Bóng tối dưới chân đèn

Thứ Tư, 26/06/2019, 14:59
Vụ đoàn cán bộ thuộc Thanh tra bị bắt quả tang khi vòi tiền, nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc như thêm lát cắt làm lộ sáng một mảng công việc nóng bỏng nhưng lâu nay có điều tiếng trong dư luận. 

Khi việc tham nhũng, nhận hối lộ bị lật tẩy, dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch trong cơ quan có chức năng chống tham nhũng, tại sao một cơ quan chống tham nhũng lại tham nhũng, đòi hối lộ có tổ chức?

1. Cơ quan chống tham nhũng lại sách nhiễu, tham nhũng. Đây là vấn đề gây hậu quả nhiều mặt. Nhà nước giao cho các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, điều tra với khá nhiều quyền hạn, bản chất là nhằm làm rõ sự thật khách quan trong hoạt động của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Điều 5, Luật Thanh tra quy định: “Cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật”.

Với chức năng “thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng” khiến cơ quan này trở thành địa chỉ để cá nhân, tổ chức tố giác các hành vi, vụ việc tham nhũng, mong được làm sáng tỏ, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Ngay trong Thanh tra Bộ Xây dựng, có Phòng Phòng, chống tham nhũng, theo Quyết định 988/QĐ-BXD, cơ quan này “Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng; phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm ngành Xây dựng theo quy định của pháp luật”. 

Người dân tố giác tham nhũng, mong muốn hành vi tham nhũng phải được làm rõ, xử lý và họ đặt kỳ vọng vào cơ quan thanh tra. Thế nhưng, cơ quan được giao chuyên trách chống tham nhũng lại trở thành những người tham nhũng, sử dụng công cụ quyền lực được luật pháp giao để sách nhiễu, đòi hối lộ. Đây là sự luẩn quẩn của quy trình ngăn ngừa, chống tham nhũng; còn về niềm tin, khi bóng tối xảy ra dưới chân đèn, niềm tin đó bị rạn vỡ. Không gì đau lòng hơn khi chúng ta phải diện kiến những vụ án có tính chất như vậy.

Vấn đề là: Những vụ việc tham nhũng này có còn đơn lẻ, hiện tượng? Trở lại vụ án tại Vĩnh Phúc: theo CQĐT, đoàn thanh tra gồm có 5 người thuộc các đơn vị của Thanh tra Bộ Xây dựng, trong đó có bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó trưởng Phòng Phòng, chống tham nhũng, trưởng đoàn; bà Lưu Vân Oanh, Phó trưởng Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, phó trưởng đoàn; ông Đặng Hải Anh, chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2; bà Nguyễn Thị Kim Liên, cán bộ Phòng Thanh tra xây dựng 3; bà Nguyễn Thùy Linh, cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra.

Theo các đơn tố cáo, đoàn thanh tra có hành vi lợi dụng nhiệm vụ thanh tra, gợi ý các doanh nghiệp, UBND các xã trên địa bàn huyện Vĩnh Tường phải đưa tiền để được xem xét, tạo điều kiện trong quá trình thanh tra. Tiến hành xác minh, ngày 12-6, tại Ban Quản lý dự án huyện Vĩnh Tường, tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang ông Đặng Hải Anh và bà Nguyễn Thị Kim Anh đang nhận hối lộ.

Giải thích lý do đưa tiền trước CQĐT, ông T.H – kế toán tại huyện Vĩnh Tường khai: “Khi nhà thầu lần thứ hai không bổ sung đầy đủ hồ sơ, trong đó thiếu chứng chỉ hành nghề, đoàn thanh tra nói lỗi này vi phạm Luật Xây dựng. Bà Kim Anh nói cần phải có quà để đoàn còn có “định hướng”.

Còn tại Thanh Hoá, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã quyết định khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng về tội “Nhận hối lộ” đối với Lê Mạnh Hà (57 tuổi), Nguyễn Thị Cúc (55 tuổi), Nguyễn Hưng (43 tuổi), Dương Văn Bằng (52 tuổi) và Nguyễn Quý Diễn (50 tuổi).

Một phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Trước đó, ngày 18-4-2019, cơ quan chức năng nhận được tố giác về thành viên trong đoàn thanh tra tỉnh Thanh Hoá có hành vi đe doạ, tống tiền một cơ quan tại huyện Thiệu Hoá. Người này đang nhận phong bì bên trong có khoản tiền lớn thì bị cảnh sát bắt quả tang. 

Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu nhiều tài liệu và tờ giấy A4 có ghi chi tiết số tiền và tên các đơn vị đã đến nộp tiền “chung chi” cho đoàn thanh tra.

Từ 2 vụ án trên cho thấy, tất cả đều thực hiện hành vi phạm tội khi được giao nhiệm vụ thanh tra tại địa bàn. Hành vi không phải thực hiện đơn lẻ mà có sự câu kết, liên quan đến các cá nhân trong đoàn, như tại Thanh Hoá cả 5 thành viên trong đoàn đều bị bắt. Hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, thể hiện ở chỗ: có hành vi vòi vĩnh, “đòi chung chi”, nói theo ngôn từ xã hội là “làm luật”!

