Bất ổn ở Italia châm ngòi khủng hoảng châu Âu?

Thứ Sáu, 17/02/2017, 06:07
Hiện nay, các đảng phái ở Italia đã bắt đầu tiến trình tham vấn chính trị về tương lai của chính phủ và quốc hội nước này, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) một lần nữa lâm vào bế tắc chính trị sau khi Thủ tướng Matteo Renzi từ chức.

Những diễn biến trên chính trường Italia đã đe dọa đẩy hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng bất ổn và lập tức tác động tiêu cực đến thị trường tài chính châu Âu. Nếu kéo dài, bất ổn chính trị ở Italia sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới, tạo thành cú sốc với kinh tế của toàn Liên minh châu Âu (EU).

Giới phân tích cho rằng, kết quả cuộc trưng cầu dân ý của người dân Italia nói "không" với cải cách hiến pháp không tạo ra những chấn động tức thì như việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, song nó sẽ đẩy tương lai kinh tế châu Âu đứng trước những rủi ro mới.

Khủng hoảng dai dẳng

Trong thời gian vừa qua, nền chính trị Italia phải đối mặt với tình trạng Thượng viện và Hạ viện với quyền lực ngang nhau thường xuyên đấu đá, tranh giành quyền lực và ảnh hưởng, dẫn đến việc ban hành luật đôi khi kém hiệu quả. Hậu quả là trong 70 năm qua với 63 lần thay đổi chính phủ, không có chính phủ nào của Italia có thể cầm quyền đủ một nhiệm kỳ để có thể theo đuổi một đường hướng phát triển ổn định, lâu dài.

Nhận thức được thực tế là nếu không thay đổi hệ thống nghị viện thiếu hiệu quả hiện nay, chính phủ sẽ không thể cầm quyền thành công được, cựu Thủ tướng Matteo Renzi đã quyết định mạo hiểm cả sự nghiệp chính trị của mình để chơi một canh bạc chính trị mà ở đó chỉ có kết quả là "được ăn cả, ngã về không".

Cuối cùng ông đã "mất tất cả" và phải từ chức khi 59,43% cử tri bỏ phiếu phản đối cải cách hiến pháp trong khi chỉ có 40,57% ủng hộ. Phe nói "không" với cải cách hiến pháp đã lôi kéo được sự ủng hộ của số cử tri có quan điểm chống lại các biện pháp khắc khổ và đang quan ngại về nền kinh tế của Italia, cũng như số cử tri phản đối chính sách nhập cư và đang cảm thấy chán ghét giới chính trị gia cầm quyền.

Trên thực tế, kể từ tháng 2/2008 tới nay, Italia đã trải qua bốn đời thủ tướng. Kinh tế nước này cũng đang trong giai đoạn phục hồi mong manh từ giữa năm ngoái sau khi thoát khỏi vào cuộc suy thoái nặng nề nhất và kéo dài nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, vốn bắt đầu từ quý 2/2011 với nợ công chiếm 133% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mọi sự bất ổn trên chính trường Italia đều sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế nước này.

Người dân Italia biểu tình chống lại các biện pháp khắc khổ và đang quan ngại về nền kinh tế của Italia, thể hiện thái độ chán ghét giới chính trị gia cầm quyền.

Ở vào thời điểm hiện nay, Italia vẫn đang dần chìm sâu vào một cuộc khủng hoảng mới. Trong lĩnh vực kinh tế, việc đa số cử tri phản đối kế hoạch cải cách hiến pháp đã tác động tức thời đến các thị trường tài chính.

Tỷ giá đồng Euro đã giảm tới 1,4% so với đồng USD và chỉ số trên các thị trường chứng khoán lớn như ở Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc cũng có những lúc giảm điểm đáng kể. Niềm tin của các nhà đầu tư bị lung lay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế của "quốc gia hình chiếc ủng". Do Italia là nền kinh tế lớn thứ ba ở Eurozone nên điều này sẽ tác động đến triển vọng tổng thể của cả châu Âu.

Một triển vọng kinh tế ảm đạm, cộng với tình trạng bất ổn chính trị gia tăng, sẽ khiến lãi suất trái phiếu của Italia được nâng lên. Các ngân hàng cũng như gánh nặng nợ công đang gia tăng của nước này sẽ trở thành mối quan ngại chủ yếu của các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Italia đang gánh một khoản nợ xấu khổng lồ lên đến 360 tỷ Euro và đang rất cần tái cấp vốn. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ và có thể dẫn đến chính phủ phải ra tay giải cứu hệ thống ngân hàng, vốn là một nhiệm vụ nặng nề khi bản thân "quốc gia hình chiếc ủng" đang phải gánh một khoản nợ công lớn.

Giải cứu Italia sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với Hy Lạp, bởi lẽ, với quy mô nền kinh tế như trên, số tiền cứu hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ "khủng" hơn rất nhiều. Nếu Italia buộc phải tiến hành cứu trợ các ngân hàng bằng năng lực tự có, điều đó có thể khiến nước này phải đương đầu với EU, đặc biệt là với Đức. Rome khi đó sẽ phải lựa chọn giữa một bên là cứu các ngân hàng của mình bằng cách dựa vào các nhà đầu tư nhằm tuân thủ các quy định của EU, hoặc đi chệch hướng với các quy định của Brussels, dẫn đến nguy cơ hủy hoại tính đáng tin cậy của toàn bộ hệ thống.

