Buồn như đi hội văn chương

Thứ Năm, 06/08/2015, 08:42
Người đời vẫn nói: “Vui như hội”, “đông như hội”. Nhưng Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX (9 - 11/7/2015) không có cảnh này. Xét cho cùng, loại hình nghệ thuật nào cũng sáng tạo từ xúc cảm đến với xúc cảm con người. Vì thế, tôi muốn chia sẻ tâm trạng của một người đi hội khi tháng 7 chưa qua.

Chẳng kỳ Đại hội Nhà văn (ĐHNV) nào lại diễn ra gọn gàng và tuần tự như lịch biểu soạn trước. Chuyện chính thống, bên lề, chuyện trong hội trường, ngoài hành lang, viết dài kỳ (feuilléton) may ra mới hết. Do đó, tôi không định trần thuật. Chê, kêu chán chỉ là nói dỗi, chán thực sự thì đã làm đơn xin ra khỏi Hội và chẳng quan tâm đến nó. Tôi là đại biểu (ĐB) trẻ nhất được dự 2 đại hội (ĐH) liên tiếp nhau: Nhà văn và Điện ảnh khóa VIII (12 - 14/7/2015), 2 ĐH cuối cùng của các hội nghề nghiệp Việt Nam.

Không được đi thì ấm ức, được bầu thì không đi, trừ một số rất ít thực sự ốm đến mức không thể di chuyển hoặc công tác trong - ngoài nước đúng dịp ĐH, thì ĐB không có mặt, đa số vì lý do không thuyết phục. Nếu kêu chán, sao không từ chối ngay từ ĐH khu vực, nhường người khác, đằng này cứ hưởng hết các quyền lợi rồi đến nơi họp lại bỏ ra ngoài phần lớn thời gian.

Khâu quan trọng nhất của mỗi kỳ ĐH là đề cử, bầu cử để ĐB thực hiện quyền và nghĩa vụ của hội viên (HV) thì họ ra hành lang tán chuyện hoặc uống, đi nhậu, đi chơi. ĐHNV khóa IX tiếp tục nhận ưu ái, được đi với tỷ lệ 1/2 HV (cao hơn các hội nghề nghiệp khác). Tại ĐH khu vực phía Bắc tổ chức ở Hạ Long, cách thức bầu: HV gạch tên HV nào không đạt tiêu chuẩn đi hội. Cách gạch tên ấy thật phũ phàng, nên đến khu vực Hà Nội, Ban Tổ chức thay đổi: Muốn ai đi, cứ khoanh tròn vào số thứ tự ứng với tên HV ấy.

Rất nhiều HV không in và xuất bản gì hàng chục năm, thế mà họ vẫn muốn và vẫn được đi ĐH. Ừ thì hội mà, ai chẳng thích đi!! Nghệ sĩ nói chung và nhà văn nói riêng là trí thức. Văn học là gốc của mọi loại hình nghệ thuật, gốc của tâm hồn con người, nhưng Hội Nhà văn (HVN) lại là hội nghề nghiệp mà các HV lắm lời nhất, đanh đá nhất, hung hãn, hiếu chiến nhất. Hẳn vì sẵn ngôn từ nên việc “mắng nhau” trực tiếp hay bằng văn bản, phát tán tờ rơi, nói xấu nhau trên email, facebook là chuyện thường bấy nay. Các hội nghề nghiệp khác và dư luận xã hội vừa nể, đề cao, vừa “sợ” giới nhà văn.

Có ý kiến cho rằng cứ được kết nạp vào HVN Việt Nam là được thừa nhận về nghề, là thành nhà thơ/ nhà văn chuyên nghiệp. Không phải thế, nếu xét chuyên nghiệp là phải sống được bằng nghề thì đa số nhà văn Việt Nam bán chuyên nghiệp. Họ gửi sáng tác lên báo hoặc viết báo để sống. Ngoài một số phải làm nghề khác, số còn lại nghèo, trông vào lương hưu, đợi nhuận bút thảng hoặc, còi cọc. Hội phí chỉ 200 nghìn/năm, nhiều HV không đóng, nên mỗi khi có đầu tư sáng tác thì kế toán chủ động trừ luôn trước khi đưa tiền.

Nghĩa vụ HV không làm đủ, quyền lợi thì nhận đều: HV được bao cấp đọc báo, tạp chí của Hội, mỗi năm tiền báo khoảng 1,7 triệu/người. Chê báo dở, kêu bận không thèm đọc, chẳng buồn xé băng dính nilon bọc báo; song nếu thiếu, chậm báo gửi là làm ầm lên. Mỗi năm chừng 600 đơn xin vào Hội, khoảng 30 đơn được xét, tỷ lệ 1 “chọi” 20 tưởng khắt khe vẫn nhiều, lần nào cũng nửa số HV mới gây cảm giác hội tịch dễ, rẻ, chưa xứng đáng khi chưa đủ tài, thành tích và uy tín nghề.

Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX.