Tức tính chất không còn dừng lại ở nhận quà, nhận sự bồi dưỡng, cảm ơn theo nghĩa “đáp lễ” của người Việt khi nhận sự giúp đỡ từ ai đó, mà là đe doạ, đặt ra yêu sách, đòi hối lộ. Theo quy định của pháp luật, khi anh thực hiện nhiệm vụ được giao, nếu nhận tiền, lợi ích vật chất dù việc đưa đó là sự tự nguyện để làm hoặc không làm điều gì đó có lợi cho người “đưa quà” thì hành vi đó đã không được phép.

Thế nhưng ở đây không còn là sự tự nguyện “đưa quà” mà là hành vi có tính chất tống tiền, đòi hối lộ, ra giá. Tính chất vụ án trong những trường hợp này là rất nghiêm trọng, vừa lợi dụng chức trách được giao để phạm pháp, vừa gây bức xúc với cơ quan, tổ chức, cá nhân – đối tượng thanh tra, vừa làm biến dạng bản chất thanh tra, làm đổi trắng thay đen sự thật.

Cũng liên quan kiểu nhận hối lộ, đòi chung chi kiểu “cả đoàn”, trước đây từng xảy ra trong lĩnh vực kiểm toán. Theo cáo trạng của VKS Quảng Ngãi, trong quá trình đi thực tế tại các công trình, tổ kiểm toán thuộc Kiểm toán, trực tiếp là Nguyễn Văn Quyên là tổ trưởng đặt điều kiện ép buộc các nhà thầu đưa tiền cho tổ kiểm toán thì sẽ giảm các khoản phải xuất toán và giảm thanh toán.

Trong vụ án này bị cáo Nguyễn Văn Quyên là người chủ mưu và là người đặt điều kiện, mặc cả với Ban quản lý dự án Sơn Hà và Ban quản lý dự án xây dựng tỉnh Quảng Ngãi và Quyên là người trực tiếp nhận tiền 490 triệu đồng. Riêng các bị cáo Ngô Quang Đăng, Ngô Hồng Minh và Nguyễn Quang Thanh có vai trò giúp sức, đồng phạm, biết việc nhận hối lộ và sẽ ăn chia theo “công sức”.

Lâu nay, khi chúng ta nói đến tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, nhận hối lộ trong cơ quan, ngành nào đó thường dùng từ “một bộ phận”, một số cán bộ, đảng viên, nhân viên, tức khẳng định tiêu cực chỉ là số ít, là hiện tượng, còn lại “đại đa số đều tốt”! Nhưng những vụ án tham nhũng kiểu “cả đoàn” như trên cho thấy, khái niệm trên cần được xem xét lại.

2. Tại cơ chế hay tại con người? Cơ chế, luật pháp thực ra nói hổng thì cũng đúng nhưng không nên quy lỗi sang hướng này. Các quy định pháp luật nêu rất rõ những điều thanh tra không được làm, giới hạn của quyền hạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động thanh tra của mình.

Nghĩa là nếu đổ lỗi “do cơ chế” thực ra là sự thoái thác nhằm đánh lạc hướng sự tham lam, tiêu cực của người phạm pháp. Không thể chống tham nhũng bằng những người tham nhũng. Để tìm người thanh bạch không phải chỉ là sự giám sát khi giao nhiệm vụ thanh tra, chống tham nhũng cho họ mà phải tuyển chọn ngay từ đầu vào.

Thế nhưng, hiện nay không nói ra thì dư luận vẫn thừa hiểu, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra là những ngành “có màu”. Khi nhận thấy có bổng lộc, lợi ích như vậy, những vị trí trong các cơ quan này, từ nhân viên đến các vị trí chánh, phó chánh, trưởng, phó trưởng phòng… đơn vị thanh tra đều không phải ngẫu nhiên được giao phó. Nếu đưa người có động cơ muốn về thanh tra để làm giàu, để sắm xe, xây dinh thự, biệt phủ thì có nghĩa, động cơ đó là nền móng của tham nhũng.

Khi đó, họ sẵn sàng bỏ ra các khoản vật chất để có được vị trí thuận lợi. Nếu người có thẩm quyền ở bộ, ngành vì những mối quan hệ “thân quen, cánh hẩu” hoặc vì lợi ích vật chất mà điều động, bổ nhiệm những con người như vậy vào cơ quan thanh tra, kiểm toán thì tất yếu, tham nhũng sẽ bung nổ. Để người vì danh lợi, tìm cách “chạy” về cơ quan chống tham nhũng, tức là anh đã tự đem rắn bỏ vào hang, để nó “triệt hạ” là điều không thể tránh khỏi.

Nhấn mạnh điều này để thấy bản chất vấn đề và muốn có “bàn tay sạch” như kỳ vọng thì người có thẩm quyền điều động, tuyển dụng, bổ nhiệm ở các cơ quan, bộ ngành phải sạch, phải công minh, phải chọn đúng người. Không làm được điều đó, anh không thể chống tham nhũng chỉ bằng mệnh lệnh, văn bản.

3. Vụ thanh tra nhận hối lộ xảy ra tại Vĩnh Phúc, ở thời điểm cả nước đang cao trào chống tham nhũng, cao trào “nhóm củi, đốt lò” với rất nhiều quan chức các cấp bị xử lý kỷ luật hành chính đến xử lý hình sự.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có công văn yêu cầu rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, đảm bảo những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan này phải thực sự liêm chính, trong sạch.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng là phải “chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng”…

An Nhi
.
.