Bản hùng ca trên quê hương hoa sở

Thứ Tư, 27/02/2019, 17:19
"Khi mùa sở ra cây/ Lúa lượn bậc thang mây/ Mùi tỏa ngát hương bay", nương theo lời bài hát Chiều biên giới (nhạc Trần Chung, thơ Lò Ngân Sủn) mà tôi về Bình Liêu (Quảng Ninh) - tuyến đầu biên giới chống Trung Quốc xâm lược (17-2-1979).


Cột mốc lòng người

Đến với Bình Liêu, cũng như chạy xe dọc tuyến đường biên giới Việt - Trung của tỉnh Quảng Ninh sau tròn 40 năm, gặp lại nhiều nhân chứng lịch sử từ người dân bình thường cho đến cán bộ cũ, chúng tôi chợt nhận ra một điều biên cương không chỉ được phân định bằng cột mốc mà còn là lòng người. 

Nhắc lại cuộc chiến đã qua, những nhân chứng bình thản kể lại câu chuyện cũ. Với họ, đó là bài học muốn lưu truyền lại cho thế hệ mai sau, không quên quá khứ nhưng hãy hướng đến hòa bình. Miền biên viễn luôn cần hữu hảo giữa hai quốc gia.

Nơi tiếng gà gáy sáng cất lên, cả hai nước cùng nghe thấy, những con người sống dọc dải biên cương phía Bắc khi buộc phải cầm súng giữ gìn từng tấc đất biên cương đã dũng mãnh là thế nhưng họ cũng thể hiện tinh thần hòa hiếu, mong muốn hòa bình bền vững giữa hai quốc gia “núi liền núi, sông liền sông”. 

Qua cuộc trò chuyện với hai ông Hoàng Thế Xương và Trần Vĩnh Phan, chúng tôi càng thấm thía thêm rằng, cột mốc biên giới vững bền bao nhiêu thì cột mốc lòng người nơi biên cương cũng bền vững bấy nhiêu. Bài học về đoàn kết các dân tộc mà tổ tiên ta truyền dạy từ xưa vẫn nguyên giá trị.


Nắng chiều vùng biên xuống rất nhanh, tôi đến muộn nhưng hai người lính già ngoài 80 tuổi vẫn vui vẻ và nhiệt tình đợi. Đó là ông Hoàng Thế Xương, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu và ông Trần Vĩnh Phan, nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng Hoành Mô (Bình Liêu) gần 20 năm liên tục (1959-1979).

Những ký ức không thể nào quên. Những ngày trồng tre làm mốc. Những ngày cắm chông. Những đêm tuần tra biên giới. Bình Liêu luôn cảnh giác với những chiêu trò nắn dòng cho sông xói vào bên bờ Việt Nam, chiếm đất, lôi kéo, kích động người Hoa về nước...

Giữ từng tấc đất

Trước năm 1979, theo lời Thiếu tá Trần Vĩnh Phan kể lại, Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành lấn chiếm lãnh thổ nước ta. Trên địa bàn huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, ngoài hình thức lấn chiếm phổ biến là xâm canh xâm cư, Trung Quốc còn dùng hai hình thức khác lấn chiếm là di chuyển, đập phá các cột mốc biên giới trên bộ và xây kè nắn dòng chảy của sông suối, làm xói lở đất Việt Nam, tạo bồi lắng sang phía Trung Quốc. 

Thậm chí, Trung Quốc còn cho lính cải trang thành dân binh, sang đất Trình Tường nước ta, phục kích bắt chiến sĩ Đồn biên phòng Hoành Mô (Bình Liêu) đang trên đường làm nhiệm vụ. Đồn trưởng biên phòng Hoành Mô phải sang tận Đồn công an biên phòng Đồng Tông (Trung Quốc) trực tiếp đấu tranh, họ mới chịu trao trả người và vũ khí đã bắt giữ trái phép.

