Hình thái chủ nghĩa khủng bố mới: Biến tướng khó lường

Thứ Sáu, 21/11/2014, 16:33

Kể từ sau vụ tấn công 11/9/2001, nước Mỹ đã tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden và thu hẹp đáng kể phạm vi ảnh hưởng của tổ chức Al-Qaeda. Tuy nhiên, chủ nghĩa khủng đang thay đổi các đặc điểm và tính chất khiến việc ngăn chặn nó ngày càng khó khăn và gặp nhiều thách thức hơn. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế đã từng bước phát triển từ tổ chức hữu hình trước kia trở thành một hình thái ý thức - tư tưởng khủng bố, chi phối rất nhiều hoạt động của các tổ chức khủng bố địa phương.

Những năm trở lại đây, nhiều tổ chức khủng bố mới lần lượt ra đời, phạm vi hoạt động và phương thức khủng bố được mở rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Đây cũng là thời kỳ mà tội phạm khủng bố quốc tế bắt đầu thể hiện rõ những đặc trưng như: tính quốc tế, tính chính trị, và tính bạo lực. Điển hình nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - một lực lượng tàn bạo với những vụ hành quyết, chặt đầu và cưỡng hiếp dã man, gây ra quá nhiều đau thương cho người dân bằng hệ tư tưởng của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố Hồi giáo.

Xu thế “địa phương hóa”

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, các tổ chức khủng bố quốc tế ngày nay có xu thế thu nhỏ lại, chuyển từ một tổ chức lớn thành nhiều tổ chức nhỏ nhưng mức độ tinh vi lại tăng lên rất nhanh và mang đậm “dấu ấn cá nhân”. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế ngày nay chỉ lấy danh nghĩa là các tổ chức khủng bố địa phương, biến cái hữu hình thành cái vô hình. Điều này đã trở thành một “biểu tượng tinh thần khủng bố” trên toàn cầu. Lực lượng khủng bố ngày nay không huy động tiền của như các tổ chức khủng bố tiền thân. Chúng kinh doanh, thao túng kinh tế, và tự “tích tiểu thành đại”. Lấy ví dụ tổ chức IS, chúng được ví như Taliban với những giếng dầu trong tay. Mỗi ngày IS bán được tới 30 nghìn thùng dầu với giá rẻ hơn giá thị trường chung trên thế giới, trở thành tổ chức khủng bố giàu nhất trên thế giới. Điều này khiến việc theo dõi hoạt động gây quỹ của các thế lực khủng bố ngày càng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các tổ chức này ít khi dùng tiền để chi cho các hoạt động chế tạo hoặc mua vũ khí, mà tập trung vào công tác chiêu mộ, du lịch và mở lớp bồi dưỡng tư tưởng.

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng các phần tử khủng bố đã chĩa mũi súng tấn công chủ yếu vào những thành phố có ý nghĩa tượng trưng, trung tâm kinh tế chính trị có sự ảnh hưởng lớn, đô thị có mật độ dân số cao hay các sự kiện đông người tham dự. Lần đầu tiên, Trung Quốc bị khủng bố tấn công quảng trường Thiên An Môn, mặc dù không phải là vụ khủng bố đẫm máu. Một chiếc xe Jeep do nhóm Hồi giáo Uyghur đòi ly khai hoạt động ở Tân Cương, thuộc phong trào Hồi giáo Ðông Turkestan, kích nổ ngày 28/10/2013 trước cổng chính quảng trường Thiên An Môn là một đòn đau cho bộ máy an ninh khổng lồ của Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận những hành động khủng bố. Những năm gần đây, khu tự trị Tân Cương thường xuyên xảy ra các vụ đụng độ đẫm máu. Căng thẳng giữa chính quyền Trung ương với người Ngô Duy Nhĩ là điều không mới, nhưng vụ tấn công liều chết để nhằm vào một mục tiêu chính trị nhạy cảm như Thiên An Môn cho thấy một diễn biến mới.

