Bí ẩn sau cái chết của nhà khoa học hạt nhân Iran

Thứ Tư, 21/09/2016, 19:10
Truyền thông Iran chính thức xác nhận nhà khoa học hạt nhân Shahram Amiri đã bị hành quyết sau khi cơ quan chức năng tuyên bố nhân vật này đã cung cấp cho tình báo Mỹ những thông tin về chương trình hạt nhân của Tehran.

Shahram Amiri từ người hùng được chào đón khi từ Mỹ trở về quê hương đã trở thành kẻ tội đồ bị tử hình với tội danh làm gián điệp cho Washington. Dù Shahram Amiri đã bị xử tử với cáo buộc tiết lộ bí mật quốc gia nhưng vẫn còn đó nhiều uẩn khúc chưa có lời giải xung quanh cuộc đời nhà khoa học này. 

Liệu ông có phải là một gián điệp mà Washington thuê nhằm khai thác các bí mật về chương trình hạt nhân Iran không? Hay ông giữ vai trò như một điệp viên hai mang do Tehran gửi đi để truyền bá những thông tin sai sự thật hoặc thăm dò Mỹ?

Hành tung bí hiểm

Năm 2009, Shahram Amiri rời trường đại học nơi ông làm việc để hành hương tới thánh địa Mecca của người Hồi giáo ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, ông biến mất khi đến thành phố Medina, chỉ để lại duy nhất bộ đồ cạo râu bên trong một căn phòng khách sạn. Phía Iran đoán rằng Amiri ở cùng người Mỹ và họ cáo buộc Washington bắt cóc ông. 

Đến tháng 6/2010, một đoạn phim ngắn bất ngờ được chia sẻ rộng rãi trên mạng nói về vụ đào tẩu thành công của một người tự xưng là Shahram Amiri, bị người của Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bắt cóc khi đến Saudi Arabia hồi đầu tháng 6/2009.
Với nhiều nguồn thông tin trái chiều, vẫn chưa thể khẳng định nhà khoa học Shahram Amiri thực sự là người hùng hay kẻ phản bội.

Trong đoạn phim, Amiri cho biết ông bị tra tấn dã man, rồi phải quay một đoạn clip giả để mọi người thấy ông đang sống thoải mái ở gần Tucson, bang Arizona (Mỹ). Liên tục sau đó, nhiều đoạn phim khác đã xuất hiện với hình ảnh "thiếu rõ nét" của Shahram Amiri, tuyên bố bị các điệp viên Mỹ bắt cóc và ép phải hợp tác với CIA. 

Giới chức Iran cũng tiết lộ, nhà khoa học đã bị mật vụ Mỹ bắt cóc khi đang hành hương đến Saudi Arabia, và tình báo Mỹ đứng sau vụ này dưới sự trợ giúp của cơ quan mật vụ Saudi Arabia.

Sự xuất hiện trở lại đầy bí ẩn của Shahram Amiri trong một số đoạn phim ghi hình tại Mỹ khiến dư luận đặt dấu hỏi nghi ngờ. Trước khi bị bắt cóc, Shahram Amiri làm việc tại Trường đại học Công nghệ Malek Ashtar ở Tehran và Cơ quan năng lượng hạt nhân Iran. 

Với tư cách chuyên gia đo đạc mức độ phóng xạ, Shahram Amiri có quyền tiếp cận nhiều khu vực nhạy cảm ở Iran và đây là nguồn tin quý báu của tình báo Mỹ.

Nhiều nguồn tin trái chiều cho rằng, Amiri đã nhận hàng triệu USD để cung cấp thông tin về chương trình hạt nhân gây tranh cãi mà Iran theo đuổi. Theo đó, Shahram Amiri đang giúp cơ quan tình báo Mỹ làm một bản báo cáo về kế hoạch phát triển hạt nhân của Iran nhằm đổi lấy quốc tịch Mỹ và "giữ chân" ở CIA.

Theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề, chính Amiri là người tiết lộ thông tin về cuộc tranh luận nội bộ ở Iran xung quanh câu hỏi liệu nước này có thực sự cần đến vũ khí hạt nhân không, hay chỉ nên duy trì khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn để tránh vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và kích động phản ứng quân sự từ các nước khác.

Năm 2009, CIA có lẽ cảm thấy Amiri sắp bị phát hiện nên đề nghị đưa ông ra khỏi Iran. Cơ quan tình báo Mỹ hứa sẽ trao cho Amiri 5 triệu USD và một thân phận mới. Amiri tin rằng vợ ông sẽ không bao giờ có thể rời khỏi Iran nên ông quyết định đi một mình. Sau khi trải qua các cuộc phỏng vấn ở Washington, Amiri được sắp xếp đến sống gần thành phố Tucson dưới sự bảo vệ và giám sát từ CIA.

Theo nhiều nguồn thạo tin, các cơ quan tình báo Iran đã gây áp lực lên gia đình Amiri và đe dọa làm hại con trai ông. Họ yêu cầu Amiri thực hiện một đoạn clip nói rằng ông bị bắt cóc và tạm giam trong một chiến dịch chung do CIA và cơ quan tình báo Saudi Arabia tiến hành. 

Để phản ứng lại, CIA đề nghị Amiri quay một clip khác, đưa ra thông tin mâu thuẫn hoàn toàn với những gì ở clip trước, nói rằng mọi thứ rất an toàn. Tuy nhiên, Iran đã tung ra clip thứ ba cho biết Amiri đã chạy thoát. Amiri bộc bạch rằng ông phạm sai lầm khi rời bỏ quê hương và chỉ muốn trở về nhà bên con trai.

