Biển trong thơ cổ

Thứ Bảy, 20/06/2020, 07:29
Việt Nam là một quốc gia biển, người Việt đã sống chung với biển cả ngàn năm lịch sử. Biển đã in dấu trong hàng trăm tác phẩm văn học. Các sáng tác văn học biển với những tác phẩm thi ca của hàng loạt các tác giả nổi tiếng mà phần lớn của các hoàng đế, các nhà Nho, nhà văn hóa như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi... 

Hàng trăm tác phẩm viết về biển, các hải cảng, các danh lam thắng tích cửa biển đã tạo nên sự phong phú về nội dung nghệ thuật. Các tác phẩm này ca ngợi vẻ đẹp non sông, các chiến tích lẫy lừng của thủy trận trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Đây là một mảng văn học chiếm một ví trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam.

Những tác phẩm này, ngoài giá trị như những sử liệu, còn mang nhiều giá trị về mặt nghệ thuật. Đó là cảm hứng dân tộc, cảm hứng nhân văn và khái cảm lịch sử... Ví dụ trong bài thơ Hạnh An Bang phủ, Vua Trần Thánh Tông (1240-1290) viết như sau: “Sáng leo lên đỉnh mây trời, Tối về vụng biển nằm ngơi trăng vàng. Bỗng nhiên được thú thênh thang, Bao nhiêu thi tứ tuôn tràn cung mây”.

Đây là bài thơ sớm nhất hiện còn viết về biển Việt Nam mà lại là một tác phẩm của một vị quốc chủ. Nhan đề bài thơ cho thấy, tác giả đang có một cuộc tuần hành (công cán chính trị) đến một đơn vị hành chính ngoài biển là phủ An Bang (tức Quảng Ninh ngày nay).

Thế nhưng, đọc cả bài thơ, chúng ta chỉ thấy một thi nhân đang thảnh thơi giữa giang sơn gấm vóc. Sáng leo lên đỉnh núi phủ đầy mây nổi, chiều về lại nằm ngủ trong vịnh trăng trong. Xúc cảnh sinh tình nên nhà thơ mới dạt dào thi tứ.

Trong cảm hứng của ông, cái đẹp của non sông có khi còn gắn liền với cảm hứng thế sự, cảm hứng chính trị như bốn câu thơ cuối của bài Hạnh Thiên Trường hành cung: “Trăng vô sự chiếu người vô sự. Nước mùa thu ngậm trời mùa thu. Bốn bể đã trong, nhơ đã lắng. Năm nay chơi thú vượt năm xưa”. Bài thơ cho thấy một tâm thái an lạc, tĩnh tại.

Sự tĩnh tại, an lạc không chỉ tồn tại như một cảm xúc thẩm mỹ mà còn như như một triết lý nhân sinh. Đó là khoảnh khắc nhàn hạ giữa trăm công nghìn việc của một vị đế vương. Đầu bài thơ là khung cảnh thanh u, vắng lặng. Nhà thơ ca ngợi vùng đất Thiên Trường như một đảo châu trong các tiên đảo huyền thoại. Trăm loài chim hót véo von như sênh phách. Ngàn hàng quýt xanh mướt gợi nhớ đến điển “nô bộc quất” của Lý Hoành, hàm ý nhấn mạnh sự phong nhiêu của sản vật như là một biểu hiện của một nền chính giáo lành mạnh.

Còn con người chủ thể ở đây, tuy thảnh thơi đấy, tuy nhàn tản đấy nhưng kể cả trong lúc đó, ông vẫn nghĩ về những vấn đề của đất nước: “Bốn biển trong xanh bởi đã sạch bóng quân thù”. Câu thơ hẳn có sự hồi hướng đến cuộc chiến oai hùng chống giặc Nguyên Mông năm nào.

Như vậy, từ góc độ hình tượng, các hình ảnh về biển đã trở thành một yếu tố không thể tách rời trong cảm quan nghệ thuật và khái cảm lịch sử. Biển đã trở thành một thực thể không thể tách rời trong tâm não và ý chí. Cái ý vị lịch sử ấy đã trở thành một nguồn mạch xuyên suốt qua nhiều đời, ở nhiều chiều kích khác nhau, như câu thơ sau đây của Vua Trần Anh Tông (1276-1320) khi ông dừng lại cảng Phúc Thành trên đường đi chinh phạt Chiêm Thành:

Ngọn tùng xóm núi trăng tỏa ánh,

Đầu sóng làng chài gió thổi hồng.

Muôn đội cờ bay, lòa mặt biển,

Năm canh kèn trống, động thiên không.

Đó là một cảm giác khác khi nhìn đất nước của mình từ một góc nhìn khác: góc nhìn từ phía biển. Từ biển mà ngắm trăng lên, trăng vừa nhô lên khỏi đỉnh núi, chiếu ánh sáng thoải từ sườn non cho đến chân non, làm hiện ra những ngôi nhà xóm núi. Ở một góc khác, những làng chài (ngư quốc) như những hoa tiêu nơi đầu sóng ngọn gió, với bạt ngàn hoa răm duyên hải phô sắc hồng rực rỡ.

Không chỉ là các thủ pháp miêu tả của hội họa sơn thủy truyền thống nữa mà ở đây tác giả đã hoạch định, đã triển khai một không - thời gian rất động: vầng trăng ló đỉnh núi là động, kéo theo sự phát lộ của ngọn thông, của chân núi, của dân cư. Những làng chài dập dềnh trong sóng biển, gió biển cũng là động, gió lướt qua các triền hoa răm biển ven bờ đỏ rựng cũng là động.

