Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020: Đường đua đã mở

Thứ Năm, 13/06/2019, 15:36
Tổng thống Mỹ Donald Trump, hôm 31-5, đã chính thức công bố sẽ khởi động chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai của mình vào ngày 18-6. Cuộc đua tới Nhà Trắng đã thực sự bắt đầu.

Cơ hội cho tất cả

Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ lần thứ 59 dự kiến vào ngày 3 tháng 11 năm 2020 tức là còn một năm rưỡi nữa mới diễn ra nhưng những động thái tranh cử của các đảng phái đã diễn ra rầm rộ từ nhiều tháng nay. 

Thậm chí ngay từ sau thất bại của cuộc bầu cử 2016, người ta đã thấy nhiều ứng viên đảng Dân chủ rậm rịch chuẩn bị cho kế hoạch công kích đương kim tổng thống thuộc đảng Cộng hòa.

Chưa bao giờ có nhiều ứng viên tuyên bố sẽ tham gia tranh cử đến thế trong một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tính đến lúc này, đã có 23 ứng viên của đảng Dân chủ tuyên bố tham gia đường đua (và con số đó được cho là vẫn chưa dừng lại). 

Phía đảng Cộng hòa, không chỉ Tổng thống Trump mà William Weld, cựu Thống đốc bang Massachusetts cũng tuyên bố thách thức vị tổng thống đương nhiệm, với khẩu hiệu: Xây dựng một đảng Cộng hòa như thời của Lincoln. 

Ưu thế của Tổng thống Donald Trump chưa có gì là chắc chắn khi thời gian vẫn còn rất dài.

Một cái tên đáng lưu ý là Howard Schultz, cựu Giám đốc điều hành Starbuck - được biết tới như một ứng viên độc lập - dù chưa chính thức thông báo tranh cử nhưng cũng sẽ sớm góp mặt. Nếu so với những cuộc bầu cử trước đó (mà mỗi đảng trong hệ thống lưỡng đảng của Mỹ chỉ đưa ra vài ba ứng viên) thì chỉ riêng con số ứng viên đã chính thức lộ diện cho đến lúc này cũng đã là một kỷ lục.

Sự bùng nổ các ứng viên bên phía đảng Dân chủ là bởi sau sự rút lui của bà Hillary Clinton - người đã lọt vào vòng đấu cuối cùng với ông Trump 4 năm trước - không còn ai tỏ ra vượt trội. 

Do đó, tất cả những nhân vật có tiếng nói trong đảng Dân chủ đều tự coi mình là có cơ hội để trở thành người đặc biệt nhất, xứng đáng đại diện cho phe đối lập. 

Thất bại năm 2016 của bà Clinton là một bất ngờ lớn với nhiều chuyên gia theo dõi bầu cử Mỹ và người ta đã chờ đợi rất nhiều vào cuộc phục thù của bà cựu Ngoại trưởng. Nhưng khi bà Clinton quyết định rút lui, cuộc đua thực sự mở rộng.

Một điểm thú vị của cuộc đua tới đây là việc lần đầu tiên có tới 6 nữ nghị sĩ tham gia ứng cử. Có lẽ sau thành công của bà Clinton năm 2016, các nữ nghị sĩ cũng cảm thấy tự tin hơn. Nhưng, điểm cốt yếu là do thái độ của Tổng thống Trump với cử tri nữ thể hiện rõ trong quá trình tranh cử năm 2016. 

Theo một cuộc thăm dò dư luận lúc đó, có 77% người nói rằng họ không hài lòng về cách ông Trump đối xử với phụ nữ. Và một cuộc khảo sát ý kiến mới đây cho thấy 56% người tham gia đánh giá Tổng thống Trump là người "phân biệt giới tính".

Hệ quả là một làn sóng ủng hộ các ứng viên nữ trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, với việc có rất nhiều tân nghị sĩ là nữ trúng cử, chủ yếu thuộc đảng Dân chủ đối lập.

Những vũ khí của phe đối lập

Trong hội nghị của NATO hồi đầu năm, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang là ứng viên sáng giá nhất của phe Dân chủ cho cuộc đua năm 2020 đã kết thúc bài phát biểu của mình bằng tuyên bố: "Chúng tôi sẽ trở lại". 

Một câu nói ngắn gọn nhưng bao hàm tất cả những nội dung cần thiết của một chiến lược, nhằm lấy lại vị thế của nước Mỹ trong mắt những đối tác của mình nếu ông đắc cử.

Tổng thống Trump có thể thu được nhiều thành công trong điều hành kinh tế Mỹ với chỉ số thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều thập niên. Song, về mặt đối ngoại, ông thực sự gặp nhiều vấn đề. 

Không giải quyết được căng thẳng với Triều Tiên, phá bỏ thỏa thuận với Iran, đơn phương hỗ trợ Israel một cách công khai và rồi bỏ rơi những đồng minh NATO của mình..., "Nước Mỹ trên hết" trở thành một "nước Mỹ ích kỷ" nhất trong nhiều thập niên qua. Khi nước Mỹ phản ứng với vấn đề bằng những dòng tweet tùy hứng của ông Trump, họ đánh mất đi sự tin cậy từ các đồng minh. Chưa bao giờ sự nghi ngờ dành cho nước Mỹ lớn đến như thế.

