Bầy chuột trên con tàu đắm

Chủ Nhật, 24/05/2020, 12:26
Có lẽ mấy ai biết, Adolf Hitler đã quyết định thực hiện ý tưởng tự sát với một tâm thế giằng xé đến như thế nào. Đã tròn 75 năm kể từ phút giây huy hoàng của lương tri nhân loại, khi bóng tối của chủ nghĩa phát-xít Đức chính thức bị xóa tan trong khoảnh khắc người chiến sĩ Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ đỏ lên nóc tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin. Adolf Hitler - tai ách khủng khiếp nhất của loài người trong thế kỷ XX - đã tự sát từ trước đó.

Song, mấy ai biết, ông ta đã quyết định thực hiện ý tưởng đó với một tâm thế giằng xé đến như thế nào.

Cơn thịnh nộ của Hitler

"Hắn ta - Hermann Goering, hắn ta đã làm phản. Hắn ta đã bỏ rơi cả tôi lẫn Tổ quốc. Hắn ta đã tiếp xúc với kẻ thù sau lưng tôi. Hắn ta đã kháng lệnh tôi mà rút về (tổng hành dinh SS) tại Berchtesgaden, và ở đó, hắn ta gửi cho tôi một bức điện bất kính. Đó là một tối hậu thư! Một tối hậu thư khẩn cấp. Bây giờ, tôi không còn gì nữa cả. Tôi đã lãnh đủ. Không ai còn trung kiên, không ai còn sống theo danh dự, không còn nỗi thất vọng nào lớn hơn. Không có sự phản bội nào mà tôi chưa bị trải qua, nhưng lần này vượt trên mọi lần khác. Không còn gì nữa cả! Tôi đã bị đối xử tồi tệ theo mọi cách. Tôi đã ra lệnh bắt giữ Goering, với tội danh "phản bội Đế chế". Tôi đã tước hết tất cả mọi chức vụ của hắn ta, và trục xuất hắn ra khỏi mọi biên chế…".

Đó là những gì Hitler gầm thét lên về Hermann Goering - người từng nghiễm nhiên được chính ông ta chỉ định làm kẻ kế vị mình, trước mặt hai nhân chứng là Đại tướng Không quân Đức Quốc xã Ritter von Greim và người nữ phi công Hanna Reitsch, vào đêm 26/4/1945. Theo lời kể của họ, và được tác giả William L.Shirer ghi lại cặn kẽ trong cuốn Lịch sử Đức Quốc xã - sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba, Hitler đã nói những lời ấy với "da mặt giật giật và hơi thở dồn dập", trước khi phong Ritter von Greim làm Tư lệnh Không quân thay cho vị trí của kẻ vừa bị truất phế.

Goering - Thống chế Đế chế. Goering - nhân vật số 2 của chế độ Đức Quốc xã. Goering - chiến hữu thân thiết, cánh tay đắc lực trong suốt thời gian nắm quyền của Adolf Hitler, đã làm gì để Fuehrer (Lãnh tụ) của mình tức giận đến như vậy?

Hitler, Goering (áo sáng) và Himmler (ngoài cùng bên phải) trên đỉnh cao quyền lực.

Từ Goering đến Himmler

Quả thực, ông ta đã "làm phản", cho dù mưu đồ phản nghịch đó bất thành, và cho dù không phải là nó không được đặt trên những cơ sở pháp lý cụ thể.

Tất cả những điều này diễn ra vào thời điểm vòng vây của Hồng quân Liên Xô đã siết chặt quanh Berlin, còn Hitler thì dường như đã đánh mất khả năng điều tiết mọi việc một cách tỉnh táo. Một mặt, ông ta vẫn hạ lệnh cho binh tướng và quân dân Đức chuẩn bị chiến tranh tiêu thổ, thực hiện "vườn không nhà trống", chuẩn bị sẵn sàng tiếp tục chiến đấu. Một mặt, ông ta không giấu diếm ý định sẽ tự sát cùng Berlin, và đã bắt đầu cho tiến hành tiêu hủy tài liệu. Trong khi đó, ông ta cũng vẫn xác định rằng: "Để nói chuyện với đối phương thì Goering sẽ làm tốt hơn tôi", và nhắn nhủ Goering "đừng phí thì giờ".

