Bốn chức năng của Đại học “Mỹ phẩm trí tuệ” và kinh doanh giáo dục

Thứ Ba, 15/12/2015, 13:29
Trong những năm gần đây, giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, trở thành một đề tài tranh luận gay gắt. Nhiều người cho rằng chúng ta đang chứng kiến sự khủng hoảng sâu sắc của giáo dục mà dấu hiệu dễ thấy là chất lượng giáo dục suy giảm, dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, hoặc phải làm những việc không đúng ngành nghề đào tạo.

Trong rất nhiều lý do, nhiều người nhắc đến tác động tiêu cực của xu hướng thương mại hóa giáo dục. Chúng tôi cho rằng điều đó chỉ đúng một phần. Vấn đề việc làm, nhất là việc làm đúng ngành nghề, của sinh viên sau khi tốt nghiệp là vấn đề phức tạp và có tính thời điểm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó một trong những yếu tố quan trọng nhất là nhu cầu của nền kinh tế. Mặt khác, thương mại hóa giáo dục cũng không chỉ có tác động tiêu cực. 

Trên thực tế, xu hướng này đang diễn ra như một thực tế. Hơn nữa, khi tham gia các hiệp định tự do hóa thương mại, chúng ta buộc phải mở cửa thị trường giáo dục cho những cường quốc giáo dục nước ngoài vào khai thác. Nếu chúng ta không có một chính sách đúng đắn và chủ động, chúng ta sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà.

Nhưng để có một chính sách đúng đắn và chủ động như thế, chúng ta cần phải tìm hiểu những thay đổi mang tính bản chất của đại học hiện nay. Theo chúng tôi, trường đại học hiện nay có bốn chức năng cơ bản, trong đó đào tạo nghề không phải là chức năng duy nhất, và chức năng này không phải lúc nào cũng quan trọng như nhau.

Chức năng dạy nghề, hay “đào tạo nhân lực”, như chúng ta đều biết, là chức năng truyền thống, gắn với các trường đại học từ thời trung cổ. Trong các trường đại học Trung cổ phương Tây, các khoa được phân thành hai đẳng cấp, gồm ba Thượng khoa là Thần học, Luật học và Y học, một Hạ khoa, là Triết học (bao gồm cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn). Các Thượng khoa nằm trong mối quan tâm của quyền lực nhà nước vì chúng dạy người dân tuân theo các quy tắc xã hội, nghĩa là đào tạo các thần dân, những người thừa hành, còn Hạ khoa (Khoa Triết học), ngược lại, bị coi thường vì nó chỉ dạy việc sử dụng lý trí một cách tự do.

Các trường đại học trung cổ phương Đông cũng có bản chất dạy nghề tương tự. Mục đích chủ yếu của giáo dục đại học ở Trung Hoa và Việt Nam, chẳng hạn, là đào tạo quan lại cho bộ máy cai trị – nói bằng ngôn ngữ hiện đại thì đó là trường “quản trị công”. Tóm lại, đại học trung cổ về bản chất là trường nghề.

Chức năng khai sáng là bản chất của đại học hiện đại mà cha đẻ là Immanuel Kant. Theo Kant, con người có một năng lực phổ quát gọi là lý trí mà nếu được sử dụng tự do có khả năng giúp con người khám phá thế giới và hành động đúng đắn, hợp với quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, phần lớn nhân loại không có khả năng sử dụng lý trí một cách tự do, vì thế chỉ là những người vị thành niên về trí tuệ. Kant cho rằng chức năng chính của đại học là giúp người học thoát khỏi tình trạng vị thành niên về trí tuệ đó, để họ có thể “sử dụng tri thức của mình mà không cần sự chỉ dẫn của người khác”.

Minh họa: Lê Phương.

