Bầu cử Tổng thống Mỹ: “Cơn ác mộng Donald Trump” sắp kết thúc
- Ra mắt Bộ sách duy nhất về bầu cử Tổng thống Mỹ 2016
- Từng có một “Donald Trump” trong bầu cử Tổng thống 1848?
- Ứng viên Donald Trump sẽ hầu tòa ngay sau kỳ bầu cử tổng thống
- Bầu cử Tổng thống Mỹ 2016
Reuters cùng ngày cho biết nhiều nhóm người giàu có theo Cộng hòa đã tuyên bố ủng hộ bà Hillary Clinton, trong đó có cả các viên chức thuộc nội các của cựu Tổng thống (Cộng hòa) George W. Bush.
Tranh cử bằng chiến dịch phi truyền thống với những phát biểu không thể nào quái đản hơn, Donald Trump, như được miêu tả gần đây, trông bắt đầu mệt mỏi.
Gây sốc và rất sốc
CNN (4-8-2016) cho biết ba bang quan trọng vốn có tính quyết định đối với ứng cử viên Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng - New Hampshire, Pennsylvania và Michigan - đang ủng hộ bà Hillary Clinton trong cuộc thăm dò mới nhất.
Thay vì tìm kiếm sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa, ông Trump lại làm cho họ ghét. Thay vì đưa nước Mỹ trở nên đoàn kết để khôi phục lại sự vĩ đại của nước Mỹ (“Make America Great Again” – như slogan tranh cử của ông), Trump lại khiến nước Mỹ chia rẽ và tạo ra tâm lý thù ghét.
The Economist thuật, trước khi Donald Trump xuất hiện vào đêm 1-8-2016, khoảng 3.000 “fan cuồng” của ông tập trung tại một sân vận động đã gào lên: “Chúng ta nên làm gì với Hillary Clinton?”. “Giết mụ ấy đi!” – một người trả lời. “Nhốt mụ ấy lại!” – người khác gào to… Gieo rắc tâm lý thù ghét trong xã hội Mỹ là điều “thành công” nhất trong chiến dịch tranh cử của Donald Trump.
Khảo sát mức độ khả tín từ các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên 2016, PolitiFact (dẫn lại từ The Atlantic 6-2016) cho biết chỉ 2% phát biểu của Trump là sự thật; 7% là gần sự thật; 15% là nửa sự thật; 15% là gần sai; 42% là sai và 18% là xạo. Không chỉ gây thù nghịch xã hội, Trump còn gieo rắc nỗi sợ, để làm đậm vai trò “siêu nhân” của mình.
Tháng 12-2015 (theo The Atlantic 6-2016), trong chiến dịch tranh cử tại Raleigh (North Carolina), Trump đã khiến cử tri sợ hãi khi liên tục nhắc lại “một điều gì đó rất tệ đang xảy ra” và “một điều gì đó thật sự nguy hiểm đang xảy ra”.
Dù được ủng hộ bởi lực lượng “fan cuồng” nhưng Donald Trump là bi kịch của đảng Cộng hòa nói riêng và nền chính trị Mỹ nói chung. |
Khi được một cô bé 12 tuổi đến từ Virginia hỏi: “Cháu sợ quá, ông sẽ làm gì để bảo vệ đất nước?”. Trump trả lời: “Cháu biết không, cháu yêu. Cháu sẽ không còn sợ nữa đâu. Mà chúng nó sẽ phải sợ đấy!”. Nỗi sợ ở đây là gì? Và chúng nó là ai? Trump không nói.
Ăn nói thô lỗ, Donald Trump gây chú ý như một chính trị gia độc lập dù tranh cử dưới màu áo Cộng hòa. Trump chỉ trích chính sách Dân chủ lẫn Cộng hòa; lên án một số chính sách Cộng hòa với ngôn ngữ nặng nề hơn cả phe Dân chủ.
Donald Trump thể hiện bản năng hơn là một người biết kiểm soát bản thân. Chính xác hơn, Trump để bản năng bùng phát tự nhiên hơn là cố kiểm soát nó. Trump phát biểu bất chấp phản ứng dư luận. Trump không cần lịch sự. Trump không xấu hổ. Không ứng cử viên nào ăn nói thiếu tế nhị bằng Trump.
