Bí mật tuổi thọ của người dân ở nơi đắt đỏ nhất thế giới

Thứ Tư, 01/01/2020, 17:30
Một thành phố được coi là trung tâm tài chính châu Á với lối sống công nghiệp đầy áp lực, hố sâu giàu nghèo ngày càng đào sâu với những căn nhà siêu nhỏ có giá cao cắt cổ và những bất ổn chính trị bủa vây…

Tất cả những yếu tố này dường như không liên quan đến câu chuyện người Hong Kong có tuổi thọ cao nhất thế giới vượt cả những quốc gia như Nhật Bản, Ý. Vậy bí mật đằng sau kỷ lục này là gì?

Timothy Kok, người hàng xóm kế bên căn hộ của tôi ở Vịnh Đồng La là một triệu phú của Hong Kong, khi ông sở hữu căn nhà triệu đô có những ô cửa nhìn ra vịnh biển Victoria và công viên Victoria Park nằm trong khu thương mại sầm uất nhất bán đảo Hong Kong. 

Ông Kok 85 tuổi, là người gốc Triều Châu di cư đến Hong Kong từ những năm 40 của thế kỷ 20, hiện sống cùng vợ và hai người giúp việc Indonesia. Mái ấm của ông lọt thỏm giữa những toà nhà cao chọc trời nhưng ngay sát bên là một công viên và một bờ biển với những chiếc du thuyền thong dong neo bến. 

Là một người Hong Kong trên 65 tuổi, ông Kok sở hữu những đặc quyền đặc lợi mà không phải người già nào trên thế giới cũng có thể chạm đến. Ông Kok có thể di chuyển đến tất cả các địa điểm trong 1.000 cây số vuông của Hương Cảng bằng tàu điện ngầm, xe bus, phà, tàu điện trạm với giá 2 đô la Hong Kong (tương đương 6.000 VND). 

Nếu ông mắc một chứng bệnh phải cấp cứu, xe cứu thương sẽ có mặt ngay tức khắc và chuyển ông vào những bệnh viện công lập như Queen Mary có đội ngũ y bác sỹ giỏi chuyên môn và phương tiện cứu chữa hiện đại nhất thế giới. 

Với những bệnh thông thường, ông tốn 50 HKD (tương đương 150 nghìn VND) cho  công khám, xét nghiệm và thuốc uống nhập từ các nước châu Âu hoặc Mỹ. Hàng năm, ông  được chính phủ cấp voucher khám sức khoẻ tại cơ sở y tế công lập hoặc tư nhân có giá trị từ 2.000 đến 5.000 HKD cho chi phí nha khoa, vật lý trị liệu, y học cổ truyền Trung Hoa hoặc tiêm vaccine miễn phí. 

Hàng tháng, ông có thể làm đơn xin trợ cấp an sinh chính phủ có giá trị từ 3.500 đến 5.000 HKD (15 triệu VND) cho các khoản sinh hoạt phí. Ngoài ra, với thẻ "senior card"- dành cho công dân trên 65 tuổi, ông có thể tham quan các bảo tàng, triển lãm, hội chợ miễn phí; tiếp cận các điểm vui chơi giải trí hoặc ăn uống tại các nhà hàng với mức giá 0 đồng hoặc ưu đãi đặc biệt. 

Nếu chẳng may ông bị bệnh nan y hiểm nghèo mà không có con cái chăm sóc, thì ông có thể được tiếp cận dịch vụ chăm sóc người già tại nhà của chính phủ hoặc vào sống ở những khu nhà xã hội đặc biệt chỉ với giá thuê khoảng 2.000 HKD / một tháng. 

Đó chỉ là một trong số hàng trăm phúc lợi xã hội mà người cao tuổi ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới được hưởng thụ và những phúc lợi này dường như cũng là nhân tố góp phần giúp người già Hong Kong vượt qua người già Nhật Bản, trở thành những công dân có tuổi thọ cao nhất toàn cầu.

Dễ dàng tiếp cận mọi thứ

Gần hai năm sống ở Hong Kong, điều khiến tôi ấn tượng nhất ở thành phố này là quy hoạch giao thông và đô thị vô cùng thuận tiện. Nếu quan sát từ trên cao, bạn có thể thấy xen kẽ giữa hàng trăm toà nhà chọc trời là những công viên xanh ngắt với những bờ biển chạy dài và trùng điệp núi đồi nhấp nhô. 