Tâm lý phổ thông của người đâm đơn muốn vào HNV là muốn được thừa nhận, được khẳng định vì cái danh chứ không phải đam mê sáng tạo, vào để thêm cái thẻ cho liệt kê lý lịch hoặc in trên bìa sách, vào để hưởng các quyền lợi: đọc báo miễn phí, đi trại viết, đi nước ngoài hoặc đầu tư sáng tác, để khi chết được 1 - 2 trang “thương tiếc” in trên tuần báo Văn nghệ. Có kẻ vào Hội xong là nghỉ viết luôn. Kết nạp vào HNV quốc gia những tay xoàng sẽ làm độ sang ngày càng kém đi. Cái danh nhà văn, nhà thơ gần như mất thiêng với xã hội.

542 ĐB toàn quốc được dự ĐHNV, rốt cuộc đến phần quan trọng nhất: bầu cử Ban Chấp hành (BCH) trưa ngày 10/7, chỉ 498 HV có mặt, thu về 494 phiếu, 46 phiếu không hợp lệ (chủ yếu do bầu thừa số lượng, vượt quá 15 người), 38 cái tên đề cử, rừng cánh tay run run dò dẫm gạch tên bằng kẻ đường chạy giữa tên mà vẫn lệch. HNV quá đông người già! Cao tuổi nhất, ngồi dự đầy đủ tại ĐH là nhà văn Vũ Tú Nam 86 tuổi. Nhà văn, dịch giả Vũ Khiêu, HV lớn tuổi nhất HNV Việt Nam hiện nay chỉ đến dự phiên khai mạc.

“Đông vui như hội hè, đình đám”, tôi lại buồn từ trước hội vì những cây bút sung sức, tuổi trên dưới 40 được đi ít quá, những HV già bầu nhau. Không có khuyến nghị nào của BCH, Ban Tổ chức: Ai không đủ sức khỏe, ai từ lâu không có tác phẩm xuất bản thì nên tự nguyện rút. Sự tự nguyện ở ta khó lắm, hiếm lắm, hiếm như văn hoá nhận lỗi và từ chức. Chơi với nhau, quen nhau lâu năm thì bầu cho nhau. Tính chất “buôn có bạn, bán có phường” xem ra phát huy mạnh vào những lúc bầu cử, lựa chọn. Bắt tay hồ hởi rung lắc, cụng ly nhiệt thành đến... vỡ cả ly, đến lúc bầu chọn thì ngặt nghèo sát phạt nhau, thậm chí chọn lựa theo quan hệ chứ đâu vì công tâm, lợi ích chung, tương lai của Hội. Hội trường sơn trắng, ghế bọc vải trắng và những mái đầu trắng, hói chiếm gần kín khán phòng. Số người dưới 40 tuổi không đếm nổi một bàn tay. Lứa tuổi trên 60 chiếm số đa - tuổi nghỉ hưu.

Nguyễn Du từ hơn 200 năm trước đã cay đắng về nghề thơ: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Chưa kỳ nào ĐH đủ hết theo danh sách. Phần bầu cử Ban Kiểm tra (BKT) chiều 10/7, chỉ 486 HV có mặt, thu về 445 phiếu, không biết 39 người cầm phiếu đi đâu? Bàn chuyện sáng tác, khuynh hướng viết, trách nhiệm công dân của nhà văn với Tổ quốc trước biến động thời cuộc, sự hối thúc về tác phẩm biểu đạt lòng yêu nước, bảo vệ cương giới lãnh thổ hình như bị “quên”.

Hai ngày ĐH nội bộ toàn tranh cãi, đua chen phát biểu, nam lẫn nữ chẳng ngán ngại gì lên sân khấu cướp diễn đàn. Có nam HV chạy khắp hội trường phát biểu gần chục lần, hoá ra đâu phải vì tâm huyết với Hội mà nhấn mạnh tên và mặt mình cho mọi người nhớ rồi sau đó bạn anh ta đề cử vào BCH, nếu không ham hố và tự lượng sức mình không trúng thì nên rút, nhân cách sẽ đàng hoàng hơn, đằng này anh ta  lại ngồi im. Ngồi im nên lộ ra sự nhiệt tình phát biểu kia là có ý đồ. Rồi cũng trượt. Tiếc là 2 cây bút nữ là Đỗ Bích Thuý và Nguyễn Ngọc Tư đều rút, nếu không rút thì 2 nhà văn 7X này khó đủ phiếu quá bán vì ĐH bây giờ vẫn chuộng người già.

Hoá ra mọi sự thụt lùi hơn 50 năm trước, thời những nhà văn nhà thơ tuổi trên dưới 40 đã là Tổng biên tập, ủy viên BCH. Nhà văn Ngô Thảo viết thư cho Hội nhường suất đi của mình cho HV khác trẻ hơn, HV được chọn đi là Hoàng Thị Kim Dung đã qua tuổi nghỉ hưu.

