Bên phía nhà Swann - nghịch lý của một kiệt tác văn chương
Đó là các trường hợp Ulysses của James Joyce, Lolita của Nabokov, Vụ án, Lâu đài, Nước Mĩ của Kafka. Bên phía nhà Swann (trong bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust) cũng nằm trong số những “kiệt tác điên rồ” như thế…
Trong số các tác giả và tác phẩm được nhắc đến ở trên, cho đến thời điểm này, người đọc Việt Nam đã có may mắn được tiếp xúc với Lolita của Nabokov, Vụ án, Lâu đài của Kafka, Dưới bóng những cô gái tuổi hoa và Bên phía nhà Swann (hai trong số bảy tập bộ Đi tìm thời gian đã mất) của Marcel Proust.
Ulysses của James Joyce, một nhà văn gốc Irlande, hẳn sẽ còn cần đến một thời gian dài (do những khó khăn đặc biệt trong chính lối viết của tác giả) may ra mới đến tay người đọc. Tại sao thế? Không khó để trả lời ngay rằng, có thể chính tác giả đã cố tình tạo ra điều đó.
James Joyce đã có lần nửa đùa nửa thật nói rằng, ông viết Ulysses là để “tạo công ăn việc làm” cho các giáo sư đại học hàng thế kỉ sau: “Tôi đã đưa vào trong Ulysses quá nhiều ẩn ngữ (enigmas) và câu đố (puzzles) đến nỗi nó sẽ khiến cho các giáo sư phải bận bịu hàng thế kỉ để tranh cãi xem tôi muốn nói gì, và đó là cách duy nhất để đảm bảo tính bất tử của tác phẩm”. Nabokov, nhà văn Mĩ gốc Nga cũng đã từng kể lại những khó khăn khi ông cho xuất bản tác phẩm Lolita như thế nào, tại sao cùng một tác phẩm mà ông phải viết trong hai văn bản tiếng Anh và tiếng Nga, đã từng làm đau đầu các nhà dịch thuật.
Xung quanh chuyện xuất bản Lolita, Nabokov kể, ngay khi bản thảo được gửi đến nhà xuất bản, các biên tập viên đã gạt phắt ngay, thậm chí còn “dọa nạt” ông rằng, họ có thể “rơi vào vòng tù tội” nếu cho in một tác phẩm như thế. Trường hợp những tác phẩm của Kafka, nhà văn Tiệp gốc Do Thái, viết văn bằng tiếng Đức thì lại khác. Sinh thời, Kafka chỉ cho công bố duy nhất truyện vừa Hóa thân và một số truyện ngắn. Ba cuốn tiểu thuyết đúng nghĩa còn lại Vụ án, Lâu đài, Nước Mĩ, trước khi qua đời, ông đã giao lại cho người bạn thân Max Brod vốn cũng là một nhà văn, với lời trăng trối hãy cho đốt tất cả chúng sau khi ông chết.
Max Brod kể lại rằng, dự cảm được thiên tài trong tập di cảo của người bạn, ông đã không đốt nó đi như lời trăng trối của Kafka, mà sau đó nó đến nhà văn Thomas Mann, một trong những “cây đại thụ” của văn học Đức lúc ấy. Và ông nhận được câu trả lời: “Bạn thân mến, tôi tin rằng tác giả những tập sách này là một người tốt, nhưng đó chỉ là một nhà văn tồi”. Kafka có thật sự là “nhà văn tồi” hay không thì bây giờ tất cả chúng ta đều đã tự tìm được câu trả lời chính xác nhất.
Quả là phía sau sự ra đời của các kiệt tác văn chương đều có không ít những điều rắc rối. Bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, đặc biệt, tập 1 Bên phía nhà Swann, ở ngay trong thời điểm ra đời cách đây hơn 100 năm tại Pháp, cũng đã từng có những chuyện “rắc rối” như thế. Rất gần đây, bằng sự cố gắng của mình, một nhóm dịch giả ở Việt Nam với sự trợ giúp của Sứ quán Pháp, Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn học đã công bố bản dịch tiếng Việt tập đầu tiên bộ tiểu thuyết 7 tập Đi tìm thời gian đã mất.
Khỏi phải nói, đông đảo công chúng bạn đọc đã thỏa mãn niềm mong đợi bấy lâu nay trước một kiệt tác như thế nào! Tuy nhiên, vẫn còn một vài tiếng nói tỏ ý không bằng lòng. Sự không bằng lòng của một đôi người với bản dịch một kiệt tác như thế âu cũng là điều dễ hiểu. Vì với một kiệt tác ai lại không muốn đạt tới sự hoàn hảo? Nhưng lẽ công bằng trong việc đánh giá công sức lao động của những người đã có công đưa tác phẩm đến tay bạn đọc Việt Nam thì lại không thể phủ nhận!