Ông nói ứng cử viên Cộng hòa Jeb Bush là “người có năng lượng thấp” đến mức “bộ dạng ông ấy trông chán phèo”. Ông nói ứng cử viên Cộng hòa Marco Rubio “ra mồ hôi nhiều quá” và chắc chắn sẽ lúng túng khi gặp “những lãnh đạo mạnh mẽ như Vladimir Putin”.
Nói về đối thủ Hillary Clinton, Trump phát biểu: “Nếu Hillary Clinton không thể thỏa mãn chồng bà ấy thì điều gì khiến bà ấy nghĩ rằng bà ấy có thể thỏa mãn nước Mỹ?”. Trump còn nói: “Nếu tôi đứng giữa Đại lộ thứ năm (Fifth Avenue) và bắn ai đó thì tôi cũng sẽ không mất bất kỳ lá phiếu cử tri nào, okay?”.
Thay vì xây dựng quan hệ tốt với truyền thông, Trump đối đầu với họ. Ngày 6-8-2015, trong chương trình tranh luận truyền hình do Fox News thực hiện.
Người dẫn chương trình Fox News, Megyn Kelly, cật vấn Trump: “Ông gọi những phụ nữ ông không thích là lợn mập, chó, thứ nhếch nhác và động vật ghê tởm… Ông cũng từng gọi một thí sinh trong Celebrity Apprentice (chương trình truyền hình thực tế do Trump sản xuất) là cô ấy nên quỳ xuống thì hình ảnh cô ấy sẽ đẹp hơn. Những điều đó nghe thích hợp không, với khí chất của một người mà chúng ta sẽ bầu làm tổng thống? Và ông sẽ trả lời như thế nào trước cáo buộc từ Hillary Clinton rằng ông đang gây chiến với phụ nữ?”.
Khi Megyn Kelly hỏi, Trump cố gượng cười bình tĩnh, trả lời rằng những thóa mạ ấy chỉ nhằm vào Rosie ODonnell (diễn viên, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng).
Hôm sau, trong cuộc phỏng vấn CNN (đối thủ số một của Fox News), Trump nói rằng lý do khiến Megyn Kelly có thái độ “thù địch” là bởi có lẽ cô ấy đang có… kinh: “Bạn có thể thấy máu ứa ra từ mắt cô ấy, máu chảy ra từ bất cứ nơi nào trên người cô ấy”. Tiếp đó, Trump viết trên Twitter, gọi Megyn Kelly là loại đàn bà “bimbo” (gần như cùng nghĩa với cách nói: “chân dài não ngắn”)…
“Quan điểm quốc tế” của Trump dường như không bình thường. “Chúng ta có vũ khí hạt nhân, sao không mang ra dùng?” – ông từng hỏi một cố vấn chính sách đối ngoại của mình.
Thay vì gây cảm tình với các đồng minh, Trump khiến họ khó chịu. Trump tin rằng các đồng minh chỉ lợi dụng Mỹ. Vấn đề hợp tác quốc phòng với Nhật nhất thiết phải bàn lại, Trump nói.
Trump cho rằng Nhật muốn Mỹ bảo vệ họ nhưng Nhật sẽ không bảo vệ Mỹ. Nhật, với Trump, là một anh khôn lỏi. “Chúng ta đang thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc 500 tỉ USD/năm và với Nhật hơn 100 tỉ USD/năm” – Trump phát biểu.
Nhật chỉ xuất sang Mỹ trong khi “không mua gì” từ Mỹ. Nhà sản xuất máy móc xây dựng Komatsu của Nhật đang đe dọa đối thủ Caterpillar của Mỹ. Năm 2014, trước khi tuyên bố tranh cử, Trump đã chỉ trích việc “cho phép Nhật bán hàng triệu xe hơi với thuế nhập khẩu bằng không vào thị trường Mỹ”.
Với Hàn Quốc, Trump đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ tiếp tục bảo vệ Hàn Quốc khỏi sự đe dọa Bắc Triều Tiên mà không được trả một xu cho đến bao giờ nữa đây?...
Khi cậu thanh niên trẻ ở Bắc Triều Tiên (ám chỉ Kim Jong-un) bắt đầu lên gân, chúng ta lập tức đưa tàu đến. Chúng ta đưa hàng không mẫu hạm đến. Và chúng ta chẳng nhận được gì cả”.
“Trump đang đi lùi vào thời kỳ của chủ nghĩa cô lập” – nhận định của Thomas Wright, Giám đốc Dự án chiến lược và trật tự quốc tế của Viện Brookings – “Góc nhìn thế giới của ông ấy lạc hậu 30 năm. Ông ấy sẽ phá hủy quan hệ đồng minh, đóng lại kinh tế toàn cầu và cấp giấy phép hành nghề tự do cho các nhà lãnh đạo chuyên quyền”.
“Đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích đảng”
Nghiên cứu của tờ The Atlantic (1-3-2016) cho thấy, có vài yếu tố xây dựng và hình thành lực lượng “fan cuồng” của Trump. Thứ nhất, đó là thành phần chưa học đại học, những người bị “giẫm đạp” bởi toàn cầu hóa vì không theo kịp cơn lốc khoa học-kỹ thuật toàn cầu.
Điều này dẫn đến tác nhân thứ hai: họ nghĩ họ không có tiếng nói chính trị. Họ nghĩ họ bị đẩy ra rìa, một phần do cơn lốc dân nhập cư tràn vào, “đe dọa thói quen sinh hoạt và giá trị Mỹ”. Họ cảm thấy họ bất lực.
Một cuộc biểu tình chống Donald Trump. |
The Economist (3-8-2016) cho biết thêm, Trump đang dẫn trước bà Hillary Clinton ở tỷ lệ cử tri da trắng tốt nghiệp trung học. Chưa ứng cử viên nào giành cảm tình nhiều đối với nhóm cử tri này bằng Donald Trump kể từ thời Ronald Reagan năm 1984.
Vấn đề ở chỗ, vào thời điểm 1984, nhóm này chiếm đến 62% lá phiếu cử tri; bây giờ, họ chỉ khoảng 34%. Trong khi đó, bà Hillary Clinton giành cảm tình nhiều hơn đối với thành phần tốt nghiệp đại học.
Trên Washington Post (1-3-2016), Giáo sư Đại học Harvard, Lawrence H. Summers (cựu Bộ trưởng Tài chính, cựu Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia thuộc Nhà Trắng), viết rằng hiện tượng Trump cho thấy “tiến trình dân chủ đã mất phương hướng và trở nên độc hại một cách nguy hiểm”, và “khả năng bầu Trump làm tổng thống là mối hiểm họa lớn nhất cho sự thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ”.
Cựu thống đốc New Jersey, Christie Todd Whitman (Cộng hòa), thậm chí nói bà sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton hơn là Trump. Ngày 2-3-2016, một nhóm lãnh đạo an ninh quốc gia của Cộng hòa đã cùng ký vào lá thư phản đối Trump. Cùng ngày, trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox Business, cựu Ngoại trưởng Mỹ Madelein Albright nói, người nước ngoài “đang nhìn chúng ta như thể chúng ta bị mất trí”!
Các tổ chức chính trị chống Trump, được ủng hộ từ một số nhà tài trợ tài chính giàu nhất của Cộng hòa, đang tăng tốc tấn công Trump. Các gương mặt chính trị Cộng hòa chấp nhận “bỏ đảng” để theo bà Hillary Clinton ngày càng nhiều.
Đầu tháng 8-2016, dân biểu Cộng hòa Richard Hanna cho biết ông sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton. Vài tiếng sau tuyên bố của Hanna, tỉ phú Meg Whitman, nhà tài trợ truyền thống của Cộng hòa, cũng lên tiếng tương tự, rằng đã đến lúc nên “đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích đảng”.
Theo CNN (3-8-2016), một nguồn tin khả tín từ nội bộ Cộng hòa cho biết một số thành viên quan trọng trong bộ máy tranh cử của Trump, thậm chí có cả giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort, “đang cảm thấy họ phí thời gian” trong việc giúp Trump khi mà Trump vẫn phát biểu một cách không thể kiểm soát, đặc biệt mới đây, ông chỉ trích gia đình một lính Mỹ tử trận tại Iraq năm 2004.
Đã có những tin cho biết Donald Trump có thể bỏ tranh cử. Theo New York Times (4-8-2016), hãng dự đoán thị trường nổi tiếng Betfair của Anh thăm dò cho thấy giới doanh nhân chỉ đặt cược 25,8% vào chiến thắng của Trump.
ABC News (3-8-2016) tiết lộ thêm, giới chức cấp cao của bộ máy lãnh đạo đảng Cộng hòa đang xem xét khả năng Trump từ bỏ cuộc chơi. Nếu điều này xảy ra, 168 thành viên thuộc Ủy ban Cộng hòa quốc gia (RNC) phải chọn người thay thế bằng một tiến trình phức tạp.