Brexit: Hòn đá tảng chặn đứng nước Anh

Thứ Tư, 27/03/2019, 17:01
Tháng 7-2016, khi lên thay ông David Cameron giữ chức chủ tịch đảng Bảo thủ và ngồi lên ghế Thủ tướng Anh, bà Theresa May chắc chắn không lường được những khó khăn mà mình sẽ gặp phải. 

Nỗ lực thúc đẩy Brexit cho đến lúc này có thể nói là đã hoàn toàn thất bại và những tranh cãi xung quanh một quyết định tưởng như đơn giản giờ lại thành hòn đá tảng chặn đứng sự phát triển của nước Anh.

Tại sao người Anh muốn Brexit?

Brexit là gì? Một thỏa thuận để nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Hạn chót của thỏa thuận là ngày 29-3-2019 và sau đó thì nước Anh sẽ không còn là thành viên của EU nữa, không ràng buộc, không trách nhiệm và không tự do đi lại. Dĩ nhiên, còn nhiều cái “không” khác nữa. Nó chủ yếu đến từ tư duy của người Anh - cho rằng mình đang bị trói buộc bởi những điều khoản chung của châu Âu quá nhiều.

Có thật sự người Anh muốn Brexit hay không? Không thể nói chắc chắn. Ngay khi ý tưởng về Brexit đưa ra, ở Anh, những tiếng nói phản đối cũng rất mạnh mẽ. Những người ủng hộ thì thấy một nước Anh đang phát triển mạnh mẽ bỗng nhiên bị gắn quá chặt vào một châu Âu sa lầy, để rồi muốn “tìm đường tới tự do”.

Còn những người phản đối đơn giản là quá yếu đuối để tìm ra một lý lẽ xứng đáng khi kinh tế Anh đang phát triển tốt. Hoặc đơn giản, rất nhiều người bỏ phiếu ủng hộ cho một điều gì đó mới mẻ. Và thế là cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức, Brexit đã được thông qua. Rất bất ngờ.
Thủ tướng Anh Theresa May lạc lối trong mối quan hệ Anh - EU.

David Cameron, vị Thủ tướng Anh thời điểm đó, người đã bạo dạn đưa ra ý tưởng trưng cầu dân ý về Brexit liệu có thực sự muốn Brexit hay không? 

Cũng không ai dám chắc. Nhưng, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, ông đã rời khỏi vị trí của mình. 6 năm khá thành công trên phương diện lãnh đạo kinh tế Anh của ông bị phủ bóng đen bởi một quyết định mà bây giờ người ta gọi là: Sự thách thức tinh thần tự do của người Anh.

Một tiến trình đau khổ

Brexit không chỉ đơn giản là lời chào tạm biệt với châu Âu. Nước Anh đang hứng chịu hậu quả từ một quyết định nóng vội của mình. Dù là nền kinh tế khá độc lập và đang phát triển tốt nhưng Anh vẫn là một phần của châu Âu. Họ là cửa ngõ để cả thế giới tiến vào châu Âu, London là trung tâm tài chính lớn nhất châu lục này nhờ vị thế đó. Ngay sau ngày bỏ phiếu về Brexit, cánh cửa đó đã bị đóng lại.

Các doanh nghiệp sẽ lập tức nhận ra bất lợi của việc phải ngồi ở Anh mà thương thảo những hợp đồng ở Đức và Pháp. Tách khỏi châu Âu, lợi thế thuế quan và giao thương cho chỗ ngồi ở London đã hoàn toàn mất. Dĩ nhiên, ai cũng thấy được thị trường của 27 nước châu Âu còn lại lớn hơn Anh rất nhiều.

Panasonic và Sony là những doanh nghiệp lớn nhất đã chọn rời bỏ Anh để chuyển trụ sở về Amsterdam, nơi thuộc về châu Âu lúc này. Những cái tên nhỏ hơn lũ lượt kéo theo, những văn phòng đại diện phụ của các tập đoàn lớn cũng được mở tại Paris, Frankfurt hay Brussels để dần thay thế văn phòng London trong những giao dịch lớn. 

