Các Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô: Ngôi cao, đắc thọ

Thứ Sáu, 23/05/2014, 16:14
Thực tế cho thấy, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô trước kia đã là nơi tập trung được nhiều gương mặt không chỉ tài năng lớn, cương vị cao mà còn là những người đắc thọ.

Liên bang Xôviết đã tan rã từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Và cùng với sự kiện bi thảm này, Đảng Cộng sản Liên Xô cũng ngừng tồn tại như một thực thể. Tuy nhiên, cho tới hôm nay vẫn có tới hàng chục cựu ủy viên Bộ Chính trị - cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô cũ - đang tiếp tục sống và nhiều người trong số họ vẫn giữ nguyên những tín điều cộng sản của mình. Và ngay cả trong thời “hậu Xôviết”, họ vẫn tiếp tục là những nhân vật khả kính.

Có thể nhắc tới trước hết là ông Egor Ligachev, năm nay đã ở tuổi 94. Ông sinh tháng 11/1920, gia nhập đội ngũ những người cộng sản Xôviết từ năm 1944. Năm 1976, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tới năm 1985, ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị và trụ ở cương vị này tới năm 1990. Đã có thời gian ông là một trong những nhân vật có quyền lực nhất Bộ Chính trị lúc đó do Mikhail Gorbachev đứng đầu. Hiện nay Ligachev vẫn là đảng viên Đảng Cộng sản Liên bang Nga và cư trú tại thành phố Tomsk, nơi ông từng là Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy trong những năm 60-80 của thế kỷ trước... Ông Ligachev được đánh giá là một nhà hoạt động chính trị thẳng thắn, trung thực, “luôn nghĩ gì nói nấy”... Ông từng tâm sự: “Khi tôi còn là Ủy viên Bộ Chính trị, tôi không hề phải uống thuốc gì và không phải nằm viện lần nào. Tôi chỉ nhìn thấy bác sĩ riêng của mình nửa năm một lần, thậm chí còn lâu hơn thế. Tôi gốc Siberi và người dân Siberi luôn có thể lực vững chãi. Thêm vào đó, tôi không uống rượu và đã bỏ thuốc lá từ lâu...”.

Bản thân cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev hiện cũng đang ở tuổi 83. Mặc dù thời gian gần đây, vị Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên bang Xôviết phải nằm trong bệnh viện, nhưng nhìn chung, vẫn còn nhiều cơ hội để trở thành đắc thọ hơn nữa. Thời gian gần đây, ông Gorbachev lại trở thành đối tượng của những sự đả phá từ phía một bộ phận xã hội Nga, những người cho rằng chính những hành động của ông trong những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đã dẫn tới sự tan rã Liên bang Xôviết. Một số các nghị sĩ Nga đã đề nghị đưa Gorbachev ra tòa án xét xử với tội danh trên...

Danh sách những trưởng lão đắc thọ từng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô có thể gây được ấn tượng mạnh. Vị Thủ tướng “áp chót” của thể chế Xôviết, Nikolai Ryzhkov, hiện đang ở tuổi 85. Và với tư cách thành viên Hội đồng Liên bang (từ năm 2003), ông vẫn rất tích cực tham gia vào đời sống xã hội Nga. Ông Ryzhkov là người ủng hộ nhiệt thành chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những vấn đề  liên quan tới cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraina.

Cách đây không lâu, trả lời phỏng vấn cho báo mạng Argumenty-live, đề cập tới những biến động ở vùng mỏ Donetsk thuộc Ukraina (nơi những người dân địa phương đứng ra thành lập nước cộng hòa Donetsk, không chịu phụ thuộc vào chính quyền ở Kiev), ông Ryzhkov đã nói: “Tôi vốn cũng xuất thân từ khu vực đó, tôi sinh ra ở cách Donetsk 40km, tại thành phố mỏ Dzerzhinsk... Tất cả những việc mới xảy ra ở đó là hậu quả từ chính sách của Ukraina trong hơn hai mươi năm qua. Dưới thời chính quyền Xôviết, tất cả những tình huống dân tộc chủ nghĩa đó bằng cách này hay cách khác đều được xử lý và không thế lực nào có thể ngóc đầu lên cao quá. Còn trong hơn hai mươi năm qua hóa ra đã có hai Ukraina, Tây phương và Đông phương...”.

Nikolai Ryzhkov; Nilolai Tikhonov; Eduard Shevardnadze; Grigory Romanov.

Ông Ryzhkov cũng nhận xét: “Theo tôi, hiện nay tất cả đều thấy rõ cách hành xử của khu vực Tây Ukraina. Hiện giờ đại bộ phận người ở đấy đã là lực lượng chính “phù phép”  mọi sự ở quảng trường Maydan. Còn khu vực Donetsk thì luôn luôn mang tính Nga La Tư! Khi tôi sinh ra ở đó, tại khu vực này có tới 75% dân số là người Nga...”. Chính quan điểm trên của ông Ryzhkov đã khiến cho Washington coi ông như một kẻ thù và đưa tên ông vào danh sách những nhân vật Nga phải chịu trừng phạt vì vấn đề Ukraina...

Các cựu ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô Nikolai Slyunkov (trong giai đoạn 1987-1990) và Efrem Sokolov (từ tháng 7 tới tháng 12/1990) từng thay nhau lãnh đạo Đảng Cộng sản Belarus trong những năm cuối cùng của chế độ Xôviết. Hiện cả hai ông đều vẫn đang sống bình thường ở tuổi ngoài bát thập. Ông Slyunkov (sinh năm 1929) đang sống theo chế độ cán bộ hưu, nhưng ông Sokolov giờ vẫn đang lãnh đạo Hội đồng Đảng Cộng sản Belarus và là thành viên Hội đồng Cựu chiến binh, cựu công nhân nước Cộng hòa...

