Bộ trưởng Tài chính Đức và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp: Trên hai chiến tuyến

Chủ Nhật, 19/07/2015, 11:46
Bộ trường Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble là hai cá nhân luôn lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ nhiều quan điểm kinh tế ở hai thái cực hoàn toàn trái ngược. Hai vị bộ trưởng mới chỉ cùng nhau xuất hiện trên sân khấu và tranh cãi trong 5 tháng trở lại đây. Ông Yanis Varoufakis theo chiều hướng dễ thay đổi, đã dành cả sự nghiệp để giảng dạy về kinh tế học và lý thuyết trò chơi.

Trong khi đó, ông Wolfgang Schauble là một luật sư hơi hướng bảo thủ đã có 40 năm kinh nghiệm tạo ra luật pháp ở Quốc hội Đức. Bộ trưởng Varoufakis được các nhà kinh tế học tán dương vì những chỉ trích hướng về các lỗ hổng của đồng euro, còn Bộ trưởng Schauble chính là người đã giúp hình thành nên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Báo giới nhận định rằng kết quả của cuộc chiến giữa hai nhân vật này sẽ định hình tương lai của Hy Lạp cũng như châu Âu.

Khi bộ trưởng… đối đầu

Ở ông Yanis Varoufakis, người ta nhìn thấy sự kết hợp hiếm thấy giữa chất học giả và phong cách nhạc Rock’N’Roll. Ông vận dụng tất cả các khái niệm như “đường xoắn ốc giảm phát”, “tinh thần động vật” và “hành vi ký sinh” trong quá trình điều hành kinh tế Hy Lạp.

Trong cuốn sách xuất bản năm 2011, ông cho rằng nguyên nhân của khủng hoảng 2008 là do Hiệp định Bretton Woods (từ năm 1944) và sự ra đời của những tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Là người Athens chính cống, ông Varoufakis đi xe máy Yamaha phân khối lớn thay vì ôtô và xuất hiện trong các cuộc họp với những nhân vật tầm cỡ rất đơn giản, trong trang phục áo khoác da và áo sơ mi bỏ ngoài quần.

Các bộ trưởng tài chính châu Âu có xu hướng xuất hiện trước công chúng trong hình ảnh nghiêm túc đến nhàm chán trong khi các nhân viên của họ tìm ra giải pháp kỹ thuật ở phía sau cánh gà. Đó không phải là phong cách của Bộ trưởng Yanis Varoufakis. 

Trong suốt 4 tháng qua, ông đã tự tư duy về các thay đổi liên quan tới chính sách của Eurozone trong mỗi buổi họp báo, phỏng vấn hay tiếp xúc với đối tác. Ông đã đề nghị chuyển đổi các khoản vay của Hy Lạp thành trái phiếu gắn liền với tăng trưởng GDP. Ông cũng kiến nghị Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) nên vực dậy nền kinh tế Hy Lạp bằng cách mua trái phiếu được phát hành bởi Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB). EIB nên đầu tư vào các doanh nghiệp Hy Lạp có triển vọng để giải quyết “nút thắt” của kinh tế Hy Lạp. Các lãnh đạo doanh nghiệp hào hứng ủng hộ ông Varoufakis, nhận định “sẽ là quá ngu ngốc nếu không triển khai kế hoạch này”.

Tuy nhiên, có một nhóm người không hề hào hứng trong khi họ mới chính là những người ảnh hưởng lớn nhất đến các gói cứu trợ dành cho Hy Lạp: Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schauble và các đồng minh của ông. Đối với ông Schauble, mọi quan điểm của ông Varoufakis là một sự phản bội có thể phá vỡ các cam kết. Người dân Đức thì phản đối Varoufakis sau khi đoạn phim quay cảnh ông này có hành động nhạo báng nước Đức.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (phải) và Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble luôn lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ nhiều quan điểm kinh tế ở hai thái cực hoàn toàn trái ngược.

Có thể lối suy nghĩ của ông là đúng, nhưng đó không phải là cách hành xử của một bộ trưởng tài chính. Và khơi mào cho cuộc khẩu chiến giữa hai vị bộ trưởng có lẽ là tuyên bố của ông Varoufakis trong một cuộc họp báo ở Berlin vừa qua: “Tôi và Schauble đã nhất trí sẽ không thống nhất về bất cứ điều gì”.

