Bóng hồng đầu tiên trong nội các của Donald Trump: Người chỉ trích… được chọn

Thứ Năm, 15/12/2016, 11:05
Việc tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử bà Nikki Haley - Thống đốc bang Nam Carolina - làm đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) được chú ý khi bà là thành viên nữ đầu tiên của nội các ông Trump.

Nữ chính trị gia 46 tuổi này là "ngôi sao đang lên" của đảng Cộng hòa, mang thông điệp giúp ông Trump giải tỏa những chỉ trích nội các nhiều thành viên da trắng và lớn tuổi.

Điều ngạc nhiên là ông Trump đã vượt qua chuyện bà Haley từng chỉ trích ông gay gắt trong quá trình tranh cử. Khi đề cử bà Haley, ông ca ngợi bà là nhà thương lượng sẽ mang về cho Mỹ rất nhiều thỏa thuận. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này gây ra nhiều bất ngờ trong giới ngoại giao. Có nhiều lo ngại cho rằng với ít kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế, bà Haley khó có thể đối phó với các đối thủ giỏi chuyên môn,  mà một trong số đó đến từ Nga.

Từ ghét đến yêu           

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, bà Nikki Haley công khai phản đối và luôn tìm cách công kích ông Trump. Hồi tháng 1, ông Trump cho rằng lập trường của bà Haley về vấn đề nhập cư là "yếu kém" khi thống đốc Nam Carolina hoan nghênh người nhập cư hợp pháp đến bang mình, bất kể chủng tộc hay tôn giáo. Đáp lại, bà Haley nói rằng ông Trump đại diện cho tất cả mọi thứ mà một thống đốc không muốn ở một tổng thống.

"Tôi muốn một ai đó khác đại diện cho đảng Cộng hòa và tôi muốn một ai đó tạo ra sự khác biệt, không chỉ đối với đảng của chúng ta mà còn đối với tất cả mọi người mà họ đại diện", bà Haley cho biết. 

Bà Haley còn ngụ ý rằng ông sẽ đe dọa "giấc mơ Mỹ" của người khác. Bà đã dùng một phần Thông điệp liên bang của Tổng thống Barack Obama để cảnh báo về mối nguy hiểm bắt nguồn từ ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Bà Haley đã góp một tiếng nói quan trọng vào lời kêu gọi hạ lá cờ Confederate khỏi Tòa nhà Quốc hội.

Trong vòng bỏ phiếu sơ bộ đảng Cộng hòa, bà Haley ủng hộ thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio, đối thủ của ông Trump, đồng thời liên tục chê bai chiến dịch tranh cử mà nhà tài phiệt New York theo đuổi. Tuy nhiên, vào tháng 10-2016, bà Haley bất ngờ thay đổi, tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho ông Trump mặc dù bà không phải là "người hâm mộ" ứng viên này.

Và sau nhiều cuộc gặp gỡ với tân tổng thống thời gian gần đây, Nikki Haley có vẻ như đã hoàn toàn "nghiêng" về phía ông Trump. Bà khẳng định những hiềm khích giữa bà với ông Trump chỉ là câu chuyện quá khứ. "Ông ấy là một người bạn, một người ủng hộ tôi trước khi tranh cử tổng thống. Ông ấy cũng đối xử tốt với tôi nữa", bà Haley nhận xét.

Về phần ông Trump, quyết định chọn Nikki Haley làm đại sứ Mỹ tại LHQ với lý do bà Haley có khả năng "gắn kết mọi người, dù ở đảng phái nào nhằm phục vụ tốt hơn cho quốc gia" đến nay nhận được khá nhiều đồng thuận. Việc nhà tài phiệt New York cân nhắc lựa chọn một phụ nữ từng chỉ trích ông phản ánh rõ nét con người ông Trump.

Rõ ràng, Donald Trump đang tìm kiếm nhân tài chứ không phải tìm cách để trả những mối thù cá nhân. Đây được coi là một sự lựa chọn nhằm tạo sự hòa hợp, cũng như thúc đẩy đoàn kết và đa dạng bộ máy nội các.

