Tổng thống Barack Obama - Thủ tướng Angela Merkel

Bằng hữu lâu năm

Thứ Hai, 27/06/2016, 13:24
Tờ CNN mới đây cho đăng tải một bài viết về những cảm nhận riêng của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Với Tổng thống Obama, bà Merkel được coi là đồng minh thân cận nhất và tạo ra những ấn tượng đặc biệt. Nữ Thủ tướng không chỉ là một nhà khoa học thực sự mà còn là người có năng lực lãnh đạo, giản dị và biết kiềm chế cảm xúc. 

Bà Merkel được cho là sở hữu một phẩm chất mà ông Obama ngưỡng mộ, đó là “sự can đảm chính trị”, và có đồng quan điểm với ông về một loạt vấn đề then chốt. Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này là một minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ và tình bạn dựa trên sự tin tưởng.

Bằng hữu lâu năm

Theo CNN, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành đối tác gần gũi nhất của Tổng thống Obama. Mối quan hệ liên minh biến thành tình bạn được thiết lập bởi lợi ích chính trị chung. Bên cạnh đó, chính tính cách tương đồng đã vun đắp cho mối quan hệ đứng vững sau nhiều thách thức. 

Lúc ông Obama mới nhậm chức, bà Merkel bày tỏ nghi ngờ về Tổng thống tương đối trẻ tuổi, và không thích bầu không khí xung quanh hiện tượng Obama. Còn khi biết Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ nghe lén điện thoại di động của bà Merkel, Đức đã rất giận dữ. 

Nhưng cả hai đều là những người thực tế và lý trí, có cái nhìn rõ ràng về những thách thức mà quốc gia của họ phải đối mặt. Họ đã bắt tay ngay cả khi những bất đồng vẫn còn đó. “Đối với tôi, tương lai với Tổng thống Obama quan trọng hơn nhiều so với quá khứ”, bà Merkel từng chia sẻ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã trở thành đối tác gần gũi nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Trên thực tế, Thủ tướng Angela Merkel đã có nhiều khoảnh khắc thú vị với Tổng thống Obama. Có thể nói, Merkel đã trở thành đồng minh thân cận nhất bên ngoài nước Mỹ của ông Obama, đồng thời là người đồng điệu về tư tưởng chính trị trong một loạt vấn đề, từ Syria tới chống khủng bố, hay đối phó với Nga trong khủng hoảng Ukraine. 

Ông Obama không thích các đồng minh quá phô trương, và bà Merkel càng không phải người như vậy. Bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng ngợi khen bà Merkel, tuy là người có khiếu hài hước, nhưng biết rõ thời điểm cần thể hiện sự nghiêm túc và cứng rắn trước bất cứ đối tượng nào.

Tổng thống Obama khẳng định, quan hệ giữa Mỹ và Đức là một trong những mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ nhất trên thế giới. Trong khi đó, Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự hợp tác lâu năm và bền vững giữa hai cường quốc Đức - Mỹ, khẳng định Mỹ là một đối tác thiết yếu, có sự liên kết chặt chẽ với Đức vì lợi ích và mong muốn của cả hai bên.

Bà Merkel cũng nhận định, Đức - Mỹ sẽ luôn là những người bạn và đối tác tin cậy, bất chấp một số khác biệt hiện nay giữa hai bên. Rõ ràng, giữa những diễn biến phức tạp của thế giới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dần tìm được sự đồng điệu từ nước Đức.

Ông Obama cho rằng, mối quan hệ với Thủ tướng Merkel đóng vai trò rất quan trọng trong nhiệm kỳ của mình. “Bà đầm thép” người Đức có quan điểm thống nhất, chắc chắn và đáng tin cậy. 

Theo lời các trợ lý của ông Obama, Tổng thống Mỹ đánh giá cao cách tiếp cận khoa học của bà Merkel đối với các vấn đề như cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng ở châu Âu, những hành động khiêu khích liên tục của Nga ở Ukraine và những nỗ lực chống khủng bố còn hời hợt trong khu vực. 

Không thể phủ nhận rằng, Thủ tướng Merkel đã chứng minh được sự lãnh đạo táo bạo của mình khi ứng phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn. Bà đã ở phía đúng của lịch sử, khiến chính ông Obama muốn đưa ra những hỗ trợ để bà có thể thực hiện mọi ý định một cách tốt nhất.

Ủng hộ và hỗ trợ

Ngay trước khi rời nhiệm sở, ông Obama đã thực hiện một chuyến viếng thăm nước Đức. Việc ông Obama đầu tư thời gian, công sức và năng lượng vào chuyến thăm này trong chuyến công du có thể là cuối cùng trên cương vị tổng thống đã cho thấy tình cảm cũng như sự tin tưởng mà ông chủ Nhà Trắng dành cho nhà lãnh đạo Angela Merkel – người đã cùng sát cánh bên ông trong suốt 8 năm qua, nếm trải những thời khắc mà ông phải đưa ra các quyết định khó khăn nhất về chính sách kinh tế và đối ngoại. 