Italia đã có chính phủ mới, nhưng chưa chắc họ sẽ giải quyết được các vấn đề mà quốc gia này đang phải đối mặt. Tỷ lệ tăng trưởng chậm chạp, tình trạng thất nghiệp ở mức cao và sự hoài nghi của người dân đối với các thể chế truyền thống ở Italia có thể dẫn đến sự trỗi dậy của các phong trào phản đối cũng như chủ nghĩa dân túy.

Sự đình trệ sẽ khiến công cuộc cải cách kinh tế của nước này phát triển chậm lại, ít nhất cho đến năm 2018. Một số chuyên gia cho rằng, bối cảnh hiện nay đang tạo nên sức ép rất lớn tác động đến triển vọng kinh tế dài hạn của Italia, hơn là ngắn hạn.

Nền kinh tế Italia đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó hệ thống ngân hàng Italia đang gánh một khoản nợ xấu khổng lồ.

Nguy cơ tan vỡ

Do Italia là nền kinh tế lớn thứ ba ở Eurozone nên điều này sẽ tác động đến triển vọng tổng thể của cả châu Âu, từ chính trị, kinh tế, cho đến địa-chính trị. Không giống như Vương quốc Anh, Italia là một trong sáu thành viên sáng lập EU.

Trong khi Anh luôn thể hiện tư tưởng "hoài nghi châu Âu", thì người dân Italia có truyền thống ủng hộ một khu vực thống nhất. Tuy nhiên, thái độ đối với châu Âu tại Italia đã có những thay đổi căn bản thời gian gần đây, bắt nguồn từ những trì trệ kinh tế đất nước, cuộc khủng hoảng đồng Euro và nỗi lo sợ về tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Ngoài ra, Italia sử dụng đồng tiền chung châu Âu nên chuỗi sự kiện từ sau cuộc trưng cầu ý dân và sự xuất hiện của chính quyền mới còn loay hoay đối phó với khủng hoảng có thể đe dọa trực tiếp tới sự tồn vong của Eurozone, hoặc rủi ro tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Kể từ sau cuộc bỏ phiếu Brexit, EU xem cuộc khủng hoảng chính trị tiềm tàng ở Italia là nguy cơ hàng đầu đối với châu Âu trong năm 2017. Không giống như vụ Brexit - sự kiện gây nguy cơ cao đối với Anh chứ không phải với Eurozone, những vấn đề ở Italia có thể gây ra một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống cho Eurozone.

Cuộc trưng cầu ý dân thất bại, bắt đầu gây ra một hiệu ứng domino chính trị mà kết thúc có thể là việc Italia ra khỏi Eurozone hay thậm chí ra khỏi EU - một liên minh mà Italia là một thành viên sáng lập. Rõ ràng, một số thế lực chính trị ở Italia hiện tại đang liên tục thể hiện ủng hộ đưa quốc gia này rời khỏi Eurozone và EU. Đó là một cuộc chơi chính trị có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Chính trường Italia chao đảo đang mở ra cơ hội mới cho chủ nghĩa dân túy, đe dọa sự tồn tại của toàn EU.

Chính trường Italia chao đảo đang mở ra cơ hội mới cho chủ nghĩa dân túy, trong đó có "Phong trào 5 sao" (M5S), vốn đang muốn kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về việc liệu Italia có nên rời khỏi Liên minh châu Âu hay không.

Sau sự kiện Anh quyết định rời khỏi EU và tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, phe dân túy ở Italia giờ đây lại đang được tiếp thêm động lực. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy tại Italia có thể còn đe dọa EU lớn hơn cả Brexit, được coi là thước đo của phong trào dân túy đang trỗi dậy khắp châu Âu.

Trên khắp "lục địa già", giới tinh hoa đang bị thách thức bởi một số lãnh đạo phong trào dân túy khi mà họ đang gia tăng điểm số trong các cuộc thăm dò dư luận phần lớn là nhờ cam kết khôi phục nền kinh tế đang trì trệ, đảo ngược xu hướng thất nghiệp cao và chặn dòng dân nhập cư từ Trung Đông và châu Phi.

Trong bối cảnh này, giới quan sát đặt một dấu hỏi lớn về tương lai của Eurozone và gia tăng sự quan ngại ở Italia sau khi chủ nghĩa dân túy lan rộng trước sự bất lực và chưa kịp hành động của chính phủ mới.

Nhiều quan điểm tin rằng, M5S có thể liên kết với đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) - có quan điểm chống nhập cư, và gây sức ép để tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Italia trong Eurozone, tạo nên viễn cảnh Italia rút khỏi khối này. Và đây có thể là bước tiếp theo trong "lộ trình" tan rã từ từ của toàn bộ Liên minh châu Âu…

Nguyễn Tuyết
.
.