Bảng xếp hạng Đại học: Cuộc chiến khốc liệt thời kinh tế tri thức

Thứ Tư, 26/06/2019, 17:25
Nếu như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các cường quốc đua nhau bằng việc đưa người vào vũ trụ hay lên mặt trăng thì trong thời kỳ kinh tế tri thức, các nước lại đua nhau bằng các bảng xếp hạng đại học quốc tế.

Qua thời gian, cuộc đua này không còn chỉ là sân chơi riêng của các cường quốc nữa, mà còn lôi kéo cả các nước mới nổi và đang phát triển.

Từ bảng xếp hạng đầu tiên

Những năm 1960, thuật ngữ xếp hạng đại học (university ranking) về cơ bản vẫn còn rất xa lạ với mọi người. Đại học khi đó, về cơ bản là câu chuyện của giới “tinh hoa”: thầy giỏi và trò cũng vậy. Đã đi học đại học tức là tốt, là chất lượng. Việc có một bảng xếp hạng phân trình độ cao thấp giữa các trường đại học vì thế  là một việc làm thừa thãi.

Khái niệm về xếp hạng đại học  xuất hiện lần đầu vào năm 1983 khi Tạp chí US News and World Report công bố bảng xếp hạng đại học trên toàn nước Mỹ. 

Tại sao lại là Mỹ mà không phải nước nào khác? Để trả lời câu hỏi cần hiểu về một khái niệm căn bản: “Tỷ lệ đến trường” (Gross enrollment ratio hay GER). 

Tỷ lệ đến trường là khái niệm được các nhà giáo dục và kinh tế đưa ra nhằm phản ánh mức độ mở rộng của giáo dục đối với từng cấp học. Tỷ lệ này có tử số là số sinh viên/học sinh ở bậc học tương ứng (ví dụ cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học) và mẫu số là tổng số dân ở độ tuổi tương ứng (ví dụ 6-10 tuổi đối với cấp 1; 10-15 tuổi đối với cấp 2; 15-18 tuổi đối với cấp 3 và 18-23 tuổi đối với Đại học).

Khi tỷ lệ này dưới 15%, ta có nền giáo dục “tinh hoa” (elite), khi tỷ lệ này từ 16-50%; ta có nền giáo dục “đại chúng” (massive); khi tỷ lệ này từ 50% trở lên, ta có nền giáo dục “phổ cập” (universe).

Những năm 1960-1970, giáo dục đại học trên thế giới cơ bản là ở mức độ tinh hoa, dành cho số ít, tỷ lệ GER dưới 10%; nhiều nơi chỉ khoảng 2-3%. Mỹ là nước đầu tiên có nền giáo dục đại học bước qua ngưỡng tinh hoa để trở thành đại chúng. 

Thế hệ Trẻ em bùng nổ (Baby Boomers) sinh ra sau thế chiến thứ 2, bước vào độ tuổi đi học đại học vào đầu những năm 1970; cộng với tầng lớp binh lính trở về sau các cuộc chiến được chính phủ hỗ trợ kinh phí đi học đại học làm cho nền giáo dục đại học Mỹ tăng mạnh về số lượng từ những năm 1970. Giai đoạn này, GER ở bậc đại học ở Mỹ lên tới 30-40%.

GER tăng nhanh đồng nghĩa với việc số lượng trường đại học cũng tăng theo và hẳn nhiên là chất lượng đào tạo đại học trở nên phân cực. Nhu cầu xuất hiện một “thước đo” đánh giá chất lượng trường đại học bắt đầu nảy sinh. 

Đón được xu hướng đó, U News and World Report công bố xếp hạng đại học toàn nước Mỹ như đã nói.  Nhưng ở bên ngoài nước Mỹ, xếp hạng đại học vẫn là một khái niệm khá xa lạ trong suốt 2 thập kỷ sau đó.

Bảng xếp hạng U-Multirank hiện nay cho phép người dùng tự đưa ra trọng số để xếp hạng đại học theo các chỉ số tương ứng. Ảnh: L.G.