Bộ  trưởng Wolfgang Schauble theo đuổi mục tiêu châu Âu  thống nhất. Là cấp phó được tin cậy của Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl, ông đã dẫn đầu các cuộc đàm phán nhằm thống nhất Đông và Tây Đức trong năm 1990. Năm 1998, ông kế nhiệm ông Kohl trở thành Chủ tịch Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Ông từng tranh cử thủ tướng nhưng không thành sau khi đảng của ông vướng vào vụ bê bối liên quan đến vận động tranh cử bất hợp pháp.

Dưới trướng của Thủ tướng Đức từ năm 1998 đến 2005 là Gerhard Schrader, ông Wolfgang Schauble đã góp phần đưa ra nhiều quyết sách và thay đổi cơ cấu làm việc để nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp và cắt giảm các trợ cấp an sinh xã hội cũng như giảm lương hưu để các công ty dễ dàng sa thải những công nhân làm việc không hiệu quả.

Cho tới năm 2009, ông được Thủ tướng Angela Merkel bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Tài chính, và tiếp tục trở thành cánh tay đắc lực của “người đàn bà thép”.  Phát biểu trên báo chí Đức ngày 4/7 vừa qua, Wolfgang Schauble cho rằng ông hoàn toàn không bất ngờ nếu Hy Lạp bị phá sản. Theo đó, trên cơ sở dữ liệu kinh tế và chính sách của Chính phủ Hy Lạp, ngay từ đầu, ông đã rất hoài nghi các cuộc đàm phán với Athens có thể đi tới thành công. Bộ trưởng Schauble cũng không bác bỏ khả năng Hy Lạp buộc phải rời khỏi khu vực Eurozone, cảnh báo việc này sẽ gây ra hậu quả “khủng khiếp”, làm mất sự tín nhiệm cũng như uy tín của châu Âu với thế giới.

Là một trong những chính khách chỉ trích Hy Lạp gay gắt nhất, ông Wolfgang Schauble cũng không quên an ủi rằng, sẽ chỉ là “tạm thời” nếu nước này phải ra khỏi khu vực Eurozone. Đáp trả lại những phát ngôn của người đồng cấp Đức, Yanis Varoufakis, ngay trước thềm cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp, đã lên án gay gắt bộ ba chủ nợ quốc tế, bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), IMF và ECB. Theo ông, những gì họ làm với Hy Lạp chính là khủng bố khi buộc Athens phải đóng cửa các ngân hàng để gieo rắc sự hoảng loạn trong dân chúng.

Chưa thể kết thúc

Hy Lạp đang chịu sức ép rất lớn. Ông Yanis Varoufakis rơi vào một cuộc chiến vô cùng quyết liệt khi phải thể hiện mình trong các cuộc đàm phán khó khăn. Hơn một tháng trước, Varoufakis từng phải đối mặt với ông Wolfgang Schauble và 17 bộ trưởng khác đến từ các nước thành viên của Eurogroup (nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone). Họ đã gây áp lực buộc Hy Lạp phải cắt giảm chi tiêu công, cổ phần hóa bến cảng lớn nhất và tăng thuế để đổi lấy khoản tiền cứu trợ 240 tỷ euro. 

Nhưng ông Yanis Varoufakis cho rằng chính chương trình thắt lưng buộc bụng đã khiến Hy Lạp rơi vào một “phiên bản châu Âu” của cuộc đại suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25% và nền kinh tế bị thổi bay 1/4 kể từ năm 2010 đến nay. Ông từ chối bất cứ chính sách nào khiến dân thường phải gánh thêm nhiều nỗi đau trong khi các ông trùm và chủ ngân hàng vẫn nhởn nhơ. Thay vào đó, ông muốn một thỏa thuận mới cho Hy Lạp. Để đạt được mục tiêu này, ông Varoufakis đã chuẩn bị một danh sách những thay đổi khiến Hy Lạp cảm thấy dễ chịu hơn, ví dụ như đặt mục tiêu thặng dư ngân sách 1-2% thay vì mức 4,5% mà các chủ nợ đưa ra.

