Bạn đọc hỏi - nhà báo trả lời số 94

Thứ Năm, 26/11/2015, 11:23
Vấn đề kháng thuốc kháng sinh hiện nay đang diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Những người dân như chúng ta phải làm gì để phòng, chống kháng thuốc kháng sinh?

Vẻ đẹp của quà tặng đang bị giết chết (?!)

Chị Nguyễn Phương Hiếu (Ngõ 118, Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, HN): Thưa nhà báo, sắp tới là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi cũng như đông đảo bạn đọc có con đang độ tuổi đi học, chúng tôi rất muốn tri ân các thầy cô giáo. Nhưng trong thời điểm như hiện nay, để tìm được một món quà phù hợp điều kiện gia đình phụ huynh mà lại thực sự có ý nghĩa và thiết thực với thầy, cô giáo là điều rất khó. Vậy theo nhà báo, trong một chừng mực nào đó, một chiếc phong bì có đựng một chút tiền đủ để mua một món quà nhỏ nào đó, có được coi như một món quà thực sự đúng mực và trân trọng tặng các thầy cô hay không?

Nhà báo Minh Đức: Khi đọc câu hỏi này của chị thì chính tôi là người hoảng hốt. Câu hỏi đó cũng chính là câu hỏi cho tôi. Trước kia, quà tặng cho dù là gì đi nữa chỉ là một thứ mang tính tương trưng hay biểu tượng cho lòng kính trọng và biết ơn những thầy cô. Còn ngày nay, vẻ đẹp của quà tặng đã bị giết chết có thể nói gần như hoàn toàn. Quà tặng bây giờ đồng nghĩa với giá trị vật chất, ngoài ra khó tìm thấy giá trị tinh thần nào từ đó nữa.

Ngày nay, nếu chúng ta đến nhà thầy cô với một cái phong bì hơi mỏng sẽ làm chúng ta áy náy mãi và không ít các thầy cô cũng sẽ không vui khi mở phòng bì ra chỉ thấy một món tiền quá khiêm tốn. Điều này thật đau lòng. Có không ít tiếng nói đã cất lên về vấn nạn quà tặng này. Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn thất bại.

Để đi qua được thách thức không nhỏ này, cả hai phía: phụ huynh và thầy cô phải nhận ra họ đang đánh mất đi những tình cảm đẹp từ cả hai phía và họ phải có một cuộc cách mạng. Nhưng cuộc cách mạng “phong bì” này luôn luôn bị đè bẹp. Nếu cả hai phía đều nghĩ đó là một ngày mà thầy cô được tôn vinh thì trong phong bì kia đồng tiền chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Khi chúng ta còn nghĩ đến giá trị vật chất không thôi từ những món quà tặng trong ngày đặc biệt ấy thì cái phòng bì ấy dày lên bao nhiêu cũng khó mà làm cho chúng ta hạnh phúc và xúc động.

Sửa đổi, bổ sung một số điều luật là đương nhiên và cần thiết

Chị Nguyễn Thị Hòa (Gia Lâm, Hà Nội): Thưa nhà báo, hiện Quốc hội đang đưa ra thảo luận và xem xét có thể cần điều chỉnh hay sửa đổi một số điều trong Bộ Luật tố tụng Hình sự và Bộ luật Hình sự. Chúng tôi cũng cảm thấy một số bất cập trong một số điều luật của Bộ Luật Hình sự, chẳng hạn về tội xâm hại, hiếp dâm, lạm dụng tình dục (không biết điều này có được xem xét và bàn thảo ở kỳ Quốc hội lần này hay không?). Đó là ở Bộ Luật của ta, người “bị hại” trong các tội nêu trên mặc nhiên được coi là nữ. Mà trên thực tế các cháu vị thành niên nam đang bị xâm hại khá nhiều. Chúng tôi cũng kiến nghị sửa “luật”: Khái niệm giao cấu, không nên chỉ hiểu theo cách truyền thống, là phải có “người nam đâm vào người nữ”. Việc xâm hại các bé trai, cần hiểu đó là xâm hại tình dục, là hiếp dâm, là những thứ tội như khi một kẻ nào đó xâm hại bé gái vậy. Luật của quốc tế cũng như vậy thì luật của ta cũng nên kịp thời điều chỉnh cho chuẩn xác.