Đến cuộc chơi có tổng bằng không

Sự yên bình này chấm dứt vào năm 2003, khi Trung Quốc công bố bảng xếp hạng quốc tế đầu tiên có tên gọi Bảng xếp hạng Đại học Giao thông Thượng Hải, do một trung tâm nghiên cứu tại đại học này thực hiện với sự hỗ trợ của Chính phủ. 

Bảng xếp hạng này là một phần của một tham vọng lớn hơn đã được Chính phủ Trung Quốc khởi động từ những năm 1990: xây dựng thành công một số đại học đẳng cấp quốc tế tại quốc gia này. Ngay sau Bảng xếp hạng Đại học Giao thông Thượng Hải, một loạt các Bảng xếp hạng đại học quốc tế khác cũng ra đời trong những năm sau đó.

Sự ra đời của các bảng xếp hạng kể trên đã “kích hoạt” cho một cuộc cạnh tranh toàn cầu, một cơn sốt có tên gọi “đại học đẳng cấp quốc tế”. Và vì đây là một cuộc chơi có tổng bằng không (zero sum game) – nghĩa là khi cứ 1 đại học lên 1 hạng thì nghĩa là sẽ có 1 đại học khác xuống 1 hạng – nên tính chất khốc liệt của nó là vô cùng lớn. 

Điều này khác với cách xếp hạng theo kiểu chấm sao của khách sạn, khi cứ đạt chất lượng qua ngưỡng nhất định thì khách sạn sẽ được thêm sao; và việc thêm sao của khách sạn này không ảnh hưởng đến việc giảm sao của khách sạn khác.

Nói như lời TS Jamil Samil, chuyên gia về giáo dục của Ngân hàng Thế giới và GS Philip Altbach, Giáo sư Đại học Boston (Mỹ) thì cuộc đua xếp hạng đại học ngày nay cũng giống như cuộc đua đưa người vào vũ trụ trong những năm 1960.

Mở rộng tầm ảnh hưởng

Qua thời gian, vấn đề xếp hạng trường đại học quốc tế không chỉ là cuộc chơi của các cường quốc nữa, mà nó đã lan sang cả các nước ít có truyền thống học thuật hơn hoặc có mức độ phát triển kinh tế kém hơn. Trong các nước ít có truyền thống học thuật, các nước khu vực Trung Đông với nguồn lực tài chính dồi dào có vẻ “sốt sắng” hơn cả. 

Trong đó, trường hợp đáng kể nhất là dự án thành lập ĐH Khoa học và Công nghệ mang tên Vua Abdulla (KAUST) của Saudi Arabia. Thành lập năm 2009 với vốn đầu tư ban đầu 10 tỷ USD, KAUST có tham vọng trở thành một đại học nghiên cứu kiểu mới, chỉ tập trung vào nghiên cứu và sau đại học. 

Hiệu trưởng đầu tiên của KAUST là GS Shih Choon Fong, nguyên hiệu trưởng Đại học Quốc gia Singapore. KAUST chỉ mất đúng 4 năm để lần đầu lọt vào top 500 của Bảng xếp hạng ĐH Giao thông Thượng Hải, và trong 3 năm gần đây đã ổn định đứng ở vị trí top 201-300.

Bên cạnh các nước Vùng Vịnh, một loạt các nước khác cũng tham gia tích cực và có tham vọng rõ ràng vào việc có đại học được lọt top xếp hạng quốc tế như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore… 

Tại Malaysia, sức ép có tên trong các bảng xếp hạng lớn đến mức vào năm 2009, GS Salim - hiệu trưởng Trường ĐH Malaya đã phải từ chức chỉ vì trường của bà tụt gần 100 bậc trên Bảng xếp hạng THE-QS. 

Điều đáng nói ở đây không phải là đại học Malaya làm việc không tốt, mà bởi THE-QS đã thay đổi công thức tính điểm của mình. Giờ đây không chỉ nhiều nước tham gia vào các bảng xếp hạng quốc tế hơn mà càng ngày càng xuất hiện nhiều bảng xếp hạng quốc tế theo các tiêu chí mới mẻ.