Vẫn theo dõi sát sao ĐH, trước diễn biến và kết quả bầu cử, nhà văn Ngô Thảo bất bình: “Kết quả bầu cử chỉ 6 vị vào BCH, 6 vị vào BKT cho thấy ĐH IX vi phạm nhiều điều đặt ra trong điều lệ và mục đích ban đầu. Nguyên tắc BCH phải là số lẻ, đặt ra 15 mà mới bầu được 6. Chủ tịch hỏi có bầu tiếp không thì hầu hết hội trường giơ tay bảo thôi, kêu mệt nhưng lại ngồi tán chuyện hàng tiếng. Chính ĐH đã biểu quyết bầu 15 người, đủ các lý sự phát biểu để chọn ra số đó, vậy sao mới bầu được 6 đã bảo thôi? ĐH đã xong nhưng ĐB chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đây là ĐH ĐB nghĩa là mỗi lá phiếu đại diện cho HV không đi. Trước ĐH, các ủy viên BCH trả lời phóng viên, họp báo tuyên bố trẻ hoá BCH, bầu BCH hình quả trám về cơ cấu tuổi, sao không làm đúng? Các ĐB thật đáng trách vì không làm tròn nhiệm vụ và ý thức về vị trí của mình, gây nỗi buồn kéo dài”.

 Những nụ cười tiêu tán, nhiều căng thẳng, nộ khí, tham lam, ham hố. Không có quả trám nào: “Thế hệ chống Mỹ đứng trụ giữa là các nhà văn thế hệ 5X, 6X, 7X”. Thực ra BKT chỉ có 5 người vì nhà văn Khuất Quang Thụy là uỷ viên BCH kiêm nhiệm Trưởng ban. BCH quá ít, toàn sống ở Hà Nội. Chưa kể thời gian là Phó Chủ tịch, nhà thơ Hữu Thỉnh tái đắc cử Chủ tịch lần bốn là không bất ngờ.

Miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam không có đại diện. Trẻ nhất BCH là nhà thơ Nguyễn Bình Phương tuổi 50. Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương là 2 cái tên được chờ đợi, xứng đáng vào BCH từ lâu. Xưa nay, thành phần lãnh đạo của HNV thiếu nhân tài biết làm kinh tế giỏi và bản lĩnh. Thật tiếc vì không nhà văn nữ nào lọt vào BCH, tiếc cho Nguyễn Thị Thu Huệ, văn sĩ tài sắc, đang là Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, quyết liệt đấu tranh bảo vệ tác quyền của các nhà văn đăng ký bảo hộ.

 “Bạn ơi ghé chợ văn/ Cuộc mặc cả không hồi kết”(1). Chợ văn đang vắng vì suy giảm văn hoá đọc. Còn những ì xèo, ồn ào của “chợ búa” thì không lúc nào ngừng. Không có ăn may trong định giá của lịch sử. Lao động văn chương khắc nghiệt chỉ sáng tác trong cô độc. Nhà văn chịu trách nhiệm về sáng tác khi chỉ một mình trong sáng tác độc lập.

Trong truyện cổ tích phương Đông, phương Tây hay bất cứ châu lục nào, hội là nơi thu hút đông người, khiến người ta bồn chồn náo nức, hào hứng. Cảnh này rất ít đối với hội văn chương Việt Nam. Chợt chua chát khi đọc câu thơ: “Trong túi áo khâu kín những tin đồn/ Vậy mà chúng vẫn bay với tốc độ của cái lưỡi”(2). Tin đồn, thị phi ở giới văn chương thật đáng sợ, việc đồng nghiệp dìm dập, hại nhau, bút chiến “hội đồng” không lạ. Nếu còn xanh tâm hồn, có nhiệt huyết say mê thì hãy dồn cho việc tích nạp vốn sống tri thức để viết đều, viết hay, viết lâu dài.

Phát biểu hay nhất ở ĐH Hà Nội ngày 25/5, tôi cho đó là nhà thơ Lương Tử Đức. Nhiều đồng nghiệp cao giọng gay gắt hoặc lý thuyết giáo điều, còn Lương thi sĩ tỏ bày bằng sự khiêm nhã và giọng ấm áp: “Việc nghị sự mỗi kỳ ĐH nào cũng thế, chúng ta đã nói và bàn quá nhiều, nhưng điều quan trọng bị quên: sống và viết tử tế cần phải như hối thúc của lương tri. Điều ấy chưa được phả vào tác phẩm. Thiên lương là viên ngọc quý như vẫn còn nguyên trong nhiều người và e rằng họ sẽ mang đi khi về với đất. Hãy mang viên ngọc ấy ra! Hãy viết bằng tình yêu cao cả với cuộc đời này!”. 

Tiếc rằng Lương Tử Đức đã phát biểu lúc 14 giờ, ĐB vãn hơn buổi sáng. Tiếc hơn khi ông, người có tâm và tài lại không trúng cử đi dự ĐH toàn quốc. Nếu ông phát biểu buổi sáng khi có khá đông đủ thành phần, có gì khác không? Nếu phát biểu này gây ấn tượng tại ĐH toàn quốc, liệu sẽ có ngọc trong những tác phẩm ra đời sau ĐH không, dù chỉ là ánh xạ?

Vi Thùy Linh
.
.