Bầu cử Nghị viện châu Âu 2019: Bão giông quanh hòm phiếu
- Nghị viện châu Âu muốn dừng đàm phán gia nhập EU với Thổ Nhĩ Kỳ
- Bầu cử Nghị viện châu Âu: Uy thế và thờ ơ
- Nghị viện Châu Âu ra nghị quyết sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam
Nhưng có lẽ, kể từ khi cuộc bầu cử này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1979, chưa bao giờ EP đứng trước những thách thức lớn như bây giờ.
Sự thay đổi số lượng thành viên
Theo một đạo luật bầu cử được đề ra từ năm 1979, số lượng thành viên của Nghị viện châu Âu sẽ được phân bổ dựa trên dân số của từng quốc gia.
Theo đó, Đức là quốc gia có nhiều nghị sĩ EP nhất (96 người), trong khi Malta, Luxembourg, Síp và Estonia chỉ có 6 thành viên đại diện. Kể từ kỳ bầu cử đầu tiên vào năm 1979, số lượng nghị viên liên tục tăng.
Kỷ lục là tháng 7-2013, khi số lượng nghị viên lên tới 766 người. Nhưng sau đó, theo đạo luật Lisbon, số lượng thành viên được quy định là không vượt quá 751 người. Và các thành viên mới sẽ giành được ghế từ việc lấy bớt ghế của các thành viên cũ.
Tuy nhiên, trong lịch sử, chưa bao giờ số lượng nước thành viên của Nghị viện châu Âu giảm xuống, cho đến lần này. Thực ra, với việc Brexit đã bị hoãn tới tận tháng 10 năm nay, ở cuộc bầu cử này, số nước tham gia bầu cử vẫn là 28 (bao gồm cả Anh). Nhưng, đây cũng chính là khởi nguồn cho rất nhiều tranh cãi.
Nghị viện châu Âu, cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu. |
Với sự ra đi gần như chắc chắn của 73 nghị viên đại diện cho nước Anh, EP và Hội đồng châu Âu (EC) đã đồng ý giảm quy mô của EP từ 751 xuống còn 705 ghế trong cuộc bầu cử trước mắt.
Việc cắt giảm ấy sẽ dành chỗ cho sự mở rộng (có thể) trong tương lai của Liên minh, trong khi các ghế còn lại mà Vương quốc Anh bỏ trống sẽ được phân bổ lại cho các quốc gia không được đại diện đầy đủ. Tuy nhiên, khi Brexit vẫn còn bế tắc, 73 ghế đại diện của Anh sẽ vẫn ở đó, và vẫn có thể tham gia vào các quyết định của EP.
Thái độ thờ ơ với thời cuộc
Với việc lần đầu tiên kể từ khi thành lập, EU sẽ phải chia tay một quốc gia thành viên, cuộc bầu cử EP cũng sẽ phải tính toán đến việc đề ra nhiều chính sách mới, đặc biệt là khi Brexit đang tạo ra một hiệu ứng lây lan hết sức nguy hiểm.
Ngoài sự ra đi của nước Anh, phong trào dân tộc ở các quốc gia thành viên đang kéo nhiều chính phủ ra xa hơn với các kế hoạch chung của EU.
Ngay tại Đức, Pháp và Hà Lan - những nước có thể nói là đang gồng gánh châu Âu - sự trỗi dậy của các đảng cực hữu là rất rõ ràng. Hy Lạp và Ý - những đất nước được cứu dần ra khỏi cuộc khủng hoảng bằng tiền của EU - cũng đã mệt mỏi với việc phải thắt lưng buộc bụng và phản ứng dữ dội những quyết sách của tổ chức này.
Trong khi đó, sự quan tâm của dư luận dành cho một châu Âu liên kết cũng không còn lớn nữa. Việc đầu tiên mà các quốc gia thành viên đã làm ngay sau khi công bố quyết định giảm số thành viên EP xuống còn 705 là ký một tuyên bố chung kêu gọi người dân tích cực tham gia cuộc bầu cử này, để thể hiện sự ủng hộ tiến trình tiếp tục hội nhập, nhằm xây dựng một EU cường thịnh. Một nỗ lực tuyên truyền mạnh mẽ, hòng tránh cho kỳ bầu cử khỏi thất bại.
Sự chia rẽ ở châu Âu đang đến từ sự khác biệt lợi ích khá lớn giữa các tầng lớp khác nhau. Trong khi những người giàu có (đặc biệt là giới kinh doanh) hiểu rõ lợi ích của việc EU ổn định và phát triển thì phần lớn người dân không nhận ra lợi ích rõ ràng đó. Họ thậm chí còn cảm thấy mệt mỏi vì những quy định khắt khe chung về nhiều vấn đề, tác động đến cuộc sống hằng ngày.
Ngay ở Hà Lan, trong khi hai nghiệp đoàn giới chủ hàng đầu của nước này là VNO-NCW và MKB Nederland đang tích cực phát động chiến dịch thuyết phục cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử EP sắp tới, với thông điệp “Người dân Hà Lan cần suy nghĩ và hành động nhằm hướng về một châu Âu hội nhập” thì đồng thời tại Quốc hội Hà Lan, một bản khuyến nghị kêu gọi EU cần thận trọng khi xem xét các ý tưởng hội nhập sâu hơn lại được thông qua. Những bất đồng từ trong nội bộ như vậy không phải là hiếm.