Và dĩ nhiên, những doanh nghiệp thuần túy châu Âu như Wolsvagen hay EMA (Công ty dược phẩm châu Âu) chẳng được lợi gì nữa khi ở lại Anh cả. Một nửa số công ty tài chính được hỏi cho biết họ đã có kế hoạch rời khỏi Anh ngay khi Brexit được thông qua. Sự tự do đã phải trả giá bằng tiền bạc.

Brexit đã được thông qua. Một cuộc trưng cầu dân ý được công nhận là dân chủ với phần đông người đi bỏ phiếu đã ủng hộ tự do cho nước Anh. Chính phủ Anh dù muốn hay không cũng phải kích hoạt tiến trình này. 

Theresa May, nữ thủ tướng thứ hai của nước Anh được đưa lên thay ông Cameron với những tuyên bố mạnh mẽ về “một nước Anh tự cường có thể hoàn toàn độc lập với châu Âu”. Có hẳn 2 năm cho tiến trình chia tay đó, bà May tin rằng sẽ thu xếp được ổn thỏa mọi chuyện, một thỏa thuận sẽ được ký kết và nước Anh sẽ đứng riêng để trở thành đối tác với châu Âu. Đấy là bà May tin thế chứ câu chuyện không dễ dàng thế.

Châu Âu sau bao năm nhìn nước Anh kêu ca vì phải gánh những gánh nặng của vài nền kinh tế yếu kém của mình cũng đã chán ngán. Một châu Âu đoàn kết cùng vượt qua khó khăn không bao giờ được người Anh thực sự coi trọng. 

Người Anh muốn từ bỏ và chạy theo Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương hơn là chung lưng đấu cật với họ. Trong khi đó nước Đức mới là những người thực sự đang gánh gánh nặng này. Và thế là châu Âu phản kích.

Brexit sẽ bắt buộc phải được thực hiện dù ai cũng biết châu Âu cũng sẽ chịu thiệt hại của mình. Nhưng châu Âu cũng sẽ không nhượng bộ, cho dù họ đã thấy Anh rơi vào thế khó. Châu Âu không muốn tồn tại một nước Anh lúc nào cũng giãy nảy lên với những vấn đề chung trong lòng của mình nữa. Nước Anh, hãy đi đi, chúng tôi sẵn sàng rồi.

Và mũi nhọn đã được chĩa về phía chính phủ của bà May. Sự khó khăn không chỉ đến từ góc độ kinh tế hay tâm lý mà còn từ những vấn đề nội bộ. 

Công đảng quay lại phản kích mạnh mẽ đảng Bảo thủ cầm quyền của bà May sau bao năm im ắng vì tiến trình kinh tế thành công của chính phủ Cameron. 2 cuộc bỏ phiếu liên tiếp trong 3 tháng đầu năm 2019 về thỏa thuận Brexit của chính phủ bà Theresa May đã bị các nghị sĩ Anh bác bỏ. 

Khi Anh và EU không còn muốn chung đường.

Trong hy vọng cuối cùng, ngày 12-3, tức là chưa đầy 3 tuần trước Brexit cũng chỉ có 242 nghị sĩ đứng về phía bà. Mọi nhượng bộ để nước Anh rời khỏi châu Âu đều bị coi là quá yếu đuối. 

Quan trọng là, chính phủ của bà May đã không thuyết phục được quốc hội của mình để đi theo một hướng nào cả. Hạn chót cho ngày 29-3 để thực hiện thỏa thuận Brexit đã đến quá gần và có thể khẳng định: sẽ không có một thỏa thuận nào được thông qua kịp.

Những kịch bản nào có thể diễn ra? Một cuộc ra đi không thỏa thuận là một thảm họa. Không thỏa thuận nghĩa là không có môi trường pháp lý ổn định. 