Đi sâu vào từng khu phố, chỉ cần 5 phút đi bộ, bạn đã có cả thế giới trong tay khi mỗi một toà nhà được thiết kế gần một bến xe bus hoặc tàu điện ngầm, quanh đó san sát cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, chợ dân sinh… 

Người già Hong Kong chỉ cần bước ra khỏi cửa là đã chạm cả thế giới, cho nên họ rất thích ra ngoài để tương tác và kết nối xã hội. Trong công viên hoặc tại các khu chợ dân sinh chỉ thấy bóng dáng người cao tuổi với các hoạt động sôi động như đánh cờ, chơi mạt chược, tập thái cực quyền, múa kiếm, đi bộ, đọc báo, tán gẫu hoặc đi chợ. 

Mỗi năm, chính phủ Hong Kong chi 1,2 tỷ HKD trợ giá cho người già với giá 2 HKD có thể di chuyển khắp thành phố bằng mọi phương tiện khiến các bậc cao niên càng có động lực đi lại thăm viếng bạn bè, họ hàng hoặc vui chơi giải trí. 

Ngoài ra, một hệ thống các địa điểm công cộng như nhà ở xã hội, công viên, bảo tàng, thư viện… đều được thiết kế hỗ trợ người già tối đa như các tay vịn, những ghế ngồi, sàn hành lang chống trượt, cửa ra vào không có barrier rào cản. 

Bên cạnh đó là cầu đi bộ, thang cuốn, nhà vệ sinh công cộng đan cài dày đặc khắp các con đường. Mô hình thiết kế đô thị và tổ chức xã hội kiểu này không biến người già xứ cảng thơm thành những "zoombie" mòn mỏi tồn tại, ngược lại, khiến họ trở thành những công dân năng động, tham gia tích cực vào vòng chuyển động của xã hội.

Chính sách phúc lợi

Ngôi nhà 4 tầng với mái ngói màu xanh mang đậm kiến trúc Trung Quốc cổ truyền nằm duyên dáng giữa một khuôn viên rộng 20 nghìn m2 với hồ cá koi và một con đường rợp bóng mát là trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc người già lớn nhất bán đảo Hong Kong. 

Nơi đây có 175 cụ già sinh sống trong 35 căn phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi và cả những phòng tập Gym, phòng sáng tác nghệ thuật hay phòng sinh hoạt cộng đồng với hệ thống sách báo phong phú. Những bữa ăn sạch sẽ và tươi ngon được lên thực đơn bởi chuyên gia dinh dưỡng. 

Các bác sỹ lão khoa hoặc da liễu đến thăm khám thường xuyên. Những hoạt động ngoại khoá như thăm Disney Land với kinh phí được tài trợ. Người già nơi đây tự làm đèn lồng vào dịp Trung thu hoặc viết câu đối vào lễ Tết Nguyên đán. Vào cuối tuần, học sinh hoặc sinh viên sẽ đến dạy các cụ chơi đàn, học cách sử dụng điện thoại thông minh hoặc cùng thu hoạch vườn rau đã đến vụ. 

Chính phủ Hong Kong xây dựng mạng lưới trung tâm chăm sóc người già hoặc gọi cách khác là nhà dưỡng lão với 32.461 địa điểm bao phủ toàn đặc khu. Mỗi người già vào các nhà dưỡng lão chỉ phải trả mức giá 2.000 đô la Hong Kong/1 tháng (6 triệu VND) so với giá hàng chục nghìn đô la của hệ thống tư nhân. 

Ngoài ra, chính phủ phát triển hệ thống chăm sóc người già tại nhà dành cho người già cần hỗ trợ với chỉ tiêu 1 nhân viên xã hội phụ trách 20 người cao tuổi. Các trung tâm chăm sóc hỗ trợ cao niên có mặt tại từng cụm dân cư, quận với nghĩa vụ cung cấp thông tin, hỗ trợ kết nối xã hội đáp ứng nhu cầu của người có tuổi; thiết lập cho họ địa điểm sinh hoạt giải trí, giao lưu kết nối, ăn uống, giặt là… 

Mỗi trung tâm đều ý thức mái nhà của họ là nơi những công dân cao tuổi của Hong Kong sống những năm tháng còn lại của cuộc đời, vì vậy, họ chăm chút vun đắp làm nên một tổ ấm theo đúng nghĩa như vậy. 

Ngoài các trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người già, chính phủ Hong Kong đổ hàng tỷ đô la để xây dựng một hệ thống y tế ưu việt với đội ngũ bác sỹ và phương tiện cứu chữa hiện đại nhất thế giới nhưng lại dễ dàng tiếp cận và giá cả hợp lý cho người cao tuổi. Đó là những voucher khám, chữa bệnh miễn phí hoặc những chương trình sàng lọc ung thư giá "không đồng" hoặc những kiến thức chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được phổ cập liên tục dưới nhiều hình thức truyền thông khác nhau.