Có thể đó là một cái bẫy, cũng có thể không. Song, Hermann Goering đã háo hức với quyền lực đến độ lập tức bập vào. Ông ta, ở Berchtesgaden, cho mời Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng - Hans Lammers - tới, nhờ tìm hộ ông ta một bản nghị định được ký ngày 29/6/1941. Trong nghị định đó, chính Hitler xác định: Nếu Hitler chết, Goering sẽ lên thay. Nếu Hitler không còn năng lực điều hành, Goering sẽ đảm nhiệm vai trò trợ lý.

Thuộc hạ của Goering tán đồng: Hiện tại chính là lúc đó, bởi Hitler đã chọn ở lại chết tại Berlin, chọn bị cô lập khỏi quân đội cũng như chính phủ, nghĩa là không còn năng lực điều hành. Và thế là Goering gửi một bức điện đến cho lãnh tụ của mình:

"Lãnh tụ của tôi!”

Xét qua quyết định muốn lưu lại trong công sự ở Berlin của ông, liệu ông có đồng ý cho tôi lập tức đảm nhiệm quyền lãnh đạo Đế chế, được toàn quyền hành động như phụ tá của ông, theo tinh thần nghị định ngày 19/6/1941? Nếu 22h đêm nay không nhận được phúc đáp từ ông, tôi sẽ hiểu rằng ông đã mất quyền tự do hành động, và sẽ xem là tình hình đạt đủ điều kiện như đã nêu trong nghị định đó, để hành động vì lợi ích của đất nước và nhân dân Đức. Hẳn ông hiểu tôi cảm nhận như thế này trong thời khắc trầm trọng nhất này của đời tôi. Ngôn bất tận ý. Xin Thượng Đế phù hộ cho ông, và nhanh chóng mang ông tới đây, cho dù tình thế ra sao chăng nữa.

Kẻ trung thành với ông.

Hermann Goering".

Bất cứ ai, không cần phải là một người giàu tâm cơ, đa nghi và hiểu Goering như Hitler, cũng khó có thể nói rằng vị thống chế Đế chế mập mạp viết những lời này mà vẫn giữ vẹn "lòng trung thành với Quốc trưởng".

Nhưng, đau đớn cho Hitler, không chỉ mình Goering có mưu đồ ấy. Một cánh tay đắc lực khác - Heinrich Himmler, trùm SS, đơn phương đến gặp đại sứ quốc gia trung lập Thụy Điển là bá tước Bernadotte, để nói rằng "cuộc đời lãnh tụ của tôi đang đi đến hồi kết", và thúc giục vị Bá tước liên hệ với tướng Mỹ Eisenhower. Thậm chí, Himmler còn sẵn sàng tự cho phép mình ký vào một văn bản đầu hàng sơ bộ, trong bóng tối của căn hầm mất điện, dưới một trận oanh kích của Không lực Hoàng gia Anh quốc.

Nói như William L.Shirer, Himmler thậm chí còn không buồn yêu cầu quyền kế vị Hitler, mà đã tự cho mình cái quyền đó. Ông ta ngây thơ đến độ ngu xuẩn, khi đề nghị Anh và Mỹ tiếp quản mặt trận chống Liên Xô ở phía Đông.

Hitler (giữa), Goebbels (sau lưng Hitler) và Himmler (ngoài cùng bên trái) thuở hàn vi.

Cái chết là sự giải thoát

Rất nhanh chóng, hãng Reuters và đài BBC của Anh đưa tin về cuộc tiếp xúc của trùm SS với bá tước Bernadotte. Ngồi trong boong-ke của mình, nghe tin ấy, Adolf Hitler "lên cơn như một người điên" (lời Hanna Reitsch).

