Frederic Chopin.

Nghĩa trang Père-Lachaise

Là nơi Frédéric Chopin (1810-1849), nhà soạn nhạc thiên tài người Ba Lan, ông được chôn cất theo đúng ý nguyện của ông trước khi mất.

Đây là nghĩa trang lớn nhất ở của thành phố Paris và là một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất thế giới. Là một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch, mỗi năm hàng trăm ngàn lượt du khách đã đến đây để được thăm viếng những ngôi mộ nổi tiếng đã có từ 200 năm qua.

Nhà thờ Holy Cross

Là một nhà thờ Công giáo La Mã ở Warsaw, Ba Lan và cũng là điểm du lịch nổi tiếng. Được xây dựng từ đầu thế kỷ 15, trải qua nhiều lần bị phá hủy và xây mới. Tới những năm cuối thế kỷ 19, chiếc bình chứa trái tim của nhà soạn nhạc thiên tài Frédéric Chopin đã được chôn vào một trong những chiếc cột bằng đá hoa cương tại đây. Nhà thờ Holy Cross còn có nhiều văn bia đề tên những người nổi tiếng của đất nước Ba Lan như Juliusz Slowacki, Józef Ignacy Kraszewski, Boleslaw Prus…

Phúc Quyên – Hoàng Ngọc
.
.