Bởi nước xa không cứu được lửa gần

Thứ Hai, 27/05/2019, 16:28
Ngả bài và sòng phẳng. Cứng rắn đến độ giống như một sự thách thức đối với những lời hăm dọa từ bên kia Đại Tây Dương của nước Mỹ. 

Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện rằng họ sẽ nhất quyết không thay đổi những kế hoạch nâng cấp kho vũ khí quốc phòng của mình, bởi vì họ có đầy đủ lý do để kiên định với lộ trình đó.

Sự “ngang ngạnh” kế thừa từ lịch sử

Hiển nhiên, Washington sẽ không để câu chuyện này khép lại một cách dễ dàng như vậy, đặc biệt là với thói quen áp đặt ý chí lên toàn bộ quỹ đạo vận hành của thế giới theo tinh thần “nước Mỹ trên hết” mà ông chủ Nhà Trắng Donald Trump ưa thích.

Trên lập trường đó, chuyện Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - bất chấp việc Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ từng nhiều lần cảnh báo rằng Ankara sẽ có thể gây nguy hại cho phi cơ chiến đấu hiện đại F-35 nói riêng cũng như các nền quốc phòng phương Tây nói chung và rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối diện với các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề này - vẫn hùng hồn khẳng định: Hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Nga “là một thỏa thuận đã được hoàn thành”, chẳng khác nào một sự khiêu khích đối với “uy phong” của cường quốc số 1 thế giới.

Không chỉ vậy. Trong cuộc nói chuyện với các sinh viên tại Istanbul ngày 18-5, bên cạnh việc nhấn mạnh rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các biện pháp kỹ thuật để đi đến kết luận là những vấn đề mà phía Mỹ quan ngại không hề tồn tại, Tổng thống Erdogan cũng ví von một cách đầy tự tin: “Họ (nước Mỹ) đang chuyền bóng quanh vòng cung trung tâm. Song, chúng ta chắc chắn vẫn sẽ nhận được những chiếc F-35!”.

Dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ xích lại rất gần với Nga.

Hỗ trợ cho nhận định đó của ông là các tín hiệu mang đậm màu sắc “bất cần” phát đi từ Ankara. Nếu Mỹ không bàn giao các phi cơ chiến đấu F-35 và hệ thống tên lửa Patriot, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm kiếm những loại vũ khí thay thế.

Trong số những khả năng được phác thảo, máy bay tàng hình Su-57 và hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 của Nga rõ ràng vẫn là những lựa chọn “sáng giá”. 

S-500, những giàn tên lửa được trang International Interest đánh giá là “có khả năng tiêu diệt bất cứ loại máy bay tàng hình tối tân nào (bao gồm cả F-22, F-35 và máy bay ném bom B2 của Mỹ)”, đã liên tục được Tổng thống T.Erdogan đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin hợp tác sản xuất kể từ tháng 6 năm ngoái.

Nước Mỹ có sẵn sàng chấp nhận khả năng đó không?

Và sự “ngang ngạnh” mà Tổng thống Erdogan thể hiện, ở nhiều khía cạnh, có khác biệt quá nhiều so với động thái cứng rắn của “người cha dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ” - Kemal Ataturk - từng “thị phạm” vào những ngày đầu lập quốc, khi xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn của đế chế Ottoman, giữa tứ bề sức ép của các cường quốc, hay không?

Trên ngã ba của thế giới

Sẽ là đơn giản hóa vấn đề, nếu đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào vị thế chỉ phải cố gắng tìm kiếm một trạng thái cân bằng chiến lược giữa hai trung tâm quyền lực quốc tế Mỹ và Nga. Không phải như vậy. Vị trí địa lý của họ, các mối quan hệ truyền thống cũng như các vấn đề hiện tại mà họ đang can dự khiến mọi lựa chọn đều trở nên phức tạp hơn gấp bội so với một hợp đồng mua bán vũ khí đơn thuần.

5.000 năm nay, mảnh đất bao trùm bán đảo Tiểu Á đó vẫn là chiếc cầu nối 2 biển (Biển Đen - Địa Trung Hải) và 3 lục địa (Á - Âu - Phi). 

Điều này luôn luôn giúp Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi từ vị trí địa chính trị chiến lược của mình nhưng cũng luôn đòi hỏi họ phải bảo đảm duy trì được năng lực quốc phòng nếu không muốn bị “xâu xé” bởi các đại cường như đế quốc Ottoman tiền thân đã từng phải chịu đựng lúc suy vi. Và sự phụ thuộc quá mức vào một đồng minh nào đó, xét cho cùng, sẽ là “để hết trứng vào một giỏ”.