Để giúp bạn đọc hiểu được giá trị thực của tác phẩm, cũng như sự cố gắng lớn lao của nhóm dịch giả, chúng tôi muốn cung cấp thêm một số tư liệu dưới đây với hy vọng bản chất vấn đề sẽ được người đọc rộng rãi hiểu đúng đắn hơn.
Marcel Proust ấp ủ bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất từ khoảng năm 1909. Trong “Lời giới thiệu” tập 1 của bộ sách này, dịch giả Lê Hồng Sâm, đồng thời cũng là một chuyên gia lâu năm về văn học Pháp, đại diện cho nhóm dịch giả đã viết những dòng sau: “Từ đầu mùa hạ năm 1909, Proust sống ẩn dật, giam mình trong phòng riêng cửa đóng kín, sàn nhà, các bức tường, và trần nhà rất cao đều được lót những lớp bần, không để lọt một tiếng động. Ông muốn từ nay chỉ sống cho tác phẩm lớn, duy nhất, của đời mình. Ban đêm đôi khi ông mới ra khỏi nhà, chỉ vì cần gặp một số người mà ông nói tới, trong quá trình tái tạo “tòa dinh thự mênh mông của hoài niệm”.
Phải đến tận năm 1927, tức là trong suốt gần 20 năm sau, bộ tiểu thuyết 7 tập Đi tìm thời gian đã mất mới chính thức được in ra đầy đủ. Trong số 7 tập của bộ Đi tìm thời gian đã mất, tập 1, Bên phía nhà Swann được coi là khó đọc nhất, bởi lẽ trong ý đồ của M. Proust nó được coi như khúc dạo đầu của bản tổng phổ chung. Tập 1 đã phải gánh trọng trách rất lớn giống như “đứa con cả” trong gia đình: là khúc dạo đầu đi tìm giọng điệu chung, nó đồng thời cũng là những giãi bày của tác giả về lí do ông viết cũng như những vấn đề cốt lõi nhất của bộ sách. Thậm chí Proust đã phải bỏ tiền túi ra in tập sách này.
“Đứa con cả” trong gia đình Đi tìm thời gian đã mất quả nhiên đã chịu rất nhiều tai tiếng, vất vả, nhưng như dịch giả Đặng Thị Hạnh tâm sự, xét trên giá trị văn chương, đặc biệt trên nhiều phát kiến cách tân tiểu thuyết, không ít người vẫn coi đó là tập “có giá trị nhất”. Hai chuyên gia “có hạng” của Pháp về Marcel Proust, Jean - Yves Tadié và Antoine Compagnon đã nói về những khó khăn ngay ở chính nước Pháp khi cuốn sách ra đời như sau:
Trong Marcel Proust, Giáo đường của thời gian (Marcel Proust, La Cathédrale du temps) của Jean-Yves Tadié (Gallimard,1999), ở phần “Lời chứng và tư liệu” (Témoignages et documents) có những đoạn mang tiêu đề “Tác giả bị khước từ nhiều nhất ở Paris”, tiếp theo là “Từ sự đả kích tàn tệ đến thắng lợi”, tác giả Tadié cho biết như sau: “Tất cả mọi người đều không thích Proust. Các nhà xuất bản là những người đầu tiên nêu lên những phản bác mà sau này thiên hạ sẽ luôn sử dụng đối với ông: dài dòng, không có tình tiết, miêu tả giới giao tế thượng lưu. Tóm lại, một gã chán ngắt. Phải rất lâu Proust mới đạt tới vinh quang. Bên phía nhà Swann chỉ được bạn bè thân thiết đón nhận. Ngược lại Dưới bóng những thiếu nữ tuổi hoa đoạt giải Goncourt ngày 10/12/1919”.
Bìa sách “Bên phía nhà Swann”. |
Ở một chỗ khác, Jean-Yves Tadié còn nói thêm rằng: “Mọi người trách Marcel Proust không cấu trúc tác phẩm, là người thuộc phái suy đồi, hoặc snob (theo mốt), xa đời sống, viết theo kiểu Bourget nhưng tồi. Về cuốn Bên phía nhà Swann, Rachilde viết trong tờ Mercure de France: “Tôi đã bắt đầu đọc cuốn sách rất nhiệt tình, rồi cuối cùng tôi phải kinh sợ bỏ rơi nó, như thể người ta khước từ uống một loại thuốc ngủ”. Báo chí mắng nhiếc Proust dữ dằn”. Không chỉ thế, ngay khi tập 2 Dưới bóng những thiếu nữ tuổi hoa ra đời, được trao giải Goncourt, cũng không ít các phản ứng xung quanh giải thưởng.
