Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

Thứ Ba, 20/01/2015, 11:45
Cách đây mươi hôm, tôi nhận được cú điện thoại nói rằng Ban liên lạc Học viện sẽ gửi giấy mời đi liên hoan. Tôi nghe chữ được chữ mất, chỉ máy móc trả lời rằng chồng tôi đã qua đời hơn một năm rồi. Nhưng đồng chí cựu chiến binh nói rằng đây là lời mời gia đình. Có lẽ nhân dịp ngày Toàn quốc kháng chiến? Tôi nghĩ đúng như người ta nói, cuộc đời thật dài mà cũng thật ngắn. Mới đây thôi…

Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất, tôi không được trực tiếp gần gũi với các anh bộ đội, mà chỉ được thấy “bộ đội qua làng”. Chỉ đến sau Điện Biên Phủ, sống cạnh chồng tôi, tôi mới gặp gỡ trực tiếp, gần gụi họ. Tôi còn nhớ nhạc sĩ Lương Ngọc Trác hay đến chơi nhà tôi ngay sau 1954, vì anh từng ở cùng đơn vị với chồng tôi.

Và hình ảnh anh lúc ấy vẫn còn giữ lại vẻ hào hoa, với mái tóc bồng và gương mặt thật đẹp, rất hợp với bài hát tôi thích: Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu/ Đêm qua mơ thấy về Hà Nội… Bản thân anh Hồng Sơn cũng tình nguyện vào chiến đấu ở Nam Bộ, khi đang là sinh viên Trường Luật, năm 1946. Mặt trận của ta bị vỡ từ Buôn Mê Thuột đến Nha Trang, chạy ra cửa rừng, sau mấy ngày nhịn đói, “… gặp dân đón cho mỗi người một nắm cơm, ai nấy vừa đi vừa ăn, một tay cầm nắm cơm, một tay cầm mũ hứng từng hạt cơm rơi. Có lẽ suốt đời tôi chưa bao giờ thấy quý hạt cơm như vậy”. Đó cũng là lần đầu tiên, “chàng trai chưa trắng nợ anh hùng”, biết thế nào là con rận. Anh bị nổi mẩn đầy người, ngứa ran, nhảy xuống sông tắm, lên bờ lại ngứa.

Cởi cái áo len đã mặc mấy tháng từ Hà Nội vào, thấy chi chít những con bọ nhỏ và ổ trứng mẩy như hạt tấm trong suốt. Anh ngồi bắt suốt đêm không hết. Sau này, khi nhận chữa tiểu sử ở bản thảo cuốn Tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, mục “Thành phần”, anh đã xóa những chữ “Dân nghèo” mà ghi “Tiểu tư sản”.

Anh Mai Xuân Tần khi làm việc với anh Văn, cũng thuộc loại tạch tạch sè, được góp ý: “Cậu có văn hóa, sau này rất cần để đào tạo cán bộ đánh vận động chiến”. Tuân lời, anh đi xuống đơn vị năm 1951, tham gia chiến dịch Hoàng Hoa Thám, làm Tiểu đoàn trưởng ở Trung đoàn 36, và cùng “đi trước chuẩn bị chiến trường với trung đoàn trưởng”.

Năm 1952, chưa có Hải quân, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn nghĩ ra mẹo đánh chìm tàu chiến địch ở sông Đáy theo lối thủ công: dùng một chiếc thuyền nhỏ, đựng đầy bộc phá, do tiểu đội trưởng Nguyễn Quang Vinh dũng cảm và mưu trí, trong đêm đẩy ra áp tới tàu địch rồi sẽ giật cho bộc phá nổ.

Anh Tần cùng trung đoàn trưởng tiễn đồng đội ra sát mép sông, thủ trưởng chỉ có mỗi lọ dầu con hổ để xoa cho đồng chí mình trần sắp ngâm trong buốt giá. Đồng chí ấy bị sức ép của bộc phá, may mà khi trôi dạt xuống hạ lưu được dân vớt lên. Ngày hòa bình, anh còn nhắc đến lọ dầu con hổ, giọng nói cứ nghèn nghẹn. Đêm ấy, bị địch phát hiện sớm, anh vội giật bộc phá ở khoảng cách quá gần nên bị sức ép rất mạnh của nước lên phổi.