Chức năng khai sáng của trường đại học hiện đại được thực hiện qua vai trò trung tâm của khoa Triết học (các môn khoa học xã hội và nhân văn). Nền tảng của trường đại học hiện đại chính là sự thẩm vấn không ngừng của lý trí và trường đại học phải là một không gian tự trị dựa trên tinh thần phê phán để đào tạo con người tự do. Ý tưởng của Kant về trường đại học hiện đại được Humboldt hiện thực hóa lần đầu tiên tại Berlin. Như vậy, với trường đại học hiện đại, trọng tâm được chuyển từ chức năng dạy nghề sang chức năng khai sáng.

Chức năng sản xuất là một chức năng tương đối mới, xuất hiện khoảng giữa thế kỷ 20 và gắn liền với sự hình thành và lớn mạnh của nền kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế truyền thống, đại học có nhiệm vụ chuẩn bị cho quá trình sản xuất bằng cách đào tạo nhân lực. 

Trong nền kinh tế tri thức, trường đại học trở thành một mắt xích của quá trình sản xuất. Đối với các ngành sản xuất có công nghệ cao, các công đoạn sản xuất quan trọng nhất - nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm – đều được thực hiện chủ yếu trong phòng thí nghiệm của các trường đại học. Trường đại học sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh, còn nhà máy chỉ có nhiệm vụ nhân bản mà thôi. Trong nền kinh tế tri thức, tri thức trở thành một thứ hàng hóa ngày càng quan trọng có thể mua bán, trao đổi trên thị trường. 

Vì thế, trường đại học không chỉ tham gia vào quá trình sản xuất theo nghĩa thông thường, mà bản thân nó cũng trở thành một doanh nghiệp sản xuất và bán tri thức dưới nhiều hình thức: Các trường đại học có thể ký hợp đồng nghiên cứu như một loại dịch vụ, hoặc có thể chủ động đầu tư nghiên cứu rồi sau đó thương mại hóa kết quả. Không những thế, nhiều trường đại học Phương Tây đang dần dần trở thành những tập đoàn kinh doanh giáo dục. Họ thành lập những bộ phận “giáo dục quốc tế”, chuyên khai thác thị trường giáo dục ở các nước đang phát triển. Nhiều học giả trên thế giới gọi đó là “Chủ nghĩa thực dân học thuật”.

Chức năng thứ tư là chức năng phát triển cá nhân, một chức năng nổi lên cùng với sự phát triển đến một trình độ tương đối cao của xã hội. Để hiểu chức năng này, chúng ta có thể liên hệ với dịch vụ làm đẹp. Ở các xã hội có trình độ phát triển thấp, việc làm đẹp là xa xỉ đối với đại đa số người dân. Nhưng khi xã hội sung túc hơn, việc làm đẹp trở nên phổ biến. Nhiều loại mỹ phẩm mới ra đời, và không chỉ phụ nữ trẻ, mà cả người già, nam giới cũng có nhu cầu làm đẹp. 

Bây giờ quần áo không chỉ có chức năng giữ ấm mà còn có chức năng trang điểm cho cơ thể. Các đồ đạc, nhà cửa ngày càng mang nhiều chức năng thẩm mỹ. Người ta còn áp dụng cả các thành tựu y học vào việc làm đẹp. Giải phẫu thẩm mỹ trở thành một trào lưu ở nhiều nước. Nhu cầu làm đẹp dẫn đến sự hình thành của cả một nền kinh tế làm đẹp.

Nhưng nhu cầu làm đẹp không chỉ dừng ở các khía cạnh vật chất, mà còn thể hiện ở cả phương diện tinh thần, đặc biệt là về mặt trí tuệ. Con người trong xã hội càng phát triển càng có nhu cầu hiểu biết, không phải để trở thành “nhân lực chất lượng cao”, mà nhằm tự hoàn thiện. Nhiều người đã có bằng cấp và việc làm vẫn đăng ký học các chuyên ngành khác.

