Bóng đá Việt Nam năm 2014, từ VFF đến VPF: Nghịch lý đầu tàu

Thứ Năm, 27/02/2014, 14:09

Ngay đầu năm 2014, bóng đá Việt Nam sẽ diễn ra Đại hội nhiệm kỳ VII VFF, và có tới 99,99% khả năng ông quyền chủ tịch Lê Hùng Dũng sẽ chính thức nhiếp chính vai trò chủ tịch. Sau Đại hội VFF, chắc chắn sẽ có những biến động ở VPF, và người ta đang tự hỏi là ở đấy ông chủ tịch Võ Quốc Thắng sẽ tồn tại bao lâu? Chưa bao giờ hai vị trí đầu tàu VFF và đầu tàu VPF lại tạo ra nghịch lý lớn như lúc này.

1.Nghịch lý trước hết đến từ con đường nhiếp chính của hai nhân vật. Nếu ông Lê Hùng Dũng khát khao ngồi lên ghế chủ tịch VFF và đã tìm mọi cách “gỡ bỏ” mọi rào cản để mỗi lúc một gần cái ghế ấy thì ông Võ Quốc Thắng lại chỉ đồng ý ngồi lên ghế chủ tịch VPF khi biết chắc có người cứng cựa “chống lưng”. Ai cũng biết kết thúc V.League 2011 thì người cho nổ quả bom công kích VFF là cựu bầu Nguyễn Đức Kiên, và ai cũng biết chính ông Kiên mới là cha đẻ của ý tưởng thành lập VPF với mục đích thay VFF điều hành các giải đấu cấp CLB của bóng đá Việt Nam. Ngày diễn ra Đại hội cổ đông VPF năm 2012, khi ông Kiên “khéo léo” nói trên bàn cử tọa rằng “tốt nhất là đừng bầu tôi, vì tôi còn bận rất nhiều công việc” thì ông cũng đồng thời giới thiệu ông Thắng ngồi vào ghế chủ tịch.

Ông Thắng làm chủ tịch VPF nhưng mọi đường đi nước bước của VPF đều do ông Kiên lĩnh xướng. Khi VPF tổ chức họp báo định kỳ với giới truyền thông, nhân vật làm chủ diễn đàn là bầu Kiên chứ không phải bầu Thắng. Khi VPF họp kín với các ông bầu sau giai đoạn lượt đi V.League 2012 thì nhân vật chỉ mặt “một số ông bầu cho tiền trọng tài” cũng lại là bầu Kiên, chứ không phải là bầu Thắng. Và khi 10 trọng tài được gọi lên để được thông báo về việc: “Tôi đã biết hết hành vi mờ ám của các anh”, rồi 2 trọng tài sau đó bị đuổi việc không thương tiếc thì người sắm vai đạo diễn cũng lại là bầu Kiên, chứ không phải là bầu Thắng. Rõ ràng là hồi còn bầu Kiên, bầu Thắng “đứng tên” chủ tịch VPF nhưng lại không phải là người cầm hồn VPF.

So với cựu bầu Nguyễn Đức Kiên (trái), chủ tịch đương nhiệm VPF Võ Quốc Thắng ôn hòa, nền nã hơn rất nhiều.

Chỗ này thì hình ảnh của ông Võ Quốc Thắng và ông Lê Hùng Dũng lại khác hẳn nhau. Ở nhiệm kỳ VI VFF vừa rồi, ông Lê Hùng Dũng tiếng là Phó Chủ tịch phụ trách mảng tài chính nhưng nhiều lúc lại có tiếng nói át cả tiếng nói của ông Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ. Đơn cử như sau thất bại của ĐTVN dưới trào Phan Thanh Hùng tại AFF Suzuki Cup 2012, trong khi ông Hỷ đã ít nhiều nghiêng về phương án mời thầy nội Hoàng Anh Tuấn ngồi lên cái ghế mà ông Hùng để lại thì ông Lê Hùng Dũng lại lên báo công khai nghi ngờ năng lực của ông Tuấn. Và thế là cuối cùng ông Tuấn phải... tự nguyện rút lui. Hay như việc ông Dũng tiếng là Phó Chủ tịch tài chính nhưng lại rất nhiều lần “lấn” vào các mảng việc chuyên môn, và chỗ nào ông “lấn” cũng đều khiến các đối thủ của mình nghiêng ngả.