Hơn thế, hiện Thổ Nhĩ Kỳ đang là quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh hàng đầu khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu và họ đang rất muốn tận dụng ưu thế này để trở thành thành viên của Liên hiệp châu Âu (EU). 

Tuy nhiên, bao năm qua, EU vẫn “nhấc lên đặt xuống” nguyện vọng này của họ, kể cả sau khi hai bên đã đạt được thỏa thuận về chuyện biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một thứ “phòng chờ” khổng lồ đối với các đoàn người vượt biển nhập cư bất hợp pháp.

Lúc này, EU đang hướng đến việc thành lập quân đội châu Âu riêng, độc lập với NATO, do nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump “phàn nàn” (với những lời lẽ thậm chí phi ngoại giao) về chuyện EU đóng góp vào trách nhiệm quốc phòng chung quá ít. Đó là điểm Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể tận dụng.

Đối với khu vực Trung Đông liền kề, không nghi ngờ gì, Ankara cũng vẫn muốn tận dụng tình thế để bảo vệ và nâng cao tầm ảnh hưởng của mình, từ những mối quan hệ cạnh tranh phức tạp giữa những địch thủ đều có hiềm khích với họ (Israel và Iran), hay một cường quốc láng giềng đang tan hoang (Syria).

Ngay cả trong “thế cờ” ấy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải nỗ lực đứng ở vị trí “an toàn” giữa các “làn đạn”. Syria và Iran là những đồng minh truyền thống của Moskva, còn Washington càng lúc càng chống lưng mạnh mẽ hơn cho Tel Aviv, đồng thời chưa bao giờ ngừng nâng đỡ Saudi Arabia.

Tại sao Ankara nhất định phải chọn đứng bên này hay bên kia của lằn ranh?

Chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ.

Cốt lõi vẫn là lợi ích

Thực ra, ngay trong quá khứ gần, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Tổng thống Erdogan đã nhận được một bài học về tính thực dụng trong đường lối đối ngoại. Đó là quãng thời gian căng thẳng mà mối quan hệ ngoại giao Nga - Thổ Nhĩ Kỳ “đóng băng” sau sự kiện một máy bay chiến đấu của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ (tháng 11-2015).

Sự cứng rắn với người láng giềng là một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới chỉ mang đến những thiệt hại không đáng có và đến tháng 6/2016, Tổng thống Erdogan chủ động hạ nhiệt, gửi lời xin lỗi đến Moskva, nhằm tháo gỡ tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” ấy.

Động thái này lập tức nhận được những thành quả xứng đáng, khi Nga cũng rất coi trọng việc cải thiện quan hệ với người hàng xóm trấn giữ đường từ Biển Đen ra Địa Trung Hải. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ song hành với nhau trong việc tác động đến những điểm nóng địa chính trị mà còn trở thành những đối tác kinh tế quan trọng của nhau.

Năm 2018, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều lên tới 25 tỷ USD. Moskva tìm thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ một thị trường tiêu thụ hàng hóa của mình, trong vòng vây các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, Ankara nhận được những nguồn lực mang tính đòn bẩy, để xốc lại nền kinh tế vốn lao đao kể từ đại suy thoái toàn cầu cuối thập niên trước.

Không ai từ chối một đối tác giàu tiềm năng như thế. Đến cả chi phí dành cho hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, theo nhiều nguồn tin, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được nhận từ Nga những khoản vay ưu đãi. 

Ngược lại, trên truyền thông Mỹ, không ít lần Tổng thống Erdogan bị tô vẽ thành một kẻ độc tài, đặc biệt là sau khi ông mạnh tay trấn áp âm mưu đảo chính, tháng 7-2016 (nghĩa là chỉ một tháng sau khi bình thường hóa quan hệ với Nga).

Mới ngày 20-5 thôi, thêm 249 nhân viên ngoại giao bị bắt giữ để thẩm tra, do bị tình nghi liên quan đến sự vụ đó. Người bị cáo buộc đứng đầu xách động cuộc đảo chính, giáo sĩ Fethullah Gulen, đã sống lưu vong ở Mỹ từ năm 1999. Mọi yêu cầu dẫn độ ông về Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ khi ấy, đều không được chấp thuận.

Xét cho cùng, suốt thời gian qua, nước Mỹ có thể hiện được rằng họ ủng hộ đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Và nếu giả sử lại có sóng gió nổi lên trong mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, Washington liệu có sẵn lòng giúp đỡ Ankara?

Đông Phong
.
.