Thiệt hại kinh tế sẽ là 8% GDP trong 1 thập niên với Anh khi mà các doanh nghiệp chắc chắn sẽ rời khỏi Anh để làm ăn với châu Âu. Châu Âu cũng gặp rắc rối vì Anh vẫn là đối tác lớn của mình. Không ai muốn điều đó nhưng ai cũng thấy nước Anh ở thế khó hơn.

Thủ tướng Anh lạc lối giữa Anh và EU

Bà May trong một nỗ lực đã quyết tâm thực hiện thêm một cuộc bỏ phiếu nữa ở Quốc hội Anh hôm 12-3 vừa rồi nhưng vẫn thất bại. Giờ thì sao? 

Trong kế hoạch ban đầu, thỏa thuận với châu Âu của bà treo lại điều khoản về giải pháp tình thế tại Bắc Ireland, một phần của Vương quốc Anh vẫn nằm trong EU cho tới hết năm 2020. Nhưng các nghị sĩ Anh không đồng ý phương án này. 

Vì thời hạn đã quá cận kề nên bà May tìm cách tái đàm phán với EU để lùi thời hạn Brexit tới cuối tháng 6. Các nghị sĩ Anh thích thế nhưng châu Âu lại không mặn mà. Họ cũng muốn Brexit xong luôn đi để còn lo việc của mình. Vả lại Nghị viện châu Âu sẽ bầu cử vào cuối tháng 5, châu Âu không muốn rắc rối rơi về phía mình.

Giải pháp khác được tính đến là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác để nước Anh không phải rời EU nữa. Một cuộc thăm dò năm ngoái cho thấy 45% người Anh muốn quay trở lại trong khi chỉ có 35% còn muốn ra đi. 

Trong nội bộ các đảng thì con số ủng hộ còn lớn hơn khi 72% đảng viên Công đảng cho biết họ muốn ở lại. Khổ nỗi, một cuộc bỏ phiếu như vậy khác nào chính phủ Bảo thủ tự đấm vào mặt mình. Một chính phủ thiếu nhất quán so với chính những tuyên bố hùng hồn của nó suốt 2 năm qua.

Tái đàm phán với châu Âu, lùi ngày Brexit hay tổ chức lại một cuộc trưng cầu dân ý. Cả 3 kịch bản này đều có vấn đề, nghiêm trọng hơn là nó làm cho chính phủ của đảng Bảo thủ thực sự lung lay quyền lực. Sau thất bại trong cuộc thỏa thuận tại Hạ viện Anh hôm 15-1, lãnh đạo Công đảng đã đệ trình một bản kiến nghị chống lại chính phủ của bà May. 

Bản kiến nghị này sau đó đã bị bác bỏ vì đảng Bảo thủ vẫn đang chiếm được ưu thế tại quốc hội. Nhưng, nó cũng là tín hiệu cảnh báo, khi mà người ta càng ngày càng nghi ngờ sự mạnh mẽ của bà May.

Brexit phải được thực hiện hoặc... không. Vấn đề không thực sự nghiêm trọng bằng việc một nền chính trị bị chia rẽ. Chính phủ của bà May vẫn được các nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ nhưng bà lại không thuyết phục được họ rằng thỏa thuận Brexit của bà đủ tốt. 

Cuộc khủng hoảng kinh tế chưa thực sự diễn ra nhưng cuộc khủng hoảng chính trị thì đã bắt đầu. Nguy cơ về một nước Anh thiếu nhất quán thậm chí đã làm lung lay cả những đảng viên cứng rắn nhất của phe Bảo thủ tại nước Anh. Và Brexit, từ cuộc thử lửa của ông David Cameron ngày nào nay lại đang trở thành hòn đá tảng ngáng đường cả nước Anh đi tiếp.

Tử Uyên
.
.