Thậm chí, phong trào phản đối hội nhập còn đang lan rộng khắp nơi. Một nhóm các đảng chống EU (gọi là anti - Europa) đã xuất hiện. Mặc dù các đảng này vốn không có truyền thống đoàn kết với nhau nhưng có vẻ như họ sẽ sớm tập hợp lại.
Một cuộc điều tra cho biết tỷ lệ đặt cược dành cho số nghị viên có xu hướng chống châu Âu thắng cử trong kỳ bầu cử tới tăng cao bất thường. Nếu điều này xảy ra, với 33% số phiếu bầu, họ có thể phủ quyết mọi quyết định của EP. Một thảm họa đích thực.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định: EU hiện đang đứng trước những thách thức chưa từng có mà mức độ nghiêm trọng ngày một lớn.
Theo ông Jean-Claude Juncker, chỉ có sự thống nhất mới có thể giúp EU tìm thấy sức mạnh cần thiết để bảo tồn, củng cố và phát huy ảnh hưởng trên toàn cầu. Nhưng tuyên bố chỉ là tuyên bố, khi những nhân vật được coi là nhiệt tình với châu Âu nhất là ông Juncker hay bà Thủ tướng Đức Merkel sẽ sớm rời nhiệm sở trong thời gian tới.
Phong trào chống châu Âu ngày càng lan rộng. |
Và những thách thức của hiện tại
Cuộc bầu cử EP trong 2 ngày 24 và 25 tháng 5 tới sẽ phải chọn ra những nhà lãnh đạo chủ chốt của EU nhiệm kỳ 5 năm tới, dưới tác động của những thách thức mang tính thời đại. Một EU lớn nhất trong lịch sử, hiện cũng đồng thời là EU gặp nhiều vấn đề nhất - những vấn đề mà chưa bao giờ EU gặp phải như Brexit, sự chia rẽ nội tại và sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy.
Bên cạnh đó, các khúc mắc như sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ - EU, mối quan hệ đầy khó khăn với Nga, làn sóng di cư vẫn tiếp tục đổ vào châu Âu, chủ nghĩa khủng bố mới và cả cuộc khủng hoảng Ukraine cùng nhiều vấn đề kinh tế xã hội khác (ngân sách, thuế quan, sự già hóa dân số, môi trường...) thực sự khiến những người có trách nhiệm phải đau đầu.
Những thách thức lớn đòi hỏi một EU đoàn kết và thống nhất. Bài học Brexit thể hiện rằng trong khó khăn, các lãnh đạo châu Âu đã biết gạt bỏ bất đồng để có chung tiếng nói mạnh mẽ. EP là cơ quan lập pháp lớn nhất của châu Âu, là đại diện cho những lý tưởng, giá trị của một thế giới - nơi mà các quốc gia có thể cùng hợp tác trong một khuôn khổ chung, là hình mẫu để Liên Hiệp Quốc hướng tới. Bởi vậy, nó không được phép thất bại.
Trong tuyên bố chung gần đây nhất, lãnh đạo của 21 quốc gia cùng khẳng định: Hội nhập châu Âu đã từng hiện thực hóa giấc mơ hòa bình hàng thế kỷ ở châu lục này, sau khi chủ nghĩa dân tộc và các hệ tư tưởng cực đoan khác đã từng dẫn tới sự tàn phá và chết chóc trong hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20.
Đó là giá trị của EU mà thông qua cuộc bầu cử EP tới, cả châu Âu phải cùng giữ gìn. Và thế giới vẫn tin rằng họ sẽ làm được.
Dự kiến chương trình nghị sự chiến lược của EU trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2024 tập trung vào các nội dung chính: - Hướng tới mục tiêu xây dựng nền quốc phòng độc lập của mình, theo đó, quân đội chung EU sẽ sớm được thành lập, cùng nhau bảo vệ châu Âu trước những nguy cơ, trong bối cảnh Mỹ không còn muốn đóng vai trò “người bảo vệ” nữa. - Xây dựng nền kinh tế EU đủ sức cạnh tranh trong một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc. Ngoài việc tiếp tục tập trung nghiên cứu và phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn bằng nguồn lực chung, việc lấy lại sức ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế châu Âu trên thị trường toàn cầu cũng rất được quan tâm. Mấu chốt của nó là phải bảo vệ, đồng thời nâng cao được sức mạnh của đồng tiền chung châu Âu - euro. - Xây dựng EU thành một liên minh công bằng, thu hẹp các khoảng cách giữa các quốc gia thành viên. Những thách thức của EU trong những năm qua đến từ sự phát triển thiếu cân bằng giữa các thành viên cũ và mới. Trong nỗ lực tiếp tục mở rộng châu Âu về phía Đông, hố sâu cách biệt này có nguy cơ nới rộng hơn nữa. Đây có lẽ là thách thức lớn nhất của EU trong thời đại mới. - Xây dựng EU bền vững dựa trên sự đoàn kết, hướng đến các giá trị chung và tiên phong trong việc bảo vệ môi trường. - Nâng tầm EU thành một đối tác có tầm ảnh hưởng toàn cầu, tham gia giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới với một đường lối đối ngoại nhất quán. |