Còn hơn cả Goering, sự phản bội của một người bạn cố cựu từ thuở hàn vi như Himmler khiến Hitler đau đớn đến tận cùng. "Da ông ta chuyển sang một màu đỏ bầm, khuôn mặt méo mó đến không ai nhận ra nữa. Sau một tràng dài mắng mỏ, ông ta ngồi choáng váng, trong khi cả boong-ke im lặng". Ít nhất, Goering còn có ý xin phép được lên nắm quyền thay Hitler, còn người đứng đầu lực lượng thân binh SS thì không. Với Hitler, "đây là sự phản trắc nặng nề nhất mà tôi từng phải trải qua".

Và Hitler quyết định, vào lúc Hồng quân chỉ còn cách Dinh Thủ tướng Đức một khu phố. Rạng sáng 29/4, ông ta cử hành hôn lễ với vị hôn thê Eva Braun. Trước đó, ông ta phái Hanna Reitsch và von Greim đi huy động lực lượng còn lại của không quân Đức dội bom vào Hồng quân, đồng thời ra lệnh cho họ bắt giữ "tên phản bội Himmler".

"Một kẻ phản bội không bao giờ được phép kế vị tôi làm lãnh tụ. Hãy đi đi, để bảo đảm rằng mọi chuyện phải như thế!" - nhà độc tài ra lệnh. Rồi sau khi trở thành chú rể, sửa soạn bản di chúc. Trong bản di chúc đó, nỗi căm hận vẫn hằn lên từng dòng chỉ thị:

"Trước khi tôi chết, tôi trục xuất cựu Thống chế Đế chế Hermann Goering ra khỏi đảng (Quốc xã) và rút lại mọi quyền hành đã trao cho ông ta qua nghị định ngày 29/6/1941. Thay cho ông ta, tôi bổ nhiệm Thủy sư đô đốc Karl Doenitz làm Tổng thống Đế chế và Tư lệnh tối cao quân đội.

Trước khi tôi chết, tôi trục xuất cựu lãnh tụ SS và Bộ trưởng Nội vụ Heinricch Himmler khỏi đảng (Quốc xã) cũng như mọi chức vụ nhà nước. Ngoài sự bất trung đối với cá nhân tôi, Goering và Himmler còn gây nỗi nhục không gì sánh được cho cả đất nước, qua việc đàm phán với kẻ thù mà tôi không được biết và trái với ý muốn của tôi, cũng như qua các mưu đồ chiếm quyền kiểm soát nhà nước một cách bất hợp pháp".

Ta có thể hình dung, trong bối cảnh đó, sau những cú đòn tối tăm mặt mũi đó, cái chết lại trở nên dễ dàng đến đâu đối với Adolf Hitler.

Cũng còn may, trên con tàu đắm, không phải người cộng sự cũ nào cũng biến thành chuột cống. Joseph Goebbels - người gắn định mệnh của mình với Hitler và cùng Hitler tạo nên những huyền thoại tuyên truyền - là một thí dụ. Kháng lệnh của Hiter - rằng Goebbels phải ra đi để tiếp tục cuộc chiến đấu, ông ta chọn cái chết cho cả mình lẫn toàn gia đình, để làm rõ "sự bất trung tồi tệ nhất khi các tướng lĩnh phản bội lãnh tụ".

Dù sao, điều đó cũng tránh cho Goebbel việc phải ra tòa án binh Nuremberg, như Goering…

* Thống chế Đế chế là quân hàm cao hơn mọi quân hàm Thống chế khác của quân đội Đức, được Hitler xác lập để duy nhất Hermann Goering được quyền sở hữu nó.

* Heinrich Himmler tự sát ngày 23/5/1945, khi đang là tù binh của quân Anh, bằng một viên thuốc độc cyanur. Trước đó, bị cả quân Đồng minh lẫn binh sĩ Đức nhận lệnh Karl Doenitz săn lùng, Himmler đã cố gắng bỏ trốn về phía Nam, nhưng bị bắt lại ở Friedrichskoog.

Đông Quân
.
.