Bước chân người lính

Thứ Ba, 22/01/2008, 10:00
Tôi thả bộ những bước chân đi dạo cùng ông - một vị tướng - một người lính trở về từ chiến trường và đang làm một công việc thiêng liêng nhất: Canh giữ giấc ngủ cho Bác Hồ. Tôi gọi ông là vị tướng, người đi bộ khắp Đông Dương.

Khuôn viên Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh một ngày ban trưa. Nắng mùa đông ấm như rót mật trên lối đi rải đá trắng vào những bồn cây cảnh xanh ríu lá. Cả khu vườn nơi Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Bác làm việc, ăm ắp một màu xanh dịu mát của cây lá và cỏ non. Những đàn bướm đủ màu từ đâu ùa về đuổi nhau trong vườn.

Không khí nơi đây yên tĩnh và thư thái đến kỳ lạ. Cho dù phía bên ngoài cánh cổng kia, dòng người từ Nam chí Bắc, từ bên kia Đại Tây Dương vẫn nườm nượp vào Lăng viếng Bác. Thời gian chầm chậm trôi trong một cảm giác linh thiêng thường trực.

Bước chân vào nơi này, con người như để lại đâu đó phía ngoài kia những lo lắng, bon chen của đời thường. Tôi thả bộ những bước chân đi dạo cùng ông - một vị tướng - một người lính trở về từ chiến trường và đang làm một công việc thiêng liêng nhất: Canh giữ giấc ngủ cho Bác Hồ. Tôi gọi ông là vị tướng, người đi bộ khắp Đông Dương.

Người đi bộ khắp Đông Dương      

Giản dị trong bộ quân phục bộ đội thường ngày, gương mặt cương nghị với những đường nét đặc trưng của tạo hoá ban cho một người đàn ông trưởng thành nơi trận mạc. Ở ông, toát lên cái rắn rỏi, trầm tĩnh, nhanh nhẹn thông minh, ẩn giấu sau đôi mắt cương trực là ánh nhìn bao dung ấm áp.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khổ, cha mẹ đều mù chữ trên mảnh đất Kim Sơn, Ninh Bình. Dòng sông Lưu Phương và tiếng chuông của Nhà thờ Đá Phát Diệm là nơi nuôi dưỡng và tắm mát cho tâm hồn trong trẻo trong suốt những năm tháng tuổi thơ.

Cho đến bây giờ, kinh qua bao nhiêu trận mạc lửa đạn, qua bao nhiêu sự sống và cái chết, thì mỗi lần về quê trong những sáng mai hay chiều tà, nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên, ông như được sống lại những ngày tuổi thơ trong khiết.

Người dân quê ông có thói quen nghe tiếng chuông nhà thờ để biết thời gian. Bao đời bao kiếp, những đứa trẻ như ông sinh ra đã lấy tiếng chuông nhà thờ làm định vị sáng, chiều, tối, rồi đêm, tiếng chuông đánh thức người dân nơi đây trở dậy bắt đầu cho ngày mới, rồi lại nhắc họ đã hết một ngày, đêm đang sang.

17 tuổi, ông xung phong đi bộ đội. Khám tuyển xong, ông cùng với người bạn thân là Trần Văn Chinh trong xã rủ nhau trộm súng săn của cha là xã đội trưởng đi bắn chim để về liên hoan.

Kỷ niệm nhớ đời của ông Lâm với người bạn là chim không bắn, lại bắn nhầm sượt qua háng của một bà nông dân ở xã bên. Cả hai chú nhóc 17 tuổi bị dân quân bắt trói dẫn về giam giữ một ngày ở cơ quan Công an huyện để viết bản tự kiểm điểm. Việc nhập ngũ bị lùi lại mấy tháng, gia đình mỗi chú nhóc phải mất một tạ thóc để chữa vết thương cho bà nông dân.

Ngày 24/2/1968 cả hai chú nhóc mới được vào bộ đội. Đúng vào thời điểm chiến tranh ác liệt, do yêu cầu của chiến trường, ông Lâm và người bạn nối khố huấn luyện xong 2 tháng là vào thẳng chiến trường, không được về phép thăm nhà trước khi đi B (chiến trường miền Nam). Ròng rã gần 3 tháng trời hành quân đi bộ vượt hàng ngàn cây số từ Nho Quan, Ninh Bình theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường Tây Nguyên.