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô Eduard Shevardnadze  (trong giai đoạn từ 1985 tới 1990) từng giữ chức Ngoại trưởng Liên Xô từ năm 1985 tới năm 1990 và trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ ngày 18/11 tới 8/12/1990 ngồi ở vị trí gọi là Bộ trưởng Quan hệ quốc tế (thực chất vẫn là phụ trách công tác ngoại giao) của Liên Xô rồi trở về quê hương Gruzia tiếp tục làm chính trị. Và ông đã giành được vị trí Tổng thống Gruzia trong những năm từ 1995 tới 2003. Ông Shevardnadze  (sinh năm 1928) từng được coi là một trong những đồng minh gần gụi của ông Gorbachev trong những mưu đồ làm tan rã Liên bang Xôviết. Hiện nay, ông Shevardnadze không có nhiều lý do để than vãn về sức khỏe nhưng đang phải lo lắng trước những lời kêu gọi về việc phải thẩm vấn ông về một số việc làm không minh bạch trong quá khứ...

Nhà lãnh đạo cuối cùng trong thời Xôviết của nước cộng hòa Litva, Mykolas Burokevicius (sinh năm 1927) từng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô từ 13/7/1990 tới 23/8/1991. Sau khi Đảng Cộng sản Litva bị phân liệt tháng 12/1989, ông đã giữ chức Bí thư rồi trở thành Bí thứ Thứ nhất Đảng Cộng sản Litva (thuộc Đảng Cộng sản Liên Xô) từ ngày 4/3/1990. Đầu tháng giêng năm 1991, Mykolas Burokevicius đã đệ trình lên Gorbachev yêu cầu đưa quân đội vào thủ đô Vilnyus. Gorbachev không đáp ứng yêu cầu này nhưng một số đơn vị quân đội vẫn được điều tới thủ đô Litva theo lệnh của Bộ trưởng Nội vụ Pugo và Bộ trưởng Quốc phòng Yazov, dẫn đến những đụng độ khiến 14 người chết và 144 người bị thương. Chính vì thế nên Mykolas Burokevicius đã bị khởi tố và buộc phải nhanh chân chạy sang Belarus. Tuy nhiên, ngày 15/1/1994, Mykolas Burokevicius đã bị bắt tại Minsk và bị trao lại cho các cơ quan an ninh Litva rồi phải chịu mức án 12 năm tù giam. Trong tù, ông đã phải trải qua một ca phẫu thuật tim. Tới tháng 1/2006, ông được trả lại tự do. Và hiện nay, Mykolas Burokevicius vẫn đang sống bình thường, có lẽ nhờ việc rèn luyện thể chất tốt thời còn trai trẻ...

Phần lớn các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô đều có tuổi thọ cao.

Thí dụ như cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) trong những năm  1988-1991, Vladimir Kriuskov, đã thọ ở tuổi 83 (ông mất tháng 11/2007). Vì bị kết tội dính líu tới vụ chính biến tháng 8-1991, ông Kriuskov đã phải ở trong tù 17 tháng... Những năm cuối đời, Kriuskov vẫn duy trì phong độ làm việc dẻo dai và hoàn thành hàng loạt những cuốn hồi ức có giá trị, như Bên bờ vực thẳm (2003); Cá nhân và quyền lực (2004), Không giới hạn thời gian (2006)...

Nguyên Trưởng ban Kiểm tra Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Solomentsev từng là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô trong những năm 1983 -1988. Ông đã sống được thêm 20 năm nữa sau khi về hưu và qua đời năm 2008 ở tuổi 94... Cho tới phút cuối cùng của đời mình, Solomentsev vẫn nhất quán ủng hộ những người cộng sản... Thọ kém ông Solomentsev chút ít, ở tuổi 92 là vị nguyên Thủ tướng Liên Xô Nilolai Tikhonov. Ông cũng từng là một trong những vị thủ tướng cao niên nhất trong lịch sử châu Âu giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông sinh năm 1905 và giữ ghế Thủ tướng Liên Xô từ năm 1980 tới năm 1985. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô trong giai đoạn 1979-1985. Ông qua đời tháng 6-1997...

Nhà lãnh đạo lâu năm của Nước Cộng hòa Azerbaijzan, Heydar Aliev, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1982 cho tới khi Liên bang Xôviết tan rã. Sau khi trở thành Tổng thống Azerbaijan thời “hậu Xôviết”, Heydar Aliev đã trụ lại được trên đỉnh cao quyền lực tới hơi thở cuối cùng. Ông qua đời tháng 12-2003 ở tuổi bát thập, sau khi đã tạo được vị thế vững chãi để người con trai Ilham Alyev (sinh năm 1961) có đủ điều kiện thuận lợi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống mới của nước cộng hòa... Một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khác (từ năm 1976 tới năm 1983) là Grigory Romanov, người nhiều năm trụ vững trên vị trí Bí thư Thành ủy Leningrad (1970-1983), cũng đã mất ở tuổi 85 (tháng 6-2008). Sau khi Liên bang Xô viết tan vỡ, ông Grigory Romanov đã tham gia vào Đảng Cộng sản Liên bang Nga và đã giữ nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau...

Theo thống kê của báo Nga Komsomolskaya Pravda, trong số những Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ở nửa sau thế kỷ XX, đã có tới gần 40 người sống qua được tuổi bát thập! Họ đã phải có một sức khỏe và sự rèn luyện phi thường mới có thể thọ cao như vậy, bởi lẽ, trọng trách mà họ từng đảm nhận ở siêu cường Xôviết là vô cùng nặng nề, có thể hủy hoại thể lực của bất cứ ai...

Nguyễn Trung Tín
.
.