Không lấn chiếm được đất Trình Tường, phía Trung Quốc làm đường ở khu vực mốc 63 lấn sâu vào đất huyện Bình Liêu với diện tích hơn 4.000 m². Bộ đội biên phòng Bình Liêu mau chóng phát hiện và kiên quyết đấu tranh đòi lại.

Thiếu tá Trần Vinh Phan, nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng Hoành Mô. Ảnh: KMS.

Ông Hoàng Thế Xương nhớ rằng, tình hình biên giới ngày càng nóng khi Trung Quốc dựng lên câu chuyện “nạn kiều”, kêu gọi gần 1.500 người Hoa ở Bình Liêu về Trung Quốc, đồng thời huy động lực lượng quân sự cấp trung đoàn áp sát biên giới, chuẩn bị tấn công.

Trong thời gian đó, tháng 11 năm 1978, Trung tướng Trần Quyết, Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ đội Biên phòng đã xuống kiểm tra mọi mặt hoạt động của Bộ đội biên phòng Quảng Ninh. Ông đánh giá Bộ đội biên phòng Quảng Ninh đã “Tổ chức hiệp đồng bảo vệ biên giới với các lực lượng trong khu vực biên phòng được kịp thời, chặt chẽ...”.

Trung tướng Trần Quyết cũng trực tiếp xuống Đồn biên phòng Hoành Mô (Bình Liêu) khảo sát thực địa và kiểm tra tình hình. Tư lệnh Trần Quyết kết luận: “Đồn Hoành Mô đã khắc phục khó khăn như quân số ít, dụng cụ thô sơ, sinh hoạt vật chất thiếu thốn nhưng đã cấu trúc công sự chiến đấu khá công phu, vững chắc”.

Đầu tháng 2 năm 1979, Trung Quốc tiếp tục chuyển nhiều phương tiện chiến tranh ra sát biên giới, đào đắp thêm công sự, hầm hào, bố trí các ụ súng máy, súng cối và trận địa pháo đều chĩa nòng sẵn sàng tấn công Việt Nam. Lúc cao điểm, họ dùng 80 xe vận tải quân sự chở bộ đội, vũ khí tập kết ở núi Khâu Khoay và Đồng Tông đối diện với Hoành Mô - Đồng Văn.

Trước tình hình trên, Bộ Quốc phòng đã điều một số đơn vị của Sư đoàn 325 (Quân khu I) - sau chuyển thành Sư đoàn 395 Đặc khu Quảng Ninh - ra cùng Tiểu đoàn 130 - bộ đội địa phương Bình Liêu bảo vệ biên giới.

Sư đoàn trưởng và Chính ủy Sư đoàn 395 được chỉ định tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Liêu để tăng thêm khối đại đoàn kết và hiệp đồng chỉ huy tác chiến. Thiếu tá Hà Văn Bảy - Chỉ huy phó kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh được phân công phụ trách hướng Bình Liêu.

Đêm 16-2-1979, Trung Quốc tấn công đánh chiếm cao điểm 585 tại bản Phai Làu, xã Đồng Văn nhưng đã bị chặn đánh ngay từ đầu. Sáng 17-2-1979, trời mùa đông biên giới còn chưa sáng, đúng 5 giờ 30 phút, quân Trung Quốc đồng loạt tấn công dọc tuyến biên giới Quảng Ninh bằng pháo lớn, cối hạng nặng, ĐKZ và các loại súng đại liên, trung liên. 

Riêng tại Bình Liêu, với lực lượng gần 1 trung đoàn bộ binh, quân Trung Quốc ồ ạt tấn công chiếm cao điểm Cao Ba Lanh và các cao điểm khác tại xã Đồng Văn. Trước sự chống trả quyết liệt của quân đội Việt Nam, quân Trung Quốc phải rút chạy về nước xin tiếp viện.