Ẩm thực mang màu sắc Địa Trung Hải

80 năm trưởng thành ở một thành phố mang hơi thở và màu sắc phương Tây, nhưng cội nguồn văn hoá Trung Hoa vẫn bám rễ trong từng bữa ăn của gia đình ông Kok. Là một người Triều Châu, ông Kok luôn duy trì bữa sáng nhẹ nhàng với cháo trắng với củ cải muối, và những bữa ăn nhiều rau tươi cùng các loại hạt trong bữa tối. 

Ông luôn khuyến khích các thành viên trong gia đình xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, tránh tối đa thịt đỏ, nhiều rau củ quả, và uống nước ấm trong cả mùa hè. Hong Kong là một trong 5 cảng biển lớn nhất thế giới với đất liền tiếp giáp Trung Quốc lục địa và những phần khác của châu Á nên dễ dàng tiếp cận những nguồn thực phẩm tươi ngon khổng lồ từ các địa phương này đưa đến. 

Những khu chợ dân sinh của xứ Hương Cảng như bao trọn cả thế giới với hàng trăm các chủng loại rau củ quả, cá thịt, gia vị… đến từ năm châu bốn bể, vì thế, các bữa ăn của người Hong Kong luôn tươi ngon, hấp dẫn. Chế độ ăn uống mang màu sắc Địa Trung Hải, cộng với khí hậu biển trong lành với nhiệt độ ấm áp quanh năm là một trong những thành tố quan trọng góp phần tạo nên tuổi thọ cao nhất thế giới của người Cảng thơm.

Văn hóa Trung Quốc trong chăm sóc người già

Là thuộc địa cũ của Anh với những ảnh hưởng đậm nét từ phương Tây, nhưng dòng chảy văn hoá Trung Hoa với truyền thống quý trọng người già và coi trọng tổ tiên, gia đình vẫn đậm đặc trong đời sống của mỗi người dân Hong Kong. 

Cứ mỗi cuối tuần, những quán ăn Dim sum lại đông kín thực khách với những bàn ăn có đến 2-3 thế hệ gia đình cùng quây quần, tụ tập. Vào những dịp lễ đặc biệt như Trung Thu, tết Nguyên Đán, lễ Thanh Minh… các cụ bà Hong Kong vẫn duy trì những bữa ăn đoàn tụ với các món ăn đặc biệt được chế biến cầu kỳ để thưởng đãi con cháu. Mặt khác, con cháu luôn có ý thức chăm sóc người già làm sao để họ sống phần đời còn lại khoẻ mạnh và an nhiên. Dù nhà ở chật chội, nhưng nhiều hộ gia đình Hong Kong vẫn dung hoà cuộc sống ba thế hệ.

Tuổi thọ của người Hong Kong không chỉ được tạo nên bởi chế độ ăn uống cân bằng âm - dương mà còn nhờ việc duy trì thường xuyên các môn thể thao đậm chất Trung Hoa như Thái Cực Quyền (Taichi), múa kiếm, Thiền, chơi mạt chược… Từ các công viên rộng lớn cho đến từng sân chơi ở mỗi khu dân cư đều thấy hình ảnh các cụ già say sưa tập luyện Thái cực quyền trong tiếng nhạc Trung Hoa réo rắt hoặc tụm năm, túm ba bên những bàn mạt chược, đánh cờ. 

Theo như ông Kok chia sẻ thì 25 năm tập Thái Cực Quyền đã giúp ông đánh bật các bệnh huyết áp, tiểu đường, nhờ luồng năng lượng kỳ diệu của môn thể thao này mang lại. "Việc duy trì triết lý âm dương của văn hoá Trung Quốc đã giúp tôi sống trẻ và khỏe hơn" - ông Kok kết luận.

(Causeway Bay - Hong Kong)

Báo cáo của Trung tâm Tuổi thọ Thế giới cuối tháng 9/2019, tuổi thọ trung bình người Hong Kong là 84,7, hệ thống y tế xếp hạng hiệu quả hàng đầu trên thế giới. Tuổi thọ của phụ nữ Hong Kong đã tăng trung bình từ 86 tuổi năm 2010 lên 86,7 tuổi năm 2011, vượt qua phụ nữ Nhật Bản vốn đã soán ngôi kỷ lục này trong nhiều năm.
Thu Phương
.
.