Nhưng ông Yanis Varoufakis đã thất bại. Trong một cuộc họp kín ở thư viện quốc gia Latvia, ông Wolfgang Schauble đã kêu gọi thành công toàn bộ Eurogroup từ chối lời đề nghị của Yanis Varoufakis. Dù ít nói nhưng Wolfgang Schauble là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên bàn tròn nhờ vào sức mạnh của nền kinh tế Đức. Và Schauble chưa bao giờ ngừng chỉ trích mạnh mẽ nhất về sự yếu kém của Athens trong việc dọn sạch các thể chế chính trị gây lãng phí, kể cả trước mặt Varoufakis.

Sự đối đầu giữa hai nhân vật Schauble và Varoufakis bắt nguồn từ câu hỏi đã tồn tại từ khi đồng tiền chung châu Âu ra đời ngày 1/1/1999 nhưng cho tới nay vẫn chưa có lời giải đáp: Phải có kế hoạch ứng phó như thế nào nếu như một trong các thành viên của Eurozone phá sản? Tình hình ở Hy Lạp một lần nữa lại đang là điểm nóng khiến các nhà lãnh đạo châu Âu  phải tổ chức nhiều cuộc họp tranh cãi về lối thoát dành cho đất nước này. Hai bộ  trưởng Varoufakis và  Schauble cũng như các bộ trưởng tài chính khác sẽ bước vào những cuộc tranh cãi nảy lửa.

Bộ trưởng Schauble cho rằng vấn đề không thực sự phức tạp. Bộ trưởng Đức vừa đạt được mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn thâm hụt ngân sách ở Đức cho rằng chi tiêu hợp lý là cái gốc thực sự của thịnh vượng. Còn ở Hy Lạp, đất nước mà các nhà kinh doanh thường tìm mọi cách để lách thuế giá trị gia đình, nhiều luật lệ đã bị phá vỡ. Sống trong môi trường mà luật lệ có thể thay đổi bất chợt, người Hy Lạp có những quan điểm hoàn toàn khác biệt.

Đối với ông Varoufakis, “xé rách” các chương trình thắt lưng buộc bụng không phải là một hành động chống đối mà chỉ là một cách để tìm ra kế hoạch công bằng hơn giúp đất nước của ông hồi sinh. Cuộc đối đầu giữa hai bộ trưởng Schauble và Varoufakis đã trở thành cuộc tranh cãi mang nhiều cảm xúc giữa hai quốc gia Đức và Hy Lạp. 

Thế nhưng, nhiều khả năng cuộc đối đầu này sẽ chuyển sang trang mới khi ông Yanis Varoufakis bất ngờ tuyên bố từ chức bộ trưởng tài chính ngày 6/7 vừa qua. Động thái này của ông khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi trước đó ông tuyên bố chỉ từ chức khi người Hy Lạp bỏ phiếu chấp thuận các yêu cầu của nhóm chủ nợ trong cuộc trưng cầu dân ý.

61% cử tri Hy Lạp bỏ phiếu “Không” với gói cứu trợ tài chính của các chủ nợ nước ngoài, ủng hộ Chính phủ Hy Lạp chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Điều này không đủ sức níu chân Yanis Varoufakis khi ông nói rằng sự ra đi của mình sẽ giúp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thương lượng tốt hơn với các chủ nợ nước ngoài, bởi một số các thành viên nhất định của khu vực châu Âu và các đối tác “dễ chịu hơn” khi ông vắng mặt trong các cuộc họp”.

Trước sự việc này, Wolfgang Schable vẫn rất lạnh lùng, chia sẻ rằng không nên tin vào những lời hứa hẹn mà ông Yanis Varoufakis đưa ra, kiểu như “tôi thà mất đi cánh tay còn hơn ký thỏa thuận với chủ nợ mà không đi kèm với điều kiện gia hạn nợ”. 

Ông nhận định kết quả bỏ phiếu đã “phá vỡ cây cầu cuối cùng có thể đi tới một thỏa hiệp giữa Hy Lạp và châu Âu”. Sau cùng, mọi thứ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tương lai của Hy Lạp trong khối Eurozone sẽ được các lãnh đạo châu Âu định đoạt trong thời gian sắp tới…

Anh Doãn
.
.