Anh hùng liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ

Về thành phố Hạ Long, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh phụ trách hậu cần, kể cho nghe những ngày giữ gìn biên giới tròn 40 năm về trước. Khi đó, Đặc khu Quảng Ninh đóng tại Ba Chẽ, Tư lệnh là Trung tướng Sùng Lãm, Chính ủy là ông Nguyễn Đức Tâm - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Trong các gương chiến đấu anh dũng của quân và dân Quảng Ninh chống Trung Quốc xâm lược năm 1979, ông Nguyễn Ngọc Đàm nhắc đến Anh hùng Đỗ Chu Bỉ tại mặt trận Bình Liêu.

Ông Hoàng Thế Xương, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Anh hùng, liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ sinh năm 1952, tại xã An Lâm, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ Đại đội 6, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 1-3-1979, quân Trung Quốc lại tấn công sang Bình Liêu với chiến thuật biển người. Đỗ Chu Bỉ lúc này trực tiếp chỉ huy giữ chốt A1, vị trí án ngữ tuyến đầu, cách biên giới 300m, cách Đồn biên phòng Hoành Mô 400m. 

Ở vị trí quan trọng như vậy, để chiếm vị trí chốt A1, quân Trung Quốc đã tập trung pháo binh các loại, bắn liên tiếp suốt 1 tiếng đồng hồ (từ 5 giời 45 phút đến 6 giờ 45 phút).

Pháo vừa dứt, 4 tiểu đoàn địch ào ạt xông lên. Trong tình huống đó, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chờ cho địch đến gần rồi mới hạ lệnh đơn vị đồng loạt nổ súng, bắn mãnh liệt vào đội hình địch, hàng chục tên bị tiêu diệt, sau đó tiếp tục đánh bại hàng chục đợt tiến công của địch. Bị thất bại nặng nề, quân Trung Quốc lùi lại cho pháo binh bắn cấp tập vào trận địa, khi pháo chuyển làn, bộ binh lại ào ạt xông lên...

Thất bại sau 2 lần tiến công, địch tăng viện 1 tiểu đoàn, chia thành 2 mũi: Một mũi đánh Đồn biên phòng Hoành Mô, một mũi đánh chốt A1. Đỗ Chu Bỉ chỉ huy đơn vị đánh địch cả hai hướng, diệt 20 tên. Dù bị thương vào tay, vào sườn, Đỗ Chu Bỉ vẫn không rời trận địa.

Cuộc chiến đấu kéo dài, ngày càng ác liệt, trời lại mưa, chiến hào lầy lội, Đỗ Chu Bỉ tổ chức đưa thương binh, tử sĩ sang chốt A2, tiếp tục bảo vệ chốt A1. Quân Trung Quốc liên tiếp tấn công, Đỗ Chu Bỉ vẫn bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu và hy sinh tại mặt trận. 

Ngày 19-12-1979, dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, cụ Tôn Đức Thắng - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định truy tặng liệt sĩ Đỗ Chu Bỉ danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong ký ức của những người cựu chiến binh bên chiến hào biên giới 40 năm về trước, dù Trung Quốc lắm mưu nhiều kế, quân đông, vũ khí hiện đại nhưng đã gặp phải sức giáng trả quyết liệt của quân đội nhân dân Việt Nam. Quân và dân huyện Bình Liêu đã đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của quân xâm lược. 

Theo thống kê, sau 11 ngày đêm chiến đấu, mặt trận Bình Liêu đã tiêu diệt hơn 800 tên xâm lược, phá hủy và đốt cháy 3 súng đại liên cùng nhiều vũ khí, quân trang quân dụng khác.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, ngày 19 và 20-4-1979, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức mừng công đánh thắng quân xâm lược biên giới phía Bắc. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Đàm trao tặng 11 đơn vị lập chiến công, mỗi đơn vị một bức trướng mang dòng chữ: “Anh dũng, mưu trí đánh thắng giặc Trung Quốc xâm lược”.

Kiều Mai Sơn
.
.