Tháng 7/1968 vào Tây Nguyên, tháng 8/1968 đánh trận đầu tiên trận tao ngộ ở đỉnh Chư Pa. Đó là trận đánh đầu đời của chú lính mới bước vào chiến trường. Sự khốc liệt của nó đã quật tan tành những cảm xúc lãng mạn và hào hùng của một tâm hồn thanh niên mới lớn khi tưởng tượng về chiến trường. Trận đó, đang hành quân dưới dốc lên thì gặp Mỹ từ trên xuống. Cả Trung đội thương vong lớn, trong đó có 6 người hi sinh, 8 người bị thương nặng. Anh lính trẻ lần đầu tiên làm quen với trận địa, vận dụng tối đa những gì vừa được huấn luyện, đánh cầm cự, vừa đánh vừa hô anh em tiếp tục di chuyển để đánh lừa địch coi như mình vẫn còn đông quân số. Cầm cự với địch 2 tiếng đồng hồ, vừa đánh vừa cõng thương binh, di chuyển tử sỹ vào hang đá. Năm 1969, bạn ông, Trần Văn Chinh chết trong một trận đánh ác liệt ở Tây Nguyên. Mất người bạn thân thiết, từ đó ông Lâm tiến sâu vào cuộc chiến như tiến sâu vào con đường của số phận.

Đầu năm 1970, người lính trẻ là ông tiếp tục sang Lào, cùng Trung đoàn giải phóng thị xã Atôpư, Nam Lào. Lúc đó ông Lâm đã giữ chức Trung đội trưởng.

Năm 1970, Lon Nol đảo chính Sihanouk, ông cùng đơn vị C2, K4, E24 tiếp tục được sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, 21 tuổi là Chính trị viên Đại đội và Bí thư Chi bộ, Đảng ủy viên Tiểu đoàn. Tham gia chiến trường ở Campuchia, đánh xong chiến dịch Cheng La 2, cuối năm 1971 ông cùng đơn vị về Kiến Phong, Kiến Tường chiến đấu.

Năm 1972, tròn 22 tuổi là Chính trị viên phó Tiểu đoàn, Phó Bí thư Đảng ủy D1, E207-C50. Tháng 5/1973 ông ra học tại Học viện Chính trị Quân sự. Tháng 12/1975 tiếp tục xung phong vào Quân khu 9 làm nhiệm vụ.

Năm 1978-1979 xảy ra chiến tranh biên giới, ông là trợ lý thanh niên Cục Chính trị Quân khu 9 tiếp tục sang Campuchia cùng các đơn vị tham gia chiến đấu. Cái tết năm 1979 là một cái tết không bao giờ quên được trong cuộc đời binh nghiệp của ông.

Chuẩn bị cho đêm giao thừa, lẽ ra hôm ấy ông Lâm sẽ cùng cơ quan đi chúc tết và chuyển quà tết bao gồm thịt, bánh, kẹo, thuốc lá và một số nhu yếu phẩm khác cho bộ đội. Lúc này chỉ huy sở của mặt trận ở thị xã Tà Keo, Campuchia, nhưng vì có việc đột xuất, ông ở lại nên anh Nguyễn Phát Thành lúc đó là trợ lý chính sách của Quân khu đã xung phong đi đưa hàng tết thay ông.

Ôtô chất đầy hàng hoá tết vừa di chuyển được 1.000m, thì bị địch phục kích bắn tan nát. Anh Thành hy sinh, cả một xe chở hàng tết bị cháy. Đó là cái tết buồn của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, vì đơn vị mất đi những người lính, anh em mất đi một cái tết về cả vật chất lẫn tinh thần.

Ông cùng đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế cho đến năm 1981 mới ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Mỗi lần nhớ lại 13 năm tham gia trận mạc, ông Lâm vẫn nói đùa rằng, ông là người lính đi bộ khắp Đông Dương - người may mắn.--PageBreak--

Tròn 27 năm bảo vệ Lăng Bác

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm nhớ như in ngày đầu tiên đến Lăng Bác nhận nhiệm vụ. Suốt cả quãng đường từ đơn vị cũ ra đơn vị mới, trái tim mạnh mẽ và dũng cảm trong trận mạc bao nhiêu lại bối rối, hồi hộp bấy nhiêu.

Đặt bước chân đầu tiên lên Thủ đô Hà Nội, trái tim ông không biết bao nhiêu lần rung lên những nhịp đập bất thường khi nghĩ về đồng đội, những người đã ngã xuống nơi chiến trường, lúc này lại đập thêm những nhịp đập xúc động.

Ra đến Lăng Bác, ông Lâm đã khóc như một đứa trẻ. Khóc vì sự may mắn của một người lính dẫu bị thương 4 lần song vẫn còn lành lặn trở về. Khóc vì nhiệm vụ mới thiêng liêng và cao cả, rồi đây ông sẽ rèn luyện, phấn đấu sao cho xứng đáng với công việc vô cùng vinh dự này.

Đêm đầu tiên trong buổi trực ban tác chiến tại công trình Lăng Bác, là một đêm cuối thu năm 1981. Lần đầu tiên ông mặc bộ lễ phục thật trang nghiêm, nhìn vào gương thấy mình thật đẹp và chững chạc.