Thế nên có thể nói rằng với ông Dũng, quá trình từ một Phó Chủ tịch đến quyền chủ tịch rồi khả năng là chủ tịch VFF chính là quá trình hợp thức hoá vai trò và tầm ảnh hưởng thực sự của ông trong bộ máy Liên đoàn. Ngược lại, với ông Võ Quốc Thắng thì việc cựu bầu Nguyễn Đức Kiên đột nhiên “xộ khám” lại đẩy ông từ chỗ là một ông chủ tịch hình thức đến chỗ là một ông chủ tịch thực sự - một ông chủ tịch bất đắc dĩ của VPF.

2.Chính từ sự tương phản ấy mà “đầu tàu” Lê Hùng Dũng và “đầu tàu” Võ Quốc Thắng đã có và chắc chắn tiếp tục có những kiểu hành sự rất khác nhau. Hồi còn bầu Kiên, VPF của bầu Thắng hứa hẹn sẽ biến bản quyền truyền hình V.League thành một con gà đẻ trứng vàng thông qua việc bán sóng quảng cáo cho 10 doanh nghiệp lớn nằm trong Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam. Nhưng khi mất bầu Kiên thì cái Hội đồng bảo trợ ấy chỉ qui tụ được những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi những ông bầu trong hàng ngũ lãnh đạo VPF, và càng lúc càng đuối sức. Hồi còn bầu Kiên, ý tưởng thành lập Ban Tư vấn Đạo đức nhằm thúc đẩy sự trong sạch của bóng đá Việt Nam được thực hiện rất triệt để nhưng khi mất bầu Kiên thì hoạt động của Ban Tư vấn Đạo đức đã phải đối diện với rất nhiều cản trở từ chính những bộ phận có trách nhiệm của VPF. Hồi còn bầu Kiên, VPF đã tính chuyện kéo luôn cái ban Kỷ Luật từ phía VFF về phía mình, qua đó có thể dễ dàng cai quản gia pháp của các giải bóng đá trong nước, nhưng khi mất bầu Kiên thì cái ý tưởng ấy cũng lập tức chết non.

Điều mà ông Võ Quốc Thắng làm được khi mất bầu Kiên có chăng chỉ là việc VPF đã xác lập mối quan hệ mật thiết với bóng đá Nhật Bản, và thế là các chuyên gia Nhật lần lượt được gửi qua Việt Nam, và sắp tới sẽ có người ngồi vào ghế trưởng Ban tổ chức V.League. Nhưng kỳ thực thì việc mời một chuyên gia Nhật làm trưởng giải chỉ giúp bầu Thắng ghi điểm ở góc độ hình thức, bởi bệnh nguy nan của V.League không nằm ở ông trưởng giải, mà nằm ở cái nền vừa yếu, vừa thiếu vừa manh động của cả loạt câu lạc bộ.

Rõ ràng là khi mất bầu Kiên, bầu Thắng giống như một tay bơi đã phải gắng gượng bơi trong một cái bể quá rộng và quá sức với mình. Thế nên mới có những thông tin hậu trường theo kiểu bây giờ mà có người chấp nhận ngồi thế chỗ mình, không loại trừ khả năng bầu Thắng sẽ nhường chỗ ngay lập tức.