Trong tuyên bố đầu tháng 12, bà Haley cho biết, Mỹ phải đối mặt với những thách thức rất lớn cả trong và ngoài nước, và bà chấp nhận lời đề nghị của ông Trump vì "tinh thần trách nhiệm". Bà Haley sẽ tiếp tục giữ chức Thống đốc Nam Carolina cho đến khi Thượng viện phê chuẩn đề cử của ông Trump.

Ngôi sao đang lên

Nikki Haley, 44 tuổi, giữ chiếc ghế Thống đốc bang Nam Carolina từ năm 2011, đồng thời là người trẻ nhất trong số các thống đốc Mỹ đương nhiệm. Điều đáng nói là trong mùa bầu cử vừa qua, bà Haley là người chỉ trích tất cả mọi thứ về ứng cử viên Trump. 

Bà Haley sau đó thay đổi lập trường, chuyển hướng ủng hộ ông Trump dù vẫn còn nhiều điều chưa hài lòng. Việc Donald Trump chọn bà Haley để gửi gắm "tâm tư, nguyện vọng" của Mỹ tại LHQ đánh dấu bước chuyển đầy mới mẻ cho chính quyền tương lai.

Thực tế rằng, bà Haley không chỉ là thống đốc chống đối mạnh mẽ ông Trump mà còn là gương mặt đầu tiên trong nội các của ông Trump không phải là người da trắng. Bà là con gái một người nhập cư gốc Ấn Độ. Bà luôn giành được sự ủng hộ đáng kể của những người da màu ở Nam Carolina, hầu hết trong số họ là thành viên đảng Dân chủ.

Kể từ khi nhậm chức thống đốc, nhiều tin đồn cho rằng bà Haley sẽ nằm trong danh sách rút gọn các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa vào năm 2012, thậm chí có thể là một đại diện tiềm năng của đảng trong cuộc đua năm 2016. 

Bà Haley trở nên nổi tiếng sau những xử lý về vụ nổ súng tại nhà thờ Charleston ở Nam Carolina vào năm 2015, nơi một kẻ da trắng nổ súng vào một nhóm người da màu đang đọc Kinh Thánh, khiến 9 người thiệt mạng.

Bà Haley đã góp một tiếng nói quan trọng vào lời kêu gọi hạ lá cờ Confederate khỏi tòa nhà quốc hội. Lá cờ Confederate là biểu tượng của các bang miền nam nước Mỹ trong cuộc nội chiến chống chính phủ liên bang miền Bắc (1861 - 1865). Cuộc chiến Nam - Bắc chấm dứt khi quân miền Nam đầu hàng năm 1865 và chính phủ Mỹ cấm hoàn toàn chế độ nô lệ.

Sau thời kỳ suy thoái kinh tế, Nikki Haley đã tận dụng kiến thức kinh tế của mình để xây dựng hình ảnh bản thân như một người luôn nỗ lực tạo ra thêm nhiều việc làm cho người dân Mỹ trước bối cảnh hàng loạt nhà máy đang tìm đường bỏ đi. Bà vô cùng thành công trong việc tự quảng bá mình là một thống đốc quan tâm tới vấn đề việc làm. 

Tuy nhiên, bà Haley vẫn giữ lập trường bảo thủ thông qua việc phản đối đạo luật Obamacare cũng như lưu ý đến những gì mà người bảo thủ để tâm. Rõ ràng, chính khách này đã đứng giữa hai thế giới trong một quãng thời gian dài.

Để được ông Trump chỉ định làm nhà ngoại giao hàng đầu tại LHQ, bà đã vượt qua thống đốc bang Massachusetts, Mitt Romney, cựu thị trưởng New York, Rudy Giuliani và một số chính trị gia khác. 

