Bên kia bức tường biên giới của Trump
- Ông Trump kiên trì "đòi" tiền cho bức tường biên giới
- Ông Trump tìm ra nguồn viện trợ khác cho bức tường biên giới?
- Tổng thống Mỹ: Hoặc bức tường biên giới hoặc đóng cửa chính phủ kéo dài
Baja California (Mexico) nằm trải dài từ biên giới Tijuana ở San Diego (bang California của Mỹ) xuống tận bên dưới phía Nam. Nhánh rẽ mỏng manh này của đất nước Mexico rộng lớn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nước Mỹ giàu có bên cạnh. Khi chính quyền của Donald Trump nói về chuyện xây bức tường biên giới, cũng là những ngày cửa khẩu ở Tijuana luôn đầy ắp hàng dài người và xe cộ.
Một Nam Mỹ và Trung Mỹ nhiều khủng hoảng, đói nghèo, mang theo giấc mơ Mỹ, đi bộ hàng ngàn km qua ngả Mexico và tìm cách vào được nước Mỹ. Người Mexico cũng vậy. Nhiều thế hệ người Mexico gửi gắm giấc mơ của họ ở Mỹ. Một phụ nữ tôi gặp, tên Tona kể về gia đình cô bắt đầu ở Mỹ như vậy.
"Ông ngoại tôi dắt theo bốn đứa con, đi lên một chuyến tàu để tới Mỹ. Tàu vừa tới biên giới thì bà ngoại - không hiểu vì lý do gì - đã bỏ bốn đứa con và chồng để đi mất. Ông ngoại mang cả bốn đứa con một mình qua Mỹ, đi hái trái cây trên cánh đồng. Và họ sống lay lắt từ trang trại này đến trang trại khác cho đến khi những đứa con lớn, lập gia đình, và bắt đầu giấc mơ Mỹ. Từ trang trại hái trái cây, cha tôi đã gặp mẹ tôi".
Một vùng biển mà sư tử biển nằm nghỉ ở bên bờ biển Baja California, nơi đây nổi tiếng với quần thể tự nhiên trên đại dương giàu có và nguyên sơ. |
Tona kể một câu chuyện mà theo cô là "biết bao nhiêu người Mexico cũng như vậy". Để rồi chị em cô được lớn lên ở Los Angeles (bang California của Mỹ), và xây dựng giấc mơ Mỹ thực sự từ hai đời trước trên chuyến tàu đến Mỹ của ông ngoại.
Những ngày này, bất cứ ai đến Tijuana cũng có thể nhìn thấy bức tường biên giới sừng sững như một câu hỏi không lời đáp về những giá trị mà người Mỹ theo đuổi: sẵn sàng đón những cư dân nhập cư đi tìm giấc mơ Mỹ hay từ chối đẩy họ khỏi vùng an toàn mà người Mỹ lo sợ (như phần lớn Châu Âu đang lo sợ làn sóng di dân vài năm qua).
Câu hỏi đó được vẽ ngoằn ngoèo trên những bức tranh tường ở biên giới, mang dấu hiệu hòa bình, con người nhiều màu da đứng san sát nhau, những cánh tay bị chối từ tuyệt vọng. Câu hỏi đó, nằm khuất sâu từng gương mặt của nông dân Mexico trên những cánh đồng ở Baja California đang xuất khẩu rau và trái cây đến Mỹ.
Ở phần này của Mexico, mọi giá trị của Mỹ đều trọng đại, như chiếc xe bus trường học cũ kỹ từ vùng quê xa xôi nào đó ở Mỹ cũng trở thành loại phương tiện công cộng sạch sẽ, tinh tươm trên đường bụi mù đất đỏ ở Baja. Cánh đồng trồng dâu, rau củ xanh mướt, gắn mác "hữu cơ" để đảm bảo dinh dưỡng cho thế giới giàu có bên kia biên giới. Còn ở phần này, người Mexico dường như mải miết với cuộc sống tự nhiên vất vả, những cánh đồng đẫm sương màu mỡ, và biển đầy sỏi đá kéo dài hàng trăm km.
Và rồi, có một cuộc "di dân ngược" khác đang ngấm ngầm diễn ra ở Baja: đó là những người Mỹ khá giả, có thời gian bắt đầu đi tìm một tự nhiên bình an mà họ không thể có được trong xã hội hiện đại. Người Mỹ đi tìm một vùng biển sạch không dấu vết của chai nhựa, rác thải hay biển báo ô nhiễm. Họ khao khát chạm vào những con sò, ốc nằm im cạnh đá, không có bàn tay nào nhúng vào sát hại. Họ muốn nhìn thấy những con đường ven biển xanh mướt sau ngày mưa - với hơn một ngàn km được tôn trọng và yên tâm sinh sôi.