Ở Hàn Quốc, do truyền thống, nhiều phụ nữ ngừng đi làm sau khi lập gia đình nhưng vẫn theo học tại các trường đại học, và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông học lên đại học là 81-84%. Thật là vô lý khi đòi hỏi mọi sinh viên ra trường phải làm đúng ngành nghề đào tạo. Bởi lẽ, càng ngày càng có nhiều người học đại học đơn thuần chỉ vì sự phát triển cá nhân – chúng tôi xin gọi đó là một thứ “mỹ phẩm trí tuệ”. Nhu cầu về “mỹ phẩm trí tuệ” đang tăng lên không ngừng tại hầu hết các nước và đó một xu hướng tự nhiên và lành mạnh. Vì thế, việc đáp ứng nhu cầu ấy cũng đang trở thành một dịch vụ tự nhiên và lành mạnh.

Dĩ nhiên, tất cả các trường đại học đều ít nhiều phải thực hiện cả bốn chức năng, nhưng mức độ thì khác nhau. Trong nền giáo dục đại học của quốc gia, theo chúng tôi, cần có một số ít trường đại học tinh hoa, có nhiệm vụ đào tạo các trí thức, cách nhà lãnh đạo tinh hoa, đóng vai trò tiên phong về trí tuệ của dân tộc. Các trường này có số lượng rất ít, tuyển sinh cũng rất khắt khe và hạn chế về số lượng, nhưng cần được đầu tư rất tốt từ ngân sách nhà nước – về bản chất là sự đầu tư của cả dân tộc để đào tạo nhân tài.

Có lẽ Việt Nam chỉ nên có hai hoặc ba trường như vậy. Bên cạnh đó, Việt Nam nên có một số trường đại học nghiên cứu thực hành, có khả năng thực hiện chức năng sản xuất, gắn kết nghiên cứu với sản xuất. Đầu tư cho các trường này một phần đến từ ngân sách nhà nước, một phần khác đến từ các hợp đồng sản xuất. Số trường như vậy ở Việt Nam có lẽ chỉ nên chiếm khoảng 20 đến 25%. 

Các trường còn lại, tức là khoảng 75-80%, nên tập trung vào giảng dạy và chủ yếu thực hiện chức năng đào tạo nhân lực và đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân, tức là cung cấp dịch vụ mỹ phẩm trí tuệ. Đầu tư cho các trường đại học này chủ yếu đến từ thị trường. Người học trả học phí cho trường đại học như là khoản đầu tư cá nhân để nhận được dịch vụ đào tạo nhân lực, sau đó sẽ thu hồi khi làm việc trong tương lai. Một số công ty cũng có thể đầu tư bằng cách trả học phí cho nhân lực tương lai của họ. Đối với đầu tư cho các trường cung cấp dịch vụ mỹ phẩm trí tuệ, chúng ta nên để thị trường điều tiết.      

Tóm lại, giáo dục đại học có những chức năng khác nhau, đòi hỏi cách tiếp cận khác nhau. Đó là một trong những lý do chúng ta không chỉ cần phải chấp nhận mà còn phải chủ động kinh doanh giáo dục đại học một cách hợp lý. Vấn đề là phải có một khuôn khổ pháp lý phù hợp và hiệu quả, bởi lẽ giáo dục, cũng như y tế, là một lĩnh vực đặc biệt, liên quan đến con người. Những trường đại học tư vì lợi nhuận vừa phải chịu sự điều chỉnh của luật doanh nghiệp vừa phải chịu sự điều chỉnh của luật giáo dục đại học.

Tất nhiên, cải cách giáo dục đại học là một công việc lớn lao, phức tạp, cần rất nhiều biện pháp hệ thống, tổng thể và chi tiết. Nhưng nhìn rõ bản chất và chức năng của giáo dục đại học hiện đại, đó là bước đầu tiên mang tính quyết định. Chỉ khi nhìn rõ vấn đề, chúng ta mới có thể đưa ra giải pháp. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể có một nền giáo dục đại học mới, có thể hoàn thành tốt cả bốn chức năng của nó, vì sự phát triển của cá nhân và xã hội.

Ngô Tự Lập
.
.