Thời sau 1954, anh La Văn Cầu cũng đến thăm chồng tôi. Người anh hùng ấy bé nhỏ, mặt trẻ măng. Nhiều năm sau này, đứa cháu đầu tiên của tôi đi học mẫu giáo về, cứ đọc ra rả: Anh Cầu ra trận/ Đạn bắn cụt tay/ Anh chặt phăng ngay…

Những chuyện quá khứ của chồng tôi, tôi biết được chủ yếu là qua những lời trò chuyện của các anh ấy, cả điểm mạnh cũng như điểm yếu: Hồng Sơn dũng cảm, đánh giặc thì khôn nhưng cư xử thì dại. Đôi khi mất lòng cả cấp trên lẫn cấp dưới vì tính chủ quan và nóng nảy. Thời ở trung đoàn 36, Mai Xuân Tần là Tiểu đoàn trưởng, dễ hóng được chuyện của lính tráng. Tuy rất quý các chỉ huy của đơn vị, nhưng họ vẫn làm vè để giễu các ông, đặc biệt là tính nóng như lửa của vị chỉ huy quân sự: Lê Linh lủng lỉnh/ Thái Dũng thùng thình/ Súng bắn đùng đùng/ Là ông Hát Ét. Dần dà, vào sinh ra tử cùng đội ngũ nông dân mặc áo lính, vẻ hào hoa xưa cũ chẳng còn chút dấu vết ở những chàng sinh viên, trí thức…

Cùng các đồng đội tại Mặt trận Đường 9.

Tôi đã từng biết anh Hồng Cư từ trước ngày Cách mạng Tháng Tám. Anh cũng là anh em cọc chèo với Hồng Sơn và cùng trưởng thành ở Tiểu đoàn 36. Lúc gặp lại anh sau 1954, tôi thấy anh không còn vẻ vừa u uất, vừa ga lăng của chàng thanh niên Hà Nội xưa nữa. Anh vui vẻ, cười hô hố… Còn nhìn anh Hồng Sơn, thì lắm lúc, tôi cứ bảo mọi người: tôi chẳng thể thấy có cái gì là chất của cựu sinh viên Trường Luật thời Pháp cả!

…Trung đoàn 36, cứ thế, cùng trung đoàn trưởng của họ đi qua bao CZ, tới Điện Biên Phủ. Rồi họ được cầm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng trên con đường đi lên hòa vào Đại đoàn 308. Sau đó, trung đoàn còn đánh một trận cuối cùng, trận Cầu Lồ - để lấy thêm một quân bài đặt lên bàn hội nghị Genève. Một trận đánh không được ai biết đến. Ta bị thương vong rất nhiều. Về quân sự, đây là một vị trí đắc địa của Pháp: nó ở trên một quả đồi trống trải và trang bị đến mức Pháp gọi đây là một khu vực “bất khả xâm phạm”.

Thêm nữa, sau Điện Biên Phủ, tất cả các loại máy bay, đại bác tầm xa v..v từ mọi ngả tập trung quanh Hà Nội, sẵn sàng ứng cứu. Trận Cầu Lồ để lại một mối đau âm ỉ cho Trung đoàn 36: có tới vài ba trăm ngôi mộ rải rác của quân và dân bị chết thiêu vì bom Napan. 50 năm sau, những chiến hữu còn sống sót mới đạt được nguyện vọng: cấp trên đã đồng ý xác nhận công lao, danh hiệu xứng đáng với những liệt sĩ vô danh, hy sinh sau Điện Biên Phủ.

Tới cuộc kháng chiến lần 2, các ban chỉ huy, bộ tư lệnh đều tản mác trong rừng sâu các vùng miền. Họ sống với nhau từng cụm, như những gia đình nho nhỏ. Đặc biệt thân thiết với Hồng Sơn là đội bảo vệ, anh nuôi và một bác sĩ giỏi từng đi theo anh suốt nhiều CZ. Hồng Sơn bị đau dạ dày nhưng vẫn phải trèo đèo lội suối, đi thăm dò trận địa trước cùng đội trinh sát tuyến 1. Cả bầu đoàn chiến hữu luôn đi theo nhau từng bước, lo chế độ ăn đặc biệt, chuẩn bị mổ cấp cứu khi thủ trưởng bị chảy máu dạ dày.