Ngôi nhà của cô gái Mexico tên Tona ở ngay bên Bãi Tàu Đắm. Gia đình cô có bốn ngôi nhà để cho thuê trên Airbnb, một ở Los Angeles một ở London và 2 căn ở Mexico - xa hơn cả "giấc mơ Mỹ" mà ông ngoại cô từng khao khát. Theo mọi chuẩn mực, cô không phải người nghèo.
Nhưng hàng năm Tona và chồng đưa ba đứa con của họ về Baja California sống trong một ngôi nhà mà họ thường cho thuê vào các mùa khác. Ban đêm họ chỉ có điện đến tám giờ tối. Bọn trẻ con không được mang theo Lego hay mớ đồ chơi hiện đại mà chúng có ở Los Angeles. Chúng đào đất, xây lâu đài, nhặt đá, làm pháo đài, nhặt rễ rong biển khô, dán thành tranh, nhặt sò ốc, chọn ra con đẹp và đập ra để chế thứ chúng thích.
Tona kể: Cô muốn con cô học về một thế giới khác, nơi không thể dùng tiền để mua mọi thứ, và không phải lúc nào cũng cần đến tiền. Ở Mỹ, chỉ cần có tiền, bọn trẻ có thể đi mua cả cái vỏ sò để chơi (nếu muốn). Ở Mexico, từ nhà họ đến khu chợ gần nhất là 20km. Và ở đây không ai bán vỏ sò.
Mexico nghèo - mọi người Mỹ tôi gặp đều phàn nàn vậy. Cái nghèo bứt rứt cả chuyến đi. Tona thì bảo: Tôi đã nghe hàng ngàn lần họ (người Mỹ) thương xót người Mexico nghèo. Họ phiền muộn nói rằng những người Mexico bên bờ biển không có gì trong nhà, áo mặc rách bươm, nhà nền đất. Quá nghèo khổ. Nhưng tôi lớn lên ở đây. Họ cần thức ăn?- Họ bơi xuồng ra và bắt con nhum, tôm hùm cỡ nhỏ, sò, ngao hoặc hàu, tùy vùng nước. Thứ mà người Mỹ trả bằng đô la để ăn trong nhà hàng đắt tiền - và không tươi bằng họ ăn. Về dinh dưỡng, họ luôn khỏe mạnh. Họ có công việc cạnh bờ biển, khai thác sỏi đá bên bờ biển. Họ làm việc cả ngày và được trả công đủ sống. Vậy họ có nghèo không?
Ở Mỹ, hầu hết giá trị được gọi tên thành dịch vụ. Ở Baja, khi xe hơi mắc kẹt trong vũng lầy, không có số điện thoại nào để gọi xe cứu hộ - và trả tiền. Người mắc kẹt đứng giữa đường: Một người đi qua nhìn thấy, dừng lại đào đất giúp bạn. Thêm người khác đi qua thấy, đề nghị đẩy xe giúp bạn. Vài ba người khác đi qua, và họ giúp chiếc xe thoát khỏi vũng lầy.
Ở ngôi làng lướt sóng bên Bãi Tàu Đắm, Tona kể: một nhà có chiếc xe bán tải để đi chở đá. Xe hỏng giữa đường. Nằm đó vài ngày. Hàng xóm đi qua lại, mỗi người nói họ có bộ phận đó, họ sẽ cho. Ông thợ sửa xe hơi đồng ý ráp không lấy tiền vì thấy nhà đó khó. Vậy là chiếc xe hoạt động lại. Họ tiếp tục làm việc. Tiền chưa tham gia vào cuộc trao đổi sửa xe trên.
Tona muốn con cô hiểu rằng cuộc sống có nhiều giá trị ngoài tiền. Các em không nhất thiết phải tới Disney Land mới có một mùa hè tuyệt điệu. Chúng đang giúp mẹ làm bàn uống trà ngoài trời đẹp như bất cứ ngôi nhà nghỉ dưỡng nào bên bờ biển.