Vị Tổng thống da màu luôn thể hiện sự ủng hộ đối với bà Merkel, khi mà bà đang phải đối mặt với những công kích xung quanh lập trường của bà về vấn đề người tị nạn từ Syria.

Theo CNN, lý do thực sự ông Obama tới Đức đơn giản và trực diện hơn nhiều. Bà Merkel mời ông chủ Nhà Trắng, và hai lãnh đạo đã có những phát biểu bảo vệ lập trường của nhau trong các vấn đề nóng của thế giới. Châu Âu đang trải qua những ngày khó khăn, khi vừa đối diện chủ nghĩa khủng bố, vừa phải ứng phó với tình hình kinh tế bất lợi, cùng khủng hoảng di cư chưa từng có tiền lệ. 

Bản thân bà Merkel cũng đang trải qua những ngày áp lực khi phải đối mặt với sức ép chưa từng có, một phần vì sự ủng hộ mạnh mẽ của bà dành cho những người di cư đang lũ lượt đổ về châu Âu.

Ông Obama đã ca ngợi sự dũng cảm và nhân văn của người đồng cấp tại Đức, khi bà mở cửa biên giới cho gần một triệu người di cư vào năm 2015. “Tôi nghĩ bà đã gắn kết mọi người thay vì chia rẽ họ. Tôi rất tự hào về bà ấy và tự hào về người Đức vì điều đó”, ông Obama nói. Tuy nhiên, những lời khen của ông Obama dành tặng Thủ tướng Đức đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích. 

Nhiều nhà phân tích cho rằng, đó là những lời nói “trống rỗng, đạo đức giả” bởi Mỹ đã chẳng làm gì khi Đức phải một mình hứng chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất từ sau Thế chiến II.

Đồng thời, ông Obama hy vọng đồng minh mạnh nhất của mình tại châu Âu có thể giúp Mỹ gây tác động lên các nhà lãnh đạo còn đang chần chừ, thúc đẩy họ nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đặc biệt là việc thực hiện các chương trình chống khủng bố mạnh mẽ hơn để nhanh chóng phát hiện ra những kẻ cực đoan bị nghi ngờ. 

Bên cạnh đó, ông cũng mong đợi sự giúp sức của bà Merkel trong việc ký kết thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và châu Âu có tên “Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương” (TTIP), đang hứng chịu phản đối mạnh mẽ từ một số người Đức.

Berlin trở thành “đối tác không thể thiếu” của Washington.

Việc Tổng thống Barack Obama đến Đức được cho là dịp để người đứng đầu Nhà Trắng tri ân đồng minh, “đánh bóng di sản” của mình và động viên bà Merkel - người đang đối mặt với những chỉ trích ở trong nước vì cách xử trí cuộc khủng hoảng di cư. Đức là một trong những đồng minh thân thiết nhất của ông Obama trong việc đối phó với nền kinh tế toàn cầu đang “run rẩy” và các cuộc khủng hoảng an ninh ở Trung Đông hay Ukraine. 

Ngoài ra, Đức cũng là nền kinh tế lớn nhất châu Âu nhưng bị cho là đối tác chưa xứng với vị thế chính trị, ngoại giao và quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống Obama vẫn xem bà Angela là một trong những đối tác thân thiết nhất, và trong khi Mỹ có “quan hệ đặc biệt” với Anh và Pháp là đồng minh lâu đời nhất thì Berlin trở thành “đối tác không thể thiếu” của Washington.

Bất chấp những điều tốt đẹp về ngoại giao, mối quan hệ giữa Tổng thống Obama và bà Merkel vẫn không bằng phẳng, chủ yếu xung quanh chính sách tài khóa. Bà Merkel ủng hộ việc “thắt lưng buộc bụng” là phương thuốc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu, trong khi ông Obama muốn dùng việc chi tiêu ngắn hạn để thoát khỏi “vũng lầy”. 

Các nhà chức trách cũng thừa nhận, mối quan hệ Mỹ - Đức xuống thấp khi phát hiện vụ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Merkel. Điều này cũng làm dư luận Đức hoài nghi về vai trò của ông Obama ở châu Âu.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Ukraine và vụ máy bay MH17 bị bắn rơi đã kéo hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức cùng ngồi lại với nhau. Theo ông Obama, bà Merkel cần duy trì sự thống nhất của châu Âu để chống lại “mọi biến động và hành động gây hấn”.

Ở trong bối cảnh thế giới nhiều thay đổi, giữa hai nhà lãnh đạo đã có một mối liên kết thực sự, giúp hai bên đều được hưởng những lợi ích của riêng mình. Theo các nhà phân tích, mối quan hệ này đã giúp Đức đảm nhận vai trò vượt trội trong quan hệ Mỹ với châu Âu, mà trước đây vị trí này thuộc về Pháp hoặc Anh. Chính sự tương đồng trong tính cách và lập trường của mỗi nhà lãnh đạo đã dẫn đến sự kết nối bền vững trước những thử thách trong nhiệm kỳ của họ…

Việt Dũng
.
.