Không chỉ trong chính sách đối ngoại, ngay cả trong các vấn đề đối nội, Tổng thống Trump cũng đang để lại rất nhiều hoài nghi. Thắt chặt hàng rào với người nhập cư, đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới quyền lợi của các nhóm thiểu số, ông Trump khiến cộng đồng những người Mỹ Latinh, người Hồi giáo và các cộng đồng nhỏ khác cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng. 

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, nhiều đại diện của các nhóm cộng đồng này cũng đã lần đầu tiên bước vào điện Capitol, để trở thành lực lượng đối lập với vị tổng thống được đánh giá là cực đoan nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Có thể với một bộ phận dân chúng Mỹ, những dòng tweet của ông Trump thật thú vị nhưng một nền chính trị tùy hứng như thế đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của nước Mỹ. Và sau thất bại năm 2016, các ứng viên của đảng Dân chủ cũng đã rút ra nhiều kinh nghiệm cho mình.

Sự lớn mạnh của truyền thông xã hội đã khiến họ không thể đứng ngoài cuộc. Những dòng tweet giờ cũng thành một công cụ để họ tiếp cận với các cử tri của mình một cách trực tiếp hơn (nhưng dĩ nhiên là thận trọng hơn ông Trump) rất nhiều. Nó khiến cho các ứng viên đối lập càng có niềm tin rằng mình có thể đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử tới, khi tất cả đều đã chán ông Trump rồi.

Ưu thế của đương kim tổng thống

Sau cuộc bầu cử năm 2016, người ta cho rằng ông Trump sẽ không tái tranh cử nữa. Vì tuổi tác đã cao là một phần nhưng thực sự chiến thắng của ông Trump năm đó không hề thuyết phục. 

Với những chính trị gia kỳ cựu, ông Trump giống như một gã phổi bò hơn là một nhà lãnh đạo điềm tĩnh đủ sức đối đầu với những vấn đề của nước Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp những chỉ trích, số người ủng hộ ông Trump vẫn tăng cao sau hai năm rưỡi điều hành đất nước.

Số ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đã lên tới mức kỷ lục.

Theo một khảo sát mới nhất, 46% cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump. Con số này tiếp tục tăng 1% so với hồi tháng 4 và là mức cao nhất kể từ khi ông nhậm chức. Lợi thế lớn nữa của ông Trump trong lần tái cử này là ông sẽ có sự ủng hộ gần như tuyệt đối của đảng Cộng hòa, nơi mà có tới 91% đảng viên đứng về phía ông, điều hoàn toàn trái ngược so với tình cảnh cô độc của ông trước cuộc bầu cử năm 2016. 

Ngay cả cựu Thống đốc William Weld cũng chỉ là đối trọng tạm thời của ông Trump chứ không hẳn là đối thủ thực sự. Với việc phe Dân chủ không chỉ chia năm xẻ bảy mà đã “chia đến 23” rồi, ưu thế của ông Trump so với các đối thủ của mình càng thêm rõ rệt.

Cuộc điều tra của công tố viên Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 đã kết thúc theo hướng có lợi cho ông Trump, càng tạo thêm động lực để ông quyết định sẽ tái tranh cử. 

Là tổng thống đương nhiệm, ông Trump có tất cả thời gian để dồn sức cho cuộc đua vào tháng 11 năm sau, trong khi các đối thủ của mình còn đang mải mê đấu đá lẫn nhau. Đây chính là một lý do quan trọng để hầu hết các Tổng thống Mỹ đều tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.

50 năm qua, chỉ có hai vị tổng thống thất bại khi tái tranh cử là Bush "cha" và Jimmy Carter. Cả hai vị tổng thống này đều để mất chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng vào tay các đối thủ khi nền kinh tế đang rơi vào suy thoái.

Điều này lại trái ngược hẳn với tình hình kinh tế rất tốt của nước Mỹ hiện tại. Những chỉ số kinh tế lấp lánh có lẽ là vũ khí quan trọng nhất mà ông Trump đang có để tiếp tục giữ lại chiếc ghế của mình thêm một nhiệm kỳ nữa.

Tuy nhiên, thời gian vẫn còn dài, đặc biệt là khi những cuộc chiến thương mại mà ông Trump khơi mào đang bắt đầu để lại những di chứng. Khi khởi động cuộc đối đầu với Trung Quốc, ông Trump có lẽ đã đặt tất cả vận mệnh chính trị của mình vào đó. 

Nước Mỹ đang lấy lại nhiều công việc nhưng về lâu dài những con số như 100 tỷ  USD thâm hụt thương mại vừa được công bố sẽ có tác động ra sao? Liệu những cuộc đọ sức mới với Mexico, EU hay Nhật Bản mà ông đang định tiến hành có làm xấu đi hình ảnh của ông và biến ông trở thành một vị tổng thống “thích sinh sự”?

Sẽ còn rất nhiều khúc ngoặt trong gần một năm rưỡi nữa của chặng đua này.

Tử Uyên
.
.