Trên thực tế, các phần tử khủng bố hiện nay không cần thời gian lên kế hoạch lâu dài như trước, thậm chí không cần phải là những người mới theo chủ nghĩa khủng bố. Sau khi được chiêu mộ, chúng chỉ cần bị tẩy não và được huấn luyện là có thể tiến hành các hoạt động tấn công. Ngoài ra, việc chiêu mộ những phần tử khủng bố mới không chỉ gói gọn ở các nước Ảrập hay một số nước châu Âu, mà hướng sang dân địa phương, hoặc thậm chí là con cháu đời thứ 2 - 3 của những người di dân. Xu thế “địa phương hóa” thế lực khủng bố quốc tế là một trong những thay đổi cơ bản của sự phát triển chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Đó là sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức tội phạm như các tổ chức tôn giáo cực đoan địa phương, các thế lực dân tộc chủ nghĩa, các thế lực phân biệt chủng tộc hoặc các tổ chức tội phạm xã hội đen. Mỹ giờ đây xác định mối đe dọa lớn nhất không phải là các cuộc tấn công quy mô lớn được lên kế hoạch và điều phối từ bên ngoài, mà chính là những nhóm hoặc cá nhân sinh sống tại Mỹ.

Chính vì vậy, chính quyền Tổng thống Barack Obama vừa qua đã công bố chiến lược quốc gia mới về chống khủng bố, nhấn mạnh việc “tập trung triệt tiêu khả năng hình thành và liên kết các nhóm khủng bố trong nước Mỹ”. Với chiến lược này, an ninh nội địa đã lần đầu tiên trở thành lĩnh vực trọng tâm trong các nỗ lực chống khủng bố của xứ Cờ hoa.


“Thánh hóa” hệ tư tưởng

Cùng với sự chuyển hướng trọng tâm an ninh của nước Mỹ, chủ nghĩa khủng bố hiện đại sau khi thủ lĩnh Al-Qaeda Osama Bin Laden bị tiêu diệt  đã mang những màu sắc mới. Lực lượng khủng bố không lạm dụng chiêu bài bảo vệ sự công bằng hay lợi ích của những người bị thua thiệt trong xã hội, mà chuyển hướng mục tiêu vào nội địa các quốc gia chúng đóng quân. Trên phạm vi quốc tế đã bắt đầu xuất hiện xu thế ảnh hưởng lẫn nhau, liên kết giữa một vài tổ chức tội phạm khủng bố, để tiến hành các hoạt động phạm tội với quy mô lớn hơn và tính chất ngày càng tàn bạo với nhiều phương thức liên tục biến đổi.

Chủ nghĩa khủng bố có liên hệ mật thiết với giáo lý đạo Hồi, và hầu hết những kẻ khủng bố hiện nay trên thế giới đều tự xưng là những tín đồ của đạo Hồi chính thống. Tất cả đều “thánh hóa” các hành vi khủng bố của mình bằng cách dẫn chứng những câu thơ trong kinh Koran hoặc những lời nói của giáo chủ Muhammad tạo nên những hệ tư tưởng đặc thù. Từ đây, chúng thực hiện các cuộc thánh chiến nhằm tăng cường tình đoàn kết giữa người Hồi giáo và đưa họ đến với các cuộc “xung đột giữa các nền văn minh” nhằm tránh cho thế giới Hồi giáo không phải chịu ảnh hưởng cả về văn hóa và chính trị từ bên ngoài cũng như từ các tôn giáo khác.

Nghiên cứu về Al-Qaeda cho thấy thực tế mạng lưới khủng bố khét tiếng lớn nhất thế giới này chưa hề “rửa tay gác kiếm”. Để xây dựng và duy trì một hệ tư tưởng có tính gắn kết cao, các thủ lĩnh của Al-Qaeda đã kêu gọi tấn công vào các chính quyền “mục nát” tại tất cả những nơi có người Hồi giáo sinh sống, trong đó chủ yếu là Mỹ và các nước phương Tây. Kết quả là, một hệ tư tưởng trộn lẫn giữa tư tưởng chiến đấu chống các loại kẻ thù của đạo Hồi ở ngay bên trong thế giới Hồi giáo và tư tưởng chiến đấu chống các loại kẻ thù của nó trên phạm vi toàn cầu đã ra đời. Và biện pháp bao trùm tất cả mọi hoạt động của tổ chức này đã được thông qua, đó là “tử vì đạo”.

Cuối tháng 9/2013, nhóm khủng bố Al Shabaab của Somali đã tuyên bố nhận trách nhiệm “vụ tắm máu” tại thủ đô Nairobi (Kenya) làm chết 68 người và làm bị thương hàng trăm người vô tội. Điều đáng chú ý là “góa phụ trắng” Samantha Lewthwaite, người có chồng đã thực hiện vụ đánh bom tự sát kinh hoàng ở London năm 2005, là kẻ cầm đầu vụ tấn công, đã bị bắn hạ trong khi đọ súng với lực lượng an ninh.