Nên nhớ là trong khi VPF càng lúc càng đuối và vị chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng càng lúc càng đối diện với nhiều gánh nặng thì ông quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (người sẽ chính thức làm chủ tịch VFF vào cuối tháng 2 này?) lại càng lúc càng thể hiện rõ uy thế của mình. Mà ngoài vị trí lãnh đạo VFF, ông Dũng đồng thời cũng là một trong các Phó Chủ tịch VPF. Xét về mặt tính cách, trong khi ông Thắng thuộc tuýp người nhẹ nhàng, nền nã thì ông Dũng lại mang dáng dấp của một doanh nhân ăn sóng nói gió, và nói tới đâu là “chết người” tới đó. Vậy thì liệu có xảy ra tình trạng càng lúc VFF càng “lấn” VPF, và càng lúc thì tiếng nói của VFF trong chính ngôi nhà VPF càng trở nên quyết định?

3.Xét về mặt lý thuyết, VPF là một ban bệ của VFF. Nhưng ai cũng hiểu là khi kiên quyết “đấu tố” VFF để thành lập VPF, cựu bầu Nguyễn Đức Kiên muốn VPF có một sự độc lập tương đối so với VFF. Sự độc lập mà trong mùa giải đầu tiên thì quả nhiên VPF đã giải quyết được rất nhiều vấn đề mà trước đó VFF bất lực, điển hình nhất là vấn đề “xử” trọng tài và “xử” cả những ông bầu đã lén lút nhét tiền vào tay trọng tài.

Thế nên bây giờ, nếu VPF càng lúc càng mất đi cái quyền độc lập tương đối so với VFF, không loại trừ khả năng công tác tổ chức, điều hành các giải đấu trong nước sẽ ít nhiều có những biểu hiện quay lại cái thời cực kỳ nguy hiểm như khi VFF cầm trịch ngày xưa. Nếu đúng thế, cuộc cách mạng mang tên “VPF - Nguyễn Đức Kiên” từng gây sốc cho cả một nền bóng đá khả năng sẽ chỉ còn tồn tại ở góc độ hình thức mà thôi.

Năm 2014, VFF sẽ có một đầu tàu được đánh giá là cực kỳ mạnh mẽ. Năm 2014, nếu không có những biến động đột biến vào phút chót, nhiều khả năng VPF sẽ tiếp tục được lèo lái bởi một đầu tàu mang hơi hướng nhẹ nhàng, trung dung.

Và chỉ cần nhìn vào cái nghịch lý đầu tàu ấy là sẽ hiểu năm 2014, bóng đá Việt Nam rồi sẽ chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ, mang tính quyết liệt nhất từ ai!

Nếu bầu Đức ngồi ghế phó Chủ tịch tài chính...

Hồi VPF mới ra đời và đấu mạnh với VFF quanh vấn đề bản quyền truyền hình V.League thì cùng với “cánh chim đầu đàn” Nguyễn Đức Kiên, ông Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức cũng thường có những phát ngôn mạnh mẽ, đối lập hẳn với Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng. Đến khi bầu Kiên bất ngờ “xộ khám” thì nhiều người đã cho rằng trong số các thành viên của HĐQT VPF có lẽ bầu Đức sẽ là người duy nhất có thể giữ lại cái dũng khí mà bầu Kiên để lại.

Nhưng sự thực thì VPF thời hậu Nguyễn Đức Kiên, bầu Đức cũng phát ngôn ít hơn, và những phát ngôn dường như cũng dịu hơn. Bây giờ thì bầu Đức và ông Lê Hùng Dũng còn liên tục có những hợp tác sân cỏ với nhau khi cùng kết hợp mời Arsenal qua Việt Nam rồi cùng tổ chức giải U.19 quốc tế cúp Nutifood. Theo nhiều thông tin trên mặt báo thì nhiệm kỳ VII VFF tới đây, bầu Đức khả năng sẽ ngồi vào ghế Phó Chủ tịch tài chính, và với cái ghế ấy thì mối quan hệ giữa ông với ông Lê Hùng Dũng chắc chắn sẽ thêm phần khăng khít.

Khi Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức ngày một gần hơn với quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, và khi chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng là một con người ôn hoà, trọng thuyết trung dung thì tiếng nói của VPF trong mối quan hệ với VFF tới đâu là điều không khó gì tiên liệu.

Phan Đăng
.
.