Tờ báo Populaire viết: “Những cựu binh chúng tôi đã bầu chọn Dorgelès. Marcel Proust đoạt giải là nhờ sự biết ơn của sáu con người được ông ta đãi đằng”. Tờ Tranh luận (Journal des Débats) thì chát chúa: “Một tài năng từ dưới mồ, ít mối liên hệ với những khuynh hướng của thế hệ mới thường ngợi ca vẻ đẹp của chiến đấu, những phẩm chất của ánh sáng”.
Bản in tiếng Pháp Bên phía nhà Swann (Gallimard, Poche, 1992) do Antoine Compagnon chú giải và giới thiệu cũng chỉ ra rất nhiều điều xung quanh việc phát hành cuốn sách. Trong “Lời nói đầu”, A. Compagnon cho biết cả hai Nhà xuất bản Fasquelle và Gallimard đều từ chối bản thảo, Gallimard căn cứ vào nhận xét của André Gide (sau này Gide rất ân hận), còn Fasquelle căn cứ vào bản báo cáo của Jacques Madeleine là người được giao đọc và nhận xét bản thảo.
Sau đây là trích đoạn từ báo cáo: “Đọc hết bảy trăm mười hai trang bản thảo (...) - sau những khổ não khôn cùng vì bị chìm trong những triển khai khôn dò và những sốt ruột tức tối vì không bao giờ trồi lên nổi - ta chẳng có được một khái niệm gì về vấn đề. Tất cả những cái đó để làm gì? Tất cả những cái đó có nghĩa gì? Tất cả những cái đó định dẫn đến đâu? - Không thể biết được gì hết! Không thể nói được gì hết.
Bản báo cáo kèm bức thư nói rõ thêm rằng toàn bộ phần đầu này chỉ là một “sự chuẩn bị”, một “tự khúc thi ca”. Một tập sách dài hơn cuốn tiểu thuyết dài nhất của Zola, mà chỉ là chuẩn bị thì thật quá đáng. Và điều tai hại hơn là sự chuẩn bị này chẳng chuẩn bị gì hết, hơn nữa, cũng chẳng giúp tiên đoán những gì mà chỉ riêng bức thư cho biết. Ngay cả khi được thư mách bảo, ta vẫn tự hỏi không ngừng: Nhưng tất cả những cái đó để làm gì nhỉ? Nhưng có liên quan gì nhỉ? Gì vậy? Cuối cùng là gì vậy? Đây quả là một trường hợp bệnh hoạn, rất rõ nét”.
Ý thức được khó khăn mà ngay trong giới xuất bản và nghiên cứu Pháp lường trước về phản ứng của độc giả khi tập đầu tiên của Đi tìm thời gian đã mất ra mắt vào năm 1913, nhóm dịch giả tiếng Việt đã rất cẩn trọng. Vốn là những người lao động cần cù trong giảng dạy và nghiên cứu, ngay từ đầu những năm 80 của thế kỉ trước, tôi biết tất cả họ (năm nay đã trên tuổi 80) đều được tiếp xúc với sách báo Pháp của Trung tâm Văn hóa Pháp.
Họ đã đọc và yêu mến Proust, cùng với nhiều nhà văn khác. Lúc này xung quanh kiệt tác Đi tìm thời gian đã mất đã xuất bản rất nhiều sách của các chuyên gia Pháp và nước ngoài. Hơn nữa, nếu không có được 10 năm ở nước ngoài để “đủ khả năng dịch” tác phẩm của một tác gia nào đó (nếu vậy thì làm sao các tác phẩm lớn trên thế giới có thể được phổ cập ở nhiều nước?) ít nhất các dịch giả đã có nhiều tháng đọc sách ở Thư viện Trường Đại học Sư phạm phố Ulm, hoặc thư viện Mitterand, không quên việc đi lại nhiều lần ở các viện Bảo tàng, Nhà kỉ niệm của các nhà văn lớn.
Tuy rất cố gắng, nhưng như một dịch giả trong nhóm vẫn đã nói: “Tiếc rằng chúng ta không dịch được hay hơn”. Để lại đôi chỗ sai là điều đáng trách, nhưng quan trọng hơn, họ cảm thấy ít có bản dịch đầu tiên nào lại có thể chuyển tải được hết “hồn” của tác phẩm và “giọng” của Marcel Proust. Một nhà văn lớn của Pháp, đồng thời cũng là một dịch giả “có hạng” (Yourcena) thì cho rằng: “Sự thực là vẫn có những cái mà bản dịch không thể hiện hết được, trong khi nghệ thuật dịch phải là không để mất một cái gì. Như vậy không bao giờ chúng ta vừa lòng được”.
Việc này giải thích tại sao các tác phẩm lớn như của Proust được dịch nhiều lần ở các nước trên thế giới. Vậy nên cánh cửa vẫn mở rộng đối với tất cả ai yêu thích và có lòng muốn dịch lại một tác giả mà toàn bộ 7 tập sách của ông được gọi là “Tiểu thuyết - Mẹ của văn học Pháp thế kỉ XX”.