Nhà báo Minh Đức: Câu hỏi của chị là một câu hỏi hay nhưng cũng khá bi hài. Theo dõi lâu nay, tôi nhận thấy: những nhà làm luật của chúng ta giống anh lính lệ trong câu chuyện cười dân gian. Anh ta thấy một con vịt đứng ngủ co một chân lên bèn tâu với quan “Dạ thưa quan con vịt...”. Quan hỏi: “Con vịt làm sao?”, “Con vịt hai chân ạ”. Tất nhiên anh ta định khoe quan là con vịt có một chân, nhưng vì khi quan hỏi con vịt nghe động thì tỉnh ngủ và buông chân xuống. Câu chuyện tôi kể cũng chưa thật thích hợp với câu chuyện làm luật của ta. Nhưng nó cho ta thấy một điều: các nhà làm luật không có khả năng hình dung và khái quát được những vấn đề xã hội sẽ diễn ra trong một thời đại mà tốc độ phát triển rất nhanh. Hay nói chính xác hơn là tại sao họ không chịu mở rộng cách nhìn của mình.

Vấn đề xâm hại tình dục mà chị đề cập trong câu hỏi trên từ lâu chẳng còn xa lạ gì đối với người Việt Nam. Hơn nữa, những người làm luật có lẽ không hiểu biết những vẫn đề xã hội mà hầu hết các nước trên thế giới đã trải qua và trở thành những bài học đắt giá cho cả thế giới. Đôi khi chỉ cần chịu khó xem điện ảnh nước ngoài là chúng ta có thể nắm bắt một cách dễ dàng những vấn đề tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục. Chúng ta hãy nhớ rằng: mọi hình thức tội phạm của thế giới đã và đang diễn ra trong xã hội chúng ta chỉ là ở mức độ khác nhau mà thôi. Vậy thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Bộ Luật tố tụng Hình sự và Bộ luật Hình sự là việc đương nhiên phải làm.

Nguy cơ đánh mất “căn cước văn hóa” ngày càng lớn!

Anh Nguyễn Đức Quang (Cầu Giấy, Hà Nội): Thưa nhà báo, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá, hiện nay ngoài các ngày lễ, hội cổ truyền của dân tộc, người Việt thành phố bây giờ, đặc biệt giới trẻ đã bắt kịp với thế giới, hưởng ứng rất rầm rộ các ngày lễ hội trên thế giới chả kém gì người dân các nước Mỹ, phương Tây,... thậm chí một số gia đình có điều kiện còn vung tay chi rất nhiều tiền cho các ngày lễ ngoại nhập này như: Lễ Tình nhân, ngày Cha, ngày Mẹ, hay như ngày Halloween vừa qua. Từ góc nhìn một nhà báo, ông nghĩ gì, ông có đồng tình với quan điểm này? Liệu giới trẻ tiếp cận gần hơn với thế giới theo cách này có làm họ bớt coi trọng hơn, bớt quan tâm và có ảnh hưởng tiêu cực gì với những tết lễ truyền thống của dân tộc? Và hội nhập như thế nào là vừa đủ, để vẫn giữ gìn được nét văn hoá truyền thống?

Nhà báo Minh Đức: Nhận định của anh là hoàn toàn chính xác. Tôi đã có dịp tham dự một số lễ hội trên thế giới như Lễ Giáng sinh, Lễ Tình nhân, Ngày Cha, Ngày Mẹ hay lễ Halloween. Tôi nhận thấy, chính người Việt Nam ở một số thành phố lớn hiện nay đón các ngày lễ nói trên cầu kỳ và tốn kém hơn cả những nước đã sinh những lễ hội ấy. Thực tế trên phản ảnh xu thế hội nhập nhưng khi ta “lật” phía sau của hiện thực ấy ra, ta nhìn thấy nhưng cảnh báo không kém phần nguy hiểm.