Ngôi nhà của Tona, một cô gái Mexico lớn lên ở Los Angeles, xây cạnh bờ biển Baja California, nơi cô và gia đình thường về nghỉ khi các con được nghỉ học ở trường. |
Trong tác phẩm "Khúc gỗ trôi trên biển Cortez" của John Steinbeck viết năm 1940 khi Steinbeck khởi hành trong ánh nhìn ngần ngại của những chủ tàu cá hồi sành sỏi, hào hứng thu thập hàng trăm mẫu sinh vật biển ở những rạn san hô gần bờ mà tàu có thể neo và chèo xuồng vào.
Baja California trong tập du ký có những dòng mô tả người Mexico. Họ nghèo, mặc áo rách bươm, nhưng không xin xỏ, không mặc cả. Họ bơi xuồng ra ngỏ ý muốn bán món đồ, và nhìn kẻ xâm nhập bằng ánh mắt tò mò xa lạ. Văn minh của người Mỹ khiến họ tả tơi trong áo quần rách nát (thứ áo thun T-Shirt mà người Mỹ đem đến cho họ), nhưng không biến họ thành kẻ ngửa tay xin mất đi tự chủ được là chính mình.
Khi nhớ lại đoạn viết đó, Tona khoe với tôi, cô vừa mua được một tấm chăn của người dân tộc từ Oaxaca bán. Chồng cô đang mặc cái chăn mẹ cho cô từ thuở thiếu niên: Nó không hề rách hay phai màu. Áo thun T-Shirt kiểu Mỹ khiến người Mexico lấm lem, bạc nhược trong hình thể. Nhưng nó không làm biến đổi cách họ quan niệm về những cách trao đổi khác trong nhân sinh quan hoàn toàn độc lập - ngoài tiền.
Mười năm sống ở thành phố lớn - thứ đậm nét nhất hiện hữu trong tâm trí tôi là giàu - nghèo. Tôi có kiếm đủ tiền để đưa bạn đến nhà hàng sang trọng không? Tôi có đủ tiền để đến quán bar thú vị mà bạn bè hay nói tới không?
Những chuyện vay nợ để mua điện thoại, xe máy, và rồi mất việc không trả nổi tiền phải quay về gia đình. Hầu hết đối thoại xoay quanh tiền, hơn là ta có thể làm gì với những thứ mình kiếm ra - hay dành cho người ta quý trọng.
Xoay vòng vòng như con vụ quanh tiền, hoặc nhắm mắt chối bỏ tiền bạc như cơn sợ hãi bệnh tật. Tôi đã nghe những người liên tục nói về tiền, và những người vội vàng chối đây đẩy không muốn dây dưa vào nó.
Hóa ra chúng ta chỉ có hai trục để xoay: nghèo - giàu. Như người Mỹ thương xót mọi người Mexico là nghèo khổ. Và như người Mexico tìm cách giải quyết vấn đề cuộc sống theo một phương tiện khác - bên ngoài trục, thay vì tiền - thứ họ có ít hơn người Mỹ đi du lịch.
Cũng là một cuộc cứu hộ xe. Cũng là sửa chiếc xe bán tải. Cũng là đi tìm kiếm thứ hải sản ngon lành và tươi sạch nhất (và đó chính là lí do để người Mỹ đi hàng ngàn dặm đường để tìm đến hải sản của Baja - thứ mà họ không dám ăn bên bờ biển gần nhà vì ô nhiễm). Cũng là tìm tự nhiên: biển, sóng, núi và bình minh.
Và khi nước Mỹ đang trở mình tranh luận về bức tường của Trump, những người Mỹ như Tona dường như lại cố gắng hiểu thêm phần khác sau bức tường đó. Với họ, đó là quê hương một nửa, là thế giới đối nghịch, là giá trị khác biệt, và quan trọng hơn, là sắc màu của sự sống khác với sự chỉn chu và văn minh của nước Mỹ quen thuộc.
Đó là niềm vui được nhìn thấy hàu sống trên tay ngư dân Mexico, niềm vui được ngắm nhìn sư tử biển ngủ trong vịnh không ai quấy rầy, niềm vui an tâm sống cạnh những người không quen biết sẵn sàng đưa tay tạo thành giá trị trong thế giới không giàu có gì cho lắm.
Tona - một người Los Angeles - đang dạy con cô rằng không phải thứ gì cũng có thể mua bằng tiền: khi một người Mỹ lái chiếc RV gần 100.000 đô la không thể ra khỏi vũng lầy gần nhà họ - và sáu người Mexico đã giúp ông thoát khỏi đó - không đòi một xu.
Đó là phần bên kia biên giới, nơi không ai tranh luận về bức tường của Trump có quan trọng hay không.