Từng được cho là sẽ được ông Trump chọn làm phó tổng thống, bà Haley là một "ngôi sao đang lên" trong bối cảnh các nhà lãnh đạo ngày càng cố gắng thu hút nhiều phụ nữ. Từ giờ phút này, Haley đã bứt phá từ một người miền Nam bình thường trở thành đại diện quốc gia đảng Cộng hòa.

"Ngôi sao đang lên" của đảng Cộng hòa Nikki Haley được Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử giữ chức vụ đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Kinh nghiệm và thách thức

Có thể thấy rằng, Nikki Haley là sự lựa chọn mang tính biểu tượng, như một cách "ve vuốt" những cáo buộc nhằm vào Donald Trump về việc phân biệt đối xử với phụ nữ. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm bà Haley, gương mặt không có kinh nghiệm ngoại giao hay an ninh quốc gia vào chiếc ghế đòi hỏi cao trong cả hai vấn đề này, khiến các nhà ngoại giao nước ngoài bối rối. 

Thực tế, các nhà ngoại giao mong ông Trump chọn một người đàn ông da trắng đầy mạnh mẽ và quyết đoán đến làm việc tại LHQ.

Bên cạnh đó, Nikki Haley không phải mẫu người "thét ra lửa". Làm đại sứ tại LHQ là công việc phức tạp và không hề dễ dàng, đặc biệt với Mỹ - thành viên thường trực chủ chốt quan trọng nhất ở Hội đồng Bảo an.

Đảm nhiệm vị trí này, bà Haley sẽ phải đương đầu với những vấn đề sống còn cấp bách mà nữ chính trị gia chưa từng kinh qua, trong đó có cuộc nội chiến Syria, xung đột đẫm máu ở Yemen, khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay một Biển Đông dậy sóng. Việc vừa phải cố gắng xử lý quan hệ với Nga, vừa đảm bảo duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, là nhiệm vụ rất khó khăn và đòi hỏi sự khôn khéo cao độ.

Làm đại sứ tại LHQ sẽ là một thử nghiệm mới với Nikki Haley. Theo đó, bà Haley sẽ làm các công việc liên quan đến "vấn đề của sự sống và cái chết" với một đối tác giàu kinh nghiệm đến từ Nga là ông Vitaly Churkin - người được xem là một trong những đối thủ chính của các nhà ngoại giao Mỹ.

Nhà ngoại giao Nga và đội ngũ của ông luôn luôn đặt các lợi ích an ninh quốc gia Nga lên đầu, và do đó họ không đi ngược lại với lợi ích này ngay cả khi nó không phù hợp với các thành viên khác của LHQ. Các nhà ngoại giao Nga là những người khó nhằn và rất giỏi chuyên môn, bà Haley sẽ phải làm việc với quan điểm "chúng tôi muốn hợp tác với các bạn trên cơ sở lợi ích chung", mà không được quên đặt các lợi ích quốc gia của Mỹ lên trên hết.

Dù vậy, vẫn còn nhiều người tin tưởng vào sự lựa chọn của ông Trump bởi bà Haley là một gương mặt đầy triển vọng của nền chính trị Mỹ, vốn được đánh giá là "người phụ nữ của thế kỷ XXI" vì thái độ lịch sự và sự điềm tĩnh chuyên nghiệp có tiếng của một chuyên gia nhiều uy tín. Bà Haley không có nhiều kinh nghiệm ngoại giao song nhiều người cho rằng điều này không phải là mối quan ngại lớn.

Nikki Haley là một phụ nữ thông minh, biết nắm bắt cơ hội và sẵn sàng chấp nhận thách thức đến từ một môi trường mới đầy khốc liệt - nơi sẽ tôi luyện cho bà bản lĩnh và sự khôn ngoan. "Tôi nghĩ rằng, bạn không cần phải có nhiều kinh nghiệm ngoại giao mới có thể đến LHQ và thành công. Mọi bất ngờ vẫn còn đang ở phía trước", bà tự tin tuyên bố.

Anh Doãn
.
.