Xếp hạng đại học ra đời đầu tiên ở Mỹ với ý nghĩa giúp phụ huynh và sinh viên có thêm thông tin về chất lượng của các trường. Nhưng từ năm 2000 đến nay thì xếp hạng đại học lại trở thành một phần của chiến lược cạnh tranh quốc gia, trong bối cảnh kinh tế tri thức được coi trọng. 

Qua thời gian, ý nghĩa của xếp hạng cũng quay trở lại với mục đích ban đầu của nó, đó là giúp phụ huynh và sinh viên chọn đúng trường. Mặc dù vậy, ở lần này, các bảng xếp hạng quốc tế còn giúp các sinh viên quốc tế chọn đúng trường khi đi du học. 

Không những thế, với việc khoảng cách giữa đại học - khu vực tư nhân ngày càng xích lại, các bảng xếp hạng cũng giúp các nhà tuyển dụng biết rõ hơn mặt yếu và mạnh của các đối tác đại học mà mình đang làm việc chung. Với nhà hoạch định chính sách, xếp hạng còn có ý nghĩa giúp họ đánh giá đúng hơn về các trường đại học để cấp ngân sách cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu.

Vĩ thanh

Xếp hạng đại học tất nhiên vẫn có nhiều vấn đề. Nhiều ý kiến chỉ trích rằng một vài chỉ số về đào tạo hay nghiên cứu không phản ánh hết hoạt động thực của một trường đại học. Một số khác lại chỉ trích việc đặt trọng số giữa các tiêu chí khác nhau làm cho nhiều trường được lợi và nhiều trường bị thiệt. 

Một số nỗ lực đã được đưa ra nhằm giải quyết việc này, ví dụ như QS giới thiệu phương pháp đánh giá kiểu chấm sao (tương tự khách sạn) toàn diện hơn. Hoặc Bảng xếp hạng U-Multirank hiện nay cho phép người dùng tự đưa ra trọng số để xếp hạng đại học theo các chỉ số tương ứng, cũng được xem là một sáng kiến mới trong xếp hạng.

Điều này nghĩa là, cùng với sự vận động của giáo dục đại học và rộng hơn là cả nền kinh tế-xã hội, thì xếp hạng đại học cũng thay đổi theo để phù hợp hơn. Xếp hạng đã và vẫn sẽ là một phần tất yếu của nền giáo dục đại học toàn cầu, mặc cho nó vẫn có nhiều nhược điểm đã được chỉ ra.

Câu nói sau đây của một Hiệu trưởng ở Anh gợi nhiều suy nghĩ: “Bảng xếp hạng nào cũng có đầy nhược điểm, nhưng tôi vẫn rất vui khi trường tôi được nâng hạng năm nay”. 

Phương pháp xếp hạng

Mặc dù có những chỉ số đánh giá khác nhau, công thức tính toán khác nhau, trọng số với từng chỉ số khác nhau, các bảng xếp hạng đại học trên thế giới nói chung đều xoay quanh 3 nhóm chỉ số, tương ứng với 3 chức năng của đại học, đó là: (i) giảng dạy; (ii) nghiên cứu; và (iii) phục vụ cộng đồng:

- Đối với giảng dạy, các bảng xếp hạng có thể đánh giá thông qua các phép đo như: tỷ lệ giảng viên trên sinh viên, tỷ lệ giảng viên có trình độ TS, kết quả khảo sát với nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên...

- Đối với nghiên cứu, các bảng xếp hạng thường đánh giá thông qua các phép đo như: số lượng bài báo công bố; số lượng trích dẫn; nguồn thu phục vụ nghiên cứu...

- Đối với phục vụ cộng đồng, các bảng xếp hạng thường đánh giá qua các phép đo như: thu nhập từ các hoạt động chuyển giao tri thức (chỉ số này thường có trọng số thấp hơn).

(Một số bảng xếp hạng như THE hay QS lại muốn nhấn mạnh riêng phần quốc tế hóa và thường đo chỉ số này thông qua các phép đo như tỷ lệ sinh viên quốc tế hay tỷ lệ giảng viên quốc tế).


Phạm Hiệp
.
.