Sau khi rời Mỹ về nước, Shahram Amiri từ chối khoản tiền 5 triệu USD. Trong một đoạn phim trả lời phỏng vấn, Amiri nói rằng ông chỉ đơn thuần là một nhà nghiên cứu làm việc tại trường đại học và không tham gia bất kỳ công việc bí mật nào, cũng như nắm giữ những thông tin tuyệt mật quốc gia như lời đồn. Vài tuần sau khi Amiri trở về Iran, giới chức tình báo Mỹ đã hé lộ chi tiết về vụ việc. 

Theo đó, Amiri tình nguyện tìm đến với họ, được phỏng vấn và tham gia một chương trình bảo vệ nhân chứng. Khi Amiri nói với người quản lý trực thuộc CIA về việc muốn quay về Iran, cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo ông rất có thể sẽ phải đối mặt với án tử.

Shahram Amiri từ người hùng được chào đón khi từ Mỹ trở về quê hương đã trở thành kẻ tội đồ bị tử hình với tội danh làm gián điệp cho Washingtonx.

Điệp viên hai mang?

Shahram Amiri vụng về và dễ lo lắng, không giống tác phong của một gián điệp. Tuy nhiên, Amiri được cho là "đã nhìn thấy rất nhiều thứ" bởi ông từng làm việc tại một trung tâm nghiên cứu có mối liên quan tới chương trình hạt nhân. 

Hiện tại, theo thông tin từ phía Iran, Amiri dường như đã cộng tác với Mỹ ngay từ khi còn ở trong nước. Vậy nhưng Amiri phủ nhận, nói rằng dù nhận được đề nghị "tiền khủng" để ở lại Mỹ và tiết lộ về chương trình hạt nhân Iran song ông đã từ chối. Amiri cũng thêm rằng, ông chưa bao giờ đến hai khu vực hạt nhân nhạy cảm nhất của Iran là Natanz và Fordo.

Sau khi về nước, Shahram Amiri luôn khẳng định tuy bị CIA bắt cóc nhưng không tiết lộ bí mật quốc gia nên đã được chính phủ Iran đánh giá là nhà khoa học yêu nước và được người dân chào đón như một người anh hùng. Tuy vậy, cơ quan an ninh Iran đã âm thầm làm rõ mọi di biến động của nhà khoa học vì nghi ngờ ông đã tiết lộ bí mật quốc gia cho Mỹ. 

Tiếp đó, Amiri bỗng dưng biến mất không để lại chút dấu vết. Nhiều lời đồn đoán cho rằng ông đã bị tống giam. Tin tức về Amiri dần trở nên thưa thớt kể từ khi ông về Iran.

Cha Amiri tiết lộ con trai mình đang bị giam tại một địa điểm bí mật. Mẹ Amiri nói rằng con trai bà ban đầu bị tuyên phạt 10 năm tù, sau đó hình phạt đã thay đổi thành án tử hình. 

Cho đến ngày 4/8, cơ quan tư pháp Iran kết luận nhà khoa học Shahram Amiri đã cung cấp cho "kẻ thù" thông tin trọng yếu của đất nước. Và chỉ vài ngày sau, thông tin nhà khoa học bị xử tử được lan truyền rộng rãi khi gia đình Shahram Amiri đã nhận được thi thể của ông với dấu vết dây thừng còn hằn trên cổ. Cơ quan tư pháp không nêu rõ vụ hành quyết diễn ra ở đâu và vào khi nào, nhưng nhấn mạnh rằng một tòa án phúc thẩm đã xem xét kỹ lưỡng bản án tử hình dành cho Amiri.

Hiện chưa rõ cụ thể vì sao Iran quyết định tử hình nhà khoa học Shahram Amiri. Bên cạnh đó, không có thông tin chính thức nào xác nhận những gì đã xảy ra trong quá trình cơ quan thi hành án của Iran giam giữ nhà khoa học này. 

Dẫn một số nguồn tài liệu mật về lý do dẫn tới cái chết của Amiri, nhà khoa học này đã giả vờ theo CIA và cung cấp thông tin về chương trình hạt nhân của Iran nhưng là toàn các thông tin giả. Sau đó, khi đã thân quen với CIA, Shahram Amiri làm nhiệm vụ là khai thác thông tin về hoạt động của CIA, các kế hoạch của cơ quan này ở Trung Đông và gửi về cho cơ quan tình báo Iran.

Shahram Amiri đã giúp tình báo Iran giải đáp được câu hỏi là Mỹ đã thu thập được bao nhiêu thông tin về chương trình hạt nhân của Iran và các hoạt động chống phá của Mỹ đối với chính quyền Tehran.

Giờ đây, phía Iran vẫn cáo buộc CIA đã bắt cóc Shahram Amiri. Còn phía Mỹ thì khẳng định nhà khoa học này tự nguyện ở lại Mỹ, được tự do đến và đi nhưng sau đó đã lựa chọn trở về Iran vì sức ép từ gia đình. CIA thậm chí còn nói rằng, trước khi sang Mỹ, Shahram Amiri đã là nhân viên của cơ quan này trong nhiều năm và thường cung cấp những thông tin quan trọng về chương trình hạt nhân của Iran. 

Vụ bắt cóc Amiri ở Saudi Arabia thực chất là màn kịch mà CIA dựng lên nhằm hợp pháp hóa việc Shahram Amiri tới Mỹ mà không bị điều tiếng là phản bội tổ quốc. Với nhiều nguồn thông tin trái chiều như thế, vẫn chưa thể khẳng định nhà khoa học Shahram Amiri thực sự là người hùng hay kẻ phản bội, và hồi kết bi thảm của ông bằng cái chết vẫn để lại một ẩn số…

Hương Trà
.
.