Sự kiện này cho thấy các tổ chức khủng bố coi các thường dân vô tội là mục tiêu chính bởi lẽ càng có nhiều nạn nhân chết trong một vụ khủng bố thì tiếng vang trong dư luận càng lớn, khiến “đối phương” không thể ngồi yên. Ngoài ra, nếu trước đây phụ nữ đóng vai trò bị động, bị ép buộc thì nay họ đã chủ động tiến hành những vụ tấn công khủng bố, thậm chí lãnh đạo cả một nhóm khủng bố.

Tuy nhiên, khủng bố thời kỳ hậu Bin Laden càng trở nên khốc liệt, nhất là khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria xuất hiện. Sự bành trướng của IS đã vượt tầm kiểm soát của Mỹ và các nước Trung Đông, sự tồn tại của nó có thể sẽ gây họa trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng khu vực này. Điều này bắt buộc Mỹ phải mở chiến dịch không kích nhằm hậu thuẫn cho các lực lượng khác đập tan sự tồn tại của IS.

Ghê gớm hơn nữa là IS đã hiện thực hóa được tư tưởng thống nhất đạo Hồi, từ một tổ chức Hồi giáo cực đoan dòng Sunni trở thành một nhà nước hiện hữu, sẵn sàng chém giết bất cứ ai trái ý chúng. IS đã biến tướng thành một nhà nước khủng bố, vượt trên tầm 1 tổ chức Hồi giáo thánh chiến hùng mạnh như Al-Qaeda. “Tư tưởng IS” đã thành công rực rỡ trong việc gửi đi khắp toàn cầu một thông điệp rằng sự thống nhất của thế giới Hồi giáo và lý tưởng xây dựng một nhà nước Hồi giáo “hoàn toàn thanh tẩy” là điều có thể. Dù vô cùng tàn ác, IS vẫn rất khôn khéo và giỏi mị dân, đã sắp xếp cuộc sống trên lãnh thổ của mình theo cách quy củ và từng bước xâm nhập vào gần như mọi mặt đời sống người dân. Nhóm IS nổi bật trên truyền thông quốc tế nhờ vào lối hành xử tàn nhẫn trên chiến trường và cách giải thích đầy khắc nghiệt về đạo Hồi.

Sự kiện nhà báo người Mỹ James Foley bị IS chặt đầu và quay phim không chỉ là một thảm kịch đáng ghê tởm. Đó là phương thức truyền thông mới rất tinh vi, nhằm tuyên bố những thông điệp mang tính toàn cầu mà IS đã khéo léo lồng vào những biểu tượng được nhấn mạnh một cách có chủ đích. IS sẽ chẳng có bất kỳ hạn chế nào trong hành động mà chúng muốn tiến hành, và luôn có cách thức riêng để đối phó với mọi chiến lược khủng bố. Quan trọng hơn, IS tham vọng tiêu diệt toàn bộ người dân phương Tây, hay tất cả những ai sống trong thế giới Hồi giáo nhưng không chấp nhận đạo Hồi.

Tại sao khủng bố lại lan rộng đến vậy? Xu thế toàn cầu hóa mà tất cả các quốc gia đang tiến hành lại chính là môi trường lí tưởng để các nhóm khủng bố xuyên quốc gia phát triển. Ranh giới giữa khủng bố trong phạm vi một đất nước và khủng bố xuyên quốc gia đang ngày càng lu mờ. Khi IS vượt biên đánh sang Iraq, Mỹ mới nhận ra rằng, chúng sẵn sàng tiêu diệt bất cứ chính thể dòng Shia nào, kể cả là đồng minh của Mỹ. Đến bây giờ, khi Mỹ muốn “bóp chết” IS thì tổ chức Hồi giáo cực đoan này sẵn sàng tiêu diệt luôn cả người Mỹ.

Điều này cho thấy, chiến dịch chống lực lượng IS nói riêng và khủng bố toàn cầu nói chung đòi hỏi phải có sự đoàn kết chặt chẽ hơn nữa giữa các nước để chống lại nguy cơ khủng bố ở từng quốc gia, từng khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, cũng cần áp dụng đồng thời và triệt để các biện pháp về ngoại giao, kinh tế và giải giáp các nhóm vũ trang. Có lẽ như vậy sẽ hiệu quả hơn, bởi vì kinh nghiệm và thực tế đã chứng minh rằng, việc tiến hành một cuộc chiến quân sự chống khủng bố với các biện pháp mạnh sẽ chỉ mang lại kết quả hạn chế và không bao giờ giải quyết được gốc rễ của vấn đề…

Anh Doãn - Hồng Hạnh
.
.