Công trình Lăng về đêm thật tĩnh lặng. Các công nhân vào ca trực, ai nấy đều lặng lẽ trang nghiêm khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Đến buồng trực nào kiểm tra, ông Lâm cũng đều bắt gặp những gương mặt trang nghiêm, nụ cười hồn hậu và sự chăm chỉ, chu toàn của những công nhân trực.

Cả công trình Lăng như một nhà máy, mỗi con người ở một vị trí đang lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ linh thiêng của mình. Nước mắt ông Lâm lại trào ra.

Ông nhớ lại ngày đang cùng đơn vị giữ chốt ở một điểm cao thuộc tỉnh Gia Lai, Tây Nguyên. Khi nghe bản tin đặc biệt trên Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cả đơn vị bàng hoàng đau xót. Đơn vị đã làm lễ truy điệu Bác tại chiến hào trong cơn mưa tầm tã. Nước mắt ướt đẫm những gương mặt sạm đen dầm mưa dãi nắng đang trong những ngày chiến đấu ác liệt.

Mới đó mà 27 năm đã trôi qua, công việc bảo vệ công trình Lăng Bác trải qua biết bao nhiêu sự kiện đáng nhớ. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm tâm sự: Không biết bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu câu chuyện xúc động của những con người một lòng yêu kính Bác hành hương về đây viếng Bác.

Hằng ngày, tiếp xúc với những tình huống, những câu chuyện cảm động ấy, ông như nhận thêm được những bài học đáng quý từ con người, từ cuộc đời. Cách đây mấy năm, có một đoàn bà má miền Nam tuổi trên 80, vào Lăng viếng Bác.

Suốt đời hy sinh cho con cho cháu, đất nước thống nhất đã lâu, các má mới có điều kiện ra Hà Nội viếng Bác. Lần ấy, các má đã nắm lấy tay ông khóc mà rằng: "Con ơi, lần đầu tiên má ra viếng Bác, được gặp Bác, má khóc nhiều quá, khi qua chỗ Bác nằm không nhớ được mặt Bác nữa. Con cho các má nhìn lại mặt Bác thêm một lần nữa, về đến nhà, chết má cũng mãn nguyện".

Có những đoàn thương binh nặng bị liệt cột sống không thể đi được, mong muốn được một lần gặp Bác. Đơn vị cử 4 chiến sỹ tiêu binh cáng những người thương binh nặng đó lại gần Bác, để những người thương binh nằm nghiêng, quay mặt về phía Bác nhìn Bác rõ hơn. Nằm liệt trên cáng, những người thương binh ấy đã khóc nức lên khi gặp Bác.

Hay như đoàn thương binh mù cả hai mắt nhưng khát khao một lần vào Lăng viếng Bác, chỉ cần được đứng cạnh nơi đặt thi thể Người, được sờ vào lan can, được đi trong dòng người vào Lăng là họ đã mãn nguyện.

Cũng vẫn những chiến sỹ tiêu binh hướng dẫn đoàn thương binh mù lại gần bên Bác. Tất cả đã oà lên khóc: "Bác ơi, dẫu chúng con không được nhìn thấy Bác nhưng được đứng đây, chúng con cũng đã mãn nguyện lắm rồi, coi như chúng con đã nhìn thấy Bác".

Hay như mới đây, nhân dịp hội nghị APEC, trong các đoàn nguyên thủ quốc gia vào Lăng viếng Bác, ông Lâm nhớ mãi câu nói của bà Tổng thống Chile: "Dân tộc Việt Nam vinh dự hơn đất nước chúng tôi là có lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trên thế giới, Hồ Chí Minh chỉ có một, Việt Nam có nhưng Chile không có, thế giới không có".

Trong những năm qua, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Hai đơn vị của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, đó là đơn vị Viện 69 trực tiếp giữ gìn thi hài Bác, Đoàn 195 - đoàn vận hành các thiết bị công trình Lăng.

Lời kết

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm trải lòng mình cùng tôi trong một ngày đông đầy nắng. Ông chợt trầm tư trong câu chuyện về những đồng đội đã ngã xuống.

Đưa tay chấm mắt, ông tâm sự: “Cuộc sống của tôi có được hôm nay là may mắn lớn mà số phận đã ban phát. Trên chiến trường, làm sao có thể tránh được hòn tên mũi đạn nếu không được số phận chở che cho mình.

Tròn 40 năm tuổi lính, 39 năm tuổi Đảng, 36 năm sỹ quan và 13 năm chiến đấu ngoài chiến trường ác liệt, 27 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Lăng, dù ở cương vị nào, tôi cũng luôn tâm niệm một điều sống sao cho xứng đáng với máu xương của đồng đội đã ngã xuống, sao cho xứng đáng với những may mắn mà mình nhận được ở cuộc đời.

Còn sống trở về là một hạnh phúc vô giá. Những người lính trở về từ chiến trường như tôi, thành đạt như hôm nay, còn có thể đòi hỏi gì hơn những ân huệ mà cuộc đời đã mang lại cho mình"

Dương Thục Anh
.
.