Tôi còn nhớ bố mẹ già của bác sĩ Thuyên đã đến tận nhà tôi khi Hồng Sơn đã gấp rút trở vào Tây Nguyên để nhận nhiệm vụ mới. Hai cụ nhờ tôi gửi lời cám ơn vì anh đã lấy một bác sĩ chưa từng trải về nghề nghiệp để bác sĩ Thuyên ở lại hậu tuyến. Bác sĩ Thuyên là con một, đã nhiều tuổi mà chưa có vợ. Các cụ cần có cháu để nối dõi tông đường.

Là công vụ, chú Hợi đã cùng Hồng Sơn sống chết từ hồi ở Tây Nguyên tới hòa bình. Khi máy bay địch san phẳng mất cái hầm của bộ Tư lệnh, Hợi đã được đào lên bên cạnh thủ trưởng. Có lần đi dọc đường bằng trơ trụi không còn một cái cây, đột nhiên máy bay sà xuống nã súng vào nhóm người đi hàng một. Hợi cùng cả tiểu đội đã nhanh trí nằm đè lên thủ trưởng để che đạn. Sự dũng cảm và mưu trí được rút ra từ bài học của tập thể…

Sau khi đánh tan cứ điểm 206, ở sát sân bay Mường Thanh, Đại tướng có khen ngợi: “Với cách đánh lấn, Trung đoàn đã mở ra một chiến thuật mới và táo bạo”. Trước ngày giỗ đầu chồng tôi, anh Chu Phác sang nhà tôi, khoe và đặt lên bàn thờ Hồi kí của anh, có đoạn viết: “Chúng tôi học tập trận đánh ở Chân Mộng - Trạm Thản (…) do Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn chỉ huy”…

Tuy nhiên có lần anh Hồng Sơn đã trả lời cấp trên về chiến thuật “đánh lấn”. Nó đã được gợi ý từ lính nông dân. Ở rừng, rất thiếu đói, có một lần thủ trưởng thấy hai chàng chổng mông, cầm choòng khoét sâu vào chân núi đất đá để tìm ổ chuột dũi ăn thịt. Anh nghĩ sao ta không đào giao thông hào theo kiểu bắt chuột dũi sâu đến tận hang ổ của địch?

Sau này, dù nhận nhiều công tác mới, anh vẫn nhớ nhất Trung đoàn 36 và Sư đoàn 308. Những chiến hữu thân thiết tìm lại gặp nhau vào thời bình đều gốc gác từ những thuở ban đầu ấy. Họ luôn tụ tập ở nhà tôi, cười ha hả, nhắc lại những trận đánh, kỷ niệm xưa. Có lẽ không có tình bạn nào bền chặt bằng những người đã cùng sống chết. Tôi còn giữ trong tay một lá thư chỉ  có vài dòng ghi ngày 9/6/2013: “Đinh Mộng Tiên nhớ anh đến thăm anh nhưng anh không có nhà. Rất tiếc không được gặp anh chị. Chúc anh chị mạnh khỏe, hạnh phúc”. Dưới kí tên: “Đinh Tiện Mông”.

Cái tên này anh Hồng Sơn đã kể cho tôi nguồn gốc của nó: anh bạn bị đạn phạt mất mông, cho nên lập tức được đặt cho biệt danh - thật tiện lợi - chỉ việc nói lái! Họ đều gọi nhau bằng biệt danh như thế: Dũng cụt (vì bị bắn cụt tay), Thuận khàn (vì đạn bắn sượt vào đường thanh quản) v.v...

Lá thư của anh Đinh Tiện Mông, không bao giờ Hồng Sơn còn được đọc. Hôm ấy, anh đang phải chịu đựng ca mổ đầu tiên trong số ba lần mổ trong hai tháng cuối đời. Anh không bao giờ còn ngồi dậy để nói, để nghe, để đọc nữa. Đầy người là những ống, những dây cắm chằng chịt. Còn đâu con người năng nổ, không một phút nghỉ đầu óc, tay chân ngày xưa nữa?

Trước đó, cho đến gần cuối đời anh, các chiến hữu vẫn còn đạp những chiếc xe cà tàng đến tụ họp ở “phố nhà binh”. Họ vẫn yêu đời, nói oang oang, vỗ vai nhau thùm thụp để thể hiện tình bạn. Chắc là thanh niên ngày nay có người chịu không nổi sức nặng của cái vỗ vai “cựu chiến binh” này!

Đặng Anh Đào
.
.