Ngay từ đầu thế kỷ 19, người ta đã cảnh báo về nguy cơ đánh mất ID (căn cước văn hóa) của con người trong một thế giới ngày càng xóa đi nhiều ranh giới của văn hóa. Thực tế ở Việt Nam, những người trẻ không thực sự có cảm xúc với những lễ hội truyền thống. Có phải vì những lễ hội truyền thống quá nặng nề? Quá cũ kỹ? Quá xa lạ với những người trẻ? Những “có phải” ấy thực sự không có lý do. Lý do cơ bản theo tôi là chúng ta đã không tổ chức những lễ hội truyền thống đúng tinh thần khởi thủy của nó. Thậm chí có những lễ hội đã bị chúng ta coi như là một cái gì đó không có tính giáo dục với người trẻ như Chợ tình và một số lễ hội có tính chất phồn thực. Trong lúc đó, chúng ta đã dần biến những lễ hội truyền thống của chúng ta là lễ hội chỉ của những người già.

Lớp trẻ đang ngày càng tiếp cận với những lễ hội của các nền văn hóa trên thế giới bởi họ tìn thấy một phần cảm xúc, tâm lý và những đặc tính trẻ của họ trong đó. Nếu chúng ta không có cách kéo họ về với những lễ hội dân gian truyền thống, chúng ta có nguy cơ rất lớn đánh mất họ. Chúng ta thử nhìn sang một số nước bên cạnh như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... thì sẽ thấy lễ hội truyền thống của họ lôi kéo được rất đông những người trẻ tham dự. Hãy trả lễ hội về đúng bản chất của nó thì tực khắc sẽ lôi cuốn được những người trẻ.

Cuộc chiến chống lại những đội quân “kháng thuốc kháng sinh”

Anh Vũ Huy Hoàng (Xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, HN): Thưa nhà báo, qua đọc báo và xem truyền hình tôi nhận thấy vấn đề kháng thuốc kháng sinh hiện nay đang diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Xin nhà báo nói rõ hơn về thực trạng này? Những người dân như chúng tôi phải làm gì để phòng, chống kháng thuốc kháng sinh?

Nhà báo Minh Đức: Trong sự hiểu biết của tôi thì vấn đề kháng thuốc kháng sinh là một vấn đề quá nguy hiểm đối với sự sống của con người nếu chúng ta không có cách ngăn chặn. Hiện nay, đã xuất hiện những vi khuẩn đa kháng thuốc. Nghĩa là sự nguy hiểm đã tăng lên ở một mức rất cao. Y học đã phải dùng nhiều loại kháng sinh cùng một lúc để chữa trị một căn bệnh mà trước kia chỉ cần dùng một loại kháng sinh. Nhưng dùng một loại kháng sinh như trước kia đã bị vô hiệu hóa. Cách phòng chống kháng thuốc kháng sinh hiệu nghiệm nhất vẫn chỉ là ngăn chặn sự lây bệnh. Bởi khi virus gây bệnh đã kháng thuốc kháng sinh lây truyền thì nó sẽ truyền gien kháng thuốc kháng sinh vào những virus khác.

Thực tế cho thấy, nếu chúng ta không tiêu diệt triệt để virus kháng thuốc kháng sinh ở một người bệnh mà để virus đó lây sang một người bệnh khác, thì khi đó, chúng ta bắt buộc phải dùng một loại kháng sinh mạnh hơn mới có thể tiêu diệt hoặc kìm chế chúng. Và cứ thế, y học liên tiếp phải tìm ra những loại kháng sinh mạnh hơn nữa. Thực tế cũng cho thấy, có những loại virus đã chiến thắng bất cứ loại kháng sinh mạnh nào của chúng ta hiện có. Bởi thế mà chúng ta đã phải dùng nhiều loại kháng sinh như một vũ khí tổng hợp để tiêu diệt chúng. Nhưng chúng ta đã có những thất bại với một số loại virus cho dù chúng ta dùng vũ khí tổng hợp. Đó là cái mà chúng ta gọi là vi khuẩn đa kháng thuốc. Ví dụ như virus HIV.

Chính vì điều đó mà việc vệ sinh phòng bệnh nghe tưởng rất đơn giản nhưng vô cùng quan trọng. Đó cũng chính là một trong những cách không cho vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh lây nhiễm. Cho nên việc cách ly người bệnh nhiễm virus kháng thuốc kháng sinh là một trong những phòng tuyến đầu tiên vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống lại những đội quân “kháng thuốc kháng sinh”. 

PV
.
.