Nhưng, động hơn cả là muôn đội cờ xí bay sáng lòa mặt biển, với tiếng trống trận náo nức suốt năm canh như từ cung trời dội xuống. Đó là một diễn ngôn sống động về khí thế anh hùng của thời đại Đông A: “Tuốt mây gươm giáo dựng non ngàn. Biển nuốt thủy triều cuốn tuyết tan”.

Đôi câu thơ trên của Vua Trần Minh Tông (1300-1357) khi đi thăm lại chiến trường xưa trên cửa sông Bạch Đằng cũng cho thấy một khí thế tương tự. Núi biếc dựng chót vót như kiếm kích đang lôi tuột mây xanh xuống nước thẳm. Cửa biển nuốt nhả thủy triều bằng cách cuốn lấy những làn sóng bạc. Sông núi cổ kim mở ra trong đôi mắt nhà thơ. Đó là cái nhìn “siêu việt thời gian”, để kết nối quá khứ với hiện tại, để hồi cố lại chiến thắng oanh liệt trên cửa sông lịch sử. Đến cuối bài thơ, tác giả kết bằng hình ảnh thơ cực dữ dội và hùng tráng:

Chan chứa dòng sông ngầu bóng xế,

Ngỡ là máu giặc hãy còn tươi.

(Đào Phương Bình - Nam Trân dịch)

Khái cảm lịch sử với cái nhìn “siêu việt thời gian” có thể coi là một đặc điểm điển hình trong thi pháp văn học Trung đại. Bất kỳ ai, nếu một lần có cơ hội được đứng trên những địa danh đã đi vào lịch sử như Bạch Đằng cũng đều có chung cảm hứng như vậy, từ Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, cho đến Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi:

Khí biển hơi may thổi lạnh rùng,

Bạch Đằng qua cửa nhẹ buồm dong.

Chòm chòm núi đá kình băm xác,

Lớp lớp bờ lau kiếm nát chồng.

(nhóm Đào Duy Anh)

Với Nguyễn Trãi, khi nhìn biển, ngoài khái cảm lịch sử, ông luôn đưa ra những nhận định về quy luật của vũ trụ và lẽ hưng vong của cuộc đời.

Cọc đóng trùng trùng trước sóng khơi

Lại ngầm lưới sắt bủa nơi nơi

Lật thuyền biết hẳn dân như nước

Dựa hiểm bằng đâu mệnh tại trời.

(Lê Cao Phan dịch)

Nhìn cửa biển nay như một hệ thống phòng thủ then chốt với rừng cọc lưới sắt - binh hùng tướng mạnh, nhà thơ không chỉ đề cập đến những nỗ lực về quân sự và nghệ thuật binh pháp mà còn đặt nó trong quan niệm chung về sự tổng hòa của các yếu tố địa chính trị để làm nên sự vững mạnh của một đất nước. Đó là sự tổng hòa của 3 yếu tố: thiên thời - địa lợi - nhân hòa theo quan niệm truyền thống.

Quân sự hùng hậu chỉ là một biểu hiện của “nhân hòa”, còn điều cơ bản nhất của sức mạnh quân sự, của sự vững bền thể chế và sự tồn vong của triều đại chính là ở “lòng dân”. Sự nhắc nhở kinh nghiệm chính trị từ nguồn dẫn kinh điển Nho gia ở đây cho thấy, Nguyễn Trãi luôn đặt thực thể triều đại trong mối tương quan với bối cảnh chính trị xã hội và học thuyết Nho giáo về đức trị/văn trị. Điều này ông còn nhắc lại một lần nữa trong bài Quan duyệt thủy trận:

Biển Bắc năm xưa đã diệt kình,

Thanh bình còn gắng luyện nhung binh.

Tinh kỳ phơi phới mây liền bóng,

Chiêng trống rùng rùng đất chuyển thanh.

Muôn kiếm lòa sương tỳ - hổ dữ,

Nghìn thuyền bày trận quán - nga tranh.

Lòng vua cùng muốn dân ngơi nghỉ,

Văn trị nên xây dựng thái bình.

(nhóm Đào Duy Anh)

Như thế ở đây, chúng ta vẫn thấy khái cảm lịch sử luôn đi đôi, luôn song hành với tư tưởng Nho giáo. Yếu tố “lòng dân” được coi như là lực lượng/ nguyên nhân then chốt cho việc “chở thuyền, lật thuyền” - những cuộc canh cải sơn hà. Và lòng dân, theo quan niệm của Nho giáo là sự nhất thể của cái sở dục giữa “thánh tâm” (nhà vua đại diện cho thế lực chính trị) với dân tâm (đại diện cho sức mạnh của cả cộng đồng Nhân dân).

Đây là một trong những nền tảng cơ bản cho tư tưởng dân bản của Nho giáo trong lịch sử. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” đó phải được thực thi bởi những biện pháp chính trị theo đúng khuôn mẫu của kinh điển, ấy là “văn trị”. Thời loạn thiên về võ trị, thời bình chuộng dùng văn trị; còn dân bản là nền tảng cho cả hai phương thức chính trị đó.

Như trên đã phân tích, tư tưởng Nho giáo đã chi phối đến quan niệm thẩm mỹ của các sáng tác văn học biển đảo. Như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, Nho giáo đã trở thành động - năng lực để người Việt hướng biển và từ biển mở rộng về phương Nam. 

Việc áp dụng lý thuyết diễn ngôn trong nghiên cứu mảng đề tài này ít nhiều có đóng góp trên phương diện lý luận văn học, góp phần soi sáng một góc khuất nhưng thú vị của lịch sử văn học và lịch sử văn hóa. 

Cùng với núi và đồng bằng, những diễn ngôn hướng biển với những tri nhận hoặc mỹ cảm về biển có thể coi là những xu hướng không thể không xem xét đến khi nghiên cứu về lịch sử văn học nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung.

Trần Trọng Dương
.
.